Malaysia, Philippines, Thái Lan và Indonesia là 4 nước ASEAN phải hứng chịu dịch Covid-19 nặng nề nhất. |
Cập nhật tình hình Covid-19 tại ASEAN
Tính tới rạng sáng 1/4, các nước ASEAN có tổng cộng 9.425 ca nhiễm virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19, trong đó có 975 ca mới. Số người thiệt mạng vì dịch bệnh nguy hiểm đã tăng lên 282 người, nhiều hơn 18 ca so với một ngày trước đó. Tín hiệu đáng mừng là các nước trong khu vực cũng thông báo 1.375 người đã được điều trị thành công và xuất viện.
Trong 24h qua, Philippines là quốc gia ASEAN chứng kiến số ca COVID-19 mới tăng mạnh nhất, 538 ca. Nước này cũng ghi nhận thêm 10 ca tử vong, nâng tổng số người thiệt mạng lên 88. Philippines hiện đứng thứ hai khu vực Đông Nam Á về số ca Covid-19 với 2.084 ca.
Indonesia ghi nhận 1.528 ca nhiễm bệnh và 136 ca tử vong do Covid-19. Trước tình hình này, ngày 31/3, Tổng thống Joko Widodo đã ban bố tình trạng y tế khẩn cấp quốc gia liên quan đến dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và thông báo các biện pháp hỗ trợ người dân có thu nhập thấp. Các biện pháp bao gồm tăng phúc lợi xã hội, hỗ trợ lương thực-thực phẩm và miễn hoặc giảm giá điện.
Malaysia vẫn là quốc gia ASEAN có số người nhiễm virus SARS-CoV-2 nhiều nhất. Trong vòng 24h qua, Malaysia đã ghi nhận thêm 140 ca nhiễm bệnh mới, nâng tổng số lên 2.766 trường hợp. Nước này cũng đã có 43 người tử vong vì Covid-19, tăng 6 ca so với ngày 30/3. Hãng tin Bernama của Malaysia ngày 31/3 đăng bài viết “Người dân còn ương bướng đến bao giờ?” để phê phán một bộ phận người dân nước này đến nay vẫn có thái độ không nghiêm túc trong việc chấp hành các biện pháp phòng chống dịch của chính phủ.
Tại Thái Lan, chính phủ nước này đã đặt mục tiêu giảm 90% hoạt động đi lại của người dân nhằm kiềm chế dịch bệnh. Sau khi chính phủ thực hiện những biện pháp khuyến khích người dân hạn chế ra ngoài, hoạt động đi lại của người dân trong thời gian 1 tuần tính đến ngày 28/3 đã giảm 46% so với thời gian trước đó. Số lượng sử dụng xe ô tô cá nhân giảm 41%, trong khi số hành khách đi lại bằng tàu điện giảm 59%. Ngày 31/3, Thái Lan đã ghi nhận thêm 127 ca nhiễm mới và 1 trường hợp tử vong, nâng tổng số ca bệnh lên 1.651 bệnh nhân và tổng số trường hợp tử vong lên 10 người.
Bộ Y tế Campuchia ngày 31/3 cho biết nước này đã ghi nhận thêm 2 ca nhiễm bệnh ở thành phố Siem Reap, nâng tổng số trường hợp mắc COVID-19 lên 109 người. Các ca nhiễm mới là 2 mẹ con người Campuchia, mẹ 39 tuổi và con trai 12 tuổi.
Myanmar ngày 31/3 đã xác nhận ca tử vong đầu tiên do Covid-19 và 14 ca mắc bệnh cho đến nay, chủ yếu là người từ nước ngoài trở về.
Tình hình dịch Covid-19 tại các nước thành viên ASEAN khác như Brunei và Lào trong ngày ghi nhận số người mắc Covid-19 lần lượt là 129 và 9.
(TG&VN/TTXVN)
24 triệu người ở Đông Á sẽ khó thoát nghèo nếu Covid-19 tiếp tục ảnh hưởng lâu dài
Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, sự sụp đổ kinh tế từ dịch Covid-19 sẽ ngăn chặn gần 24 triệu người Đông Á và Thái Bình Dương thoát khỏi đói nghèo trong năm 2020.
Trong báo cáo được công bố ngày 31/3, WB cũng cảnh báo về rủi ro cao đối với những hộ gia đình phụ thuộc vào các ngành công nghiệp đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi Covid-19 như ngành du lịch ở Thái Lan và quần đảo Thái Bình Dương; ngành sản xuất tại Việt Nam và Campuchia...
WB kêu gọi chính quyền các nước trong khu vực đầu tư mở rộng các nhà máy sản xuất thiết bị y tế và chăm sóc sức khỏe thông thường, cũng như thực hiện các biện pháp đổi mới sáng tạo như biến giường bệnh bình thường thành các đơn vị hồi sức cấp cứu và nhanh chóng đào tạo các chăm sóc sức khỏe cơ bản cho mọi người dân. WB cũng kêu gọi các biện pháp tài chính như các khoản trợ cấp trong khi người dân không được đi làm.
Ngoài ra, tổ chức này kêu gọi sự hợp tác quốc tế sâu rộng, cùng hợp tác phòng chống dịch bệnh nhưng đồng thời giữ thương mại mở và điều phối chính sách kinh tế vĩ mô. Sự hợp tác này có thể bao gồm các quan hệ đối tác công-tư xuyên biên giới để thúc đẩy sản xuất và cung cấp vật tư và dịch vụ y tế, và đảm bảo sự ổn định tài chính sau hậu quả của virus.
(Bloomberg)
Chỉ 2/3 giá trị xuất khẩu hàng dệt may từ ASEAN đóng góp vào GDP khu vực |
Chỉ 2/3 giá trị xuất khẩu hàng dệt may từ ASEAN đóng góp vào GDP khu vực
ASEAN có nhiều quốc gia là những nhà xuất khẩu quần áo lớn nhất thế giới như Campuchia, Indonesia, Myanmar và Việt Nam, tạo ra số lượng việc làm đáng kể. Tuy nhiên, hàng dệt may lại đóng vai trò ít nổi bật hơn trong cơ cấu xuất khẩu chung vì công nghệ và cường độ vốn của họ. Vấn đề này được nêu rõ trong báo cáo Chuỗi giá trị toàn cầu trong ASEAN: Dệt may của Trung tâm ASEAN-Nhật Bản.
Trong ngành công nghiệp quần áo, các nước ASEAN có thu nhập thấp có xu hướng chuyên về các hoạt động thâm dụng lao động như sản xuất. Ngược lại, các quy trình chuyên sâu về kiến thức như thiết kế và tiếp thị được tập trung ở các nền kinh tế tiên tiến hơn trong khu vực.
Năm 2017, giá trị gia tăng trong xuất khẩu hàng dệt may, quần áo và da trong ASEAN là khoảng 51 tỷ USD, tương đương 68% tổng kim ngạch xuất khẩu trở thành một phần của GDP ASEAN. Trong khi đó, 24 tỷ USD, tương đương 32% phần còn lại là giá trị gia tăng của nước ngoài.
Nếu không sớm nhận ra được phần thiếu hụt này, các doanh nghiệp dệt may sẽ không còn cách nào là phải tuân theo chiến lược “chạy đua ở dưới đáy”. Ở cấp độ vĩ mô, thất bại này là một trong những nguyên nhân sâu xa của cái bẫy thu nhập trung bình. Thị trường địa phương và khu vực là chìa khóa để ngăn chặn kết quả này và để đạt được sự phát triển công nghiệp bền vững.
(Business Wire)
FTA và IA Hong Kong-ASEAN có hiệu lực tại Philippines vào 12/5
Phần liên quan đến Philippines theo Hiệp định thương mại tự do (FTA) và Hiệp định đầu tư (IA) giữa Đặc khu hành chính Hong Kong của Trung Quốc (HKSAR) và ASEAN sẽ có hiệu lực vào ngày 12/5.
Hiện FTA và IA này đã có hiệu lực ở tổng cộng 7 quốc gia tại ASEAN. Ngày các hiệp định này có hiệu lực 3 quốc gia còn lại là Brunei, Campuchia và Indonesia sẽ được công bố sau, người phát ngôn của chính quyền Hong Kong cho biết.
AHKFTA và AHKIA được các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN và Bộ trưởng Thương mại và Phát triển Kinh tế Hong Kong ký kết vào ngày 12/11/2017 tại thành phố Pasay, Philippines.
AHKFTA gồm 14 chương về các lĩnh vực tự do hóa tiếp cận thị trường, thuận lợi hóa thương mại, các quy tắc để thúc đẩy niềm tin trong thương mại và hợp tác nhằm tạo thuận lợi cho thương mại hàng hóa và dịch vụ trong khu vực. Đây là hiệp định thương mại tự do thứ 6 của ASEAN với các đối tác bên ngoài, sau các FTA ASEAN+1 với Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia-New Zealand.
(Tân Hoa xã)