Nhỏ Bình thường Lớn

Tin tức ASEAN buổi sáng 16/9: ASEAN-LHQ đẩy mạnh hợp tác, Mỹ không muốn buộc ASEAN phải chọn bên

TGVN. ASEAN và LHQ kiểm điểm các hoạt động hợp tác, Mỹ không muốn buộc ASEAN phải chọn bên... là những thông tin chính trong bản tin ASEAN ngày hôm nay.

Tình hình Covid-19 tại ASEAN

Tính tới rạng sáng ngày 16/9, ASEAN có tổng số ca nhiễm Covid-19 là 570.206 người, trong khi tổng số ca tử vong là 13.911 người. Trong ngày 15/9, ASEAN ghi nhận 7.217 ca mắc mới tại 6 quốc gia và 158 ca tử vong tại 3 quốc gia là Philippines, Indonesia và Myanmar.

5222-indo
Hàng triệu học sinh Indonesia phải học từ xa. (Nguồn: NY Times)

Trong ngày 15/9, Indonesia ghi nhận 3.507 ca mắc Covid-19 mới và 124 ca tử vong. Số ca bệnh tại nước này cho đến nay là 225.030 trường hợp, trong đó có 8.965 ca tử vong và 161.065 bệnh nhân đã hồi phục.

Cảnh sát Indonesia đã lên kế hoạch đề nghị các lãnh đạo cộng đồng và cả những thủ lĩnh băng nhóm ở địa phương nhằm giúp nâng cao nhận thức về các giao thức phòng dịch Covid-19. Tuy nhiên kế hoạch này đã vấp phải nhiều phản ứng mạnh mẽ. Theo đó, cảnh sát tin rằng sự hỗ trợ của các thủ lĩnh băng nhóm và cộng đồng địa phương là cần thiết cho những nỗ lực duy trì kỷ luật nơi công cộng về đeo khẩu trang và giãn cách xã hội.

Ngày 15/9, Philippines ghi nhận 3.544 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca bệnh lên 269.407, trong đó có 4.663 người đã tử vong và 207.352 ca hồi phục. Tờ Straits Times cho hay Philippines hiện đang đàm phán với một loạt nhà cung cấp vaccine Covid-19 tiềm năng, trong đó có các nhà cung cấp của Nga, Trung Quốc, công ty Pfizer và Moderna của Mỹ. Họ cũng đã lên kế hoạch thảo luận với người khổng lồ dược CSL của Australia.

Là một "điểm nóng" Covid-19 mới trong khu vực, Myanmar đã ghi nhận số ca mắc Covid-19 lên tới 3.502 trường hợp, vượt qua Thái Lan với 3.480 ca. Trong ngày 15/9, nước này xác nhận thêm 307 ca mắc Covid-19. Đây là số ca mắc mới theo ngày cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát hồi tháng 3 vừa qua. Myanmar hiện ghi nhận 35 ca tử vong, tăng 3 ca trong ngày 15/9.

Nội các Thái Lan vừa thông qua đề xuất cấp thị thực nhập cảnh dài ngày cho người nước ngoài đến quốc gia Đông Nam Á này với điều khiện họ thực hiện cách ly 14 ngày và có thời gian lưu trú ít nhất 90 ngày. Chính sách mới này sẽ được thực hiện từ tháng tới và dự kiến mỗi tháng có 1.200 du khách sẽ được cấp thị thực loại này.

Tại Việt Nam, Theo Bản tin 6h ngày 16/9 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, tính đến nay, Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới. Như vậy đến nay đã 2 tuần Việt Nam không ghi nhận ca mắc ngoài cộng đồng.

(TGVN/TTXVN)

ASEAN và LHQ kiểm điểm các hoạt động hợp tác

Ngày 15/9, cuộc họp giữa Ủy ban các Đại diện thường trực tại Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) với Liên hợp quốc (LHQ) do Đại sứ Trần Đức Bình - Trưởng phái đoàn Việt Nam tại ASEAN - và ông Khaled Khiari - Trợ lý Tổng Thư ký LHQ phụ trách chính trị và các hoạt động gìn giữ hòa bình - đồng chủ trì đã được tổ chức theo hình thức trực tuyến.

Đây là cuộc họp thường niên cấp Đại sứ giữa ASEAN và LHQ nhằm kiểm điểm tiến độ triển khai các dự án và hoạt động hợp tác trong khuôn khổ Kế hoạch Hành động ASEAN - LHQ giai đoạn 2016-2020.

ASEAN và LHQ nhấn mạnh tiếp tục đưa quan hệ Đối tác Toàn diện ASEAN - LHQ vào chiều sâu, thực chất và cam kết phối hợp chặt chẽ thực hiện Kế hoạch Hành động ASEAN - LHQ giai đoạn 2016 - 2020 trong năm cuối cùng triển khai, cũng như hoàn tất việc soạn thảo Kế hoạch Hành động ASEAN - LHQ giai đoạn 2021 - 2025 để kịp trình Hội nghị Bộ trưởng ASEAN - LHQ thông qua trong tháng 10/2020.

Ngoài ra, LHQ tiếp tục cử các chuyên gia hỗ trợ ASEAN thông qua các hội thảo, khóa đào tạo, tăng cường năng lực trong các lĩnh vực như chống khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia; an ninh mạng; thúc đẩy quản trị, quyền con người; trao quyền cho phụ nữ; hội nhập kinh tế; hỗ trợ doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, an ninh năng lượng, lương thực, bảo vệ rừng; phối hợp triển khai các mục tiêu của Chương trình 2030 về phát triển bền vững; hỗ trợ nhân đạo; giải quyết thảm họa thiên tai, biến đổi khí hậu; giáo dục; y tế và hợp tác giữa hai Ban Thư ký.

(Phái đoàn Việt Nam tại ASEAN)

my-tim-cach-giai-quyet-cac-loi-ich-an-ninh-cua-trieu-tien
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương David Stilwell. (Nguồn: Yonhap)

Mỹ không muốn buộc ASEAN phải chọn bên

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ David Stilwell phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương nói rằng, Washington không muốn các nước ASEAN phải chọn phe nhưng nhấn mạnh các nước có quyền tự quyết định các phương án để bảo vệ chủ quyền.

"Chúng tôi thỉnh thoảng vẫn nghe các nước ASEAN bạn bè và những nước khác nói rằng đừng nên bắt họ chọn phe. Tôi thấy Mỹ chưa bao giờ bắt ép ai phải chọn lựa cả. Chúng tôi luôn tin các nước có quyền tự quyết những gì phù hợp với họ", ông David Stilwell đặt vấn đề trong cuộc họp báo qua điện thoại sáng 15/9.

Ngoài ra, trong buổi họp báo của Bộ Ngoại giao Mỹ tổ chức, ông Stilwell nêu bật quan điểm rằng Trung Quốc mới là người buộc các nước khác chọn lựa. Theo ông Stilwell, Mỹ không hề phản đối các nước hợp tác với nước nào, miễn là sự hợp tác đó "mang lại ổn định, các kết quả tích cực và tôn trọng chủ quyền của các nước ASEAN".

(Jakarta Post)

ASEAN có thể làm trung gian giải quyết căng thẳng Mỹ-Trung

Căng thẳng Mỹ-Trung đang làm ảnh hưởng tới toàn thế giới, đặc biệt là tại khu vực Đông Nam Á. Việc quay trở lại với một trật tự hợp tác đa phương phải có sự tham gia của các bên liên quan. Các chính phủ cũng cần phải tương tác với nhau theo phương thức ngoại giao, chứ không phải buộc tội lẫn nhau như những gì mà Mỹ và Trung Quốc đang thực hiện.

Chính vì vậy, ASEAN với tư cách là một tổ chức tương đối trung lập, có những quyền lợi nhất định cần được bảo đảm, trong một tương lai được bồi đắp bởi trật tự toàn cầu đa phương, cần sớm ra mặt giải quyết và quản lý những căng thẳng đã xuất hiện trong những năm gần đây. Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) có thể là một nền tảng cơ bản để bắt đầu các cuộc thảo luận.

Ngoài ra, việc tổ chức một hội nghị thượng đỉnh ba bên cũng có thể là một phương pháp hữu hiệu để giải quyết cụ thể các tác động lên khu vực, gây ra bởi căng thẳng Mỹ-Trung. Các quốc gia thành viên ASEAN cũng nên vượt ra ngoài vai trò hòa giải và cùng xác định các giải pháp và lộ trình khả thi trước một hội nghị thượng đỉnh như vậy. Đây không phải là lần đầu tiên ASEAN đóng vai trò là người triệu tập các cường quốc, nhưng với tình hình cấp bách hiện tại, ASEAN hoàn toàn có thể thể hiện bản thân.

(SCMP)

Tin tức ASEAN buổi sáng 15/9: Philippines số ca tử vong vì Covid-19 cao kỷ lục, ASEAN giữ thăng bằng trong cạnh tranh Mỹ-Trung

Tin tức ASEAN buổi sáng 15/9: Philippines số ca tử vong vì Covid-19 cao kỷ lục, ASEAN giữ thăng bằng trong cạnh tranh Mỹ-Trung

TGVN. Philippines ghi nhận số ca tử vong do Covid-19 kỷ lục, ASEAN giữ thăng bằng trong cạnh tranh Mỹ-Trung... là những thông tin chính ...

5 yếu tố khiến ABA là giải thưởng đặc biệt quan trọng đối với doanh nghiệp ASEAN trong năm 2020

5 yếu tố khiến ABA là giải thưởng đặc biệt quan trọng đối với doanh nghiệp ASEAN trong năm 2020

TGVN. ABA 2020 là giải thưởng uy tín mang tầm cỡ quốc tế được Hội đồng Tư vấn Kinh doanh ASEAN (ASEAN BAC/ABA) tổ ...

Mỹ nhấn mạnh tầm quan trọng của trật tự quốc tế dựa trên luật pháp ở Biển Đông

Mỹ nhấn mạnh tầm quan trọng của trật tự quốc tế dựa trên luật pháp ở Biển Đông

TGVN. Ngày 12/9, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus cho biết đoàn đại biểu của Mỹ do Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ ...

Quang Đào