📞

Tin tức ASEAN buổi sáng 20/4

Quang Đào 09:30 | 20/04/2020
TGVN. Cập nhật tình hình Covid-19 tại Đông Nam Á, Nhật Bản rời sản xuất từ Trung Quốc sang ASEAN... là những thông tin nổi bật trong bản tin ASEAN ngày hôm nay.
Covid-19 tại Đông Nam Á: Singapore đứng đầu khu vực về số lượng ca nhiễm.

Tình hình Covid-19 tại Đông Nam Á: Singapore đứng đầu khu vực về số lượng ca nhiễm

Tính tới rạng sáng 20/4, các nước ASEAN ghi nhận tổng cộng trên 28.250 ca mắc Covid-19 và 932 người tử vong, số bệnh nhân được điều trị thành công tăng lên 7.584 trường hợp.

Singapore hiện là quốc gia thành viên ASEAN có nhiều ca mắc bệnh Covid-19 nhất với tổng số 6.588 ca mắc, dù số ca tử vong tại đây không cao. Tới nay, Singapore ghi nhận 11 ca tử vong vì dịch bệnh.

Indonesia xác nhận 327 ca mắc mới Covid-19, đưa tổng số trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 ở nước này lên 6.575 người và số bệnh nhân tử vong lên tới 582 người.

Trong ngày 19/4, Malaysia ghi nhận 84 ca mắc mới Covid-19, đưa tổng số trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 lên 5.389 trường hợp. Bên cạnh đó, số ca tử vong cũng đã tăng thêm 1 trường hợp, lên 89 người. Hiện Malaysia dẫn đầu khu vực về số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 được điều trị thành công, với 3.197 trường hợp.

Tại Thái Lan, trong 24h qua nước này ghi nhận thêm 32 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và không có trường hợp tử vong, nâng tổng số bệnh nhân Covid-19 lên 2.765 người, trong đó có 47 trường hợp tử vong.

Philippines tính đến thời điểm hiện tại có 6.259 trường hợp nhiễm Covid-19, trong đó có 409 người tử vong.

Tại Lào, cuộc chiến phòng chống dịch Covid-19 tiếp tục có dấu hiệu tích cực khi 7 ngày liên tiếp, nước này không ghi nhận thêm bất cứ trường hợp nào dương tính với virus SARS-CoV-2.

Các nước Đông Nam Á còn lại như Campuchia, Myanmar, Brunei, Timor Leste không có biến động lớn.

Theo bản tin 6h ngày 20/4 của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, đến thời điểm này, tròn 4 ngày Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới Covid-19. Tổng số ca mắc Covid-19 vẫn là 268.

(TGVN/TTXVN)

Dự báo tác động của Covid-19 tới ASEAN

Theo Tiến sĩ Dan Steinbock, nhà sáng lập Difference Group, trong những tháng tới, các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển sẽ tìm cách đối phó với cơn sóng thần kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra. Các quốc gia có hệ thống chăm sóc sức khỏe yếu hơn, nền kinh tế nghèo, đặc biệt là các nhà xuất khẩu dầu mỏ và hàng hóa, sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Việt Nam, cũng như Singapore và Malaysia, đã phát hiện ra rằng các cuộc tranh chấp thương mại và một vài tháng đại dịch có thể đẩy lùi một thập kỷ phục hồi xuất khẩu. Những quốc gia phụ thuộc vào cả du lịch và xuất khẩu giờ phải đối phó với tình trạng bất ổn kinh tế dài hạn do tình trạng kiểm soát dịch chặt chẽ.

Vì vậy, kịch bản cơ bản mới Indonesia, Philippines và Việt Nam sẽ phải chịu sự giảm tăng trưởng nghiêm trọng trong quý II và kéo dài hết năm. Theo đó, ông Steinbock dự đoán Indonesia sẽ hạ mức tăng trưởng từ 5% vào năm 2019 xuống 0,5% và ở Philippines là từ 5,9% xuống 0,6%. Trong khi đó, Việt Nam đang có công tác kiểm soát dịch tốt, nhưng tăng trưởng GDP sẽ giảm từ 7% xuống còn 2,7%.

Trong trường hợp tốt nhất, kinh tế ASEAN sẽ bật mạnh trở lại vào năm 2021.

(Manila Times)

Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo.

Nhật Bản rời sản xuất từ Trung Quốc sang ASEAN

Theo Nikkei, chính quyền Thủ tướng Abe Shinzo đã quyết định “rời bỏ” Trung Quốc và hướng tới các thị trường mới nhằm hạn chế sự phụ thuộc vào thị trường sản xuất lớn nhất thế giới.

Theo đó, Nhật Bản sẽ sử dụng gói hỗ trợ kinh tế chống lại tác động của Covid-19 trị giá 2,2 tỷ USD để đưa các doanh nghiệp sản xuất rời khỏi Nhật Bản hoặc hơn 217 tỷ USD để đa dạng hóa khả năng sản xuất sang các nước Đông Nam Á.

Các quốc gia khác như Mỹ và Anh cũng đang lên kế hoạch giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc và điều này sẽ khiến nền kinh tế Trung Quốc ảnh hưởng khá nặng kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát. Các công ty công nghệ lớn của Mỹ như Apple, Google và Microsoft được cho biết sẽ tìm tới các thị trường sản xuất mới như Việt Nam, Thái Lan, Indonesia và Malaysia.

Dường như, sự suy sụp của Trung Quốc đang mở ra những cơ hội mới cho khu vực Đông Nam Á. Trong tương lai, Trung Quốc có thể không còn là cường quốc sản xuất của thế giới nữa.

(Nikkei)

Hội đồng tư vấn kinh doanh ASEAN kêu gọi các chuỗi cung ứng thực phẩm không bị gián đoạn

Ngày 19/4, Hội đồng Tư vấn kinh doanh ASEAN (ASEAN-BAC) đã kêu gọi các nhà lãnh đạo của ASEAN thực hiện các biện pháp khẩn cấp để đảm bảo chuỗi sản xuất và cung ứng thực phẩm và đồ uống thiết yếu không bị gián đoạn. Điều này bao gồm việc duy trì biên giới mở cho hàng hóa ở tất cả các cấp.

Hội đồng kêu gọi các nhà lãnh đạo ASEAN cho phép lực lượng lao động về vận chuyển, hậu cần liên quan đến ngành đồ ăn-thức uống tiếp tục làm việc, với các biện pháp bảo vệ thích hợp nhằm đảm bảo sức khỏe và an toàn cho người lao động.

ASEAN-BAC cũng kêu gọi các quốc gia ASEAN đảm bảo sự tham vấn thường xuyên cho khối doanh nghiệp về bất kỳ quyết định chính sách nào xung quanh việc cung cấp thực phẩm để giảm thiểu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng Covid-19.

Theo đó, ASEAN-BAC khẳng định lại cam kết trong việc thực hiện các hành động và phối hợp chính sách nhằm nhằm giảm thiểu tác động kinh tế và xã hội từ đại dịch, như trong tuyên bố của Hội nghị trực tuyến Cấp cao đặc biệt ngày 14/4.

(The Edge Market)