Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm Covid-19 tại Singapore. (Nguồn: AFP) |
Tình hình Covid-19 tại ASEAN
Tính tới rạng sáng ngày 10/9, ASEAN có tổng số ca nhiễm Covid-19 là 522.097 người, trong khi tổng số ca tử vong là 12.585 người. Trong ngày 9/9, ASEAN ghi nhận 6.768 ca mắc tại 7 quốc gia và 178 ca tử vong tại Philippines, Indonesia và Myanmar.
Ngày 9/9, Indonesia ghi nhận thêm 3.307 ca mắc Covid-19, nâng tổng số ca mắc lên 203.342 ca. Bộ Y tế Indonesia cho biết, trong 1 ngày qua ghi nhận thêm 106 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong vì dịch bệnh lên 8.336 ca.
Viện Phát triển Kinh tế và Tài chính (Indef) dự báo rằng tỷ lệ đói nghèo của Indonesia có thể tăng lên 10,34% trong tháng 9 do các tác động tiêu cực của dịch Covid-19. Nhà nghiên cứu Rusli Abdullah của Indef cho biết, Chính phủ Indonesia đã cố gắng giảm tỷ lệ đói nghèo xuống mức một con số, song do dịch Covid-19, tỷ lệ này đã tăng trở lại lên mức hai con số.
Trong ngày 9/9, số ca mắc mới tại Philippines là 3.176, trong khi số trường hợp bệnh nhân không qua khỏi là 70 người. Tới nay, Philippines ghi nhận tổng cộng 245.143 trường hợp mắc Covid-19 (nhiều ca nhất trong số các nước ASEAN) và 3.986 ca tử vong.
Cùng chứng kiến bệnh dịch diễn biến nghiêm trọng trong ngày còn có Myanmar. Sau nhiều tháng bình yên, những ngày gần đây, Myanmar bất ngờ ghi nhận số ca mắc Covid-19 tăng mạnh, đồng thời cũng có ca tử vong.
Ngày 9/9, Malaysia ghi nhận thêm 24 ca mắc mới, trong đó có 18 ca lây nhiễm trong cộng đồng và 6 ca nhập khẩu. Có 13 ca mới liên quan tới ổ dịch ở một cơ sở chăm sóc y tế thuộc bang Kedah. Ổ dịch này đã lây lan sang bang láng giềng Perlis. Hiện Maylaysia ghi nhận tổng cộng 9.583 ca mắc Covid-19, trong đó có 128 ca tử vong, 9.143 ca đã hồi phục và 312 ca đang được điều trị.
Tại cuộc họp báo chiều 9/9, các quan chức thuộc lực lượng liên bộ Singapore đánh giá tình hình lây nhiễm dịch Covid-19 đã cơ bản được kiểm soát, số ca lây nhiễm trong cộng đồng hằng ngày ở mức một con số, thậm chí nhiều ngày không có ca nhiễm trong cộng đồng. Do đó, Singapore sẽ triển khai thêm các biện pháp mới để bảo đảm có thể nhanh chóng truy dấu nguồn lây nhiễm khi nước này bước sang giai đoạn 3 mở cửa nền kinh tế trong thời gian tới.
Tại Việt Nam, theo Bản tin 6h ngày 10/9 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, tính đến nay, Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới. Đến hôm nay cũng đã 8 ngày nước ta không ghi nhận ca mắc Covid-19 ở cộng đồng.
(TGVN/TTXVN)
Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và các đối tác
Chiều 9/9, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tham dự Hội nghị trực tuyến Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và các đối tác, bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Phát biểu tại các Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định, trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam sẽ tích cực cùng các nước thành viên ASEAN đề ra các biện pháp, chính sách để làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác chiến lược với các đối tác, đưa quan hệ vào chiều sâu vì mục tiêu hòa bình, thịnh vượng và phát triển bền vững cho khu vực.
Trong trao đổi, Bộ trưởng các nước đối tác Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đều phát biểu mong muốn tăng cường hợp tác giữa các bên, ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN và sẵn sàng hỗ trợ ASEAN trong thúc đẩy liên kết, xây dựng Cộng đồng ASEAN; đánh giá cao năng lực ứng phó hiệu quả của ASEAN với dịch bệnh Covid-19 dưới sự dẫn dắt của Chủ tịch ASEAN 2020 và sẵn sàng tham gia ủng hộ các sáng kiến của ASEAN về ứng phó Covid-19.
(TGVN)
Ngành dệt may bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19
Ngành công nghiệp dệt may trong khu vực, nhất là tại khu vực các nước Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam (CLMV) đang chịu những ảnh hưởng tuy ngắn hạn nhưng nặng nề từ đại dịch Covid-19, đặc biệt là đối với nhà xuất khẩu chính Campuchia.
Sian Fenner, chuyên gia kinh tế châu Á tại Oxford Economics cho biết, các biện pháp phong tỏa nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus “đã có tác động nghiêm trọng đến sản xuất và xuất khẩu” tại các nước CLMV, đặc biệt là với ngành hàng dệt may. Ngoài ra, 55% số nguyên phụ liệu dùng cho sản xuất ở Campuchia, Myanmar và Việt Nam đến từ Trung Quốc, nơi các nhà máy đã đóng cửa vào đầu năm 2020.
Trong đó, Campuchia được dự đoán sẽ bị ảnh hưởng nặng nhất vì ngành công nghiệp dệt may chiếm 66% tổng xuất khẩu của quốc gia này, vốn đã từng gặt hái nhiều lợi ích từ đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Tuy nhiên, theo dự báo của Oxford Economics, khối CLMV sẽ có xu hướng tăng trưởng mạnh hơn các nền kinh tế ASEAN-5, gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan. Tăng trưởng kinh tế CMLV có khả năng đạt trung bình 5,1% từ năm 2020 đến năm 2028, vượt xa mức trung bình ước tính của ASEAN-5 là 4%.
(Business Times)
Sức mua xe máy tại Đông Nam Á giảm
Theo thông tin từ trang thống kê dữ liệu Motorcycles Data, thị trường mô tô xe máy Đông Nam Á đang trên đà lao dốc do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 khiến sức mua giảm mạnh nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.
Cụ thể, trong quý II/2020, lượng xe máy tiêu thụ tại các quốc gia Đông Nam Á tiếp tục giảm 60% so với quý II/2019. Mức giảm mạnh trong quý II/2020 kéo tổng lượng tiêu thụ xe máy tại khu vực trong giai đoạn 6 tháng đầu năm 2020 chỉ đạt 4,83 triệu xe, giảm 33,3% so với cùng kỳ năm 2020.
Mức giảm mạnh này được dự báo sẽ tác động không nhỏ đến tổng lượng tiêu thụ xe máy toàn cầu trong năm nay.
Trong năm 2019, khu vực Đông Nam Á chiếm 23,6% doanh số bán xe máy toàn cầu, trong đó có tới 4 quốc gia góp mặt trong Top 10 thị trường xe máy lớn nhất thế giới.
(Motorcycles Data)