Buổi cầu nguyện tại chùa Wat Dhammakaya ở Bangkok, Thái Lan. (Nguồn: AP) |
Covid-19 và khả năng ứng phó của các nước ASEAN
Sau khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) kêu gọi các quốc gia Đông Nam Á khẩn trương tăng cường các biện pháp quyết liệt nhằm phòng chống sự bùng phát của virus SARS-CoV-2 gây dịch Covid-19, tình hình kinh tế của một trong những khu vực phát triển nhanh nhất thế giới đang trở nên xấu hơn.
Tại Thái Lan, nền kinh tế có quy mô lớn thứ hai ở ASEAN được dự đoán sẽ chỉ tăng trưởng khoảng 1% trong năm 2020. Đại học Thương mại Thái Lan (UTCC) cũng đánh giá nền kinh tế “đất nước chùa Vàng” sẽ rơi vào một đợt suy thoái.
Theo đánh giá của UTCC, các tác động của dịch Covid-19 sẽ lấy đi khoảng 600-700 tỷ baht (tương đương 20-23 tỷ USD) từ nền kinh tế nước này, khi GDP giảm từ 0,5-1 điểm phần trăm trong nửa đầu năm 2020, sau đó giảm 0,5 điểm phần trăm trong cả năm.
Tuy nhiên, Thái Lan chắc chắn không phải là nền kinh tế duy nhất chịu thiệt hại từ dịch Covid-19. Ngày 6/3 vừa qua, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đánh giá dịch bệnh lần này sẽ “tác động mạnh vào các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á”.
ADB đã đưa ra một loạt kịch bản. Ở kịch bản trung tính, theo đó các biện pháp phòng dịch và hạn chế đi lại bắt đầu được nới lỏng vào tháng 4 tới, các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á, trừ Trung Quốc, sẽ mất khoảng 22,3 tỷ USD, tương đương với 0,24% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Còn trong kịch bản xấu nhất, với việc các lệnh hạn chế đi lại và sự suy giảm cầu nội địa kéo dài hơn 6 tháng, các nền kinh tế đang phát triển ở khu vực, không tính Trung Quốc, có thể sẽ thất thu 0,46% GDP, tương đương 42,2 tỷ USD.
Theo bảng xếp hạng của công ty chứng khoán Maybank Kim Eng Securities. Malaysia là nền kinh tế dễ bị tổn thương nhất, bởi nước này có các chỉ số đòn bẩy tài chính ở mức cao về nợ tiêu dùng, nợ nước ngoài và nợ công. Điều tương tự cũng xảy ra với Thái Lan khi xét đến nợ tiêu dùng, mặc dù ở mức độ thấp hơn. Trong khi đó, cả Indonesia và Philippines cũng sẽ phải ghi nhận thâm hụt kép đối với tài khoá và tài khoản vãng lai.
Maybank Kim Eng Securities đánh giá các chính phủ ASEAN đang đưa ra các biện pháp hỗ trợ tài khoá nhưng một số nước có nhiều không gian tài khoá hơn các nước còn lại. Chẳng hạn như Singapore và Thái Lan có không gian tài khoá rộng hơn so với Malaysia và Indonesia. Nợ công và thâm hụt tài khoá cao, cộng với các biện pháp hạn chế tự áp dụng sẽ kiềm chế không gian tài khoá của Malaysia và Indonesia. Nợ công của Malaysia đã gần kịch trần, trong khi thâm hụt tài khoá của Indonesia được giới hạn ở mức 3% GDP.
Thêm vào đó, việc giá dầu sụt giảm sẽ tác động mạnh đến nguồn thu tài khoá của Malaysia, bởi vì có tới 25% nguồn thu tài khoá của nước này đến từ dầu khí và các ngành nghề kinh doanh liên quan.
Ở chiều ngược lại, Singapore có không gian tài khoá rộng nhất và sẽ tung ra một gói kích thích thứ hai khi nước này sử dụng các khoản vốn thặng dư trị giá 7,7 tỷ SGD và các khoản dự trữ khổng lồ của mình.
(Bangkok Post)
Malaysia giúp đỡ đưa người Singapore và Indonesia về nước
Malaysia vừa qua đã cho hồi hương thành công 46 người tại Tehran, Iran, bị kẹt lại ở đây do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Đây là lần thứ ba, Malaysia đã đưa công dân về nước an toàn từ Vũ Hán (Trung Quốc) vào ngày 4/2 (133 người) và ngày 26/2 (66 người).
Lần này Malaysia cũng thể hiện tinh thần đoàn kết thực sự của ASEAN bằng cách sơ tán 9 công dân từ các quốc gia láng giềng - 8 người Singapore và 1 người Indonesia - sau các cuộc hội đàm cấp cao giữa các chính phủ.
Trong khi đó, chính phủ Singapore đã bày tỏ lòng biết ơn đối với Malaysia và Đại sứ quán Malaysia tại Tehran vì đã chấp nhận yêu cầu của quốc gia này để giúp hồi hương 8 công dân của họ từ Iran.
Các công dân Singapore sẽ phải trải qua 14 ngày cách ly bắt buộc ở Kuala Lumpur trước khi trở về nước, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Singapore cho biết trong tuyên bố đưa ra ngày 22/3.
(Malay Mail)
RCEP sẽ được ký kết vào cuối năm nay? |
Các đối tác của ASEAN cam kết ký RCEP vào cuối năm 2020
Các đối tác của ASEAN vẫn cam kết sẽ ký Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) vào cuối năm nay theo kế hoạch, dù dịch Covid-19 đang lan rộng trên toàn cầu, khiến hầu hết các hội nghị trực tiếp của ASEAN, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Tổ chức Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) và RCEP dự kiến được tổ chức vào đầu năm nay phải hoãn lại.
Theo bà Auramon Supthaweethum, Vụ trưởng Vụ Đàm phán thương mại thuộc Bộ Thương mại Thái Lan, cơ quan này đã điều chỉnh kế hoạch đàm phán thương mại trong mùa dịch thông qua các hội nghị video trực tuyến để đàm phán với các đối tác đối thoại. Bà cho rằng, trong mùa dịch, hội nghị từ xa là hình thức đàm phán thương mại tốt nhất.
Hội nghị Ủy ban Đàm phán thương mại RCEP lần thứ 29 dự kiến diễn ra trong các ngày 23-27/3 tại Jakarta, Indonesia cũng sẽ được tổ chức theo hình thức hội nghị video trực tuyến.
Thái Lan và các đối tác đối thoại đang thúc đẩy việc xem xét các văn bản pháp lý và các vấn đề khác liên quan theo kế hoạch làm việc đã được đưa ra, chuẩn bị cho văn bản cuối cùng để các nước thành viên RCEP đặt bút ký.
Vào phút cuối của vòng đàm phán tháng 11/2019, Ấn Độ đã rút khỏi các cuộc đàm phán RCEP bắt nguồn từ một số vấn đề chưa được giải quyết, nhất là những vấn đề liên quan đến thuế nông nghiệp. Dù Ấn Độ có tham gia hay không, RCEP vẫn được lên kế hoạch ký kết chính thức vào năm nay và có thể có hiệu lực trong năm 2021 hoặc trong tháng 1/2022.
(Bangkok Post)
FORUM-ASIA: ASEAN phải bảo vệ nhân quyền trong ứng phó với Covid-19
Trong một tuyên bố chung vào ngày 20/3, Diễn đàn Nhân quyền và Phát triển châu Á (FORUM-ASIA), cùng một số NGO về nhân quyền khác bày tỏ quan ngại về việc các nước ASEAN thiếu trọng tâm nhân quyền trong phản ứng hiện tại đối với đại dịch Covid-19.
Theo đó, FORUM-ASIA chỉ ra rằng nhiều quốc gia thành viên ASEAN vẫn chưa áp dụng chiến lược truyền thông rõ ràng để thông báo cho công chúng về tình hình dịch bệnh, kể cả khi thế giới đã chống chọi với Covid-19 được 3 tháng. Tổ chức này đưa ra nhận xét như vậy sau khi quan sát rằng các nước ASEAN như Indonesia, Myanmar, Lào và Philippines đã trì hoãn hoặc hạn chế tiết lộ thông tin để giữ gìn hình ảnh của họ.
Do đó, họ kêu gọi các quốc gia thành viên ASEAN đặt quyền con người và nhân phẩm làm nguyên tắc cốt lõi trong việc giải quyết đại dịch, theo đó mọi biện pháp y tế công cộng đều được thực hiện phù hợp với các tiêu chuẩn và luật nhân quyền quốc tế để đảm bảo trách nhiệm và minh bạch trong xử lý tình huống.
(The Online Citizen)