Singapore tiếp tục là quốc gia có nhiều ca nhiễm nhất khu vực Đông Nam Á. |
Tình hình Covid-19 tại Đông Nam Á: Singapore tăng kỷ lục số lượng ca nhiễm
Tính tới rạng sáng 21/4, các nước ASEAN ghi nhận tổng cộng trên 30.130 ca mắc Covid-19 và 932 người tử vong, số bệnh nhân được điều trị thành công tăng lên 7.862 trường hợp. Trong đó, Indonesia, Philippines, Malaysia và Singapore có nhiều ca nhiễm nhất khu vực, chiếm khoảng 88%.
Singapore ghi nhận thêm số ca mắc bệnh Covid-19 tăng cao kỷ lục với 1.426 ca trong vòng 24h qua, nâng tổng số ca mắc lên 8.014 ca. Như vậy, Singapore tiếp tục có số ca mắc cao nhất tại Đông Nam Á sau khi vượt Indonesia và Malaysia ngày 19/4. Giới quan sát dự báo số ca nhiễm có thể sẽ lên tới 20.000 ca vào cuối tháng 4 này.
Bộ Y tế Indonesia cho biết ngày 20/4, nước này đã ghi nhận thêm 185 ca mắc Covid-19, nâng tổng số ca mắc tại đây lên thành 6.760 người, trong đó có 590 ca tử vong, tăng 8 người. Ngoài ra, 747 bệnh nhân đã hồi phục và xuất viện.
Giới chức y tế Malaysia ngày 20/4 thông báo có thêm 36 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trong 24 giờ qua, mức tăng thấp nhất trong ngày. Tổng cộng, quốc gia này có 5.425 ca mắc Covid-19, số ca tử vong vẫn là 89 người.
Thái Lan hiện có 2.792 người nhiễm Covid-19 và không ghi nhận thêm ca tử vong nào trong 3 ngày liên tiếp. Số ca tử vong hiện vẫn là 47 ca, trong khi có 1.999 bệnh nhân đã bình phục. Ngày 20/4, Bộ Y tế Thái Lan đã đề xuất 5 yêu cầu đối với một chiến lược nới lỏng và dỡ bỏ lệnh phong tỏa dịch Covid-19, bắt đầu với 32 trong tổng số 77 tỉnh thành trên cả nước.
Bộ Y tế Philippines ngày 20/4 thông báo nước này ghi nhận thêm 200 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 mới trong ngày, nâng tổng số người bệnh lên 6.459. Trong 24 giờ có thêm 19 bệnh nhân Covid-19 tử vong, nâng tổng số ca tử vong lên 428 người. Số người đã bình phục ở nước này là 613 bệnh nhân.
Trong khi đó, ngày 20/4, các quốc gia còn lại trong khu vực bao gồm Việt Nam, Brunei, Campuchia, Myanmar, Lào đều không ghi nhận thêm ca mắc bệnh mới nào. Việt Nam vẫn 268 ca, Campuchia 122, Myanmar 111, Lào 19 ca. Timor Leste có thêm 3 ca bệnh mới trong 24h qua, nâng tổng số ca lên 22.
(TGVN/TTXVN)
Khả năng xét nghiệm khác nhau, Đông Nam Á có nguy cơ là ổ dịch Covid-19 mới
Theo các chuyên gia, tuy rằng số lượng các ca nhiễm tại Đông Nam Á còn cách xa con số hàng trăm nghìn người ở Mỹ và một số quốc gia châu Âu, một số nghiên cứu cho thấy hàng chục ngàn ca nhiễm trùng có thể không bị phát hiện, do một số quốc gia có tỷ lệ xét nghiệm thấp như Indonesia và Philippines. Trong khi đó, từng được đánh giá là quốc gia kiểm soát tốt dịch bệnh nhưng Singapore đang phải đối mặt với nguy cơ mất kiểm soát do dịch bệnh bùng phát tại các khu nhà ở của công nhân nhập cư từ nước ngoài.
Hiện tại, việc xét nghiệm virus ở Đông Nam Á rất khác nhau. Singapore nằm trong top đầu với 16.203 xét nghiệm/1 triệu dân. Trong khi đó, Myanmar đứng cuối bảng với 85 xét nghiệm/1 triệu người. Tuy nhiên, người ta lại lo ngại nhất tình hình dịch bệnh bùng phát ở Indonesia và Philippines vì 2 quốc gia này có dân số đông.
Indonesia là quốc gia có dân số lớn thứ 4 thế giới với 270 triệu người. Hiện tại, quốc gia này mới tiến hành 43.000 xét nghiệm. Điều đó có nghĩa là tỷ lệ xét nghiệm chỉ đạt 254/1 triệu dân, một trong những mức thấp nhất khu vực và trên toàn thế giới. Nhà chức trách Indonesia đặt mục tiêu tiến hành 10.000 xét nghiệm/ngày và dự đoán rằng số ca nhiễm có thể lên tới 95.000 người khi xét nghiệm trên diện rộng được tiến hành.
Là nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, Indonesia phát hiện trường hợp nhiễm Covid-19 vào đầu tháng 3, điều khiến nhiều chuyên gia ngạc nhiên. Dường như Tổng thông Jokowi đã ưu tiên bảo vệ nền kinh tế hơn là ngăn chặn sự lây lan của virus. Trong khi đó, Singapore và Malaysia, những quốc gia phát hiện ca nhiễm Covid-19 đầu tiên từ tháng 1, với 1 số trường hợp phát bệnh sau khi đi tới Indonesia.
(CNBC)
Hội đồng kinh doanh EU-ASEAN (EU-ABC) cho rằng Đông Nam Á phải cải thiện việc truyền dữ liệu xuyên biên giới an toàn và bảo mật. |
Liên minh châu Âu và ASEAN đẩy mạnh chuyển đổi dữ liệu an toàn
Hội đồng Kinh doanh EU-ASEAN (EU-ABC) cho rằng Đông Nam Á phải cải thiện việc truyền dữ liệu xuyên biên giới an toàn và bảo mật để đạt được mục tiêu nền kinh tế Internet trị giá 300 tỷ USD trong 5 năm tới.
Theo một báo cáo mới đây, EU-ABC nhấn mạnh tầm quan trọng của bảo mật và bảo vệ dữ liệu trong khi thế giới đang phải đối mặt với dịch Covid-19.
Chủ tịch EU-ABC Donald Kanak cho biết: “Các quốc gia trong khu vực đang ở các mức độ phong tỏa vật lý khác nhau do Covid-19, nên hàng triệu công dân đang sử dụng các công cụ kỹ thuật số như học trực tuyến, hội nghị truyền hình và khám bệnh từ xa. Điều này khiến cho việc bảo mật ngày càng quan trọng”.
Hội đồng cho rằng các quốc gia thành viên ASEAN phải cho phép việc lưu chuyển dữ liệu xuyên biên giới một các an toàn, sử dụng các công nghệ hàng đầu và các quy tắc hài hòa.
“Phát triển một khung phân loại dữ liệu nhất quán, minh bạch có thể thúc đẩy khả năng tương tác giữa các ngành. . Điều này sẽ tạo điều kiện cho dữ liệu lưu chuyển dễ dàng, hiệu quả và an toàn trong và trên nhiều lĩnh vực", báo cáo cho biết.
Theo EU-ABC, các công ty trong khu vực cần phải được yêu cầu tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế, điều này cho biết sẽ giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ xây dựng niềm tin với các bên liên quan khác nhau trong khu vực.
Ngoài ra, các quy tắc trong khu vực ASEAN phải tương thích với Quy định bảo vệ dữ liệu chung (GDPR) của EU, đồng thời bổ sung rằng các doanh nghiệp ASEAN phải áp dụng các quy định này khi cung cấp hàng hóa và dịch vụ cho những người sống ở Liên minh châu Âu.
(Business World)
Bộ quần áo bảo hộ của Crispian Lao, được sử dụng bởi lính cứu hỏa tại Manila. |
Đông Nam Á tìm cách để giảm thiểu chất thải trong mùa dịch Covid-19
Khi nhu cầu về khẩu trang dùng một lần, chất khử trùng và thiết bị bảo vệ tăng cao, các quốc gia Đông Nam Á đã và đang đưa ra những ý tưởng để hạn chế xả rác sử dụng một lần, trong khi che chắn và bảo vệ bản thân và những người khác khỏi dịch Covid-19.
Ví dụ, Crispian Lao, người sáng lập Liên minh Philippines về Tái chế và Vật liệu bền vững đã sử dụng polypropylen không dệt, chất liệu có thể tìm thấy trong các túi mua sắm tái sử dụng và đã bắt đầu sản xuất 10.000 bộ quần áo bảo vệ có thể sử dụng lại vào cuối tháng 4.
Những bộ quần áo này có thể giúp cho những nhân viên vệ sinh, cảnh sát, cứu hỏa... những người làm công việc thiết yếu cho xã hội an toàn trong mùa dịch. Giá thành lại rẻ hơn nhiều so với những bộ quần áo bảo hộ không dùng trong y tế khác.
Tại ngôi chùa Wat Chak Daeng ở Thái Lan, các nhà sư đang sử dụng chai nhựa để chế tạo khẩu trang. Với mỗi một chai nhựa PET 400ml có thể sản xuất một chiếc khẩu trang. Mỗi ngày, các tình nguyện viên của chùa có thể khâu tới 100 khẩu trang.
Còn tại Singapore, vào tháng 3, Quỹ Temasek đã cung cấp nửa lít nước rửa tay khô, không sử dụng cồn cho mỗi hộ gia đình mang chai nhựa riêng đến để nhằm giảm thiểu chất thải. Quỹ Temasek đã cung cấp nước rửa tay khô miễn phí cho khoảng 1,5 triệu hộ gia đình trên khắp quốc đảo.
(Eco-Business)