Tình hình Covid-19 tại Đông Nam Á
Tình hình dịch bệnh tại Đông Nam Á vẫn diễn biến phức tạp khi ngày 23/9, toàn khu vực ghi nhận thêm 8.010 ca nhiễm mới Covid-19 và 202 ca tử vong tại 4 quốc gia (Philippines, Indonesia, Myanmar và Malaysia), nâng tổng số ca nhiễm và ca tử vong tại khu vực là 632.441 và 15.455.
Ngày 33/9, Philippines ghi nhận thêm 2.833 ca nhiễm mới với 44 ca tử vong do Covid-19, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lần lượt là 294.591 và 5.091.
Trong 24 giờ qua, Indonesia lại lập kỷ lục mới khi số ca nhiễm Covid-19 đã tăng thêm 4.465 trường hợp, trong đó có 140 ca tử vong. Tính đến nay, Indonesia ghi nhận 257.388 người mắc bệnh, trong đó có 9.977 người không qua khỏi.
Tình hình dịch bệnh tại Myanmar vẫn diễn biến phức tạp khi ngày 23/9 nước này ghi nhận thêm 549 ca mắc mới và 15 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên 7.292 ca và 130 ca đã tử vong.
Tại Campuchia, Bộ trưởng Giáo dục, Thanh niên và Thể thao Hang Chuon Naron ngày 22/9 khẳng định sẵn sàng đề nghị lên Thủ tướng Hun Sen cho phép thực hiện giai đoạn ba của kế hoạch mở cửa trở lại các trường học sau khi giai đoạn một và hai diễn ra suôn sẻ.
Giai đoạn ba là giai đoạn cuối cùng trong kế hoạch đón học sinh trở lại trường học của bộ trên sau khi các trường học ở Campuchia phải tạm thời đóng cửa từ tháng 3/2020 để phòng tránh dịch Covid-19.
Trong giai đoạn đầu của kế hoạch này, Campuchia đã mở cửa trở lại các trường học đạt tiêu chuẩn an toàn phòng dịch ở mức cao nhất và trong giai đoạn hai, nước này đã mở cửa trở lại nhóm trường học đạt tiêu chuẩn phòng dịch ở mức trung bình. Trong giai đoạn ba này, các trường học đạt tiêu chuẩn vệ sinh tối thiểu sẽ đón học sinh quay trở lại. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ thời gian bắt đầu thực hiện giai đoạn trên.
Trong nỗ lực đối phó với tác động do dịch Covid-19 gây ra đối với nền kinh tế quốc gia và đời sống của người dân, chính phủ Malaysia vừa công bố thêm một gói kích thích kinh tế trị giá 10 tỷ Ringgit (2,4 tỷ USD). Gói kích thích kinh tế với tên gọi “Chương trình Kita Prihatin” này là sáng kiến đặc biệt của chính phủ với mục đích hỗ trợ các doanh nghiệp vi mô, lực lượng lao động và những người dân thuộc nhóm dưới và nhóm trung bình trong thang xếp hạng thu nhập (tức nhóm B40 và M40).
Cụ thể, chính phủ Malaysia sẽ dành 600 triệu Ringgit để hỗ trợ cho khoảng 200.000 doanh nghiệp vi mô trên toàn quốc, 2,4 tỷ Ringgit sẽ được sử dụng để gia hạn Chương trình trợ cấp lương, giúp 1,3 triệu lao động có thêm khoản tiền 600 Ringgit mỗi tháng để trang trải chi phí sinh hoạt trong 3 tháng cuối năm. Số tiền còn lại sẽ được dùng để hỗ trợ cho những người dân thuộc nhóm B40 và M40.
(TGVN, Khmer Times, TTXVN)
Đẩy mạnh hợp tác phòng chống tội phạm xuyên quốc gia trong ASEAN
Hội nghị Quan chức cấp cao ASEAN về phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia lần thứ 20 (SOMTC 20) diễn theo hình thức trực tuyến vào sáng nay 24/9. Theo chương trình dự kiến, các nước thành viên sẽ trao đổi quan điểm về những nỗ lực cấp quốc gia, khu vực và quốc tế trong phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia trước tình hình đại dịch Covid-19.
Đây cũng là hội nghị chuẩn bị cho Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về Phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia lần thứ 14 (AMMTC 14) và các Hội nghị liên quan dự kiến tổ chức vào trung tuần tháng 11/2020 dưới sự chủ trì của Bộ Công an Việt Nam
Trả lời phỏng vấn trước thềm hội nghị, Trung tướng Nguyễn Thanh Sơn, Cục trưởng Cục đối ngoại, Bộ Công an cho biết, tội phạm xuyên quốc gia đang có diễn biến nghiêm trọng trong khu vực như: tội phạm khủng bố, tội phạm mua bán người, đưa người di cư trái phép, tội phạm ma túy, buôn lậu vũ khí, rửa tiền, tội phạm công nghệ cao, tội phạm kinh tế, cướp biển, buôn lậu gỗ và động vật hoang dã…
Hợp tác trong ASEAN là cách thức hữu hiệu bảo đảm an ninh, an toàn và sự thịnh vượng của mỗi nước và cả khu vực, góp phần củng cố sự phát triển bền vững của cộng đồng trước những cơ hội và thách thức ở chặng đường tiếp theo.
Báo cáo về tình hình tội phạm xuyên quốc gia tại Đông Nam Á năm 2019 của Cơ quan Liên hợp quốc về phòng, chống tội phạm và ma túy (UNODC) chỉ ra rằng, Đông Nam Á là một trong những khu vực trung chuyển có sự liên kết sâu sắc với các khu vực nhạy cảm về tình hình tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia trên thế giới.
Thực tế, kế hoạch tổng thể về Cộng đồng Chính trị-an ninh ASEAN 2025 cũng xác định phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia là một trong những lĩnh vực hợp tác trọng tâm của ASEAN để xây dựng một cộng đồng hòa bình và phát triển ổn định.
Trong lĩnh vực bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, quan hệ giữa Việt Nam với các nước láng giềng và các nước trong khối ASEAN có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần tạo nên một vành đai an ninh đối với nước ta, ngăn chặn các hoạt động chống phá từ bên ngoài, ảnh hưởng đến an ninh, ổn định của Việt Nam. Đồng thời, thúc đẩy đối thoại, phối hợp lập trường với các nước thành viên nhằm tháo gỡ các vấn đề nảy sinh, ứng phó với thách thức về an ninh, hạn chế sự can thiệp và chi phối của các nước bên ngoài.
Thách thức là cơ hội để quân đội các nước ASEAN tăng sức mạnh gắn kết
Hôm nay (24/9), Hội nghị Tư lệnh Lực lượng Quốc phòng các nước ASEAN lần thứ 17 (ACDFM-17) do Việt Nam đăng cai được tổ chức dưới hình thức trực tuyến.
Hội nghị ACDFM-17 tập trung nghe báo cáo kết quả Hội nghị những người đứng đầu tình báo Quốc phòng các nước ASEAN lần thứ 17 (AMIM-17) và Hội nghị Cục trưởng Tác chiến quân đội các nước ASEAN lần thứ 10 (AMOM-10); thảo luận, trao đổi quan điểm về các thách thức an ninh khu vực cùng quan tâm, thảo luận biện pháp thúc đẩy hợp tác thực chất, tăng cường gắn kết nội khối và ứng phó tập thể với các thách thức chung.
Ngoài ra, cuộc họp cũng rà soát 2 văn kiện của Hội nghị ACDFM-17 là Kế hoạch hoạt động 2 năm (2020-2022) của quân đội các nước ASEAN và Tuyên bố chung Hội nghị ACDFM-17. Đây là những văn kiện quan trọng sẽ được báo cáo và thông qua tại ACDFM-17, làm cơ sở để quân đội các nước ASEAN định hướng, thúc đẩy hợp tác thực chất hơn nữa trong thời gian tới.
Hội nghị ACDFM là cơ chế hợp tác cao nhất trong kênh quân sự, có nhiệm vụ triển khai các hoạt động hợp tác giữa quân đội các nước ASEAN trên cơ sở kết quả của Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (ADMM). Đây là lần thứ hai Việt Nam chủ trì tổ chức hội nghị này.
(QĐND)