Trong 24 giờ qua, khối ASEAN chỉ có hai quốc gia ghi nhận ca tử vong vì Covid-19 là Philippines và Indonesia. (Nguồn: AP) |
Covid-19 tại ASEAN: Toàn khối trên 389.200 ca bệnh; Tử vong tại Philippines ở mức ba con số
Tính tới hết ngày 19/8, ASEAN ghi nhận thêm 6.685 ca mắc bệnh Covid-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 9.380 người.
Trong 24 giờ qua, khối ASEAN chỉ có hai quốc gia ghi nhận ca tử vong vì Covid-19 là Philippines và Indonesia. Indonesia tiếp tục dẫn đầu khu vực về tổng số bệnh nhân tử vong do đại dịch và nhiều hơn số ca tử vong của tất cả các nước ASEAN khác cộng lại.
Tại Philippines, dịch bệnh đang quay trở lại với nhiều diễn biến nghiêm trọng, khi số ca mắc mới tại nước này tăng vọt và vượt qua cả Indonesia về số ca mắc/ngày cũng như tổng số bệnh nhân. Đây chính là ổ dịch Covid-19 nghiêm trọng nhất trong số các nước ASEAN hiện nay.
Toàn khối đang chứng kiến những diễn biến dịch mới đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới. Tuy nhiên, dù vẫn ghi nhận các ca mới, song tình hình dịch bệnh tại một số nước ASEAN – như Thái Lan, Malaysia hay Singapore - đang xúc tiến quá trình mở cửa trở lại và khôi phục hoạt động kinh tế xã hội.
Ngày 19/8, Chính phủ Philippines đã nới lỏng lệnh phong tỏa nghiêm ngặt vốn được áp đặt tại thủ đô Manila và các tỉnh lân cận nhằm kiềm chế dịch bệnh lây lan, theo đó cho phép thêm nhiều cơ sở kinh doanh được nối lại hoạt động.
Cùng ngày, Bộ Y tế nước này thông báo 4.650 ca mắc mới và 111 ca tử vong vì bệnh Covid-19. Theo đó, tổng số người mắc bệnh tại nước này đã tăng lên 173.774 trường hợp, cao nhất tại khu vực Đông Nam Á, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên 2.795 người.
Từ ngày 17/8, Philippines bắt đầu thử nghiệm lâm sàng 9 tháng đối với thuốc Avigan để nghiên cứu hiệu quả của loại thuốc cúm của Nhật Bản trong điều trị bệnh nhân Covid-19.
Tại Indonesia, trong 24 giờ qua nước này ghi nhận 69 ca tử vong vì virus SARS-CoV-2 và 1.902 ca mắc bệnh, qua đó nâng tổng số ca mắc Covid-19 và tử vong vì đại dịch tại "quốc gia vạn đảo" lên lần lượt 144.945 ca và 6.346 ca.
Chính phủ Indonesia vừa công bố một chương trình tín dụng vi mô (KUR) mới dành cho lao động bị mất việc và những người nội trợ sở hữu các doanh nghiệp siêu nhỏ nhằm giúp họ phục hồi sau đại dịch Covid-19.
Thứ trưởng Bộ Điều phối Kinh tế Iskandar Simorangkir cho biết chính phủ đặt mục tiêu giải ngân các khoản tín dụng vi mô KUR có tổng trị giá 12.000 tỷ Rupiah (814 triệu USD) cho 3 triệu người từ nay đến cuối năm 2020. Phát biểu tại cuộc họp báo trực tuyến, ông Iskandar bày tỏ hy vọng rằng chương trình sẽ được khởi động vào cuối tháng này nhằm giúp đỡ các lao động bị mất việc và những người nội trợ xây dựng doanh nghiệp siêu nhỏ của mình.
Ngày 19/8, Thái Lan đã phát hiện ca mắc Covid-19 đầu tiên bên ngoài khu cách ly của nhà nước trong bối cảnh quốc gia Đông Nam Á này vừa trải qua ngày thứ 86 không ghi nhận bất cứ trường hợp lây nhiễm nào ở trong nước.
Thông báo của Khoa Y, Bệnh viện Ramathibodi Chakri Naruebodindra cho biết bệnh nhân là công dân Thái Lan trở về từ Dubai, đã trải qua 14 ngày ở khu cách ly của nhà nước trước khi được phép về nhà. Ngày 19/8, bệnh nhân đã phải quay lại khu cách ly với các triệu chứng của bệnh. Hiện người này hiện đang được điều trị tại bệnh viện trên. (TTXVN/TGVN)
Quan hệ với ASEAN - "Vũ khí" quan trọng của Nhật Bản
Chính phủ Nhật Bản đang tăng cường hỗ trợ các nước ASEAN phòng chống dịch Covid-19. Từ đầu tháng 8/2020, Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi đã đi thăm một số nước ASEAN với cam kết cung cấp vật tư y tế và hàng hóa.
Ngoại trưởng Motegi đã đi thăm Singapore và Malaysia từ ngày 12/8 và sau đó tới Campuchia, Lào, Myanmar. Nhật Bản cam kết cung cấp các vật tư và thiết bị y tế như giường bệnh và xe cứu thương cho các nước trong khu vực. Trước đó, vào tháng 7/2020, Nhật Bản cũng đã quyết định viện trợ cho 5 nước thuộc khu vực sông Mekong - gồm 3 nước nói trên cùng với Việt Nam và Thái Lan - các thiết bị y tế với tổng giá trị khoảng 11,6 tỷ Yên (110 triệu USD).
Quan sát các hoạt động ngoại giao cấp cao vừa qua của Nhật Bản có thể thấy quốc gia này đang đặt trọng tâm vào khu vực Đông Nam Á, và động lực xuất phát từ yếu tố Trung Quốc. Một quan chức Bộ Ngoại giao Nhật Bản thừa nhận rằng “cần phải kéo ASEAN gần hơn về phía mình”.
Với Nhật Bản, mối quan hệ với ASEAN có ý nghĩa đặc biệt. Mỹ ở xa Đông Nam Á về mặt địa lý, và vì vậy, việc Washington gia tăng ảnh hưởng tại khu vực này sẽ là hướng đi giúp Nhật Bản gia tăng vị thế và giá trị. Trong chuyến công du nước ngoài ngay sau khi nhậm chức lần 2, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng đã chọn Đông Nam Á là điểm đến đầu tiên. Do vậy, dù kết quả cuộc bầu cử tại Mỹ sắp tới như thế nào, quan hệ với ASEAN vẫn là một thứ “vũ khí” quan trọng với Nhật Bản. (Nikkei)
Nhật Bản luôn coi ASEAN có ý nghĩa quan trọng trong chính sách. (Nguồn: Internet) |
Indonesia chú trọng các dự án hạ tầng giao thông thúc đẩy kinh tế
Ngày 19/8, phát biểu tại cuộc họp báo trực tuyến, Bộ trưởng Điều phối các vấn đề hàng hải và đầu tư của Indonesia, ông Luhut Binsar Pandjaitan cho biết, các nghiên cứu mới nhất của cơ quan nghiên cứu chính sách và kinh tế nước này đều chỉ ra rằng, nếu hệ thống giao thông được mở rộng 1%, tăng trưởng kinh tế cũng tăng khoảng 8,8%.
Do vậy, Chính phủ Indonesia luôn coi việc xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông là một trong những vấn đề ưu tiên quan trọng hàng đầu. Thời gian tới, Indonesia sẽ huy động mọi nguồn lực, bao gồm cả lĩnh vực đầu tư tư nhân và nhà nước để cùng tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, hỗ trợ phát triển kinh tế đất nước.
Bộ trưởng Luhut Binsar Pandjaitan cho biết hệ thống giao thông vận tải thuận tiện và thông suốt sẽ giúp chính phủ và người dân tiết kiệm được rất nhiều chi phí. Cụ thể, trong giai đoạn năm 2019 - 2020, ước tính Indoensia tiết kiệm được khoảng 40.000 tỷ Rupiah nếu giao thông không bị ách tắc. Con số này thậm chí còn cao hơn nếu mạng lưới giao thông của Indonesia đủ sức đáp ứng mọi nhu cầu di chuyển và vận tải hàng hóa của người dân.
Đây cũng chính là một trong những động lực khiến Chính phủ Indonesia ráo riết xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng, bao gồm cả giao thông đường sắt. Khi hệ thống đường sắt hoàn thiện, nó sẽ được kết nối và vận hành song song cùng hệ thống đường bộ, trong đó có các tuyến đường thu phí chất lượng cao. Sự kết hợp này sẽ mang lại hiệu quả rất cao và sẽ giúp Indonesia tiết kiệm được khoảng 4% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) mỗi năm.
Cùng với việc nhấn mạnh tới chủ trương tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, Bộ trưởng Điều phối các vấn đề hàng hải và đầu tư Indonesia cũng cho rằng, việc phát triển các loại hình giao thông công cộng, khuyến khích người dân sử dụng các phương tiện hiện đại, văn minh này cũng sẽ giảm ùn tắc giao thông và tiết kiệm chi phí, cũng là những yếu tố quan trọng giúp kinh tế quốc gia phát triển. Do vậy, đi đôi với việc phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, Indonesia cũng cần tăng cường phát triển các loại hình giao thông công cộng ở mọi địa phương trên cả nước, không riêng gì tại các thành phố lớn. (TTXVN/Jakarta Post)
Thương mại Myanmar-ASEAN đạt hơn 9,9 tỷ USD trong 9 tháng
Theo thống kê của Bộ Thương mại Myanmar, giao thương giữa Myanmar và các thành viên ASEAN đạt hơn 9,9 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm tài chính 2019-2020.
Từ ngày 1/10/2019 đến ngày 31/6 năm nay, Myanmar đã thu về 3,6 tỷ USD từ xuất khẩu sang các nước thành viên ASEAN trong khi con số nhập khẩu là hơn 6,3 tỷ USD.
Trong giai đoạn này, Thái Lan, Singapore và Malaysia được coi là 3 đối tác thương mại hàng đầu trong ASEAN của Myanmar, với tổng giá trị thương mại lần lượt là hơn 3,9 tỷ USD, hơn 3,3 tỷ USD và hơn 1 tỷ USD.
Thương mại của Myanmar với Indonesia đạt giá trị ước tính hơn 936,5 triệu USD, với Việt Nam là hơn 609,47 triệu USD, với Philippines là hơn 122,74 triệu USD, với Campuchia đạt hơn 25,7 triệu USD trong khi thương mại với Lào đạt hơn 1,3 triệu USD và với Brunei hơn 0,31 triệu USD.
Các mặt hàng xuất khẩu của Myanmar chủ yếu là sản phẩm nông nghiệp, thủy sản, khoáng sản,… trong khi nhập khẩu nguyên liệu sản xuất, hàng hóa trung gian và hàng tiêu dùng. (Tân Hoa xã)