📞

Tin tức ASEAN buổi sáng 11/11: ASEAN 37 và hy vọng phục hồi kinh tế, Việt Nam được đánh giá cao trong vai trò chủ tịch ASEAN

09:30 | 11/11/2020
TGVN. ASEAN 37 và hy vọng phục hồi kinh tế, Việt Nam được đánh giá cao trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2020... là những thông tin chính trong bản tin ASEAN ngày hôm nay.

Văn kiện ASEAN 37 tạo cơ sở hợp tác và phục hồi kinh tế

Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại ASEAN cùng Ủy ban các đại diện thường trực tại ASEAN (CPR) đang tập trung cao độ cho việc hoàn tất các văn kiện để trình thông qua tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 (HNCC ASEAN 37) và các HNCC liên quan.

Đại sứ Trần Đức Bình, Trưởng Phái đoàn Đại diện thường trực Việt Nam tại ASEAN.

Đại sứ Trần Đức Bình - Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại ASEAN cho biết, tổng cộng có hơn 10 văn kiện cần hoàn tất, trong đó có 5 văn kiện ưu tiên như Tuyên bố kỷ niệm 15 năm HNCC Đông Á; Tuyên bố hợp tác biển bền vững; Tuyên bố HNCC ASEAN+3 về tăng cường năng lực tài chính cũng như kinh tế để ứng phó với những thách thức hiện nay.

“Chúng tôi tự tin là sẽ có các văn kiện chất lượng, có ý nghĩa trình các lãnh đạo thông qua để khẳng định rằng ASEAN là một cộng đồng gắn kết và chủ động thích ứng trong trong bối cảnh hiện nay và ASEAN tiếp tục mở rộng hợp tác với tất cả các đối tác trong việc ứng phó với đại dịch Covid-19 cũng như nỗ lực phục hồi kinh tế và các hoạt động xã hội”, Đại sứ Trần Đức Bình nhấn mạnh.

Theo Đại sứ Trần Đức Bình, “điểm nhấn” lớn nhất của các HNCC lần này là việc thông qua rất nhiều văn kiện cũng như tài liệu mà các nước ASEAN và các nước đối tác đã dành thời gian xây dựng trong suốt một năm qua trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Mục đích của các văn kiện, tài liệu này là tạo cơ sở hợp tác giữa ASEAN và các nước đối tác nhằm khắc phục hậu quả của đại dịch Covid-19 cũng như nâng cao năng lực xử lý nhằm ứng phó với các đại dịch trong tương lai; tăng cường hợp tác nhằm thúc đẩy phục hồi kinh tế và kết nối về thương mại, đầu tư, di chuyển của người dân trong khu vực cũng như với các nước đối tác.

(TTXVN)

Chuyên gia đánh giá cao vai trò Chủ tịch ASEAN của Việt Nam

Đánh giá về vai trò của Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020 và những đóng góp của Việt Nam trong việc thúc đẩy sự hợp tác khu vực đối phó với Covid-19 và khôi phục kinh tế, ông Choi Shing Kwok, Viện trưởng Viện ISEAS-Yusof Ishak kiêm Giám đốc Trung tâm nghiên cứu ASEAN thuộc ISEAS, Singapore, khẳng định 2020 là năm đặc biệt khó khăn và Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc vai trò Chủ tịch ASEAN trước tất cả những khó khăn và trở ngại.

Ông đánh giá, trên cương vị Chủ tịch, Việt Nam đã đảm bảo sự quan tâm đồng đều của khối dành cho các cuộc thảo luận về những biện pháp đối phó trước mắt với dịch bệnh cũng như các kế hoạch phục hồi dài hạn sau đại dịch. Bên cạnh Quỹ ứng phó Covid-19 ASEAN - một trong những cơ chế đầu tiên được thành lập để đối phó với những thách thức y tế trước mắt, Hiệp hội cũng đã xây dựng Khuôn khổ phục hồi toàn diện ASEAN để định hướng khu vực hành động khôi phục sau đại dịch.

Theo ông, trên cương vị Chủ tịch, Việt Nam cũng lưu tâm các vấn đề quan trọng khác như biến đổi khí hậu, hợp tác kinh tế, phát triển bền vững, số hóa và Biển Đông.

Trong khi đó, TS. Hoo Chiew Ping, giảng viên cao cấp về nghiên cứu chiến lược và quan hệ quốc tế, Đại học Quốc gia Malaysia, cho rằng dưới sự điều phối của Việt Nam trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, các cuộc đối thoại và hội nghị ASEAN đều được duy trì theo hình thức trực tuyến, phù hợp với tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Việc một số HNCC với các đối tác đối thoại ASEAN sẽ được tổ chức cùng với Tuần lễ Cấp cao ASEAN cho thấy vai trò lãnh đạo to lớn của Việt Nam trong việc thúc đẩy giao tiếp nội khối trong khi duy trì quan hệ đối tác với các đối tác bên ngoài. Chuyên gia này nêu rõ: "Việt Nam sẽ thiết lập các tiêu chuẩn và quy trình để triệu tập các cuộc họp và đối thoại của ASEAN trong tương lai trong trường hợp xảy ra gián đoạn và đây không phải là một kỳ công dễ dàng".

Cùng chung quan điểm, Tiến sỹ Ngeow Chow Bing, Giám đốc Viện Nghiên cứu Trung Quốc, Đại học Malaya (Malaysia), nhận định khi Việt Nam bắt đầu đảm nhiệm chức Chủ tịch ASEAN 2020 cũng là lúc thế giới dần đối mặt với đại dịch Covid-19.

Bất chấp việc đại dịch Covid-19 tác động lớn tới đời sống kinh tế, xã hội trong khu vực cùng những thách thức về mặt số hóa các kênh hợp tác, Việt Nam, trong vai trò Chủ tịch ASEAN, dù phải đối mặt với rào cản từ việc giao thông xã hội bị gián đoạn, đã làm tốt trong việc đảm bảo hoạt động của ASEAN không bị gián đoạn.

(Strait Times)

Ngày 10/11, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh chủ trì Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN. (Ảnh: Tuấn Anh)

Colombia, Nam Phi và Cuba tham gia Hiệp ước thân thiện và hợp tác Đông Nam Á

Sáng 10/11, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã cùng các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN dự Lễ ký văn kiện mở rộng để Colombia, Nam Phi và Cuba tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác Đông Nam Á (TAC) được thực hiện bằng hình thức trực tuyến.

Phát biểu tại lễ ký, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cho rằng, việc mở rộng Hiệp ước TAC cho thấy vị thế và vai trò quốc tế của ASEAN trong tăng cường hợp tác, thúc đẩy hòa bình, an ninh khu vực và thế giới.

Phó Thủ tướng đề nghị các nước Colombia, Cuba và Nam Phi thực hiện theo đúng những mục tiêu và nguyên tắc của TAC.

Cùng ngày đã diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM), Hội nghị lần thứ 22 Hội đồng Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN (APSCC), Hội nghị lần thứ 28 Hội đồng Điều phối ASEAN (ACC), Hội nghị Hội đồng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AECC) lần thứ 19, Hội nghị về các giải pháp thúc đẩy phục hồi tăng trưởng, nâng cao tự cường kinh tế khu vực ASEAN giai đoạn hậu Covid-19.

(TGVN)

Kinh tế Internet của Đông Nam Á vượt mức 100 tỷ USD trong năm 2020

Cụ thể, nền kinh tế internet của Đông Nam Á sẽ đạt 105 tỷ USD trong năm nay khi cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19 khiến người tiêu dùng mắc kẹt tại nhà và sử dụng internet để mua sắm, đặt đồ ăn và giải trí.

Theo báo cáo được Reuters dẫn lại từ Google, Temasek Holdings và Bain & Co, các quốc gia như Indonesia, Malaysia, Việt Nam, Singapore và Philippines có thêm 40 triệu người dùng internet trong năm nay, nâng tổng số trên toàn khu vực lên 400 triệu, chiếm khoảng 70% dân số Đông Nam Á.

(Reuters)