RCEP khẳng định vị thế ASEAN
Tổng Thư ký ASEAN Dato Lim Jock Hoi đã gọi việc 10 nước thành viên ASEAN cùng với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand ký Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 do Việt Nam chủ trì, là một “sự kiện lịch sử".
Sáng 15/11, trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN 37, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Lễ ký kết trực tuyến các nước tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực - RCEP. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Ý nghĩa của sự kiện này không chỉ quan trọng với ASEAN mà còn tác động tích cực đến thương mại toàn cầu trong bối cảnh thế giới đang phải nỗ lực khắc phục những hậu quả kinh tế mà đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 gây ra.
Ông Dato Lim Jock Hoi khẳng định sự kiện này đã củng cố vai trò của ASEAN trong việc dẫn dắt một hiệp định thương mại đa phương tầm cỡ, bất chấp những thách thức toàn cầu và khu vực, cũng như 8 năm đàm phán khó khăn.
Trong bức tranh màu xám đó, việc ký kết RCEP rõ ràng là một "điểm sáng" nổi bật, bởi hợp tác quốc tế chính là “chìa khóa” giúp đẩy nhanh sự phục hồi kinh tế toàn cầu, nhất là khi chủ nghĩa đa phương và thương mại tự do đang bị xu hướng trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ lấn lướt. Như Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nhận định, việc ký kết RCEP “là một bước tiến lớn đối với thế giới, vào thời điểm chủ nghĩa đa phương đang mất dần chỗ đứng, và tăng trưởng toàn cầu đang chậm lại”.
(TTXVN)
Thúc đẩy quyền của phụ nữ và trẻ em trong ASEAN
Lễ ra mắt Báo cáo khu vực về “Thúc đẩy hòa nhập bền vững của Cộng đồng ASEAN thông qua việc đảm bảo địa vị pháp lý của phụ nữ và trẻ em ASEAN” do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Ban thư ký ASEAN và Cao ủy Liên hợp quốc về Người tị nạn (UNHCR) tổ chức vào ngày 17/11 theo hình thức trực tuyến.
Theo Ban thư ký ASEAN, Báo cáo khu vực về “Thúc đẩy hòa nhập bền vững của Cộng đồng ASEAN thông qua việc đảm bảo địa vị pháp lý của phụ nữ và trẻ em ASEAN” cho thấy bức tranh tổng thể về khuôn khổ pháp lý và việc thực thi tương ứng ở các nước thành viên ASEAN, những thách thức, điển hình tốt và khuyến nghị trong việc thúc đẩy quyền của phụ nữ và trẻ em đối với địa vị pháp lý, đăng ký hộ tịch và đăng ký khai sinh.
Tại Lễ ra mắt cũng đã diễn ra phiên thảo luận trao đổi về các kết quả của Báo cáo khu vực và các hoạt động hợp tác tiềm năng với Ủy ban ASEAN về Thúc đẩy và Bảo vệ các quyền của Phụ nữ và Trẻ em (ACWC) trong tương lai để đưa vào Kế hoạch công tác giai đoạn 2021-2025. Đồng thời, các đối tác của ACWC cũng đã chia sẻ quan điểm về các chuyên đề mà ACWC đề cập, những thành tựu mà ACWC đạt được trong 10 năm qua trong quan hệ đối tác tương ứng cũng như cam kết tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác.
(TTXVN)
Google đã chính thức rót vốn vào startup công nghệ kỳ lân của Indonesia Tokopedia. (Nguồn: KrAsia) |
Các ông lớn công nghệ đầu tư mạnh mẽ vào startup Đông Nam Á
Ngày 16/11, Google và Temasek - công ty đầu tư của chính phủ Singapore thông báo đã đầu tư vào start-up kỳ lân Tokopedia của Indonesia. Google hiện nắm giữ 1,6% Tokopedia trong khi Anderson Investments trực thuộc Temasek có 3,3% cổ phần, theo tài liệu nộp cho Bộ Luật và Nhân quyền Indonesia. Cổ phiếu Tokopedia mà Google nắm giữ trị giá 16,7 tỷ IDR (1,1 triệu USD) trong khi cổ phiếu do Anderson nắm giữ có giá trị 33,4 tỷ IDR.
Tokopedia được biết đến là một công ty thương mại điện tử khổng lồ của Indonesia, một “kỳ lân” thực sự của châu Á với mức định giá 7 tỷ USD, biến công ty này thành kỳ lân lớn thứ ba ở Đông Nam Á, chỉ xếp sau Grab của Singapore và Gojek của Indonesia.
Khoản đầu tư của Google vào Tokopedia là lần rót tiền thứ hai của họ vào một kỳ lân Indonesia. Trước đó, Google đã đầu tư vào Gojek hồi năm 2018.
Động thái này của Google cho thấy xu thế đầu tư mạnh mẽ vào các công ty công nghệ Đông Nam Á của các "gã khổng lồ" Mỹ. Trước đó, Microsoft cũng đã rót vốn vào Bukalapak, đối thủ của Tokopedia, hay Facebook và PayPal cũng đã đầu tư vào Gojek trong tháng 6.
(DealStreetAsia)
Tình hình Covid-19 tại Đông Nam Á
Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến sáng 18/11, các nước ASEAN ghi nhận tổng cộng 1.070.434 ca mắc Covid-19 trong đó có 25.324 ca tử vong và 927.447 bệnh nhân bình phục.
Trong 24 giờ qua, khu vực Đông Nam Á có 4 quốc gia ghi nhận các ca tử vong vì Covid-19 là Philippines, Indonesia, Malaysia và Myanmar. Indonesia hiện là ổ dịch Covid-19 nghiêm trọng nhất trong các nước ASEAN, khi nước này liên tục nhiều tuần qua ghi nhận số ca bệnh cũng như tử vong mới cao nhất. Ca tử vong mới trong ngày 17/11 tại Indonesia tuy giảm so với những ngày trước nhưng vẫn ở mức cao, trên 3.800 trường hợp, và 97 ca tử vong.
Ba quốc gia có số ca nhiễm mới ở mức 4 con số còn lại là Philippines, Malaysia và Myanmar. Trong đó, tình hình dịch bệnh ở Myanmar trở nên đáng lo ngại hơn khi số ca nhiễm mới tăng mạnh so với ngày 16/11.
Cụ thể, Indonesia ghi nhận tổng cộng 474.455 ca Covid-19, trong đó có 3.807 ca mới, 15.393 ca tử vong và 398.636 người đã bình phục; Myanmar ghi nhận thêm 1.569 ca nhiễm mới, cao hơn nhiều so với con số 1.167 của ngày 16/11; trong khi đó, Philippines ghi nhận thêm 1.148 ca Covid-19 so với một ngày trước.
(TTXVN)
| Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 12: Thành công tốt đẹp với số lượng kỷ lục các diễn giả TGVN. Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 12 với chủ đề "Duy trì hòa bình và hợp tác trong bối ... |
| CAFEO 38: Xây dựng cộng đồng ASEAN bền vững và thịnh vượng TGVN. Trước những thách thức chưa từng có và các tác động kinh tế - xã hội nghiêm trọng do đại dịch Covid-19, Liên đoàn ... |
| Trắc nghiệm về ASEAN - Có thể bạn chưa biết? TGVN. Năm 2020 đánh dấu 25 năm Việt Nam gia nhập ngôi nhà chung mang tên ASEAN. Bài trắc nghiệm dưới đây kiểm tra hiểu ... |