Vai trò trung tâm của ASEAN trong khu vực
Những năm gần đây, tại các hội nghị khác nhau, ASEAN liên tục nhấn mạnh địa vị trung tâm của mình. Ngay từ Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 12 năm 2007, tổ chức này đã đưa ra quan điểm về địa vị trung tâm của ASEAN. Điều 1 khoản 15 trong Hiến chương ASEAN được công bố vào năm 2007 nêu rõ: “Phải duy trì địa vị trung tâm và vai trò tích cực của ASEAN trong khuôn khổ khu vực cởi mở, minh bạch và bao trùm”.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị Cấp cao ASEAN+3 lần thứ 23 ngày 14/11. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Từ khi chính quyền của Tổng thống Obama đưa ra chiến lược “tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương” đến khi chính quyền của Tổng thống Trump nỗ lực thúc đẩy “chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” đến nay, Đông Nam Á tiếp tục trở thành đấu trường đọ sức giữa các nước lớn ngoài khu vực, địa vị trung tâm của ASEAN liên tục bị tác động.
Nhìn từ bên ngoài, nước lớn bên ngoài khu vực đã hạn chế địa vị trung tâm của ASEAN. Sự tồn tại của khuôn khổ hợp tác khu vực là nền tảng cho địa vị trung tâm ASEAN, trong khi Mỹ đang xây dựng khuôn khổ hợp tác do Washington chủ đạo như Sáng kiến hạ nguồn sông Mekong, quan hệ đối tác Mekong-Mỹ được nâng cấp… Các nước lớn khác trong khu vực cũng đưa ra sáng kiến hợp tác khu vực.
Có thể nói địa vị trung tâm ASEAN là một trong những thước đo của quan hệ cạnh tranh nước lớn trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Về mặt khách quan, địa vị trung tâm ASEAN đã tránh được sự can thiệp và can dự thái quá vào hợp tác khu vực của các nước lớn bên ngoài khu vực, điều có ý nghĩa quan trọng trong việc duy trì ổn định khu vực. Điều quan trọng hơn là địa vị trung tâm của ASEAN đã nâng cao quyền phát ngôn của các nước thành viên, duy trì chính sách khá trung lập của tổ chức này về quan hệ đối ngoại. Trung Quốc phải tiếp tục ủng hộ địa vị trung tâm của ASEAN trong hợp tác khu vực, phát huy vai trò quan trọng của ASEAN trong bảo vệ an ninh, ổn định và phồn vinh của khu vực.
(Tạp chí “Tri thức thế giới”, Trung Quốc, số 22/2020)
Hàn Quốc và chính sách ‘Hướng Nam mới’ để đẩy mạnh quan hệ với ASEAN
Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN-Hàn Quốc lần thứ 21 diễn ra ngày 12/11 vừa qua, Tổng thống Moon Jae-in cam kết sẽ đẩy mạnh triển khai "Chính sách hướng Nam mới" mở rộng với ưu tiên tăng cường và làm sâu sắc hơn nữa hợp tác với ASEAN.
Chính sách này bao gồm 7 lĩnh vực ưu tiên, cân nhắc các biện pháp đối phó với những thách thức của Covid-19 và “những thay đổi trong nhu cầu và ưu tiên của mối quan hệ Hàn Quốc-ASEAN”, Tiến sĩ Won-gi Choe, Giáo sư Trung tâm Nghiên cứu ASEAN-Ấn Độ tại Học viện Ngoại giao Quốc gia Hàn Quốc nhận định.
Các lĩnh vực ưu tiên của chương trình bao gồm y tế công cộng, giáo dục và phát triển nguồn nhân lực, giao lưu văn hóa, thương mại và đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng, các ngành công nghiệp tương lai và các vấn đề an ninh phi truyền thống như môi trường, biến đổi khí hậu và rác thải biển.
Ông Dindo Manhit thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Stratbase Albert del Rosario (Philippines) nhấn mạnh vai trò của các cường quốc tầm trung tại ASEAN trong việc duy trì một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mở và đa cực, trong bối cảnh sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc và sự gia tăng của các mối đe dọa an ninh truyền thống và phi truyền thống ngày càng tăng lên.
(ABS-CBN)
Đông Nam Á hồi phục hậu Covid-19 |
JPMorgan: Chưa đầu tư vào Đông Nam Á là bỏ lỡ cơ hội
Công ty tài chính toàn cầu JPMorgan đánh giá, nhiều nhà đầu tư có thể đang né tránh các thị trường cổ phiếu khu vực Đông Nam Á nhưng cơ hội của khu vực này trong trung hạn là khá lớn.
James Sullivan, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu cổ phần châu Á và Nhật Bản tại JPMorgan cho biết: “Chúng tôi đang tìm kiếm cơ hội cho dòng tài sản tổng thể hơn 650 tỷ USD vào các thị trường mới nổi nói chung. Ở ASEAN, lần đầu tiên trong nhiều năm, các nhà đầu tư đang đánh giá thấp cổ phiếu ở khu vực này.”
"Chúng tôi nhận thấy những cơ hội đáng kể cho sự thành công trong trung hạn, đặc biệt là ở khu vực ASEAN”, chiến lược gia đánh giá.
CNBC)
Cập nhật tình hình Covid-19 tại Đông Nam Á
Theo trang thống kê worldometers.info, trong ngày 26/11, 7 quốc gia ASEAN ghi nhận 8.914 ca mắc Covid-19 và 193 ca tử vong, nâng tổng số người mắc tại ASEAN từ đầu dịch lên 1.151.001 ca, trong đó 26.914 người tử vong.
Số ca mắc mới chủ yếu tập trung ở Indonesia. Bộ Y tế Indonesia thông báo nước này ghi nhận số ca mắc Covid-19 tăng thêm 4.917 ca, nâng tổng số ca lên 516.753 ca; số ca tử vong tăng thêm 127 ca, nâng tổng số ca lên lên 16.352 ca. Indonesia là nước có số ca mắc và tử vong mới cao nhất ASEAN tính từ đầu dịch.
Đứng thứ hai về số ca mắc trong ngày 26/11 là Myanmar. Bộ Y tế Myanmar công bố thêm 1.639 ca mắc trong ngày, nâng tổng số ca mắc tại nước này lên 85.205 ca. Số ca tử vong tại quốc gia này tăng thêm 36 ca, lên 1.846.
Đứng thứ ba ASEAN về số ca mắc mới trong ngày 26/11 là Philippines. Bộ Y tế Philippines thông báo ghi nhận 1.392 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc lên 424.297 ca. Số ca tử vong tăng thêm 27, thành 8.242 ca.
(TTXVN)