TIN LIÊN QUAN | |
Covid-19 thúc đẩy trật tự đa phương do ASEAN dẫn đầu | |
Tin tức ASEAN buổi sáng 13/5 |
Các vũ công truyền thống Thái Lan đeo tấm chắn giọt bắn biểu diễn tại đền E Girls, được mở cửa trở lại sau khi Chính phủ nới lỏng các biện pháp giãn cách nhằm ngăn chặn sự lây lan của Covid-19, tại Bangkok, ngày 4/5. (Nguồn: Getty Images) |
Tình hình Covid-19 tại ASEAN
Hết ngày 13/5, Đông Nam Á ghi nhận tổng cộng trên 62.790 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 và gần 2.000 người tử vong. Trong 24 giờ qua, khu vực có ba nước Indonesia, Philippines và Malaysia ghi nhận ca tử vong vì đại dịch.
Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 13/5, khu vực Đông Nam Á có tổng cộng 62.793 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2, tăng 1.675 ca so với 1 ngày trước.
Virus SARS-CoV-2 đã cướp đi sinh mạng của 1.989 người dân ở khu vực này, tăng 44 trường hợp so với một ngày trước đó. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công tăng lên 19.093 trường hợp.
Trong vòng 24 giờ qua,Indonesia là quốc gia có số ca mắc bệnh Covid-19 cao nhất khu vực với 689 ca; Philippines và Indonesia cùng ghi nhận số ca tử vong trong ngày là 21 trường hợp.
Tại Indonesia, Chính phủ Indonesia ngày 13/5 công bố nước này có thêm 689 ca nhiễm virus SARS-CoV-2. Đây là số ca nhiễm cao nhất trong ngày kể từ khi bùng phát đại dịch ở quốc gia Đông Nam Á này hồi đầu tháng 3, nâng tổng số ca nhiễm ở đây lên thành 15.438 người.
Phát biểu họp báo, người phát ngôn Chính phủ Indonesia về các vấn đề liên quan Covid-19, ông Achmad Yurianto cho biết, nước này có thêm 21 ca tử vong do mắc Covid-19, nâng tổng số ca tử vong lên thành 1.028 người, trong khi cũng có thêm 224 bệnh nhân được xuất viện, nâng tổng số ca bình hồi lên thành 3.287.
Cùng ngày, Bộ Y tế Philippines cũng cho biết, nước này ghi nhận 268 ca nhiễm SARS-CoV-2 và 21 ca tử vong do Covid-19, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong ở đây lần lượt lên thành 11.618 và 772.
Trong khi đó, số bệnh nhân hồi phục ở Philippines đã lên tới 2.251. Hiện Philippines là quốc gia ASEAN có tổng số ca tử vong vì Covid-19 nhiều thứ hai khu vực, chỉ sau Indonesia.
Tổng thống Rodrigo Duterte tuyên bố sẽ nới lỏng các biện pháp hạn chế nhằm kiểm soát sự lây lan của dịch Covid-19 từ ngày 16/5 tới.
Bộ Y tế Singapore ngày 13/5 thông báo nước này đã ghi nhận thêm 675 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm ở đây lên thành 25.346 người.
Đảo quốc Sư tử có tổng số ca mắc Covid-19 cao nhất Đông Nam Á, song số ca tử vong vì đại dịch tại nước này được kiểm soát khá tốt và tới nay Singapore mới chỉ ghi nhận 21 người thiệt mạng vì virus SARS-CoV-2.
Thái Lan ngày 13/5 đã lần đầu tiên xác nhận không ghi nhận ca mắc Covid-19 nào theo ngày trong hai tháng qua, đồng thời không có thêm trường hợp nào tử vong vì căn bệnh này trong 24 giờ qua.
Cụ thể, tính đến ngày 13/5, Thái Lan có tổng cộng 3.017 ca Covid-19, trong đó 2.844 bệnh nhân đã bình phục, 117 trường hợp vẫn phải nằm viện và 56 người đã tử vong.
Ngày 13/5, Malaysia đã ghi nhận thêm 37 ca nhiễm SARS-CoV-2 và 2 ca tử vong do mắc Covid-19, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong ở nước này lần lượt lên thành 6.779 và 111 người. Malaysia đang kiểm soát tốt dịch bệnh và đã "tách tốp" không còn nằm trong nhóm các nước "điểm nóng" Covid-19 của Đông Nam Á.
Trong 24 giờ qua, các nước thành viên ASEAN khác như Việt Nam, Campuchia, Brunei và Timor Leste tiếp tục thành công trong nỗ lực khống chế đại dịch Covid-19, khi không ghi nhận bất kỳ ca tử vong hay dương tính với virus SARS-CoV-2 nào.
(TGVN/TTXVN)
Ngành năng lượng ASEAN vượt qua khủng hoảng giá dầu
Các công ty năng lượng lớn ở Đông Nam Á có thể sẽ vượt qua khủng hoảng giá dầu và tỷ suất lợi nhuận thấp bằng việc thắt chặt các chính sách tài chính.
Các công ty năng lượng của khu vực như RIL và GC có danh mục sản phẩm đa dạng, do vậy, sẽ có khả năng phục hồi tốt hơn do chi phí nguyên liệu thấp hơn. RIL báo cáo mức tăng trưởng 5%, duy trì trong Quý I/2020, tuy nhiên phân khúc năng lượng hóa dầu đã giảm 14%.
Các hợp đồng mua bán vẫn được bảo đảm và giá bán được duy trì ổn định cũng góp phần hỗ trợ cho thu nhập của công ty. Nhu cầu tương đối ổn định đối với dầu thô của khu vực cũng giúp tài chính của các công ty năng lượng ở mức ổn định.
Theo nhà phân tích kinh tế Pauline Tang của công ty tài chính S&P Global, các công ty năng lượng ở Đông Nam Á sẽ có thể cắt giảm tạm thời sản lượng ở mức 5%-10%, đồng thời sẽ cân đối hợp lý tài chính, giảm thiểu các chi phí để duy trì hoạt động và thu nhập ổn định.
Ở Việt Nam, thị trường nhập khẩu chủ yếu của xăng dầu Việt Nam là Singapore, nên sẽ không chịu tác động nhiều từ diễn biến giá dầu tại Mỹ. Giá xăng dầu Việt Nam đang nhập về bán theo giá dầu Brent, không phải dầu WTI.
Chưa kể, hiện tượng giá dầu thô WTI xuống mức âm chỉ xuất hiện ở một số giao dịch, còn giá xăng dầu thành phẩm tại hầu hết sàn vẫn ở mức 20 - 25 USD/thùng.
(S&P Global Rating)
Một tuyến đường vốn thường xuyên trong tình trạng tắc nghẽn tại Jakarta, Indonesia. (Nguồn: AFP) |
Covid-19 cải thiện tình trạng giao thông Đông Nam Á
Việc hạn chế đi lại, hoạt động thương mại và đóng cửa các trường học đã góp phần cải thiện tình trạng tắc nghẽn giao thông tại khu vực Đông Nam Á, tạo ra một bức tranh giao thông hiếm hoi ở một số thành phố vốn thuộc top tắc đường nhất thế giới.
Dữ liệu được thu thập từ ứng dụng định vị GPS từ các tài xế lái xe Grab cũng cho thấy giao thông trong khu vực được cải thiện đáng kể. Tại Manila, Philippines, từ tháng 3 năm nay, các biện pháp chống dịch Covid-19 đã hạn chế 3,5 triệu phương tiện tham gia giao thông. Ùn tắc giao thông thường gây thiệt hại lớn cho kinh doanh, ước tính khoảng 67 triệu USD mỗi ngày ở Manila.
Indonesia, quốc gia đông dân nhất Đông Nam Á và đông dân thứ 4 thế giới vốn nổi tiếng với “đặc sản” tắc đường. Thế nhưng, do tình hình Covid-19 diễn biến phức tạp, chính quyền Indonesia đã áp dụng nhiều biện pháp cách ly và phong tỏa, góp phần lớn vào việc cải thiện tình hình giao thông ở các thành phố.
Tại Singapore, việc đóng cửa biên giới vào giữa tháng 3 đã khiến những tuyến đường vốn ùn tắc trở nên thông thoáng, đặc biệt là những tuyến đường gần sân bay Changi. Ở Việt Nam, trong quá trình cách ly xã hội, các thành phố đông dân như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội cũng chứng kiến sự cải thiện đáng kể về tình trạng giao thông.
(Channel New Asia)
ASEAN và Mexico trao đổi kinh nghiệm phòng chống dịch Covid-19
Ngày 13/5, đại sứ và đại biện các nước ASEAN tại Mexico, gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam, đã có buổi trao đổi trực tuyến với Tổng Vụ trưởng châu Á-Thái Bình Dương, Bộ Ngoại giao, Claudia Franco Hijuelos về tình hình, các biện pháp và kinh nghiệm phòng chống dịch bệnh Covid-19 tại khu vực Đông Nam Á và Mexico, cũng như khả năng tổ chức các hoạt động ngoại giao sau khi Mexico dỡ bỏ lệnh phong toả vào cuối tháng Năm này.
Tại cuộc làm việc trực tuyến, Đại sứ Việt Nam Nguyễn Hoài Dương đã thông báo những nội dung chính của Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN và ASEAN + 3 về ứng phó dịch bệnh Covid-19, diễn ra dưới sự chủ trì của Việt Nam với tư cách Chủ tịch ASEAN; cập nhật tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam, đồng thời chia sẻ những kinh nghiệm “chống dịch như chống giặc”.
Đại sứ nhấn mạnh với ý thức cộng đồng cao, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, và niềm tin tuyệt đối của nhân dân vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Việt Nam đã cơ bản đẩy lùi dịch bệnh và trở thành điểm sáng trong cuộc chiến chống Covid-19.
Tổng Vụ trưởng Claudia khẳng định Mexico rất coi trọng và đánh giá cao quan hệ ASEAN - Mexico, vai trò trung tâm của ASEAN tại khu vực và mong muốn tiếp tục hợp tác chặt chẽ với ASEAN trong ứng phó với diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh Covid -19. Bà đồng thời bày tỏ mong muốn tăng cường đoàn kết và hợp tác giữa Mexico với các quốc gia thành viên Cộng đồng ASEAN trên tất cả các lĩnh vực: ngoại giao, kinh tế thương mại và giao lưu văn hoá.
Bà Claudia Franco cũng bày tỏ cảm ơn đối với Quốc hội Việt Nam về nghĩa cử cao đẹp, thể hiện tình đoàn kết thuỷ chung, hữu nghị với nhân dân Mexico trong thời khắc khó khăn dịch bệnh hiện nay và đúng vào dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức giữa hai nước (19/5/1975-19/5/2020).
Thông báo ngày 13/5 của Bộ Y tế Mexico, số ca mắc Covid-19 đã tăng lên 40.186 người, trong đó có 4.220 ca tử vong, tăng tương ứng 1.862 ca bệnh và 294 ca tử vong trong vòng 24 giờ qua, và 24.856 người nghi ngờ nhiễm bệnh.
(TTXVN)
| Tái cấu trúc chuỗi cung ứng để phục hồi nền kinh tế ASEAN TGVN. Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã chia sẻ về kế hoạch phục hồi kinh tế và duy trì chuỗi cung ứng ... |
| Gói kích thích tài chính - 'liều thuốc' cho ASEAN thời dịch Covid-19? TGVN. Trong bài viết ngày 4/5 trên tờ The Business Times, TS. Sithanonxay Suvannaphakdy - chuyên gia kinh tế tại Trung tâm Nghiên cứu ASEAN, Viện Yusof ... |
| Pháp hỗ trợ tài chính cho Việt Nam và 4 nước ASEAN khác chống dịch Covid-19 TGVN. Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) đã cung cấp một gói hỗ trợ công tác phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trị ... |