Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm Covid-19 tại Campuchia. (Nguồn: AFP) |
Cập nhật tình hình Covid-19 tại ASEAN
Tính đến rạng sáng ngày 23/6, ASEAN có thêm 1.820 ca nhiễm Covid-19 so với ngày hôm trước, ghi nhận tổng cộng 132.530 ca nhiễm. Trong khi đó, tổng số ca tử vong tăng lên 3.891 người, tăng 43 trường hợp. Trong 24 giờ qua, Indonesia tiếp tục bỏ xa quốc gia đứng thứ hai khu vực về tác động của dịch Covid-19 là Singapore, với gần 1.000 ca mắc mới. Trong khi đó, Philippines ghi nhận số ca nhiễm mới trong ngày cao gấp gần 3 lần Singapore.
Bộ Y tế Indonesia ngày 22/6 công bố có thêm 954 ca nhiễm mới Covid-19, đưa tổng số ca nhiễm lên 46.854. Bộ này cũng thông báo thêm 35 ca tử vong trong 24 giờ qua, đưa tổng số ca tử vong tại nước này lên 2.500 ca.
Tỉ lệ thất nghiệp tại Indonesia có thể đạt mức cao nhất trong hơn một thập kỷ qua trong năm nay do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á dự kiến sẽ sụt giảm nhiều hơn dự báo đưa ra trong quý 2.
Trong khi đó, Bộ Y tế Philippines thông báo phát hiện 630 ca nhiễm mới Covid-19, đưa tổng số ca nhiễm tại Philippines lên 30.682. Số ca khỏi bệnh cũng tăng lên 8.143 sau khi có thêm 250 bệnh nhân bình phục. Tổng số ca tử vong tại Philippines cũng tăng lên 1.177, sau khi có thêm 8 người tử vong trong 24 giờ qua.
Singapore ghi nhận thêm 218 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 42.313. Trong nhiều tuần qua, Singapore không có bất cứ ca tử vong mới nào vì Covid-19. Đảo quốc sư tử cũng đang chứng kiến số ca nhiễm mới giảm.
Bộ Y tế Malaysia thông báo ngày 22/6 đã ghi nhận thêm 15 ca nhiễm virus, trong đó có 2 ca nhập cảnh, nâng tổng số ca mắc lên 8.587 ca. Số ca tử vong do Covid-19 tại Malaysia hiện duy trì ở mức 121 ca. Trong khi đó, số ca bình phục và xuất viện tại nước này tăng thêm 21 ca lên 8.177, chiếm 95,2% tổng số ca mắc.
Trước tình hình ngày một tiến triển, Malaysia đang lên kế hoạch để ngày 1/7 tới mở cửa trở lại một số các dịch vụ giải trí như rạp hát và rạp chiếu phim, cũng như hoạt động biểu diễn, hội thảo và hội nghị. Bên cạnh đó, các hoạt động vui chơi và giải trí tại bể bơi, bãi biển, sông hồ cũng sẽ được phép nối lại, tùy thuộc vào tình hình, song vẫn cần thực hiện các biện pháp như khử trùng, hạn chế số người và đảm bảo giữ khoảng cách tối thiểu 3 mét.
Các quốc gia còn lại ở ASEAN không ghi nhận thêm ca nhiễm mới nào trong ngày 22/6.
Tại Việt Nam, theo Bản tin 6h ngày 23/6 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, tính đến nay, đã 68 ngày Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới ở cộng đồng, tổng số ca nhiễm là 349, đã có 328 người được điều trị khỏi, chiếm 94%.
(TGVN/TTXVN)
ASEAN dẫn đầu thế giới trong ngăn chặn Covid-19
Khi các công dân và chuyên gia y tế trên toàn cầu ngày càng lo ngại về số ca nhiễm SARS-CoV-2 đang gia tăng nhanh chóng thì các quốc gia thành viên ASEAN, đặc biệt là Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam và Thái Lan (CLMVT) được xếp hạng là những nước thành công trong việc ngăn chặn sự lây lan của virus.
Hầu hết, đây là các quốc gia đang phát triển và trước đây được đánh giá là ít có khả năng chống chọi mạnh mẽ với sự bùng phát của đại dịch Covid-19 do nền y tế công cộng thiếu phát triển. Nhưng cho đến nay, các quốc gia này đã nhận được những kết quả hết sức khả quan, nhất là tỉ lệ trung bình bệnh nhân Covid-19 tử vong trên 1 triệu dân.
Các quốc gia CLMVT đạt được thành công trong việc ngăn chặn sự lây lan của làn sóng Covid-19 khi số ca nhiễm chỉ chiếm 3,26% trong tổng số 119.045 ca trên toàn ASEAN (tính đến ngày 15/6). Trong tuần qua, với những nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của SARS-CoV-2, Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam đều được đại diện của các phái đoàn quốc tế và các tổ chức quốc tế khen ngợi.
(AEC News Today)
Số hóa là “chìa khóa” để phục hồi
Các nước ASEAN cần ưu tiên số hóa, áp dụng công nghệ số, tính sáng tạo, tốc độ và sức bền để ổn định nền kinh tế thời kỳ hậu dịch bệnh. Đó là quan điểm chung của các nhà kinh tế và kinh doanh hàng đầu khu vực, được bàn luận Hội nghị Techsauce Virtual, diễn ra từ ngày 19-20/6.
Đặc biệt, các học giả kinh tế ASEAN nhấn mạnh tới ích lợi của việc sử dụng điện toán đám mây, một công cụ hỗ trợ thương mại điện tử, mua bán trực tuyến... Cũng theo các học giả, nhằm phát triển hơn nữa công cụ thông minh này, ASEAN cần tạo dựng một môi trường Internet lành mạnh với kho dữ liệu phong phú, giúp đẩy mạnh kết nối và tương tác thông tin trong cộng đồng ASEAN.
Ngoài ra, các nhà lập pháp sẽ đóng vai trò cốt cán trong việc đưa ra một đường lối kinh tế phù hợp, có khả năng đổi mới về mô hình và cách thức áp dụng công nghệ số trong quản lý kinh tế.
(Bangkok Post)
Tiền tệ Đông Nam Á bất ngờ tăng trong tháng 6
Đối với nền tài chính Đông Nam Á, tháng 6 trôi qua như một cơn mơ khi hàng loạt các đồng tiền tại khu vực đều tăng giá, giúp thu hẹp tổn thất kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra.
Trong khi đồng Rupiah của Indonesia, đồng Baht của Thái Lan và đồng Ringgit của Malaysia đều cho thấy sự cải thiện, đồng Peso của Philippines cho đến nay vẫn là đồng tiền có hiệu suất tốt nhất vào năm 2020 với mức tăng 1%.
Sự vượt trội của đồng Peso một phần là do tài khoản vãng lai có cải thiện tích cực. Tuy nhiên, đồng tiền này đang phải đối mặt với những khó khăn do sụt giảm lượng kiều hối. Trong khi đó, đồng Ringgit của Malaysia bị tác động bởi giá dầu biến động và bất ổn chính trị nên đang đứng cuối bảng xếp hạng tiền tệ khu vực.
(Bangkok Post)