📞

Tin tức ASEAN buổi sáng 23/9: EU kêu gọi đẩy mạnh hợp tác với ASEAN; USD giảm mang lại lợi ích cho khu vực?

Quang Đào 09:30 | 23/09/2020
TGVN. Tăng cường quan hệ ASEAN-EU là điều cần thiết, Thương mại giúp ASEAN phục hồi... là những thông tin chính trong bản tin ASEAN ngày hôm nay.
Trung tướng Phạm Ngọc Hùng đã bàn giao chức Chủ tịch AMIM cho đại diện quân đội Brunei Darussalam.

Xây dựng Cộng đồng Tình báo Quốc phòng ASEAN gắn kết và phát triển

Sáng 22/9, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị Những người đứng đầu tình báo quốc phòng các nước ASEAN lần thứ 17 (AMIM-17) với chủ đề “Hướng tới Cộng đồng tình báo quốc phòng ASEAN gắn kết và phát triển” theo hình thức trực tuyến.

Trung tướng Phạm Ngọc Hùng, Tổng cục trưởng Tổng cục II, Chủ tịch AMIM, chủ trì hội nghị. Dự hội nghị tại các điểm cầu có lãnh đạo các cơ quan tình báo quốc phòng các nước ASEAN.

Tại hội nghị, Trung tướng Phạm Ngọc Hùng đã có bài phát biểu đề cập đến các vấn đề như: Tình hình dịch bệnh Covid-19; an ninh nguồn nước lưu vực sông Mekong; tình hình Biển Đông; sáng kiến thành lập Cộng đồng tình báo quốc phòng ASEAN (AMIC) của Việt Nam.

Tại hội nghị lần này, các Trưởng đoàn đã tập trung trao đổi, đánh giá tình hình an ninh khu vực, từ đó đề ra các biện pháp tăng cường hợp tác giữa các cơ quan tình báo quốc phòng nhằm chủ động ứng phó với các thách thức; đồng thời xem xét thông qua Tài liệu Khái niệm thành lập AMIC và thống nhất nội dung dự thảo Tuyên bố chung Hội nghị Tư lệnh Lực lượng quốc phòng ASEAN lần thứ 17 (ACDFM-17) để trình ACDFM-17 chuẩn y.

Kết thúc hội nghị, Trung tướng Phạm Ngọc Hùng đã bàn giao chức Chủ tịch AMIM cho đại diện quân đội Brunei Darussalam.

(QĐND)

Tăng cường quan hệ đối tác ASEAN-EU là điều cần thiết

Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell Fontelles mới đây có bài viết trên tờ Bangkok Post về quan hệ ASEAN-EU.

Theo ông Borrell, trong một thế giới bị ảnh hưởng bởi đại dịch và chính trị quyền lực chi phối, EU và ASEAN có rất nhiều điểm chung. Việc đẩy mạnh hợp tác giữa EU và ASEAN là điều cần thiết, để đảm bảo hai bên có thể bảo vệ hệ thống quốc tế dựa trên luật pháp và đảm bảo mọi người đều có thể hưởng quyền an ninh và các quyền mà đôi khi chúng ta coi là đương nhiên.

Bài học rút ra từ Covid-19 là EU và ASEAN phải xích lại gần nhau như những “đối tác cùng chí hướng trong hội nhập”, ngay cả khi hai khối này có khoảng cách về mặt địa lý.

Trong khi một số quốc gia chọn thu hẹp chủ nghĩa đa phương, EU và ASEAN nên đảm bảo hệ thống thương mại, an ninh và thịnh vượng xây dựng dựa trên các quy tắc, thỏa thuận quốc tế, chứ không phải dựa trên những ý tưởng “có vẻ là đúng”.

An ninh châu Á gắn liền với an ninh châu Âu. Cũng vì lẽ đó, hai bên nên tăng cường hợp tác. EU sẽ luôn là đối tác đáng tin cậy và minh bạch.

Ông Borrell nhấn mạnh: “chúng ta cùng gánh trên vai trách nhiệm đặc biệt: Duy trì trật tự đa phương toàn cầu. Trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ manh nha, thế giới đang bất ổn và cạnh tranh Mỹ-Trung ngày một căng thẳng, trách nhiệm này có ý nghĩa hơn bao giờ hết.”

(Bangkok Post)

Đầu tàu trong quá trình phục hồi của Đông Nam Á?

Sau khi tăng mạnh vào tháng 3 và tháng 4, USD đã giảm mạnh so với nhiều loại tiền tệ khác trong những tháng gần đây. Các quốc gia có ngành sản xuất hoặc hàng hóa lớn, phụ thuộc vào xuất khẩu có thể nhận thấy đây là điều đáng lo ngại, vì đồng nội tệ mạnh hơn có xu hướng ảnh hưởng đến xuất khẩu.

Nhiều quốc gia ở Đông Nam Á dựa vào xuất khẩu để thúc đẩy tăng trưởng, vì vậy sự trượt dốc của đồng USD gây nên những lo lắng đặc biệt. Nhưng mối quan hệ giữa định giá tiền tệ và hoạt động thương mại không phải lúc nào cũng đơn giản như người ta tưởng.

Lấy đồng Ringgit của Malaysia làm ví dụ, những tháng qua đồng Ringgit đã tăng đều đặn, khiến cho hàng hóa xuất khẩu tính bằng USD trở nên đắt hơn. Tuy nhiên, tháng 7 vừa qua, Malaysia ghi nhận tổng sản lượng xuất khẩu lên đến 97,12 tỷ Ringgit (khoảng 23,5 tỷ USD), cao thứ 2 từ trước đến nay.

Đây có thể là điều khó hiểu với nhiều người. Nhưng xuất khẩu của Malaysia đạt mức cao như vậy do nhiều yếu tố. Một trong số đó là khi đồng Ringgit tăng giá, Chính phủ Malaysia đã có chiết khấu đáng kể với sản phẩm dầu cọ và đánh bại các đối thủ đến từ Indonesia. Do đó, xuất khẩu dầu cọ sau đó đã tăng 52% trong tháng 7, so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, Indonesia là một ngoại lệ. Do tình hình dịch bệnh tại đây vẫn diễn ra vô cùng phức tạp, đồng Rupiah hiện đang rớt giá liên tục. Ngay cả trước đại dịch, chính quyền Tổng thống Joko Widodo đã mong muốn giảm nhập khẩu và thúc đẩy xuất khẩu để thúc đẩy tăng trưởng. Vì vậy, đây có thể coi là thời điểm tốt để làm điều này, đặc biệt là khi hầu hết các đồng tiền khác trong khu vực đều tăng giá trị, khiến cho hàng hóa trở nên kém hấp dẫn hơn với các nhà nhập khẩu.

(The Diplomat)