Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết hợp tác với ASEAN do Việt Nam đề xuất
Ngày 23/11, Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) Khóa 75 đã thảo luận và thông qua bằng đồng thuận Nghị quyết về hợp tác ASEAN-LHQ, với 110 nước đồng bảo trợ, đạt kỷ lục về số nước đồng bảo trợ kể từ khi nghị quyết về hợp tác ASEAN-LHQ được đưa ra lần đầu tiên tại ĐHĐ LHQ năm 2002.
Với vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 năm nay, Việt Nam là nước thay mặt ASEAN chủ trì soạn thảo nội dung và thương lượng Nghị quyết.
Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ thay mặt các nước ASEAN giới thiệu Nghị quyết |
So với Nghị quyết được thông qua gần nhất năm 2018, Nghị quyết lần này đã cập nhật các kết quả hợp tác nổi bật giữa LHQ và ASEAN từ năm 2018 đến nay như thành tựu thực hiện Kế hoạch hành động ASEAN-LHQ giai đoạn 2016-2020, việc HĐBA lần đầu tiên tổ chức thảo luận về vai trò của ASEAN trong duy trì hòa bình và an ninh quốc tế trong tháng Chủ tịch HĐBA của Việt Nam, và việc thông qua Kế hoạch hành động ASEAN-LHQ giai đoạn 2021-2025.
Các nỗ lực của ASEAN trong xây dựng Cộng đồng và ứng phó với đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 cũng được nêu đậm. Nhiều nội dung hợp tác giữa LHQ và ASEAN được bổ sung hoặc làm đậm như tăng cường quan hệ đối tác và hợp tác gìn giữ, xây dựng và duy trì hòa bình; giảm thiểu rủi ro thiên tai và tăng cường phản ứng trong các trường hợp khẩn cấp; đa dạng sinh học và các biện pháp thực hiện Thập kỷ Hành động thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững 2030.
Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ đã thay mặt các nước ASEAN giới thiệu Nghị quyết, khẳng định vai trò trung tâm của ASEAN trong thúc đẩy đối tác, hợp tác vì hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực cũng như quan hệ đối tác toàn diện ngày càng được củng cố giữa ASEAN và LHQ.
Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ cũng thông tin về các nội dung mới, nổi bật trong Nghị quyết và cảm ơn sự ủng hộ của các nước thành viên LHQ trong tiến trình thương lượng, đồng bảo trợ và thông qua Nghị quyết.
(TTXVN)
Diễn đàn thanh niên ASEAN
Trong khuôn khổ năm ASEAN 2020, ngày 24/11, Bộ Nội vụ đã tổ chức Diễn đàn trực tuyến Đối thoại thanh niên và Cộng đồng ASEAN 2020 với chủ đề Chính sách phát triển thanh niên - Xu hướng và các vấn đề đặt ra đối với các quốc gia ASEAN.
Diễn đàn tạo cơ hội giao lưu văn hóa giữa thanh niên các nước ASEAN cũng như trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng và thực hiện chính sách phát triển thanh niên; từng bước hoàn thiện cơ chế hợp tác, giao lưu thanh niên nhằm thúc đẩy việc thực hiện chính sách phát triển thanh niên giữa các cơ quan liên quan của các quốc gia ASEAN.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn nêu rõ: Việt Nam và các nước thành viên ASEAN đều đánh giá cao vai trò của thanh niên trong xây dựng, hội nhập và kết nối Cộng đồng ASEAN. Đây là nguồn nhân lực trẻ quan trọng của các quốc gia, sự kết nối giữa hiện tại và tương lai, thắt chặt tình đoàn kết, hữu nghị giữa các quốc gia trong khu vực và quốc tế.
Bà Rodora T.Babaran, Giám đốc phụ trách Phát triển nhân lực, Vụ Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN thuộc Ban Thư ký ASEAN cho biết, thanh niên chiếm 1/3 dân số ASEAN, trong chiến lược hình thành Cộng đồng, thanh niên luôn đóng một vai trò quan trọng, ưu tiên trong xây dựng chính sách của khối và từng nước ASEAN. Mới đây, ASEAN đã xây dựng Kế hoạch hoạt động thanh niên ASEAN giai đoạn 2021-2025 với một hệ thống các Chỉ số phát triển thanh niên.
Tại Diễn đàn, các đại biểu trao đổi về 3 nhóm vấn đề, bao gồm: Thực trạng việc xây dựng và thực thi các chính sách thanh niên của mỗi nước ASEAN; Chia sẻ kinh nghiệm giải quyết và đề xuất các chính sách thanh niên của mỗi nước; Những khuyến nghị về chính sách bảo đảm, tương đồng về quyền, nghĩa vụ của thanh niên giữa các quốc gia trong khu vực.
(TTXVN)
AFF Cup 2020 chính thức được rời sang tháng 4/2021. |
AFF Cup 2021 có thể diễn ra đúng kế hoạch?
Đại dịch Covid-19 bùng phát vào đầu năm 2020 trên toàn cầu không chỉ khiến cho rất nhiều giải đấu thể thao lớn bị hoãn lại một năm, mà ngay cả giải bóng đá số 1 khu vực Đông Nam Á AFF Cup 2020 cũng không thể diễn ra theo đúng kế hoạch là vào cuối năm nay.
Sau nhiều lần hội ý giữa đại diện các liên đoàn bóng đá thành viên, giải AFF Cup 2021 dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 11/4 đến 8/5/2021. Tuy nhiên nếu trong vòng 4 tháng tới mà dịch bệnh vẫn không được dập tắt thì sẽ rất khó để giải đấu số 1 khu vực có thể được tổ chức đúng kế hoạch.
Vì thế, trong cuộc Đại hội AFF thường niên lần thứ 27 mới đây, Đại hội đã thống nhất sẽ giao cho các bộ phận chức năng tiếp tục bám sát tình hình diễn biến của dịch bệnh để có sự chủ động trong các giải pháp, đồng thời hy vọng sự kiện lớn nhất và danh giá nhất của bóng đá Đông Nam Á sẽ được tiến hành theo đúng kế hoạch đã đề ra.
(Thể thao Việt Nam)
Cập nhật tình hình dịch Covid-19 tại Đông Nam Á
Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới rạng sáng ngày 25/11, các nước ASEAN ghi nhận thêm 9.254 ca mắc bệnh Covid-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên 26.547 người.
Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN vẫn có 4 quốc gia ghi nhận các ca tử vong vì Covid-19 là Philippines, Indonesia, Malaysia và Myanmar. Indonesia vẫn là ổ dịch Covid-19 nghiêm trọng nhất trong số các nước ASEAN khi trong ngày ghi nhận số ca bệnh cũng như tử vong mới cao nhất khu vực. Tình hình dịch bệnh tại “quốc gia vạn đảo” tiếp tục nghiêm trọng sau nhiều tháng dịch bùng phát.
Tại Philippines, dịch vẫn diễn biến xấu, số ca mắc mới cao, song số ca tử vong tiếp tục đà giảm những ngày gần đây. Malaysia tình hình cũng ngày càng đáng quan ngại hơn, làn sóng dịch mới đang quay lại tấn công khi ghi nhận 2.188 ca bệnh phát sinh và 4 ca tử vong trong 1 ngày qua.
Myanmar dịch bệnh cũng ngày càng diễn biến phức tạp với việc nhiều ngày liền ghi nhận số ca mắc và tử vong vì Covid-19 đều tăng nhanh. Tình hình tại quốc gia thành viên ASEAN này hiện rất đáng lo ngại với 1.731 ca bệnh mới và 19 người tử vong vì virus SARS-CoV-2 trong 1 ngày qua.
Quốc gia | Tổng số ca mắc | Ca mắc mới | Tổng số ca tử vong | Ca tử vong mới | Ca phục hồi |
Indonesia | 506,302 | +4,192 | 16,111 | +109 | 425,313 |
Philippines | 421,722 | +1,118 | 8,185 | +12 | 386,792 |
Myanmar | 82,236 | +1,731 | 1,784 | +19 | 60,965 |
Malaysia | 58,847 | +2,188 | 341 | +4 | 44,153 |
Singapore | 58,183 | +18 | 28 | 58,079 | |
Thái Lan | 3,922 | +2 | 60 | 3,772 | |
Việt Nam | 1,316 | +4 | 35 | 1,153 | |
Campuchia | 306 | 296 | |||
Brunei | 150 | +1 | 3 | 145 | |
Lào | 39 | 24 |