Người dân đeo khẩu trang quét sân chùa Shwedagon ở Yangon, Myanmar. (Nguồn: AFP) |
Tình hình Covid-19 tại ASEAN
Tính tới rạng sáng ngày 22/7, ASEAN có thêm 4.063 ca mắc bệnh Covid-19 so với 1 ngày trước, nâng tổng số lên 222.255 ca, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên 6.374 người. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 128.749 trường hợp.
Trước tình hình dịch còn nguy hiểm, nhiều địa phương của Indonesia trong đó có thủ đô Jakarta đã kéo dài thời gian áp dụng các biện pháp phòng dịch. Thống đốc Jakarta Anies Baswedan quyết định kéo dài giai đoạn hạn chế xã hội quy mô lớn (PSBB) thêm 14 ngày kể từ 16/7.
Trong 24 giờ qua, Indonesia là quốc gia có số ca tử vong cao nhất khu vực trong khi Philippines có ca nhiễm mới cao nhất.
Ngày 21/7, Bộ Y tế Philippines cho biết nước này có thêm 1.951 ca nhiễm mới và 2 ca tử vong, theo đó tổng số ca bệnh tăng lên 70.764 người và tổng số người chết là 1.837 trường hợp.
Sáng cùng ngày, Tổng thống Rodrigo Duterte đã cảnh báo bắt giữ bất kỳ ai không đeo khẩu trang hoặc vi phạm quy định về giãn cách xã hội sau khi số ca bệnh và tử vong tăng trở lại kể từ khi lệnh phong tỏa được nới lỏng vào tháng 6.
Tính đến ngày 22/7, Indonesia đã ghi nhận 89.869 trường hợp mắc Covid-19 và 4.320 ca tử vong, cao nhất ở Đông Nam Á và vượt qua Trung Quốc đại lục. Đất nước này đã nới lỏng các biện pháp hạn chế theo trạng thái "bình thường mới" nhưng lại chứng kiến các ca lây nhiễm bùng phát ở nhiều nơi trên đất nước khi các đám đông tụ tập nơi công cộng và bỏ qua các quy tắc giãn cách xã hội.
Cùng ngày, Singapore ghi nhận 399 ca mắc Covid-19 mới, như vậy tổng số người bệnh tại nước này tăng lên 48.434 ca, trong đó có 58 trường hợp tử vong. Trong số các ca nhiễm mới vẫn có 9 trường hợp lây nhiễm cộng đồng, còn lại là các công nhân nhập cư.
Tại Việt Nam, Bản tin của Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch Covid-19 cho biết đã ghi nhận 5 ca dương tính với virus SARS-CoV-2 trở về từ Mỹ và Nga, được cách ly ngay khi nhập cảnh, không có nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng, nâng tổng số trường hợp mắc tại Việt Nam lên 401 ca.
(TGVN/TTXVN)
Việt Nam đề nghị các thành viên ARF ủng hộ lập trường của ASEAN trong vấn đề Biển Đông
Ngày 21/7 đã diễn ra Hội nghị Quan chức cao cấp Diễn đàn Khu vực ASEAN (SOM ARF), theo hình thức trực tuyến dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng đoàn Quan chức cao cấp Việt Nam tại ASEAN và ARF.
Về Biển Đông, nhiều nước thể hiện quan ngại trước những diễn biến và vụ việc phức tạp vừa qua, như gia tăng quân sự hoá, quấy rối, cản trợ hoạt động kinh tế bình thường của những nước ven biển, vi phạm luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, gây phương hại tới hoà bình, an ninh khu vực… Trước tình hình này, các nước nhấn mạnh yêu cầu kiềm chế, không có các hoạt động làm phức tạp tình hình và leo thang căng thẳng; kêu gọi thực hiện đầy đủ, hiệu quả Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm xây dựng Bộ Quy tắc (COC) hiệu lực, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế và UNCLOS. Nhiều nước hoan nghênh và đánh giá cao lập trường nguyên tắc của ASEAN trong vấn đề Biển Đông thể hiện tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 36 vừa qua.
Trong phát biểu và điều hành thảo luận Hội nghị, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng nhấn mạnh trong bối cảnh chiến lược khu vực và quốc tế đang có những chuyển biến căn bản, mạnh mẽ, ARF cần tiếp tục phát huy vai trò là diễn đàn chủ chốt để các nước tăng cường đối thoại, đoàn kết và hợp tác nhằm ứng phó hữu hiệu với những thách thức nảy sinh.
Về tình hình Biển Đông, Thứ trưởng cho biết trước những diễn biến phức tạp, gây quan ngại vừa qua ở Biển Đông, tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 36, ASEAN đã khẳng định lại lập trường nguyên tắc, trong đó nhấn mạnh yêu cầu kiềm chế, không quân sự hoá, không có các hành động làm phức tạp tranh chấp và gia tăng căng thẳng, đặc biệt cần đề cao việc tuân thủ luật pháp quốc tế và UNCLOS 1983; khẳng định Công ước đã tạo khung khổ pháp lý điều chỉnh mọi hoạt động trên các vùng biển và đại dương mà tất các quốc gia phải tuân thủ.
(TGVN)
Việt Nam giúp thúc đẩy nền kinh tế ASEAN thời Covid-19
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng nổ, Việt Nam với cương vị là Chủ tịch ASEAN 2020 đã có thể đề ra một kế hoạch phục hồi kinh tế toàn diện cho khu vực. Điều này thể hiện rõ từ Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36 vừa diễn ra tại Hà Nội ngày 26/6.
Một phát ngôn viên cấp cao của Bộ Ngoại giao Việt Nam nói với tờ New Straits Times rằng, Việt Nam không chỉ tổ chức một hội nghị thượng đỉnh lịch sử trong khoảng thời gian đầy khó khăn này, mà còn đáp ứng đúng với chủ đề của năm ASEAN 2020 “Gắn kết và chủ động thích ứng”.
Việt Nam đã có những đóng góp đáng kể cho ASEAN kể từ khi chính thức là thành viên của khối vào ngày 28/7/1995, thúc đẩy hợp tác nội khối và cung cấp nhiều cơ hội hơn cho đầu tư và tăng trưởng kinh tế. Và trong nhiều thập kỷ qua, Việt Nam đã nổi lên như một thành viên tích cực và có trách nhiệm, mang lại ảnh hưởng to lớn đối với cấu trúc của ASEAN, đồng thời góp phần duy trì sự thống nhất, hòa bình và an ninh trong khu vực.
Theo PGS. TS. Trần Việt Thái, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngoại giao, các ưu tiên của Việt Nam bao gồm việc thúc đẩy một kiến trúc an ninh khu vực lành mạnh. Điều này chỉ có thể đạt được bằng cách giúp ASEAN đoàn kết, duy trì vai trò trung tâm của mình khi đối mặt với rất nhiều bầy sói và xử lý một cách khéo léo sự lôi kéo của các cường quốc trong khu vực".
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan nhận định, Việt Nam đã tích cực tham gia và đóng vai trò năng động trong việc thúc đẩy hợp tác nội khối cũng như hợp tác của ASEAN với các đối tác khác. "Có thể nói rằng ASEAN phát triển mạnh về mọi mặt vào cuối những năm 1990 và đầu những năm 2000, với việc thành lập Khu vực mậu dịch tự do ASEAN.” – ông Vũ Khoan cho biết.
Về phần mình, Cựu đại sứ Singapore tại Việt Nam Teck Hean nhận xét rằng Việt Nam là một quốc gia năng động và có nền kinh tế đang ngày một phát triển với tốc độ nhanh chóng hơn nhiều quốc gia trong khu vực.
(New Strait Times)
Hàng không giá rẻ Đông Nam Á chật vật vượt qua mùa dịch
Các hãng hàng không giá rẻ của khu vực Đông Nam Á đang phải đối mặt với những khó khăn về tài chính do nhu cầu đi lại bằng đường hàng không sụt giảm mạnh. Điều này đặt ra câu hỏi rằng liệu họ có nhu cầu thay mới hoặc mở rộng đội bay của họ hay không.
Các kiểm toán viên của hãng hàng không AirAsia (Malaysia) và Công ty cổ phần hàng không VietJet Aviation của Việt Nam đang lo ngại về vốn và các dòng tiền, trong khi hãng hàng không Lion Air của Indonesia đã lên kế hoạch kiềm chế "mua sắm". Bởi vậy, các hãng hàng không giá rẻ với hoạt động mạnh ở trong nước chắc chắn sẽ phục hồi tốt sau đại dịch, mặc dù được hỗ trợ tài chính ít hơn so với các đối thủ là các hãng hàng không quốc gia.
Mô hình chi phí thấp của họ giúp giảm bớt những tổn thương do thiếu hụt tiền mặt và cho họ sự linh hoạt để hưởng lợi trước bất kỳ sự phục hồi nào. Dù vậy, khi biên giới nhiều quốc gia còn phải đóng cửa và tăng trưởng kinh tế toàn cầu bị kìm hãm, việc phải chi trả các phí tổn để vận hành và duy trì tất cả các máy bay hiện có đối với họ vẫn là một gánh nặng, và đây cũng là dấu hiệu đáng lo ngại cho các nhà sản xuất và cho thuê máy bay.
(VTV)