📞

Tin tức ASEAN buổi sáng 11/6

09:30 | 11/06/2020
TGVN. Cập nhật tình hình Covid-19 tại ASEAN, Đối thoại thanh niên ASEAN - Ấn Độ, Anh muốn là Đối tác đối thoại của ASEAN ... là những thông tin chính trong bản tin ASEAN ngày hôm nay.
Tại ASEAN, Indonesia đang là ổ dịch Covid-19 lớn nhất. (Nguồn: AP)

Covid-19 tại ASEAN: Indonesia và Philippines nghiêm trọng nhất khối

Tính tới hết ngày 10/6, ASEAN ghi nhận 109.364 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19, trong đó 3.195 ca tử vong. Tình hình ở Indonesia và Philippines vẫn đang nghiêm trọng.

Trong 24 giờ qua, ASEAN có 2.437 ca mắc Covid-19 và 47 ca tử vong. Đa số ca mắc mới đều ở Indonesia (1.240 ca), Philippines (740 ca) và Singapore (451 ca). Ngoài ra, Thái Lan và Malaysia ghi nhận lần lượt 4 và 2 ca trong ngày 10/6.

Trong ngày 10/6, có ba nước ASEAN ghi nhận ca tử vong là Indonesia (36 ca), Philippines (10 ca) và Malaysia (1 ca). Nước có ca tử vong nhiều nhất khối tới nay là Indonesia với 1.959 ca.

Ngày 10/6, Indonesia ghi nhận số ca mắc Covid-19 trong ngày cao nhất từ trước tới nay với 1.241 trường hợp. Đây là ngày thứ hai liên tiếp quốc gia Đông Nam Á này ghi nhận số ca mắc bệnh cao nhất trong vòng 24 giờ.

Tính tới nay, đã có tổng cộng 34.316 người mắc Covid-19 tại Indonesia, trong đó có 1.959 người tử vong, 12.129 người khỏi bệnh. Ít nhất 287.470 người đã được xét nghiệm.

Bộ Y tế Philippines thông báo nước này ghi nhận 740 ca mắc Covid-19 trong ngày 10/6 - mức cao nhất trong ngày trong vòng một tuần qua. Như vậy, số ca mắc Covid-19 tại Philippines đã lên đến 23.732 người, trong đó có 1.027 người tử vong.

Theo kế hoạch, lực lượng đặc nhiệm ứng phó với Covid-19 của Philippines sẽ nhóm họp trong ngày 11/6 để quyết định việc nới lỏng thêm các biện pháp phong tỏa ở Thủ đô Manila.

Cũng trong ngày 10/6, Bộ Giáo dục Malaysia cho biết nước này sẽ mở cửa lại trường học theo từng giai đoạn, từ ngày 24/6 tới. Thông báo trên được đưa ra trong bối cảnh Malaysia bước vào giai đoạn phục hồi sau 3 tháng phong tỏa nghiêm ngặt nhằm khống chế dịch bệnh.

Nền kinh tế lớn thứ 3 Đông Nam Á cũng đã bắt đầu dỡ bỏ hầu hết các quy định phòng chống Covid-19 trong ngày 10/6, sau khi chính phủ tuyên bố kiểm soát được tình hình. Tính đến nay, nước này ghi nhận 8.338 ca mắc Covid-19, trong đó có 118 trường hợp tử vong.

Tuần tới, Singapore sẽ thử nghiệm lâm sàng trên người kháng thể TY027 do công ty công nghệ sinh học Tychan có trụ sở tại Singapore sản xuất để điều trị bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19.

Chính phủ Thái Lanđang chuẩn bị các bước cho giai đoạn 4 nới lỏng các biện pháp phong tỏa sau khi trong 16 ngày qua không ghi nhận thêm ca nhiễm Covid-19 mới trong cộng đồng, ngoại trừ những trường hợp bị nhiễm là công dân từ nước ngoài trở về và đã được cánh ly.

Trong ngày 10/6, Thái Lan ghi nhận 4 ca Covid-19 trong số các công dân từ nước ngoài trở về, nâng tổng số các ca nhiễm lên 3.125 bệnh nhân, trong đó có 58 trường hợp tử vong.

Trước thực tế số lượng các ca mới phát hiện trong nhóm công dân hồi hương nhưng không có triệu chứng đang tăng lên, Bộ Y tế Thái Lan đã gửi thư tới các bệnh viện trên toàn quốc chỉ thị xét nghiệm Covid-19 đối với tất cả các bệnh nhân nhập viện.

Việt Nam 56 ngày qua không ghi nhận ca mắc Covid-19 ở cộng đồng, tổng số trường hợp mắc Covid-19 được chữa khỏi là 320/332 bệnh nhân (chiếm 96,4%), trong đó 49/50 bệnh nhân mang quốc tịch nước ngoài đã được Việt Nam điều trị khỏi.

(TTXVN/TGVN)

Đối thoại Thanh niên ASEAN - Ấn Độ: Kết nối để vượt qua thách thức

Từ ngày 8-10/6, Đối thoại Thanh niên ASEAN - Ấn Độ năm 2020 đã diễn ra trực tuyến, thu hút sự tham gia của hơn 200 đại biểu là thanh niên, các chính trị gia, giới nghiên cứu và các tổ chức xã hội của các nước Đông Nam Á và Ấn Độ.

Lần thứ 3 được tổ chức, diễn đàn này là nơi để bạn trẻ các nước ASEAN và Ấn Độ trao đổi kiến thức, sáng kiến mở ra cơ hội hợp tác, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã khiến thế giới thay đổi chưa từng có.

Đối thoại Thanh niên ASEAN-Ấn Độ là sáng kiến ra đời năm 2017, nhân dịp hai bên kỷ niệm 25 năm quan hệ Đối tác đối thoại ASEAN-Ấn Độ. Diễn đàn này do Quỹ Ấn Độ, phối hợp với Ban Thư ký ASEAN, Bộ Ngoại giao Ấn Độ tổ chức nhằm đưa thế hệ trẻ của Đông Nam Á và Ấn Độ tới gần nhau hơn, mở rộng hiểu biết và mở ra các cơ hội hợp tác mới. Hoạt động này cũng phản ánh sự tương đồng về văn hóa và văn minh giữa Ấn Độ và các nước Đông Nam Á, để cùng bàn bạc, hướng tới sự thịnh vượng chung.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang khiến thế giới thay đổi, khiến sự hợp tác, giao lưu quốc tế bị đình trệ và làm nảy sinh những vấn đề toàn cầu mới, Đối thoại Thanh niên ASEAN-Ấn Độ lần thứ 3 là nơi để hai bên tìm ra các giải pháp mới thúc đẩy quan hệ.

Trong bài phát biểu tại cuộc đối thoại trực tuyến này, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu cũng đã đưa ra những gợi ý riêng về chủ đề này.

Đại sứ Phạm Sanh Châu nói: “Chúng ta đã chứng kiến Việt Nam và các nước ASEAN có nhiều sự kết nối về lịch sử, văn hóa với Ấn Độ. Vì vậy, chúng ta hãy khuyến khích thanh niên Ấn Độ tới Đông Nam Á sau khi đại dịch này qua đi, để làm giàu thêm kiến thức của họ.

Tiếp đến là để thúc đẩy du lịch giữa hai bên. Điều thứ hai tôi muốn nhấn mạnh ở đây là hợp tác giáo dục. Đây là thời điểm tốt để các trường đại học Ấn Độ mở cửa, dành những suất học bổng, những cơ hội cho sinh viên nước ngoài tới học tại đây. Và chắc chắn là chúng ta chưa thể hiểu hết được chất lượng giáo dục tại các trường đại học của Ấn Độ tốt như thế nào”.

Ngay từ khi ra đời, Đối thoại Thanh niên ASEAN Ấn Độ đã được trao vai trò là cầu nối, diễn đàn đối thoại giữa thanh niên hai bên, giúp thế hệ trẻ Đông Nam Á và Ấn Độ khám phá những sự tương đồng về lịch sử, văn hóa, thúc đẩy trao đổi kiến thức, hướng tới những chính sách mới giải quyết các vấn đề đương đại. Tình hữu nghị và hiểu biết từ thế hệ trẻ sẽ là nền tảng, là tài sản để 10 quốc gia Đông Nam Á, cùng Ấn Độ giải quyết những vấn đề của bản thân, cũng như góp phần xây dựng thịnh vượng chung cho thế giới.

(VOV.VN)

Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương Binh và Xã hội Đào Ngọc Dung. (Ảnh: Bộ LĐTBXH)

Giảm thiểu tác động của Covid-19 tới các nhóm dễ bị tổn thương

Ngày 10/6, Hội nghị đặc biệt của các Bộ trưởng ASEAN phụ trách Phúc lợi xã hội và Phát triển (AMMSWD) nhằm giảm thiểu tác động của Covid-19 đến các nhóm dễ bị tổn thương đã được tổ chức trực tuyến.

Đây là sáng kiến do Lào với vai trò Chủ tịch AMMSWD đề xuất và nhận được sự ủng hộ của Việt Nam với vai trò Chủ tịch Cộng đồng văn hóa - xã hội ASEAN 2020.

Tại hội nghị, các Bộ trưởng đã thảo luận và nhất trí thông qua Tuyên bố chung về giảm thiểu tác động của Covid-19 đến các nhóm dễ bị tổn thương trong ASEAN.

Các Bộ trưởng AMM SWD cũng thống nhất sẽ hợp tác chặt chẽ trong các vấn đề: Bảo đảm tiếp cận kịp thời với an sinh xã hội và phân bổ hợp lý nguồn lực từ quỹ công cho chi tiêu xã hội; bảo vệ quyền, an toàn và nhân phẩm; bảo đảm sức khỏe và an toàn của các cán bộ công tác xã hội tại các tuyến đầu trong việc ứng phó với đại dịch; tăng cường hợp tác liên ngành ở cấp quốc gia và khu vực; xây dựng các chương trình phục hồi sau đại dịch một cách toàn diện; xây dựng các kế hoạch và biện pháp mang tính liên tục, bảo đảm sự hòa nhập khuyết tật, có đáp ứng giới, nhạy cảm với lứa tuổi và thúc đẩy sự tham gia của trẻ em; thực hiện các chính sách hướng tới các đối tượng dễ bị tổn thương và giảm thiểu tối đa những tác động tiêu cực đối với người già, phụ nữ, trẻ em.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Lao động-Thương Binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, tính đến ngày 8/6, Việt Nam ghi nhận 54 ngày không có ca lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng và gần 90% ca nhiễm được chữa trị khỏi. Đây là kết quả của sự nỗ lực của Chính phủ và nhân dân Việt Nam trong công tác phòng, chống và ứng phó với những khó khăn do đại dịch gây ra.

Đặc biệt, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra một gói hỗ trợ an sinh xã hội chưa từng có trong tiền lệ với kinh phí hơn 62.000 tỷ đồng để hỗ trợ cho các nhóm đối tượng khác nhau. "Có thể thấy, đây là gói hỗ trợ an sinh xã hội toàn diện, thể hiện chủ trương nhân văn của Chính phủ Việt Nam trong việc luôn quan tâm chăm lo tới đời sống người dân; đặc biệt là các nhóm yếu thế bao gồm người cao tuổi, người ốm đau, người giảm sâu thu nhập, người lao động đứt bữa, người không có thu nhập ổn định…,” Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tin tưởng, với sự quan tâm của lãnh đạo cấp cao và các hành động chính sách ở cấp khu vực, ASEAN sẽ sớm cùng nhau vượt qua thời điểm khó khăn này, khôi phục kinh tế, xây dựng một Cộng đồng ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng.

(VGP News)

Vương quốc Anh muốn trở thành đối tác đối thoại của ASEAN và tham gia CPTPP

Bà Elizabeth Truss, Bộ trưởng Thương mại Quốc tế Vương quốc Anh, vừa lên tiếng khẳng định, nước này muốn tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Trả lời phỏng vấn Nikkei Asia Review, Bộ trưởng Truss nói, Vương quốc Anh muốn tham gia CPTPP "ngay khi chúng tôi có thể", đồng thời hoan nghênh việc Nhật Bản ủng hộ Anh tham gia hiệp định thương mại này. Bà nói: “Chúng tôi nghĩ rằng đó thực sự là mục tiêu chiến lược quan trọng của Vương quốc Anh khi làm việc với các đối tác có cùng chí hướng ở Thái Bình Dương, không chỉ Nhật Bản mà còn Canada, Mexico, Australia và New Zealand.

Theo Bộ trưởng Truss, CPTPP, hiện chiếm 13% nền kinh tế toàn cầu, bao trùm phần lớn khu vực châu Á-Thái Bình Dương và các quốc gia mà Vương quốc Anh quan tâm trong hoạt động thương mại.

Bên cạnh đó, bà Truss cho biết, Vương quốc Anh muốn trở thành đối tác đối thoại của ASEAN, đồng thời khẳng định điều này sẽ bổ sung cho CPTPP.

Vương quốc Anh đang tìm cách đẩy nhanh đàm phán về các thỏa thuận thương mại với hàng loạt quốc gia trên thế giới trong bối cảnh thời gian chuyển tiếp để rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) của nước này sẽ hết hạn vào cuối năm nay.

Ngày 9/6, Anh đã bắt đầu đàm phán về hiệp định thương mại với Nhật Bản. Liên quan tới cuộc đàm phán này, Bộ trưởng Truss khẳng định quan hệ với Nhật Bản là "cực kỳ quan trọng" và cuộc đàm phán này "hoàn toàn có thể" ký kết một thỏa thuận trong năm nay.

(Nikkei)