📞

Tin tức ASEAN buổi sáng 14/9: ASEAN-Mỹ ký thỏa thuận phát triển; Trung Quốc tìm cách cân bằng ảnh hưởng với Mỹ tại khu vực

Quang Đào 09:30 | 14/09/2020
TGVN. ASEAN-Mỹ ký Thỏa thuận hợp tác phát triển khu vực trị giá 50 triệu USD, Trung Quốc sẽ hợp tác cùng ASEAN để ổn định vấn đề Biển Đông... là những thông tin chính trong bản tin ASEAN ngày hôm nay.
Phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan dịch Covid-19 tại Banda Aceh, Indonesia, ngày 12/9. (Nguồn : TTXVN)

Tình hình Covid-19 tại ASEAN

Tính tới rạng sáng ngày 14/9, ASEAN có tổng số ca nhiễm Covid-19 là 554.718 người, trong khi tổng số ca tử vong là 13.361 người. Trong ngày 13/9, ASEAN ghi nhận 7.313 ca mắc tại 7 quốc gia và 152 ca tử vong tại Philippines và Indonesia.

Ngày 13/9, Bộ Y tế Indonesia báo cáo thêm 3.636 ca mắc Covid-19, nâng tổng số ca bệnh lên 218.382. Số ca tử vong cũng tăng 73 ca lên thành 8.723 ca, cao nhất Đông Nam Á.

GDP của Indonesia đã sụt giảm 5,32% trong quý 2. Đồng Rupiah mất giá gần 7% trong năm nay. Tới ngày 13/9, thành phố Jakarta đóng góp gần 20% cho Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Indonesia, ghi nhận 54.200 ca Covid-19, tăng gần gấp đôi trong một tháng qua.

Theo số liệu của Bộ Y tế Philippines công bố ngày 13/9, trong 24 giờ qua, nước này phát hiện thêm 3.372 ca mắc Covid-19 và 79 ca tử vong. Như vậy, Philippines hiện có 261.216 ca bệnh, cao nhất ở khu vực Đông Nam Á, trong đó có 4.371 ca tử vong.

Đường cong dịch bệnh của Myanmar sau một thời gian dài đi ngang lại đi lên rất nhanh kể từ đầu tháng 9. Ngày 13/9, Myanmar ghi nhận 201 ca nhiễm mới nhưng không có ca tử vong. Con số bệnh nhân Covid-19 tại nước này đã tăng lên 2.796 ca, trong đó có 16 người đã tử vong và 676 bệnh nhân đã hồi phục.

Ngày 13/9, Singapore ghi nhận 49 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca Covid-19 lên 57.406, trong đó có 27 ca tử vong. Trong số các ca nhiễm mới có một trường hợp lây nhiễm cộng đồng, ngoài ra có 8 ca nhập cảnh được cách ly ngay khi đến Singapore.

Tại Việt Nam, Bản tin 6h sáng ngày 14/9 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 cho biết, không có ca mắc mới. Đến hôm nay cũng đã 12 ngày, Việt Nam không ghi nhận ca mắc Covid-19 ở cộng đồng. Hiện đang có hơn 36.000 người cách ly chống dịch. Trong số các bệnh nhận đang điều trị có 54 ca xét nghiệm âm tính từ 1-3 lần.

(TGVN/TTXVN)

ASEAN-Mỹ ký Thỏa thuận hợp tác phát triển khu vực trị giá 50 triệu USD

Tổng Thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) Dato Lim Jock Hoi và Đại diện Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) tại ASEAN Ryan Washburn vừa ký kết Thỏa thuận hợp tác phát triển khu vực (RDCA).

Lễ ký kết diễn ra vào ngày 10/9 tại trụ sở Ban Thư ký ASEAN trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng ASEAN-Mỹ, đánh dấu thêm một dấu mốc quan trọng của quan hệ đối tác chiến lược và hợp tác phát triển ASEAN-Mỹ.

RDCA sẽ góp phần tăng cường quan hệ và tiếp tục các liên kết hữu nghị giữa ASEAN và Mỹ, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững, bao trùm.

Thỏa thuận này sẽ khuyến khích các hệ thống dựa trên luật định nhằm ủng hộ việc duy trì một ASEAN hòa bình, an ninh và thịnh vượng, phù hợp với Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, Kế hoạch Hành động ASEAN-Mỹ giai đoạn 2021-2025 và Tuyên bố chung của Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN-Mỹ.

(USEmbassy.gov)

Trung Quốc sẽ hợp tác cùng ASEAN để ổn định Biển Đông

Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa mới đây đã có chuyến thăm tới 4 quốc gia thuộc ASEAN, bao gồm Malaysia, Indonesia, Brunei và Philippines. Theo đó, các chuyên gia Trung Quốc nói rằng, việc thăm các quốc gia này trong bối cảnh đại dịch Covid-19 chưa lắng tại khu vực, chứng tỏ tầm quan trọng của quan hệ giữa Trung Quốc với các quốc gia nói trên.

Chuyến thăm của ông Ngụy Phượng Hòa kéo dài từ 7-11/9 và ông đã gặp các nhà lãnh đạo của các quốc gia này, bao gồm Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, Quốc vương Brunei Hassanal Bolkiah và Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin. Cả 4 quốc gia đều bày tỏ sẵn sàng hợp tác quốc phòng với Trung Quốc, theo Bộ Quốc phòng Trung Quốc.

Trong các cuộc gặp với lãnh đạo các nước này, vấn đề Biển Đông đều được đề cập. Ông Ngụy có nói với Tổng thống Duterte rằng, bảo vệ sự ổn định của Biển Đông là "trách nhiệm chung của hai bên."

Theo truyền thông Malaysia, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Ismail Sabri Yaakob cho biết, chuyến thăm của ông Ngụy tạo cơ hội cho cả hai bên thảo luận về tranh chấp tại Biển Đông và lập trường của ông Ngụy đưa ra là các tranh chấp nên được giải quyết bằng các biện pháp ngoại giao.

Trong khi đó, Thứ trưởng Quốc phòng Malaysia Liew Chin Tong nói rằng, Trung Quốc phải coi các quốc gia Đông Nam Á có biển là ưu tiên chính sách đối ngoại hàng đầu của mình vì đây là khu vực gần gũi về mặt địa lý với Trung Quốc.

Theo SCMP, Bắc Kinh đang tìm cách cân bằng ảnh hưởng của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương trong bối cảnh căng thẳng giữa hai bên đang ngày một gia tăng, nhất là vấn đề Biển Đông.

(Global Times)

Anh sẽ cử tàu sân bay tới biển Đông?

Bộ Quốc phòng Anh đã được yêu cầu cử tàu sân bay HMS Queen Elizabeth đối đầu với Trung Quốc trong bối cảnh các căng thẳng ở biển Đông có nguy cơ bùng phát thành bạo lực.

Tàu sân bay trị giá 3,1 tỷ bảng Anh của hải quân Hoàng gia Anh trong tuần này đã thực hiện các bài huấn luyện trên biển trước khi quay trở lại căn cứ để tiếp nhiên liệu rồi khởi hành cho các cuộc tập trận quốc tế lớn đánh dấu bằng việc lần đầu tiên tiêm kích tàng hình F-35 Lightning của cả Mỹ và Anh xuất kích. Theo dự kiến, Anh sẽ ra mắt đội hình tàu sân bay tấn công vào thời điểm cuối năm nay trước khi con tàu triển khai nhiệm vụ đầu tiên vào năm 2021.

(Daily Express)