Phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan dịch Covid-19 tại Banda Aceh, Indonesia, ngày 12/9. (Nguồn: AFP) |
Covid-19 tại ASEAN: Toàn khối 14.122 ca tử vong; Myanmar nguy cơ thành tâm dịch mới
Tính tới hết ngày 16/9, ASEAN ghi nhận thêm 7.746 ca mắc bệnh Covid-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 14.120 người.
Trong 24 giờ qua, ASEAN có 3 quốc gia ghi nhận các ca tử vong vì Covid-19 là Philippines, Indonesia và Myanmar. Indonesia vẫn là nước dẫn đầu khu vực về tổng số bệnh nhân tử vong do đại dịch, gấp đôi quốc gia xếp sau là Philippines và bỏ xa các nước khác.
Myanmar mấy ngày qua có số ca mắc mới bất ngờ tăng đột biến và hiện đối mặt với nguy cơ dịch leo thang nhanh chóng. Việt Nam, Brunei, Campuchia và Lào là những nước ASEAN không có thêm ca bệnh Covid-19 nào trong ngày 16/9. Tình hình dịch bệnh tại một số nước ASEAN, tạo điều kiện cho việc xúc tiến quá trình mở cửa trở lại và khôi phục hoạt động kinh tế xã hội.
Indonesia ngày 16/9 thông báo ghi nhận thêm 3.963 ca mắc Covid-19 và 135 trường hợp tử vong. Đây là ngày có số ca nhiễm bệnh cao nhất từ trước tới nay tại quốc gia Đông Nam Á này.
Như vậy, tính đến nay, tổng cộng đã có 228.993 người mắc Covid-19 tại Indonesia, trong đó có 9.100 trường hợp tử vong. Thư ký Tòa thị chính Jakarta, ông Saefullah, đã tử vong sau khi nhập viện vì mắc Covid-19.
Trong 24 giờ qua, Philippines cũng ghi nhận thêm 3.550 ca mắc Covid-19 và 69 trường hợp tử vong, đưa tổng số ca nhiễm và tử vong do virus SARS-CoV-2 tại quốc gia Đông Nam Á này lên lần lượt là 272.934 và 4.732. Vùng thủ đô Manila là địa phương có số ca nhiễm mới nhiều nhất trong ngày 16/9, với 1.459 trường hợp.
Thứ trưởng Y tế Philippines Maria Rosario Vergeire cho rằng hiện còn quá sớm để khẳng định số ca nhiễm mới đang theo chiều hướng giảm do số liệu về dịch bệnh mỗi ngày lại khác nhau. Hiện lực lượng chức năng đang phân tích xu hướng của số ca nhiễm bệnh trong thời gian gần đây.
Tại Myanmar, số ca nhiễm mới Covid-19 ghi nhận trong ngày 16/9 là 134 ca, nâng tổng số ca nhiễm của nước này lên 3.636 ca, số ca tử vong là 39 người.
Tại Thái Lan, ngày 16/9, Phó Thủ tướng Thái Lan Prawit Wongsuwan cho biết các cửa khẩu ở biên giới giữa nước này với Myanmar tạm thời đóng cửa nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19 cũng như nạn buôn bán ma túy.
Theo Phó Thủ tướng Prawit, các thương nhân vẫn có thể vận chuyển hàng hóa và để hàng hóa tại điểm thu mua ở biên giới mà không cần tiếp xúc trực tiếp, nhằm hạn chế khả năng lây nhiễm Covid-19. Ông Prawit cho rằng trong bối cảnh khu vực đang phải hứng chịu những tổn thất kinh tế do đại dịch gây ra, nhiều đối tượng đã bị cám dỗ tham gia buôn bán ma túy vào Thái Lan, sau đó vận chuyển sang nước thứ 3.
Trong ngày, Thái Lan ghi nhận thêm 10 ca mắc Covid-19, qua đó nâng tổng số ca bệnh tại "xứ sở chùa Phật ngọc" lên 3.490 trường hợp. Tới nay, Thái Lan vẫn chỉ có 58 ca tử vong vì virus SARS-CoV-2 và đã nhiều tháng không có ca tử vong mới vì đại dịch. (TTXVN/TGVN)
Australia hỗ trợ ASEAN 60 triệu USD đảm bảo an ninh y tế và phục hồi kinh tế
Phái đoàn Australia tại ASEAN mới đây cho biết nước này sẽ hỗ trợ ASEAN 60 triệu USD nhằm đảm bảo an ninh y tế, ổn định và phục hồi kinh tế trong khuôn khổ Chương trình phục hồi các đối tác.
Khoản tiền trên nằm ngoài các nguồn viện trợ quan trọng hiện có của Australia nhằm hỗ trợ các ưu tiên cấp bách nhất của ASEAN trong việc ứng phó với đại dịch Covid-19.
Về an ninh y tế, Australia sẽ triển khai quan hệ đối tác mới nhằm giúp các nước tiểu vùng sông Mekong tăng cường phát hiện sớm Covid-19 sử dụng công nghệ giám sát nước thải của Australia.
Australia cũng sẽ tăng tài trợ cho sáng kiến Quyền của người khuyết tật ASEAN và hỗ trợ Kế hoạch tổng thể triển khai Cộng đồng ASEAN 2025. Các biện pháp này sẽ hỗ trợ cách tiếp cận toàn diện kế hoạch phục hồi khu vực, bao gồm cả các đối tượng và các cộng đồng dễ bị tổn thương.
Australia cũng sẽ tăng cường đầu tư cho hội nhập kinh tế ASEAN và kết nối kỹ thuật số, qua đó giúp thúc đẩy các hoạt động hợp tác cụ thể trong khuôn khổ Triển vọng ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Là sự kế thừa Chương trình hợp tác kinh tế Australia-ASEAN, khoản đầu tư sẽ hỗ trợ phục hồi kinh tế thông qua hợp tác trong các lĩnh vực kết nối, chuyển đổi kỹ thuật số, thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và phát triển khu vực tư nhân.
Ngoài cam kết hỗ trợ các phản ứng y tế do ASEAN dẫn dắt được công bố tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao đặc biệt ASEAN-Australia vào ngày 30/6 vừa qua, Australia cho biết sẽ đóng góp 1 triệu USD cho Quỹ ASEAN ứng phó với Covid-19 để mua vật tư và thiết bị y tế, hỗ trợ hợp tác nghiên cứu và nâng cao năng lực cho các chuyên gia y tế tuyến đầu. (TTXVN)
Hội nghị cấp Bộ trưởng ASEAN diễn ra theo hình thức trực tuyến. (Nguồn: Internet) |
Ra mắt Hội đồng Giáo dục ASEAN
Ngày 16/9, tại Hội nghị trực tuyến cấp bộ trưởng ASEAN, các bộ trưởng đã thống nhất thông qua Lộ trình thực hiện Tuyên bố ASEAN về Phát triển Nguồn nhân lực cho Thế giới Công việc đang đổi thay và ra mắt Hội đồng Giáo dục ASEAN.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: "Bên cạnh những cơ chế truyền thống, cần có những cơ chế mới để tất cả người lao động có cơ hội và nhận thức được nghĩa vụ phải tự cập nhật kiến thức, được trang bị kỹ năng nghề nghiệp mới, thậm chí luôn sẵn sàng để chuyển đổi nghề nghiệp".
"Việt Nam cam kết luôn tích cực phối hợp chặt chẽ cùng các thành viên, các đối tác trong thực hiện lộ trình này, biến cam kết chính trị trở thành hiện thực, để có rất nhiều cơ hội cho người lao động, cho doanh nghiệp và cho một cộng đồng ASEAN ngày càng thịnh vượng", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.
Trong khuôn khổ hội nghị, Tổng thư ký ASEAN Lim Jock Hoi nhấn mạnh tầm quan trọng của các cam kết phát triển nguồn nhân lực ở khu vực, đặc biệt trong thế giới hậu bệnh dịch. Các quốc gia ASEAN cũng cam kết một nền tảng, văn hóa học tập suốt đời, tăng cường đào tạo kỹ năng nghề.
Bên cạnh việc phải làm sao để người lao động chuẩn bị cho những cú sốc việc làm, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp trong thế giới số, cần hướng tới mục tiêu đảm bảo cơ hội việc làm cho người lao động, nâng cao chất lượng lao động ASEAN. (TTXVN/TGVN)
Kinh tế Thái Lan sẽ giảm 8% năm 2020 do dịch Covid-19
Bất chấp thành tích của Thái Lan trong việc kiềm chế tương đối hiệu quả đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vẫn đánh giá tác động của đại dịch này đối với kinh tế Thái Lan nghiêm trọng hơn dự kiến và sự phục hồi kinh tế vẫn còn khó dự báo. Theo ADB, GDP của Thái Lan có thể giảm tới 8% trong cả năm 2020.
Dự báo trên thấp hơn so với dự báo giảm 4,8% mà ADB đưa ra hồi tháng 4/2020. Theo ADB, nhu cầu bên ngoài yếu có thể sẽ tiếp diễn trong thời gian tới. Ngay cả khi các đối tác thương mại đang dần hồi phục khi tình hình dịch Covid-19 cho phép nới lỏng các biện pháp phòng chống, hoạt động kinh tế được dự báo sẽ vẫn thấp hơn đáng kể so với các mức trước đại dịch ở nhiều quốc gia.
Theo ADB, xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của Thái Lan dự kiến giảm 22,3% trong năm 2020, sau đó phục hồi với mức tăng trưởng 7,6% vào năm 2021.
ADB cho rằng xuất khẩu giảm sâu hơn sẽ đè nặng lên tiêu dùng và đầu tư tư nhân của Thái Lan. Đầu tư tư nhân của Thái Lan hiện dự kiến sẽ giảm 12,1% năm 2020 sau đó phục hồi với mức tăng trưởng 4% năm 2021. Nhu cầu trong nước và ngoài nước đều yếu, năng lực sản xuất dư thừa và sự bất ổn kéo dài về diễn biến của đại dịch sẽ làm suy yếu niềm tin kinh doanh và cản trở đầu tư trong năm nay. Tại Thái Lan, làn sóng Covid-19 thứ hai nếu xuất hiện thì sẽ có thể kích hoạt một đợt phong tỏa khác và sự gián đoạn các hoạt động kinh tế.
ADB dự báo GDP của Thái Lan sẽ tăng 4,5% vào năm 2021. Theo ADB, triển vọng của nền kinh tế Thái Lan phụ thuộc phần lớn vào tình hình dịch Covid-19 ở khu vực và toàn cầu. (TTXVN/ Jakarta Post)