Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho người dân ở Surabaya, Indonesia, ngày 20/5. (Nguồn: AFP) |
Tình hình Covid-19 tại ASEAN
Tính tới rạng sáng ngày 27/5, ASEAN ghi nhận thêm có thêm 1.342 ca mắc bệnh Covid-19 so với 1 ngày trước. SARS-CoV-2 đã cướp đi sinh mạng của 2.506 người dân ở khu vực này, tăng 40 trường hợp so với 1 ngày trước đó. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công tăng lên 34.690 trường hợp.
Nhìn chung, đại dịch Covid-19 chỉ còn diễn biến phức tạp tại ba nước Indonesia, Singapore và Philippines. Trong ngày 26/5, chỉ Indonesia và Philippines phát sinh ca tử vong, sinh hoạt thường nhật dần trở lại ở nhiều nước.
Singapore tiếp tục là quốc gia ASEAN có nhiều ca nhiễm Covid-19 nhất khi ngày 27/5 ghi nhận 383 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, qua đó nâng tổng số ca mắc Covid-19 tại nước này lên 32.343 người. Dù số ca mắc cao, song Singapore kìm số người tử vong ở mức khá thấp, với chỉ 23 ca tất cả.
Indonesia tiếp tục là điểm dịch bệnh Covid-19 nghiêm trọng nhất trong số các quốc gia Đông Nam Á. Tính tới hết ngày 26/5, quốc gia vạn đảo đã ghi nhận tổng cộng 1.418 người tử vong vì virus SARS-CoV-2, tăng 27 trường hợp so với 1 ngày trước. Tới nay, Indonesia cũng có số ca mắc bệnh lên tới 23.165, đứng thứ hai khu vực sau Singapore.
Bộ trưởng Bộ Cải cách Hành chính (PAN-RB) của Indonesia, ông Dwi Wahyu Atmaji, cho biết chính phủ nước này có thể sẽ sớm nới lỏng các hoạt động kinh tế, xã hội và chuẩn bị thực hiện kế hoạch hành động tiếp theo trong bối cảnh chưa kiểm soát được dịch Covid-19, theo đó sẽ áp dụng kịch bản “bình thường mới” để ứng phó.
Philippines trong vòng 24 giờ qua, nước này ghi nhận 13 trường hợp tử vong vì dịch Covid-19, nâng tổng số bệnh nhân thiệt mạng vì dịch bệnh này lên 886 ca. Philippines cũng đứng thứ ba khu vực về tổng số ca virus SARS-CoV-2 với 14.669 trường hợp.
Từ ngày 16/3 vừa qua, thủ đô Manila thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch. Chính quyền thành phố quyết định nới lỏng một số biện pháp hạn chế vào ngày 16/5 và dự kiến nhóm họp ngày 27/5 để quyết định xem có tiếp tục nới lỏng các biện pháp này hay không.
Malaysia đang kiểm soát tốt dịch bệnh. Dù nước này vẫn ghi nhận các ca dương tính với virus SARS-CoV-2 mới, song nhiều ngày qua Malaysia không có ca tử vong nào. Trong ngày 26/5, Malaysia có thêm 187 ca mắc Covid-19, nâng tổng số người mắc bệnh tại nước này lên thành 7.604 trường hợp.
Trước đó, Bộ Y tế Malaysia cho biết đã có 227 ca dương tính SARS-CoV-2 được ghi nhận sau khi cơ quan này tiến hành xét nghiệm cho hàng nghìn người nhập cư bất hợp pháp nước ngoài đang bị giam giữ tại 3 trại tạm giam ở bang Selangor và thủ đô Kuala Lumpur. Malaysia sẽ tiến hành xét nghiệm Covid-19 cho tất cả những người nhập cư bất hợp pháp. Sau đó, những ai có kết quả âm tính sẽ được đưa trở về quê hương của họ.
Thái Lan trong ngày 26/5 ghi nhận thêm 3 ca mắc bệnh Covid-19, nhưng đều là những công dân trở về từ nước ngoài và đã được cách ly khi về nước, tổng cộng có 3.045 ca nhiễm và 57 ca tử vong kể từ khi dịch bệnh bùng phát hồi tháng 1 vừa qua. Nội các Thái Lan ngày 26/5 đã quyết định gia hạn Sắc lệnh về tình trạng khẩn cấp cho tới cuối tháng 6 theo đề xuất của Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC).
Myanmar ghi nhận thêm 3 ca nhiễm mới. Tại Lào chỉ còn 5 bệnh nhân nhiễm Covid-19 đang được chữa trị và chỉ có các triệu chứng nhẹ. Brunei, Campuchia và Timor Leste cũng không ghi nhận ca nhiễm mới nào trong ngày vừa qua.
Tính đến 6h ngày 27/5, Việt Nam ghi nhận thêm 1 ca nhiễm mới vào ngày 26/5 là người từ Nga trở về trên chuyến bay VN0062 ngày 13/5, được cách ly ngay khi nhập cảnh, không có khả năng lây nhiễm ra cộng đồng. Như vậy, đến thời điểm này, Việt Nam có 327 ca.
(TTXVN/TGVN)
Thái Lan sẽ sản xuất vaccine Covid-19 cho toàn bộ ASEAN
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Chulalongkorn ở Bangkok đi đầu trong việc nghiên cứu và thúc đẩy sản xuất vaccine phòng Covid-19 của Thái Lan cho biết, mục đích của họ là chế tạo loại vaccine hiệu quả và giá rẻ, để cả khu vực Đông Nam Á có thể dễ dàng tiếp cận, góp phần ngăn chặn sự thiếu hụt nguồn cung trên toàn cầu.
Theo đó, vào tuần trước, chính phủ Thái Lan đã công bố kế hoạch triển khai loại vaccine này trong năm tới do Đại học Chulalongkorn đã tiến hành thử nghiệm thành công trên chuột. Kiat Ruxrungtham, Giám đốc chương trình phát triển vaccine cho biết: “"Chúng tôi không nhằm mục đích kiếm tiền. Đây không phải là vấn đề tiền bạc mà là khả năng tiếp cận cho toàn bộ khu vực".
Nhóm của ông Kiat đã hợp tác với các nhà khoa học và các công ty công nghệ sinh học ở Bắc Mỹ và muốn sản xuất hàng loạt vaccine ở Thái Lan, với giá cả phải chăng hơn. Họ cũng đã bắt đầu thử nghiệm trên khỉ vào ngày 23/5 vừa qua.
(bdnews24)
Quân nhân từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia và Malaysia tham gia tập trận Cobra Gold vào ngày 25/2. (Nguồn: US Navy) |
Vì Covid-19, Đông Nam Á giảm ngân sách quốc phòng
Một nghiên cứu cho biết các nước Đông Nam Á đang buộc phải giảm chi tiêu quốc phòng do cuộc khủng hoảng kinh tế gây ra bởi đại dịch Covid-19. Theo ông Aristyo Rizka Darmawan, một chuyên gia an ninh hàng hải tại Đại học Indonesia viết trên tạp chí của Viện nghiên cứu Lowy (Australia) rằng, việc cắt giảm chi tiêu quốc phòng được coi là một cách tương đối dễ dàng để cắt giảm chi phí khi các quốc gia đang phải đối mặt với áp lực về ngân sách.
Indonesia thông báo sẽ giảm ngân sách quốc phòng xuống mức 588 triệu USD, còn Thái Lan là 555 triệu USD. Các quốc gia khác như Malaysia, Philippines và Việt Nam cũng chịu những áp lực tương tự. Chi tiêu quốc phòng ít hơn sẽ luôn có nghĩa là ít tuần tra trên biển hơn.
Trong khi đó, Trung Quốc sẽ tăng cường ngân sách quốc phòng thêm 6,6% trong năm 2020, mặc cho ảnh hưởng từ dịch Covid-19. Đây là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm, nhưng vẫn cho phép Trung Quốc mở rộng khả năng thực thi các yêu sách ở Biển Đông và phát triển sự hiện diện quân sự ở Tây Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.
(Defense News)
5G tiếp tục được triển khai tại ASEAN
Tuy rằng đại dịch Covid-19 làm giảm khả năng tương tác trực tiếp giữa con người với nhau, nhưng nhiều quốc gia ở Đông Nam Á đã có kế hoạch húc đẩy tiến trình đưa dịch vụ 5G vào đời sống do nhu cầu sử dụng các dịch vụ Internet đang tăng cao.
Julian Gorman, Giám đốc khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Hiệp hội Di động toàn cầu GSM Association cho biết, những hạn chế trong việc di chuyển và thay đổi ưu tiên của các chính phủ ở ASEAN, việc triển khai 5G sẽ bị đẩy lùi lại, nhưng về lâu dài sẽ không gây ra tác động lớn nào.
Hiện nay, Thái Lan là quốc gia dẫn đầu ASEAN trong triển khai 5G nhờ Covid-19. Đại dịch Covid-19 đã buộc các nhà mạng viễn thông lớn tại Thái Lan phải đẩy mạnh triển khai các công nghệ thế hệ thứ 5. Hai nhà mạng di động hàng đầu Thái Lan, Advanced Info Service (AIS) và True Corp, đang chạy đua để triển khai mạng 5G tại các bệnh viện để hỗ trợ cho các bác sỹ và đội ngũ nhân viên y tế chiến đấu với Covid-19.
Singapore được cho là sẽ bắt đầu triển khai 5G thương mại từ tháng 1/2021, với hai giấy phép 5G đang được đệ trình dành cho các công ty bao gồm Singapore Telecommunications. Quốc gia này hiện nhắm đến mục tiêu phủ sóng 5G ít nhất một nửa quốc gia vào cuối năm 2022.
Các quốc gia ASEAN khác vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm dịch vụ 5G, trong khi một số khác vẫn chờ kết quả đấu thầu để phân bổ các giấy phép cần thiết. Quốc gia tiếp theo trong khu vực nhiều khả năng sẽ triển khai 5G thương mại trong năm nay là Việt Nam - Bộ Thông tin Truyền thông cho biết đã có kế hoạch thương mại hóa dịch vụ trong tháng 6 tới đây.
(ASEAN Today)