Các nước ASEAN phục hồi kinh tế ra sao?
Theo báo cáo của Maybank Kim Eng, trong số các quốc gia thành viên ASEAN, kinh tế Việt Nam và Singapore đang phục hồi theo hình chữ V nhanh hơn sự mong đợi và phục hồi tốt hơn phần còn lại của khu vực.
Sân bay quốc tế Changi tại Singapore. (Nguồn: Getty Images) |
“Các khoản trợ cấp hào phóng của chính phủ, lãi suất ngân hàng thấp kỷ lục, tỷ lệ tiết kiệm hộ gia đình cao và các chính sách làm việc tại nhà đã giúp thúc đẩy sự phục hồi” – báo cáo của Maybank Kim Eng viết.
Trong trường hợp của Singapore, sản xuất và xuất khẩu chất bán dẫn đã có sự phục hồi mạnh. Đồng thời, các giao dịch bất động sản trên thị trường nhà ở tư nhân và nhà nước đã tăng vọt lên 40% so với mức trước đại dịch, được thúc đẩy bởi tỷ lệ thế chấp thấp kỷ lục và thanh khoản dồi dào. Doanh số bán các mặt hàng tùy ý như hàng hóa giải trí, đồng hồ và đồ trang sức cũng phục hồi mạnh trong tháng Bảy.
Trong khi đó, Việt Nam là nền kinh tế ASEAN-6 duy nhất thoát khỏi nguy cơ suy thoái kinh tế. Xuất khẩu và doanh số bán lẻ đã bình thường hóa sau một thời gian ngắn giảm, vận tải hàng hóa tăng trưởng mạnh mẽ. IMF đáng giá Việt Nam là nền kinh tế tăng trưởng dương duy nhất trong ASEAN với GDP năm 2020 và 2021 lần lượt đạt tăng trưởng 1,6% và 6,7%. Với mức tăng này, quy mô GDP của Việt Nam năm 2020 ước tính đạt 340,6 tỷ USD, vượt Singapore (337,5 tỷ USD), Malaysia (336,3 tỷ USD), đứng thứ 4 ở khu vực Đông Nam Á.
Các quốc gia còn lại trong khu vực cũng đã có những động thái nhằm hồi phục lại nền kinh tế, nhưng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên theo dự đoán, chỉ khi nào thế giới có vaccine phòng Covid-19, các quốc gia ASEAN mới có thể thực sự phục hồi.
(Business Times)
La Nina gây ảnh hưởng cực đoan đến Đông Nam Á
Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) nhận định, La Nina khiến nhiệt độ bề mặt đại dương lạnh đi đã mạnh lên và sẽ kéo dài sang năm 2021, ảnh hưởng đến nhiệt độ, lượng mưa và mô hình bão tại nhiều khu vực của thế giới.
Các nhà nghiên cứu mô tả La Niña như một trong ba pha của Dao động phương Nam (ENSO), bao gồm giai đoạn nước biển ấm lên gọi là El Niño, giai đoạn nước biển lạnh đi gọi là La Niña và giai đoạn trung hòa. La Niña phát triển khi gió mạnh thổi nước biển ấm của Thái Bình Dương ra xa Nam Mỹ và hướng về phía Indonesia. Nước biển lạnh hơn từ sâu trong lòng đại dương dồn lên bề mặt để thế chỗ.
Sự kiện này dẫn tới những thay đổi lớn về thời tiết ở nhiều nơi khác nhau trên thế giới. Đặc biệt, các nước như Indonesia và Australia sẽ nhiều mưa hơn bình thường. Gió mùa cũng hoạt động mạnh hơn ở Đông Nam Á kéo theo lượng mưa lớn hơn trung bình.
Mặc dù khiến lượng mưa tăng nhưng cơ chế "làm mát" của La Nina vẫn không đủ để bù lại tác động của biến đổi khí hậu do con người gây ra, khiến thời tiết trở nên cực đoan hơn, ảnh hưởng đến vòng tuần hoàn nước. Thực tế đã cho thấy, giờ đây, những năm có hiện tượng La Nina vẫn ấm hơn so với các năm có hiện tượng El Nino trước đây.
(BBC)
Những tấm hộ chiếu quyền lực nhất ASEAN
Hầu hết các ngành công nghiệp đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19 nhưng ngành du lịch bị ảnh hưởng nhiều hơn cả. Các biện pháp phòng chống dịch như hạn chế đi lại, phong toả,… tuy cần thiết nhưng đã khiến các nền kinh tế tổn thương nặng nề, đặc biệt là những nước phụ thuộc vào du lịch.
Trang Passport Index xếp hạng hộ chiếu của 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc, dựa trên việc hộ chiếu của họ đã được bao nhiêu quốc gia cấp quyền đến miễn thị thực hoặc cho phép khách làm thủ tục ngay khi đến.
Danh sách các tấm hộ chiếu quyền lực nhất ASEAN |
Tình hình Covid-19 tại ASEAN
Tính đến rạng sáng ngày 2/11, 6 quốc gia ASEAN ghi nhận 6.756 ca mắc Covid-19 và 112 ca tử vong, nâng tổng số người mắc tại ASEAN từ đầu dịch lên 945.283 ca, trong đó 22.813 người tử vong.
Đứng đầu về số ca mắc trong ngày 1/11 là Indonesia với 2.696 ca, nâng tổng số ca mắc tại nước này lên 412.784 ca. Indonesia cũng ghi nhận số ca tử vong trong ngày này cao nhất ASEAN với 74 ca, nâng tổng số ca tử vong từ đầu dịch lên 13.943. Trong thời gian qua, Indonesia liên tục là nước có ca mắc và tử vong cao nhất khu vực.
Virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 đã lan tới toàn bộ 34 tỉnh của Indonesia. Đặc biệt, trong 24 giờ qua, thủ đô Jakarta ghi nhận tới 608 ca mắc mới, cao nhất nước. Tiếp đó là Trung Java với 458 ca, Đông Java với 253 ca, Tây Java với 245 ca, Tây Sumatra với 225 ca.
Đứng thứ hai về ca mắc Covid-19 trong ngày 1/11 là Philippines với 2.396 ca, nâng tổng số ca mắc lên 383.113. Philippines cũng ghi nhận 17 ca tử vong mới, nâng tổng số ca tử vong lên 7.238. Philippines là vùng dịch Covid-19 lớn thứ hai ASEAN.
Tình hình tại Malaysia cũng có chiều hướng xấu đi trong những ngày gần đây. Ngày 1/11, nước này ghi nhận 957 ca mắc mới (cao thứ ba ASEAN), không có ca tử vong. Như vậy, tổng số ca mắc mới ở nước này đã là 32.505 ca, trong đó 294 người chết.
Liên quan đến ngân sách trong năm dịch bệnh, Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin đã khẳng định ngân sách năm tài khóa 2021 của nước này sẽ cung cấp các khoản kinh phí nhằm hạn chế dịch Covid-19 giữa bối cảnh Chính phủ Malaysia đang đẩy mạnh cuộc chiến chống đại dịch. Ông Muhyddin cho hay, Chính phủ Malaysia có thể đưa ra các biện pháp bổ sung trong Dự thảo ngân sách 2021, dự kiến sẽ được Quốc hội nước này bàn thảo vào ngày 6/11, một phần các nỗ lực giúp người dân trở lại cuộc sống bình thường.
Myanmar có số ca mắc hàng ngày cao thứ 4 ASEAN trong ngày 1/11 với 699 ca mắc và 21 ca tử vong. Tổng số ca mắc tại Myanmar là 53.405, trong đó có 1.258 ca tử vong.
Trong khi đó, Singapore và Thái Lan đều ghi nhận số ca mắc Covid-19 là 4 ca trong ngày 1/11. Tất cả đều là các ca nhập cảnh và được cách ly ngay lập tức.
(TTXVN)