Điều chỉnh thông số kỹ thuật phù hợp trong điều trị cho bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng. (Nguồn: SKĐS) |
Tình hình dịch Covid-19 tại ASEAN
Tính tới rạng sáng ngày 19/8, ASEAN có tổng số ca nhiễm Covid-19 là trên 382.621 ca, trong khi tổng số ca tử vong là 9.209, trong đó, ghi nhận thêm 6.625 ca mắc mới và 76 ca tử vong.
Ngày 18/8, Bộ Y tế Philippines thông báo có thêm 4.836 ca mắc Covid-19, là ngày thứ 7 liên tiếp quốc gia Đông Nam Á ghi nhận hơn 3.000 ca mắc trong 1 ngày. Trước đó, ngày 17/8, Tổng thống Rodrigo Duterte đã nới lỏng biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt ở thủ đô Manila và các tỉnh phụ cận nhằm mở cửa trở lại nền kinh tế, cũng như giúp đỡ các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.
Cũng liên quan đến tình hình Philippines, nghiên cứu của ngân hàng Australia và New Zealand (ANZ Bank) dự báo kinh tế nước này sẽ suy giảm 9,2% trong nửa cuối năm 2020 do tác động của đại dịch Covid-19.
Trong khi đó, Indonesia cũng ghi nhận thêm 1.673 ca mắc Covid-19 và 70 trường hợp tử vong, đưa tổng số người mắc bệnh và tử vong do virus SARS-CoV-2 lên lần lượt là 143.043 và 6.277.
Chính phủ Indonesia sẽ phân bổ gói ngân sách 3.800 tỷ Rupiah (257 triệu USD) nhằm khôi phục ngành du lịch thông qua việc cấp một số ưu đãi cho các doanh nghiệp liên quan ở trong nước bị tác động của đại dịch Covid-19. Các ưu đãi này bao gồm hỗ trợ và cắt giảm thuế thu nhập.
Ngày 18/8, Singapore thông báo ghi nhận 100 ca Covid-19 mới, nâng tổng số ca bệnh lên 55.938, trong đó 52.350 người đã hồi phục. Đảo quốc sư tử đã nhiều tháng qua không ghi nhận ca tử vong nào vì virus SARS-CoV-2.
Ngày 17/8, chuyên gia kinh tế hàng đầu của Lào dự báo lượng kiều hối đổ về quốc gia này trong năm 2020 sẽ giảm 50% do cuộc khủng hoảng kinh tế vì đại dịch Covid-19. Báo Vientiane Times dẫn lời Chủ tịch Ủy ban Kế hoạch, Tài chính và Kiểm toán quốc gia Lào Leeber Leebouapao cho biết, kiều hối đóng góp phần lớn cho nền kinh tế và những nỗ lực giảm nghèo tại quốc gia này. Hơn 100.000 lao động nhập cư của Lào đã trở về nước kể từ khi đại dịch bùng phát.
Mặc dù Thái Lan đã có hơn 80 ngày không ghi nhận ca mắc Covid-19 trong cộng đồng, song điều này không có nghĩa nước này "miễn nhiễm" với làn sóng lây nhiễm thứ hai. Đây là cảnh báo của giới chuyên gia y tế Thái Lan đưa ra ngày 17/8.
Do đó, để có thể phòng, chống hiệu quả nguy cơ xảy ra làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ hai, người dân Thái Lan cần thay đổi thái độ, tuân thủ nghiêm các quy định giãn cách xã hội, trong khi các cơ sở y tế cần tiếp tục thận trọng, tiến hành xét nghiệm virus SARS-CoV-2 với tất cả bệnh nhân có triệu chứng viêm phổi. Tất cả những người trở về từ nước ngoài đều phải xét nghiệm và cách ly bắt buộc.
Tại Việt Nam, theo Bản tin 6h ngày 19/8 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, tính đến nay, Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới, đang có 100 ca âm tính từ 1-3 lần với SARS-CoV-2. Hiện Việt Nam vẫn có 989 bệnh nhân.
(TGVN/TTXVN)
Vaccine Covid-19 của Nga và ASEAN
Tại Đông Nam Á, một số quốc gia như Indonesia, Philippines và Việt Nam đã đề xuất đặt mua vaccine Covid-19 “Sputnik V” của Nga. Moscow khó có thể từ chối họ khi cuộc chiến kiểm soát đại dịch bước vào giai đoạn tiếp theo: “ngoại giao vaccine”.
Tuy nhiên, Sputnik V không nằm trong danh sách 9 loại vaccine đang trong giai đoạn thử nghiệm nâng cao của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Vaccine này cũng không thuộc chương trình COVAX, cơ chế giúp phân phối vaccine ngừa Covid-19 một cách công bằng hơn.
Hiện chưa ai có thể dám chắc liệu vaccine có hoạt động tốt hay không, hay có bất kỳ tác dụng phụ lâu dài nào hay không. Thế giới vẫn tiếp tục phải chờ đến lúc Nga tiến hành thử nghiệm giai đoạn 3 và công bố kết quả nghiên cứu của mình.
Từ vũ khí đến y học, ảnh hưởng của Nga trong khu vực đang ngày càng gia tăng. Cung cấp cho Đông Nam Á vaccine Covid-19 an toàn và hiệu quả có thể củng cố danh tiếng của quốc gia này, và sẽ là một giải pháp thay thế cho Trung Quốc hoặc Mỹ.
(ASEAN Post)
Australia hỗ trợ Đông Nam Á tiếp cận sớm vaccine Covid-19
Thủ tướng Australia Scott Morrison ngày 18/8 cho biết nước này đã đạt được thỏa thuận với công ty dược Thụy Điển-Anh AstraZeneca để tiếp nhận vaccine do công ty này và Đại học Oxford đang phát triển, hứa sẽ phát miễn phí cho toàn bộ 25 triệu người dân Australia.
Theo Thủ tướng Morrison, Australia vẫn “cam kết” đảm bảo quyền tiếp cận vaccine sớm cho các nước Thái Bình Dương và những đối tác ở Đông Nam Á.
Hồi đầu tháng, ông Morrison cũng kêu gọi các quốc gia chia sẻ những loại vaccine tiềm năng. Nhà lãnh đạo Australia cho rằng bất cứ nước nào tìm ra vaccine mà không chia sẻ với toàn cầu "sẽ bị lịch sử phán xét tồi tệ".
(AFP)
Giới đầu tư quốc tế chê cổ phiếu Đông Nam Á
Theo Bloomberg, tính từ đầu năm đến nay, chỉ số chứng khoán Đông Nam Á MSCI ASEAN Index lao dốc 19% dù các thị trường châu Á - Thái Bình Dương và toàn cầu tăng trưởng mạnh. Chỉ số chứng khoán Philippines và Singapore đều sụt 20%. Nếu đà giảm tiếp diễn, chứng khoán Đông Nam Á sẽ trải qua năm tồi tệ nhất kể từ 2013.
Giới quan sát nhận định, thị trường chứng khoán Đông Nam Á có thể hưởng lợi nếu một hãng dược quốc tế sản xuất thành công vaccine chống SARS-CoV-2, qua đó giúp các nền kinh tế khu vực sớm mở cửa đầy đủ trở lại.
(Bloomberg)