📞

Tin tức ASEAN buổi sáng 15/12: Tàu chở dầu Singapore bị tấn công; Thái Lan kêu gọi người dân phòng Covid-19 đón Năm mới

Minh Vương 09:30 | 15/12/2020
TGVN. Tàu chờ dầu Singapore bị tấn công tại Saudi Arabia, Thái Lan kêu gọi người dân phòng Covid-19 đón Năm mới... là các tin chính trong bản tin ASEAN 15/12.
Bản tin ASEAN ngày 15/12: Tàu chở dầu Singapore bị tấn công; Thái Lan kêu gọi người dân phòng Covid-19 đón Năm mới.

Truyền thông Saudi Arabia: Tàu chở dầu Singapore bị tấn công

Ngày 14/12, Bộ Năng lượng Saudi Arabia cho biết một tàu chở đầy chất nổ đã tấn công một tàu chở dầu treo cờ Singapore đang neo đậu tại cảng Jeddah ở vương quốc Hồi giáo này.

Hãng thông tấn nhà nước Saudi Arabia SPA dẫn thông báo của Bộ trên cho biết, vụ tấn công đã gây ra một trận hỏa hoạn nhỏ nhưng nhanh chóng được dập tắt. Không có thương vong về người và thiệt hại vật chất nghiêm trọng. Tất cả 22 thủy thủ trên tàu đều an toàn.

Trong khi đó, kênh truyền hình Al Arabiya dẫn lời thuyền trưởng của tàu chở dầu cho biết, tàu bị tấn công khi đang neo đậu tại cảng Jeddah để bốc dỡ hàng. Theo người này, một trong những két dầu của tàu bị hư hỏng sau vụ nổ.

Hiện vẫn chưa rõ lực lượng nào đứng sau vụ tấn công này.

Sáng cùng ngày, Công ty vận tải biển Hafnia, có trụ sở tại Singapore, thông báo xảy ra một vụ nổ trên tàu chở dầu BW Rhine của công ty khi tàu đang neo tại cảng Jeddah của Saudi Arabia. Tàu BW Rhine chở 60.000 tấn xăng xuất phát từ cảng Yanbu vào ngày 6/12.

Tháng trước, một tàu chở dầu đã bị hư hại do nổ mìn khi đang neo gần cảng Shuqaiq của Saudi Arabia. Liên minh quân sự do Saudi Arabia đứng đầu cáo buộc phiến quân Houthi ở Yemen gây ra vụ nổ này.

(CNN)

Singapore phê duyệt vaccine Covid-19 của Pfizer/BioNTech

Ngày 14/12, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long thông báo đã cấp phép sử dụng vaccine do hai công ty Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) bào chế phòng Covid-19 và dự kiến sẽ nhận được lô hàng đầu tiên vào cuối tháng 12 này.

Trong bài phát biểu được truyền hình trực tiếp chiều 14/12, Thủ tướng Lý Hiển Long cho biết, Singapore đã dành 1 tỷ SGD (hơn 750 triệu USD) ký thỏa thuận mua vaccine tiềm năng ngừa Covid-19 với các hãng dược phẩm, trong đó có Moderna (Mỹ), Pfizer/BioNTech và Sinovac (Trung Quốc), đồng thời hỗ trợ phát triển vaccine nội địa. Cơ quan Khoa học Y tế (HSA) ngày 14/12 đã chính thức cấp phép sử dụng vaccine của Pfizer/BioNTech.

Ông Lý Hiển Long khẳng định, lô vaccine đầu tiên của Pfizer/BioNTech sẽ tới Singapore vào cuối tháng 12 này, và để khẳng định loại vaccine này an toàn, ông và các quan chức cấp cao sẽ là những người đầu tiên tiêm chủng ngừa.

Nếu mọi việc tiến triển theo kế hoạch, Singapore sẽ có đủ vaccine cho tất cả người dân trong quý III/2021 và sẽ cung cấp miễn phí cho các công dân cũng như những người cư trú dài hạn tại nước này.

Cũng theo Thủ tướng Lý Hiển Long, Singapore sẽ mở cửa giai đoạn 3 bắt đầu từ ngày 28/12. Theo đó, số người tối đa được tụ tập theo nhóm hay tới thăm nhà nhau sẽ tăng từ 5 lên 8, số người tham dự các sự kiện lớn như nghi lễ tôn giáo, trình diễn ngoài trời được tăng từ 50 lên 250 người, các địa điểm du lịch sẽ nâng công suất hiện bị hạn chế ở mức 50% lên 65%.

Ông nhấn mạnh, dù Singapore quyết định mở cửa giai đoạn 3 nhưng cuộc chiến chống dịch Covid-19 vẫn kéo dài do tình hình dịch bệnh trên thế giới còn diễn biến phức tạp.

Trong cuộc họp báo sau đó, Bộ trưởng Y tế Gan Kim Yong cho biết xét nghiệm diện rộng là một trong những chiến lược chủ chốt của Singapore trong đối phó với Covid-19, với năng lực xét nghiệm hiện lên tới 50.000 xét nghiệm/ngày. Tuy nhiên, hiện nay, tiêm vaccine sẽ là chiến lược quan trọng giúp mở cửa nền kinh tế và có thêm nhiều các hoạt động xã hội được nối lại.

(Reuters)

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long trong bài phát biểu được truyền hình trực tiếp về vaccine Covid-19 ngày 14/12. (Nguồn: The Star)

Thái Lan kêu gọi người dân tuân thủ biện pháp phòng dịch Covid-19 đón Năm Mới

Ngày 14/12, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Y tế Thái Lan Anutin Charnvirakul đã kêu gọi người dân tuân thủ chặt chẽ giãn cách xã hội và các quy định khác về phòng chống dịch Covdi-19 khi tham gia các hoạt động chào đón Năm Mới 2021.

Theo ông Anutin, nhà chức trách Thái Lan sẽ không cấm người dân tổ chức hoặc tham gia các hoạt động mừng Năm Mới và các sự kiện đếm ngược đón Năm Mới, song người dân phải tuân thủ các biện pháp phòng dịch như đo thân nhiệt, đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn và phải giữ khoảng cách với nhau.

Bộ trưởng Y tế Thái Lan cũng cho biết giới chức tỉnh Nakhon Ratchasima, miền Đông Bắc nước này, vẫn chưa có hành động pháp lý đối với nhà tổ chức buổi hòa nhạc ngoài trời ở gần Công viên quốc gia Khao Yai cuối tuần qua. Công ty tổ chức sự kiện này đã kéo dài thời gian biểu diễn hòa nhạc và nhiều khán giả không đeo khẩu trang hay tuân thủ quy định giãn cách xã hội.

(Bangkok Post)

Campuchia cấm đốt rơm rạ để bảo vệ môi trường

Theo Khmer Times ngày 14/12, nhà chức trách Campuchia đã ban hành chỉ thị cấm người dân sống ở vùng nông thôn đốt rác và rơm rạ trên đồng nhằm giảm tình trạng ô nhiễm không khí.

Ông Neth Pheaktra, người phát ngôn của Bộ Môi trường Campuchia cho biết, theo một cuộc khảo sát, các nguồn chính làm gia tăng nồng độ hạt trơ trong không khí gồm khí thải từ các nhà máy công nghiệp, phương tiện giao thông sử dụng dầu diesel và các loại nhiên liệu khác, khí thải từ các vụ cháy rừng, đốt đồng cỏ, đốt phế thải nông nghiệp, phát quang rừng, đốt rơm rạ, đốt chất thải rắn ở ngoài trời và tại các bãi chôn lấp, bụi từ các công trường xây dựng.

Trong mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4 hằng năm, kết quả khảo sát chất lượng không khí được thực hiện tại thủ đô Phnom Penh và các tỉnh, thành khác cho thấy chất lượng không khí đã xấu đi một cách đáng báo động. Đặc biệt, sự gia tăng nồng độ hạt trơ trong không khí (PMID và PM2.5) cao hơn tiêu chuẩn đề ra, có thể gây rủi ro cao và ảnh hưởng đến sức khỏe của con người.

Cũng theo ông Pheaktra, để ngăn chặn tình trạng ô nhiễm không khí, Bộ Môi trường Campuchia áp dụng 5 biện pháp bao gồm ngăn chặn các vụ cháy rừng, cải thiện cơ sở hạ tầng đường bộ, dọn sạch bụi trên đường và ven đường, giáo dục người dân không đốt rác, chất thải rắn, cỏ, rơm rạ hoặc các chất thải nông nghiệp khác cũng như đề phòng cháy rừng.

Người phát ngôn của Bộ Môi trường Campuchia nhấn mạnh: “Chúng tôi mong muốn người dân và các cơ quan hữu quan tham gia ngăn chặn tình trạng ô nhiễm không khí bằng cách giảm lượng rác thải mà họ đốt ở các vùng nông thôn hoặc tại các trang trại vì tất cả những hành động này sẽ gây ô nhiễm không khí. Chúng tôi cũng yêu cầu người dân không đốt rơm rạ mà phải chôn loại rác thải này”.

(Khmer Times)

Campuchia sẽ có biện pháp mạnh tay đối với hành vi đôt rơm rạ nhằm bảo vệ môi trường. (Nguồn: Khmer Times)

Malaysia thúc đẩy cộng đồng ASEAN kết nối kỹ thuật số

Ngày 14/12, Bộ Truyền thông và Đa phương tiện Malaysia (KKMM) cho biết nước này sẽ đảm nhận vai trò nước chủ nhà Hội nghị Bộ trưởng Kỹ thuật số ASEAN (ADGMIN1) lần đầu tiên tổ chức theo hình thức trực tuyến từ ngày 21-22/1/2021.

Với chủ đề “ASEAN: Một cộng đồng kết nối kỹ thuật số”, ADGMIN1 sẽ nỗ lực đẩy mạnh hợp tác giữa các nước ASEAN hướng tới xây dựng hệ thống kinh tế kỹ thuật số như một trụ cột trong kế hoạch phát triển trong giai đoạn hậu đại dịch Covid-19.

KKMM tuyên bố trọng tâm của hội nghị sẽ là tầm quan trọng của tính trung tâm và thống nhất trong các nỗ lực nhằm phát triển Cộng đồng ASEAN trên các lĩnh vực an ninh mạng, bảo vệ thông tin, dữ liệu cá nhân, công nghệ 5G và thúc đẩy đổi mới, cải tiến cùng thương mại điện tử.

Theo KKMM, hội nghị cũng mong muốn mở rộng quan hệ hợp tác với các đối tác của ASEAN gồm Nhật Bản, Trung Quốc, Liên minh châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc và Ấn Độ trong thúc đẩy các chính sách công nghệ thông tin và truyền thông, phát triển nguồn nhân lực, khám phá và khai phá các công nghệ mới, nâng cao năng lực đối phó với các mối đe dọa trên không gian mạng.

Bên cạnh đó, hội nghị cũng là một diễn đàn để trao đổi quan điểm và chính sách liên quan tới việc sử dụng phổ tần cho các mục đích viễn thông, các vấn đề liên quan tới công nghiệp viễn thông tại khu vực Đông Nam Á.

Nhận thức được tầm quan trọng của sự tin tưởng đối với các giao dịch điện tử như là cơ sở chính nhằm thúc đẩy cộng đồng áp dụng chuyển đổi số, KKMM nhấn mạnh Sáng kiến Khung quản trị Dữ liệu số ASEAN đã được phát triển để hình thành các thủ tục hành chính và các phương pháp chuyển đổi dữ liệu giữa các quốc gia thành viên.

Hội nghị cũng sẽ tập trung vào phát triển mạng lưới 5G tại các nước ASEAN thông qua khuyến nghị chính sách cho Dự án Phát triển hệ sinh thái 5G.

Bản thông báo nhấn mạnh ADGMIN1 nhằm mục đích khuyến khích sự tham gia nhiều hơn của khu vực tư nhân để cùng phát triển cơ sở hạ tầng và dịch vụ công nghệ thông tin có chất lượng, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của ASEAN.

(The Strait Times)