Indonesia tiếp tục là ổ dịch Covid-19 phức tạp nhất ASEAN. (Nguồn: AP) |
Covid-19 tại ASEAN: Dịch bệnh diễn biến trái chiều
Tình hình dịch bệnh tại một số nước Đông Nam Á tiếp tục ghi nhận những diễn biến trái chiều. Trong ngày 24/6, ASEAN ghi nhận 1.784 ca mắc Covid-19 và 56 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc lên 136.637 và số ca tử vong lên 3.991.
Trong 24 giờ qua, Indonesia tiếp tục là quốc gia ghi nhận số ca mắc và ca tử vong cao nhất ASEAN. Bộ Y tế Indonesia cho biết, nước này ghi nhận 1.113 ca Covid-19, đưa tổng số ca nhiễm trên cả nước lên 49.009. Số ca tử vong tại nước này là 2.573 người, tăng 38 người.
Cùng ngày, Bộ Y tế Philippines thông báo 32.295 bệnh nhân Covid-19, tăng 470 ca so với ngày hôm trước. Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh và xuất viện là 8.656 người, trong khi số ca tử vong là 1.204 người (tăng 18 người).
Singapore cũng ghi nhận số ca mắc trong ngày 24/6 ở mức ba con số (191 ca). Tuy nhiên, số ca nhiễm mới đang có xu hướng giảm ở Singapore trong những ngày qua.
Các nước như Malaysia, Việt Nam và Thái Lan ghi nhận số ca mắc dưới 10, lần lượt là 6, 3 và 1 ca.
Thái Lan sẽ nối lại các hoạt động kinh doanh từ 1/7 tới. Theo đó, tất cả các loại hình kinh doanh và hoạt động bị đình chỉ để kiểm soát đại dịch Covid-19 ở Thái Lan sẽ được phép nối lại từ 1/7, kể cả những địa điểm giải trí và các cửa hiệu massage. (TTXVN/TGVN)
Doanh nghiệp ASEAN bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19
Theo thống kê của Korn Ferry (một công ty tư vấn quản lý kinh tế hàng đầu nước Mỹ), 81% doanh nghiệp ở ASEAN bị giảm doanh thu do Covid -19. Trong đó, 61% các công ty ở ASEAN cho biết họ đang chuẩn bị tâm lý trước nguy cơ doanh thu trong năm tụt giảm hơn 15% so với năm ngoái.
Nhằm hạn chế đối đa hậu quả tiêu cực mà Covid-19 gây ra, các công ty và doanh nghiệp này đang nỗ lực điều chỉnh chính sách kinh tế cũng như quy trình hoạt động của mình. Những biện pháp mà họ sử dụng bao gồm siết chặt quản lý chi phí, tái cấu trúc doanh nghiệp và cắt giảm lương đối với nhân viên.
Korn Ferry cũng dự báo một tín hiệu đáng mừng khi khẳng định: Trong quý tiếp theo của giai đoạn phục hồi nền kinh tế, áp lực về chi phí đầu tư của các doanh nghiệp ASEAN sẽ giảm. Tuy nhiên, các tổ chức doanh nghiệp vẫn cần cố gắng khắc phục hậu quả kinh tế do Covid-19 để lại. Để đạt được kết quả khả quan, ASEAN cần chú ý tới việc nâng cao trình độ sản xuất và giải quyết được bài toán khó về tiền lương cho người lao động. (Theo Business Times)
Nỗ lực đảm bảo khả năng phục hồi hệ thống thực phẩm
Đại dịch Covid-19 đã gây ra sự ngưng trệ đối với các nền kinh tế phụ thuộc nông nghiệp ở khu vực Đông Nam Á và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh kế của hơn 600 triệu người dân ASEAN.
Thời gian qua, ngành kinh tế nông nghiệp và thực phẩm đã chịu nhiều tác động. Các biện pháp y tế và xã hội để ngăn chặn sự lây lan của Covid-19 có khả năng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh kế của các hộ sản xuất nhỏ.
Thời gian qua, ngành kinh tế nông nghiệp và thực phẩm ASEAN đã chịu nhiều tác động. (The Thaiger) |
Theo thống kê, nông nghiệp, bao gồm trồng trọt, đánh cá và lâm nghiệp đóng góp tới 10,6% vào GDP của ASEAN vào năm 2018. Nông nghiệp cũng đóng góp đáng kể cho thương mại khu vực và quốc tế.
Tuần này, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) đã tổ chức một cuộc thảo luận với các quan chức cấp cao của các Bộ Nông nghiệp và Lâm nghiệp từ các quốc gia ASEAN (ASEAN SOM-AMAF). Cuộc thảo luận có sự tham gia các chuyên gia khu vực về chính sách nông nghiệp, kinh tế, an toàn thực phẩm và thương mại.
Jong-Jin Kim, Phó đại diện FAO tại khu vực, người đứng đầu Văn phòng tổ chức FAO tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương cho biết, đại dịch Covid-19 đã tấn công hệ thống thực phẩm một cách mạnh mẽ và nhanh chóng. “Tại diễn đàn, các nhà hoạch định chính sách cao cấp của ASEAN và FAO, các đối tác phát triển, cơ quan tài trợ, xã hội dân sự, khu vực tư nhân và các tổ chức nghiên cứu đã thảo luận về ý tưởng và đề xuất cụ thể, nhằm củng cố hệ thống thực phẩm bền vững hơn”, ông Jong-Jin Kim nói.
Các chuyên gia đã bàn về tầm quan trọng của việc chia sẻ dữ liệu và thông tin về cây trồng, vật nuôi và một số mặt hàng khác, đề xuất một hệ thống thông tin về thương mại nông nghiệp, thực phẩm. Các chuyên gia cũng xem xét khả năng thành lập một ngân hàng hạt giống ASEAN, đồng thời khẳng định các ngân hàng hạt giống khu vực hiện đã có ở một số quốc gia thành viên. AMAF mong muốn được hợp tác thành công với FAO và các đối tác phát triển để giải quyết các tác động bất lợi của Covid-19 lên hệ thống thực phẩm.
Trong tương lai, FAO sẽ tiếp tục hỗ trợ và tư vấn cho ASEAN tăng cường quản lý tài nguyên thiên nhiên để giúp hệ thống thực phẩm trở nên linh hoạt hơn, cũng như cải thiện và bảo vệ sinh kế của người dân. (Reliefweb)
Trung tâm thương mại Thái Lan “nhớ” khách du lịch Đông Nam Á
Các nhà điều hành trung tâm thương mại Siam Piwat và The Mall Group đang kêu gọi Chính phủ cho phép nối lại các chuyến bay từ các quốc gia Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam trong nỗ lực khởi động lại hoạt động kinh doanh bán lẻ, với lý do số lượng ca nhiễm Covid-19 ở các nước này thấp.
Tuy nhiên, bà Mayuree Chaipromprasit, Phó chủ tịch điều hành tiếp thị tại Siam Piwat cũng nói rằng, Chính phủ nên đưa ra các biện pháp phòng ngừa để tránh làm lây lan dịch Covid-19.
Việc kinh doanh bán lẻ của Thái Lan phụ thuộc vào du lịch. Theo bà Mayuree, khách du lịch từ Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam có sức mua cao và chiếm một phần lớn khách du lịch nước ngoài đến thăm Trung tâm Siam, Siam Discovery và Siam Paragon.
Bên cạnh đó, bà cho biết công ty cũng yêu cầu Chính phủ triển khai các chiến dịch đặc biệt để thu hút giới thượng lưu đến Bangkok mua sắm. Bà kêu gọi Chính phủ thúc đẩy chiến dịch “Thai Shop Thai” (Tạm dịch: “Người Thái Lan dùng hàng Thái Lan”) để kích cầu mua sắm nội địa.
Là một phần trong nỗ lực kích thích tâm lý mua sắm và tiêu dùng, The Mall Group và Siam Piwat đã chi 180 triệu baht để hợp nhất các cửa hàng bách hóa và khu mua sắm của họ - bao gồm The Mall Department Store, The Emporium, The EmQuartier, Siam Paragon, Siam Center và Siam Discovery. The Mall Group và Siam Piwat cùng tổ chức Lễ hội mua sắm Bangkok. Sự kiện diễn ra từ 26/6 đến 2/8 và dự kiến sẽ tạo ra doanh thu khoảng 4 tỷ Baht. (The Thaiger)