Danh sách các nước dễ bị nhiễm sốt xuất huyết nhất tại châu Á, trong đó phần lớn là các nước ASEAN. |
Ngoài virus corona, ASEAN đang phải chịu nhiều dịch bệnh khác
Cập nhật ngày 10/2, tổng số trường hợp nhiễm chủng mới virus corona (nCoV) trên toàn thế giới đã lên đến 40.134 trường hợp. Số ca tử vong do nCoV hiện đã vượt qua số người thiệt mạng do dịch SARS hồi năm 2002-2003, lên tới 904 trường hợp. Trong đó, có 2 trường hợp tử vong bên ngoài Trung Quốc.
Thế giới chào mừng năm 2020 với một loạt dịch bệnh. Thật không may là tất cả các bệnh dịch này đang ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân và nền kinh tế của các quốc gia trên toàn thế giới. Trung Quốc còn đang phải hứng chịu dịch cúm gia cầm H5N1, mới được phát hiện tại tỉnh Hồ Nam. Còn tại thành phố Bali, Indonesia, khoảng 1.000 con lợn gia súc đã chết do dịch tả lợn châu Phi cũng mới được phát hiện.
Thế nhưng, một trong những căn bệnh truyền nhiễm ám ảnh các nước Đông Nam Á trong nhiều thập kỷ qua, lại chính là căn bệnh sốt xuất huyết. Theo số liệu từ WHO, khoảng 390 triệu người trên toàn thế giới bị nhiễm sốt xuất huyết bởi muỗi vằn. Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết, 40% dân số thế giới sống ở các khu vực có nguy cơ mắc sốt xuất huyết, bao gồm cả các nước ASEAN.
(ASEAN Post)
Đầu tư công nghệ tại ASEAN giảm 36% trong năm 2019
Theo báo cáo của quỹ đầu tư mạo hiểm Cento Ventures, mặc dù tổng vốn đầu tư vào công nghệ đã giảm từ 12 tỷ USD năm 2018 xuống còn 7,7 tỷ USD năm 2019, Đông Nam Á vẫn là một khu vực hấp dẫn đối với các nhà đầu tư công nghệ.
Lý do của sự sụt giảm này là, trong năm vừa qua có ít các khoản đầu tư lớn cho các công ty công nghệ tại Đông Nam Á. Tuy nhiên, số lượng các khoản đầu tư nhỏ, trị giá dưới 50 triệu USD lại tăng lên, từ 1,5 tỷ USD trong năm 2018 lên tới 2,4 tỷ USD. Tuy nhiên, với sự kết hợp giữa việc gọi vốn của các công ty “kỳ lân” hiện tại và các công ty mới đang nổi lên, nhiều khả năng năm 2020, mọi thứ sẽ lại đâu vào đấy.
Năm 2019, ngoài Grab và Gojek - hai công ty lớn nhất Đông Nam Á, các công ty công nghệ khác cũng nhận được các khoản đầu tư lớn như Traveloka (420 triệu USD) và VNPay (300 triệu USD). Ngoài ra, còn một số cái tên không nổi tiếng bằng như công ty cung cấp dịch vụ hậu cần điện tử Scommerce của Việt Nam (100 triệu USD), công ty công nghệ giáo dục Indonesia Ruangguru (150 triệu USD) và công ty trí tuệ nhân tạo Singapore Advance.ai (80 triệu USD).
Đáng chú ý, 2019 là năm đầu tiên, đầu tư vào các công ty khởi nghiệp ở Việt Nam vượt Singapore. Tài trợ cho các công ty khởi nghiệp có trụ sở tại Việt Nam chiếm 18% tổng vốn đầu tư trong khu vực (hoặc 741 triệu USD), một bước nhảy lớn so với năm trước khi nó chỉ chiếm 4% (tương đương 287 triệu đô la Mỹ). Trong khi đó, Indonesia vẫn là nước đứng đầu về vốn đầu tư trong khu vực.
(Tech in Asia)
Nhật Bản hối thúc ASEAN, Malaysia có lập trường cứng rắn về Biển Đông
Ngày 9/2, Nhật Bản đã hối thúc mạnh mẽ các nước thành viên ASEAN, đặc biệt là Malaysia, lên tiếng và có lập trường cứng rắn về chủ quyền đối với các vùng lãnh thổ tranh chấp ở Biển Đông.
Ông Hitoshi Tanaka, cựu Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản hiện là Chủ tịch Viện Chiến lược Quốc tế tại Viện Nghiên cứu Nhật Bản, cho rằng "im lặng có thể không còn là vàng nữa" và đã đến lúc các nước ASEAN, với tư cách là các bên liên quan, cần lên tiếng mạnh mẽ.
Ông Tanaka chỉ rõ, Nhật Bản có mối quan tâm lớn đối với những diễn biến và căng thẳng ở Biển Đông vì nó có thể gây ra hậu quả nặng nề cho các quốc gia hàng hải trong khu vực. Do đó, Nhật Bản cam kết hướng tới sự thịnh vượng của ASEAN, tổ chức có tiềm năng và vị thế trong khu vực, mặc dù các quốc gia trong khối không mạnh về kinh tế hay quân sự.
"Nên nhớ rằng các siêu cường rất quan tâm đến ASEAN, vốn đóng vai trò chiến lược trong việc đảm bảo hòa bình và ổn định ở Biển Đông và Thái Bình Dương", ông nói.
Tuyên bố của ông Tanaka đề cập đến việc Trung Quốc gia tăng tuyên bố chủ quyền đối với tất cả các quần đảo, bãi đá và rạn san hô ở quần đảo Hoàng Sa, bãi Scarborough/Hoàng Nham, quần đảo Trường Sa và Natuna bằng chính sách "đường 9 đoạn".
(New Straits Times)
Đình chỉ xuất khẩu cua sang Trung Quốc, hàng nghìn người Myanmar mất việc
Hàng nghìn người tại chợ bán của ở thị trấn Labutta, Myanmar đã mất việc làm sau khi Trung Quốc đình chỉ nhập khẩu của từ quốc gia này, do những lo ngại về sự lây lan của virus corona.
Cua là một trong những mặt hàng xuất khẩu chính tại Labutta. Mỗi ngày, thị trấn này xuất khẩu khoảng 10 tấn cua sang Trung Quốc. Hầu hết người dân ở đây chỉ kiếm sống bằng nghề đánh bắt cua. Việc cấm xuất khẩu đã ảnh hưởng đến phần lớn người dân ở đây. Ngoài ra, giá cua cũng giảm từ 15.000 kyat/kg (10,34 USD) xuống 5.000 kyat/kg (3,45 USD)
(The Star Online)