Nhỏ Bình thường Lớn

Tin tức ASEAN buổi sáng 13/8: Thêm một ngày buồn vì Covid-19; Philippines lên tiếng về tập trận ở Biển Đông

TGVN. Cập nhật tình hình Covid-19 tại ASEAN, Philippines lên tiếng về các cuộc tập trận tại Biển Đông, Indonesia giải cứu doanh nghiệp... là những thông tin chính trong bản tin ASEAN ngày hôm nay.
TIN LIÊN QUAN
Tin tức ASEAN buổi sáng 11/8: Chung tay phát triển vaccine Covid-19. Nhật Bản cắt giảm phụ thuộc vào Trung Quốc, Đông Nam Á hưởng lợi
Kỷ niệm 53 năm thành lập ASEAN và 25 năm Việt Nam gia nhập ASEAN tại Côn Minh, Trung Quốc
3143-vna-potal-campuchia-mo-lai-cac-truong-hoc-dap-ung-quy-dinh-phong-dich-covid-19-191850349-49028182
Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp tại ASEAN. (Nguồn: AFP)

Covid-19 tại ASEAN: Số ca tử vong tăng mạnh ở Indonesia, Philippines

Tính tới hết ngày 12/8, ASEAN ghi nhận 6.461 ca mắc bệnh Covid-19, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 8.540 người.

Trong 24 giờ qua, khối ASEAN có ba quốc gia gồm Indonesia, Philippines và Việt Nam ghi nhận các ca tử vong vì Covid-19. Philippines đã vượt qua Indonesia để trở thành quốc gia có số ca tử vong/ngày cao nhất khu vực, diễn biến dịch tiếp tục xu thế gia tăng và ngày càng nghiêm trọng hơn.

Ngày 12/8, Bộ Y tế Philippines cho biết trong 24 giờ qua nước này đã ghi nhận 4.444 ca mắc mới và 93 ca tử vong vì dịch bệnh, nâng tổng số ca mắc và tử vong lên lần lượt là 143.749 và 2.404 ca.

Vùng đô thị Manila là địa phương có số ca mắc mới trong ngày cao nhất với 2.168 ca, trong khi địa phương cao thứ hai là tỉnh Laguna ghi nhận 233 ca mắc mới.

Tổng thống Rodrigo Duterte tuyên bố, ông muốn là người Philippines đầu tiên được tiêm thử vaccine phòng Covid-19 do Nga phát triển, nhưng thực tế không đơn giản vậy.

Vaccine Covid-19 của Nga mang ký kiệu “Sputnik-V” được ông Putin công bố hoàn tất đăng ký ngày 11/8. Nhưng những quy định của chính quyền Philippines về đối tượng và cách thức thử nghiệm vaccine đã loại ông Duterter ra khỏi danh sách thử nghiệm.

Theo hướng dẫn của Nhóm chuyên trách về vaccine của Philippines, việc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 đối với vaccine Covid-19 tại nước này sẽ được ưu tiên cho các đối tượng ở độ tuổi 18-59 và có nguy cơ lây nhiễm cao – cụ thể là bác sĩ, nhân viên y tế làm việc trong bệnh viện, tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân Covid-19.

Cùng ngày, Indonesia thông báo thêm 1.942 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm tại quốc gia này lên 130.718 ca. Trong khi đó, số ca tử vong cũng tăng lên 5.903 ca, thêm 79 ca so với một ngày trước đó. Đây là số ca tử vong cao nhất khu vực Đông Nam Á.

Ngày 12/8, Bộ trưởng Điều phối Kinh tế Indonesia Airlangga Hartarto cho biết chính phủ nước này dành khoản ngân sách trị giá 5.000 tỷ Rupiah (khoảng 339 triệu USD) trong năm nay để sản xuất vaccine ngừa Covid-19 đang được thử nghiệm lâm sàng.

Trong bối cảnh Thái Lan đã trải qua 78 ngày không ghi nhận ca mắc Covid-19 mới nào trong cộng đồng và ngày thứ hai hoàn toàn không ghi nhận bất kỳ trường hợp nào nhiễm bệnh, Văn phòng Ủy ban Giáo dục cơ bản (OBEC) của Thái Lan đã gửi thư cho tất cả cơ sở giáo dục trên cả nước, thông báo về việc có thể mở lại các lớp học như bình thường, song các cơ quan chức năng vẫn khuyến cáo người dân về nguy cơ xảy ra làn sóng lây nhiễm thứ hai.

Ngày 12/8, Thái Lan chỉ có 5 ca dương tính với virus SARS-CoV-2 và nhiều tháng không ghi nhận ca tử vong nào mới vì Covid-19.

Trong 24 giờ qua, Campuchia ghi nhận thêm 2 ca Covid-19, nâng tổng số ca mắc bệnh lên 268 trường hợp.

Để chuẩn bị cho kỳ thi cuối cấp sẽ diễn ra vào tháng 12 tới, Bộ Giáo dục, Thanh niên và Thể thao Campuchia thông báo học sinh lớp 9 và lớp 12 có thể quay lại trường học bắt đầu từ tháng 9.

(TTXVN/TGVN)

Indonesia giải cứu hàng triệu doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa

Chính phủ Indonesia sẽ giải ngân 22.000 tỷ Rupiah (1,49 tỷ USD) từ ngày 17/8 tới cho hàng triệu doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) không thể tiếp cận các dịch vụ ngân hàng nhằm giúp các doanh nghiệp này tái khởi động kinh doanh trong giai đoạn suy thoái kinh tế do đại dịch Covid-19.

Theo Bộ trưởng Hợp tác xã và Doanh nghiệp vừa và nhỏ Teten Masduki, hiện Chính phủ đã phân bổ ngân sách cho giai đoạn một, với số tiền hỗ trợ lên tới 2,4 triệu Rupiah/doanh nghiệp cho 9,1 triệu trong tổng số 12 triệu MSME của cả chương trình. Hiện Chính phủ đã tổng hợp được số liệu về khoảng 17 triệu MSME và sẽ tiến hành xác minh để chương trình hỗ trợ này nhắm đúng đối tượng.

Chiếm khoảng 60% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Indonesia, các MSME thuộc nhóm doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi cuộc khủng hoảng Covid-19 trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng suy yếu và các khoản vay ngân hàng trở nên khó tiếp cận hơn.

Theo một cuộc khảo sát do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) thực hiện trong tháng 4 và tháng 5 vừa qua với 1.165 doanh nghiệp tham gia, với việc đóng cửa đột ngột và nhu cầu giảm, khoảng một nửa số doanh nghiệp nhỏ Indonesia đang cạn kiệt tiền mặt hoặc tiền tiết kiệm.

Tổng thống Joko Widodo đã ra lệnh phân bổ 123.470 tỷ Rupiah để hỗ trợ cho các MSME, bao gồm cả việc cấp vốn cho các ngân hàng để thúc đẩy giải ngân các khoản vay vốn lưu động và hỗ trợ lãi suất cho vay, bên cạnh việc hỗ trợ tiền mặt vừa được công bố mới đây nhất.

Hôm 11/8, Bộ trưởng Tài chính Sri Mulyani Indrawati cho biết chính phủ Indonesia cũng đang cân nhắc kế hoạch cung cấp các khoản vay không lãi suất trị giá 2 triệu Rupiah cho mỗi doanh nghiệp siêu nhỏ. Tuy nhiên, mới có 32.500 tỷ Rupiah hoặc 27,1% từ các gói kích thích đã được giải ngân tính đến ngày 6/8, trong đó có 30.000 tỷ Rupiah hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng quốc doanh.

Người đứng đầu Lực lượng đặc nhiệm phục hồi kinh tế, ông Budi Gunadi Sadikin thừa nhận rằng mức "hấp thụ" ngân sách trong một số chương trình kích thích dành cho các MSME là “thấp hơn so với dự kiến ban đầu”, đồng thời nhấn mạnh rằng Chính phủ sẽ triển khai các chương trình mới để đẩy nhanh tiến độ giải ngân.

(TTXVN, Jakarta Post)

van-de-bien-dong-ngoai-truong-my-indonesia-thao-luan-muc-tieu-chung-philippines-lai-co-tuyen-bo-moi
Theo Philippines, việc tiến hành các cuộc tập trận hải quân trong vùng biển tranh chấp ở Biển Đông có thể làm leo thang căng thẳng trong khu vực và do đó đi ngược lại Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002. (Nguồn: AP)

Philippines: Các cuộc tập trận tại Biển Đông đi ngược lại DOC

Ngày 13/8, trả lời phỏng vấn hãng Thông tấn xã Philippines, Tư lệnh Hải quân Philippines, Phó Đô đốc Giovanni Carlo Bacordo khẳng định việc tiến hành các cuộc tập trận hải quân trong vùng biển tranh chấp ở Biển Đông có thể làm leo thang căng thẳng trong khu vực và do đó đi ngược lại Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002.

Ông Giovanni Carlo Bacordo đánh giá việc "tiến hành các cuộc tập trận hải quân trong khu vực tranh chấp có thể làm phức tạp và leo thang tình hình. Các quốc gia (Mỹ, Australia và Nhật Bản) tiến hành các cuộc tập trận trong khu vực này - không phải là bên ký kết DOC 2002, do đó, không bị ràng buộc về mặt pháp lý và chính trị".

Tuy nhiên, vị Phó Đô đốc này cũng khuyến nghị các bên kiềm chế: "Nguyên tắc định hướng là chúng tôi muốn các bên tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc pháp luật. Tôi tin rằng đó cũng là nguyên tắc mà chúng tôi đưa ra trong các lập luận của mình tại Tòa Trọng tài quốc tế (năm 2017)".

( Pna.gov.ph)

Đồng Baht tăng giá tác động đến triển vọng xuất khẩu của Thái Lan

Hội đồng các công ty giao hàng Thái Lan (TNSC) đã đề nghị Ngân hàng Trung ương Thái Lan (BoT) tìm kiếm những cách thức giảm nhẹ sức ép lên hàng xuất khẩu từ việc đồng Baht tăng giá.

Truyền thông sở tại ngày 12/8 dẫn lời Phó Chủ tịch TNSC Visit Limluecha cho biết, ông đã thảo luận vấn đề này với Thống đốc BoT Veerathai Santiprabhob. Ông Visit nói rằng việc đồng Baht mạnh lên đang làm tổn hại đến tính cạnh tranh của hàng xuất khẩu Thái Lan.

Ông Visit nói rằng, TNSC không định rõ một mức độ thích hợp đối với giá trị đồng Baht và không yêu cầu BoT can thiệp vào giá trị đồng Baht. Ngoài ra, ông Visit cũng đã đề nghị BoT nới lỏng những điều kiện đối với chương trình vay ưu đãi để có thể mở rộng tiếp cận tín dụng đối với những nhà điều hành doanh nghiệp nhỏ.

Đầu tháng này, TNSC đã đưa ra ước tính rằng xuất khẩu có thể giảm tới 15% trong năm nay nếu Thái Lan chỉ đạt được mức trung bình 16,4 tỷ USD mỗi tháng trong 6 tháng cuối năm. Chủ tịch TNSC, Ghanyapad Tantipipatpong khi đó nói rằng TNSC có thể hạ thấp dự báo về xuất khẩu nếu hoạt động xuất khẩu nói chung vẫn không được cải thiện trong tháng tới.

Tháng 7/2020, các công ty giao nhận Thái Lan đã hạ thấp triển vọng xuất khẩu của đất nước xuống -10%, mức giảm sâu hơn dự báo -8% đưa ra trước đó, do đại dịch Covid-19 và đồng Baht mạnh. Sức mua yếu đi và nền kinh tế ốm yếu của các đối tác thương mại chính là những yếu tố chính trong việc cắt giảm dự báo xuất khẩu của TNSC.

Theo bà Ghanyapad, TNSC đang duy trì dự báo xuất khẩu ở mức giảm 10%, nhưng do có nhiều nhân tố tiêu cực, TNSC lo ngại xuất khẩu có thể giảm 15% nếu các con số hàng tháng trong những tháng còn lại không cải thiện và đạt mức ít hơn 17 tỷ USD mỗi tháng.

(TTXVN/TGVN)

Việt Nam tự hào đã sát cánh cùng các quốc gia thành viên đóng góp cho ngôi nhà chung ASEAN

Việt Nam tự hào đã sát cánh cùng các quốc gia thành viên đóng góp cho ngôi nhà chung ASEAN

TGVN. Ngày 8/8, Đại sứ quán Việt Nam tại Mông Cổ (ĐSQ) đã long trọng tổ chức Lễ thượng cờ ASEAN nhân kỷ niệm 53 ...

Lễ thượng cờ nhân kỷ niệm 53 năm ngày thành lập ASEAN ở Ukraine

Lễ thượng cờ nhân kỷ niệm 53 năm ngày thành lập ASEAN ở Ukraine

TGVN. Ngày 8/8, Đại sứ quán (ĐSQ) Việt Nam cùng ĐSQ các nước Malaysia và Indonesia tại Ukraine tổ chức Lễ thượng cờ nhân kỷ ...

Tin tức ASEAN buổi sáng 10/8: Covid-19 diễn biến phức tạp, Kinh tế Đông Nam Á suy giảm vì không vững

Tin tức ASEAN buổi sáng 10/8: Covid-19 diễn biến phức tạp, Kinh tế Đông Nam Á suy giảm vì không vững

TGVN. Cập nhật tình hình Covid-19 tại ASEAN, mối nguy kinh tế của ASEAN... là những thông tin chính trong bản tin ASEAN ngày hôm ...