Khai mạc Hội nghị Bộ trưởng kinh tế ASEAN hẹp lần thứ 26 tại Đà Nẵng ngày 10/3. |
Phê duyệt các ưu tiên cho Cộng đồng kinh tế ASEAN
Ngày 10/3, tại Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN hẹp (AEM hẹp) lần thứ 26 tại Đà Nẵng, các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN đã chính thức thông qua 12/13 đề xuất về sáng kiến, ưu tiên hợp tác kinh tế của Việt Nam trong năm Chủ tịch ASEAN 2020.
Với sáng kiến còn lại liên quan đến giảm cước chuyển vùng quốc tế, các Bộ trưởng cũng thông qua nhưng giao các cơ quan chuyên môn cần làm rõ thêm một số vấn đề kỹ thuật trước khi có thể triển khai chính thức.
Hội nghị cũng đã rà soát và thống nhất các ưu tiên trong chương trình làm việc thường niên năm 2020 trong kênh kinh tế. Danh sách này bao gồm 62 nội dung khác nhau thuộc phụ trách của AEM.
(TG&VN)
Đông Nam Á có nguy cơ bỏ lỡ dịch Covid-19 bởi dịch sốt xuất huyết
Sự bùng phát đồng thời của sốt xuất huyết và Covid-19 ở Đông Nam Á sẽ đặt ra những thách thức mới cho chính quyền và ngành y tế.
Theo tạp chí y tế The Lancet đã chỉ ra những điểm tương đồng của bệnh sốt xuất huyết và chủng mới của virus corona và điều này có thể dẫn đến nguy cơ cho kết quả dương tính giả đối với bệnh sốt xuất huyết.
Theo nhóm tác giả đến từ Đại học Quốc gia Singapore, Bệnh viện Đa khoa Ng Teng Fong và Viện Sức khỏe Môi trường, rất khó để phân biệt virus dengue và virus SARS-CoV-2 bởi chúng có nhiều đặc điểm giống nhau, dù là lâm sàng hay xét nghiệm kỹ càng.
Ví dụ, hai trường hợp tại Singapore, ban đầu khi xét nghiệm huyết thanh học nhanh cho kết quả dương tính với virus dengue, nhưng sau đó hai bệnh nhân nay được xác định dương tính với Covid-19. Cả hai bệnh nhân đều không đi đến các khu vực bị ảnh hưởng bởi virus corona, nhưng có các triệu chứng như sốt và ho.
Mặc dù vậy, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhấn mạnh rằng virus dengue và SARS-CoV-2 là hai loài virus hoàn toàn khác nhau bởi một loại là virus flavi và một loài là virus corona. Tuy rằng triệu chứng ban đầu của hai bệnh có thể giống nhau, nhưng dần dần khi bệnh phát triển thì việc phân biệt sẽ diễn ra dễ dàng hơn.
Nhằm đẩy lùi vấn đề này, các chuyên gia cho rằng các nước Đông Nam Á cần phải sở hữu đầy đủ những bộ kit xét nghiệm Covid-19 với tính chính xác cao.
(SCMP)
Campuchia tổ chức kỷ niệm Ngày Diễn đàn hợp tác Á-Âu (ASEM)
Ngày 10/3, Campuchia đã kỷ niệm Ngày ASEM (Diễn đàn hợp tác Á-Âu) nhằm nâng cao ý thức trong cộng đồng về tầm quan trọng của ASEM.
Hoạt động trên diễn ra trong bối cảnh Campuchia sẽ đăng cai Hội nghị Cấp cao ASEM lần thứ 13 tại thủ đô Phnom Penh từ ngày 16-17/11 tới.
Phát biểu tại sự kiện, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Campuchia, Prak Sokhonn cho biết lễ kỷ niệm Ngày ASEM là một bằng chứng khác cho thấy Campuchia đã sẵn sàng và cam kết mạnh với Hội nghị Cấp cao ASEM 13.
"ASEM đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ đối tác Á-Âu và hợp tác nhằm tăng cường hòa bình, thịnh vượng kinh tế và tiến bộ xã hội. Hơn nữa, ASEM đã trở thành một trong những hòn đá tảng của hệ thống đa phương và quản lý toàn cầu", ông nói.
Phó Thủ tướng Sokhonn cho biết Campuchia đã đề xuất "Tăng cường chủ nghĩa đa phương vì tăng trưởng chung" là chủ đề của Hội nghị sắp tới. Chủ đề này tập trung vào sự tương tác giữa 4 ý tưởng chính gồm chủ nghĩa đa phương, tăng trưởng, phát triển bền vững và thịnh vượng.
Theo ông, "Cùng nhau, ASEM có thể đóng góp đáng kể cho việc củng cố quan hệ đối tác Á-Âu để đảm bảo rằng chủ nghĩa đa phương đem lại tăng trưởng bền vững và toàn diện, và thịnh vượng chung".
Và "chỉ thông qua mục đích chung và thống nhất, chúng ta mới có thể hy vọng làm chủ nghĩa đa phương mạnh hơn và kích hoạt các nỗ lực tập thể nhằm đối phó với các thách thức toàn cầu đang nổi lên trong thời đại chúng ta".
ASEM thành lập năm 1996, gồm 53 đối tác, trong đó có 21 quốc gia châu Á, 30 quốc gia châu Âu, Ban thư ký Hiệp hội Các quốc gia châu Á (ASEAN) và Ủy ban châu Âu (EC). Các đối tác trong ASEM chiếm 65% nền kinh tế toàn cầu, 60% dân số thế giới, 55% thương mại quốc tế và 75% du lịch thế giới.
(Tân Hoa xã)
Đàm phán RCEP cần phải minh bạch hơn nữa
Ông Teddy Baguilat, cựu nghị sĩ Philippines và thành viên hội đồng quản trị của Nghị viện ASEAN về Nhân quyền (APHR) cho biết, việc Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) cần phải minh bạch hơn nữa.
Ông Baguilat nhấn mạnh, trong các cuộc đàm phán, các chính phủ đã trao đặc quyền cho các nhóm doanh nghiệp vận động hành lang lớn mà bỏ qua một số vấn đề như sự minh bạch của các văn bản đàm phán.
APHR còn lo lắng về các đề xuất liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ, bằng cách mở rộng các bằng sáng chế, có thể dẫn đến giá thuốc tăng, khiến hàng trăm triệu người ở Đông Nam Á không tiếp cận được với chăm sóc y tế cơ bản.
Mặc dù các thành viên RCEP đã có những bước đi tích cực trong việc loại bỏ cơ chế giải quyết tranh chấp đầu tư-nhà nước (ISDS), nhưng các biện pháp vẫn chưa rõ ràng. APHR kêu gọi các bên đàm phán loại trừ chính thức các cơ chế ISDS khỏi tất cả các cuộc đàm phán RCEP như một bước để đảm bảo thỏa thuận tuân thủ quyền con người.
Hơn nữa, APHR kêu gọi Cộng đồng kinh tế ASEAN cần cân bằng trọng tâm của mình trong việc khuyến khích hoạt động kinh tế với các nghĩa vụ rộng lớn hơn, để đảm bảo và tôn trọng quyền con người trong khu vực.
(The Online Citizen)