Thúc đẩy hợp tác ASEAN - Liên minh Thái Bình Dương
Ngày 1/10, Ủy ban Các đại diện thường trực tại ASEAN (CPR) và Ủy ban Các điều phối viên quốc gia thuộc Liên minh Thái Bình Dương (PA) - sáng kiến hội nhập khu vực bao gồm Chile, Colombia, Mexico và Peru - đã có cuộc họp trực tuyến nhằm tăng cường quan hệ hợp tác giữa hai tổ chức.
ASEAN thông báo tóm tắt cho PA về tiến độ xây dựng Cộng đồng ASEAN dưới sự chủ trì của Việt Nam-nước Chủ tịch ASEAN năm 2020. Cuộc họp đã ghi nhận những kết quả mà ASEAN và PA đạt được trong thời gian gần đây, như tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 53 (AMM 53), Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 và các hội nghị liên quan.
Hai bên cũng ghi nhận lợi ích của việc tiếp tục tăng cường quan hệ kinh tế và nhất trí thăm dò khả năng thúc đẩy hợp tác thông qua việc xây dựng Kế hoạch Công tác mới ASEAN-PA giai đoạn 2021-2023.
(TTXVN)
Đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em. (Nguồn: AFP) |
Đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng tới trẻ em Đông Nam Á ra sao?
Ban đầu, một số nhà quan sát tin rằng trẻ em ít có khả năng bị nhiễm Covid-19, tuy nhiên điều này không thực sự chính xác. Tại Mỹ, số trẻ em bị ảnh hưởng bởi Covid-19 đã lên đến khoảng 480.000 ca. Trong khi đó, tại quốc gia thành viên ASEAN là Indonesia, hơn 300 trẻ em bao gồm cả trẻ sơ sinh và trẻ em dưới 6 tuổi, được cho là đã bị nhiễm loại virus chết người này.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và Ngân hàng Thế giới đã công bố một báo cáo chung về tình trạng suy dinh dưỡng và thấp còi ở trẻ em hồi tháng 3 vừa qua và cho thấy, 47 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị thấp còi, trong đó 14,3 triệu trẻ bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng. Tuy nhiên, một báo cáo gần đây của UNICEF cho thấy thế giới sẽ có thêm 6,7 triệu trẻ em dưới 5 tuổi có thể bị suy dinh dưỡng do do tác động lên kinh tế xã hội của cuộc khủng hoảng Covid-19.
Theo UNICEF, hàng năm, vaccine cứu sống khoảng 2-3 triệu người. Tuy nhiên, Covid-19 có nguy cơ làm lùi những tiến bộ đã đạt được trong nhiều thập kỷ qua trong việc giảm tử vong ở trẻ em. Dữ liệu từ WHO, UNICEF và Liên minh vaccine Gavi ước tính khoảng 80 triệu trẻ em dưới một tuổi ở 68 quốc gia có thể lỡ việc tiêm vaccine, do ảnh hưởng của các biện pháp phong tỏa, nhằm phòng chống Covid-19.
Còn theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), tính đến tháng 8, hơn một tỷ trẻ em trên toàn cầu vẫn bị ảnh hưởng bởi việc đóng cửa trường học. Hồi tháng 3, con số này là hơn 1,5 tỷ.
(ASEAN Post)
Việt Nam được đánh giá là nền kinh tế khả quan nhất ASEAN thời hậu Covid-19. (Nguồn: Dân trí) |
HSBC: Việt Nam là nền kinh tế ASEAN tăng trưởng dương duy nhất
"Ở ASEAN, bức tranh kinh tế vẫn còn khá hỗn hợp", báo cáo của Khối Nghiên cứu Kinh tế của Ngân hàng HSBC phân tích tình hình kinh tế của các nước châu Á nhìn nhận.
Theo đó, tăng trưởng của Indonesia dường như không bị ảnh hưởng nhiều như các nơi khác và mặc dù có những thách thức kéo dài, nền kinh tế có thể tăng trưởng hơn 5% trong năm tới. Philippines bị ảnh hưởng nhiều hơn trong năm nay, ít nhất là về mặt kinh tế, nhưng tài chính của quốc gia này vẫn còn khá dư thừa để thúc đẩy sự phục hồi sau khi sự lây lan của dịch Covid-19 giảm bớt.
Ở Thái Lan cũng vậy, kinh tế cũng sụt giảm sâu trong năm nay, một phần là do lượng khách du lịch – một yếu tố rất quan trọng đối với Thái Lan, đã ở yên tại nhà. Nền kinh tế sẽ phụ thuộc vào năm tới liệu niềm khát khao du lịch có quay trở lại hay không.
Trong khi đó, Việt Nam vẫn đang lặng lẽ ‘phi những bước kiệu’ với tốc độ tăng trưởng vẫn tích cực trong năm 2020 và sẽ đạt mức tăng trưởng nhanh nhất khu vực vào năm 2021.
"Việt Nam là nền kinh tế ASEAN duy nhất mà chúng tôi tiếp tục dự báo có tăng trưởng khả quan trong năm nay. Đối với năm 2021, chúng tôi tin rằng Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ sự phục hồi do công nghệ dẫn đầu và dòng vốn FDI rất kiên định. Chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2021 sẽ đạt mức 8,1%", báo cáo của HSBC nhận định.
(HSBC)
Cập nhật tình hình Covid-19 tại ASEAN
Tính đến rạng sáng ngày 2/10, các nước ASEAN ghi nhận thêm 7.884 ca nhiễm mới, nâng tổng ca mắc Covid-19 lên 694.048 ca, trong đó tổng số người tử vong là 16.999 ca.
Trong ngày 1/10, Indonesia vẫn là quốc gia có số ca mắc Covid-19 cao nhất ASEAN với 4.174 ca và 116 trường hợp tử vong, đưa tổng số người mắc bệnh và tử vong tại quốc gia Đông Nam Á này lên lần lượt là 291.182 và 10.856.
Đứng thứ hai về số ca mắc trong ngày 1/10 tại ASEAN là Philippines với 2.415 ca và 59 trường hợp tử vong, đưa tổng số người mắc bệnh và tử vong tại nước này lên lần lượt là 314.079 và 5.562. Vùng thủ đô Manila vẫn là địa phương ghi nhận số ca mắc mới cao nhất cả nước, với 930 trường hợp.
Theo Bộ Y tế Philippines, tính đến nay, hơn 3,52 triệu trên tổng số 109 triệu người dân nước này đã được xét nghiệm.
Với số ca mắc 1.010 trong ngày 1/10, Myanmar đứng thứ ba ASEAN. Hiện nước này ghi nhận 14.348 ca mắc từ đầu dịch, trong đó 312 người tử vong.
Ngày 1/10, Malaysia thông báo nước này ghi nhận 260 ca mắc bệnh Covid-19. Đây là mức cao nhất trong một ngày tại quốc gia Đông Nam Á này kể từ ngày 4/6. Trong số ca mắc mới, có một ca nhập khẩu và 259 người mắc mới do lây nhiễm cộng đồng. Bang Sabah trở thành điểm nóng nhất với 118 ca mắc mới.
Cũng trong ngày 1/10, Văn phòng Chính phủ Lào ra thông báo khẩn số 1049 về các biện pháp phòng ngừa Covid-19 được áp dụng trong tháng 10 tại nước này. Theo đó, bên cạnh việc tiếp tục duy trì hạn chế hoạt động xuất-nhập cảnh phổ thông, đóng cửa các tụ điểm giải trí, Chính phủ Lào đã nới lỏng một số quy định nhằm hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Tại Campuchia, Thủ tướng Samdech Techo Hun Sen cho rằng nên điều chỉnh thời hạn hoàn thành Các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) vì tiến trình này chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19.
Tại Việt Nam, bản tin của Ban Chỉ đạo Quốc gia sáng 2/10 cho biết Việt Nam không có thêm ca mắc Covid-19 mới. Đến nay đã một tháng Việt Nam không ghi nhận trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng.
(TGVN/TTXVN)