Philippines hiện là nước có số ca nhiễm cao nhất Đông Nam Á. (Nguồn: THX) |
Covid-19 tại ASEAN
Bộ Y tế Philippines ghi nhận thêm 5.277 ca nhiễm virus, mức cao nhất trong vòng 12 ngày qua và có 99 ca tử vong. Theo bộ trên, tổng số ca nhiễm tại nước này đã lên tới 202.361 ca, trong đó hơn 60% số ca được ghi nhận trong tháng trước. Tổng số ca tử vong đã lên tới 3.137 ca. Philippines hiện là nước có số ca nhiễm cao nhất Đông Nam Á.
Cùng ngày, Myanmar ghi nhận 70 ca nhiễm mới, cũng là mức tăng cao nhất ở nước này, trong bối cảnh một đợt bùng phát mới sau nhiều tuần không có ca lây truyền trong nước.
Truyền thông Indonesia đưa tin, tỷ lệ xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 vẫn tiếp tục gia tăng trong tháng 8. Người phát ngôn Lực lượng đặc nhiệm chống Covid-19 của Chính phủ, ông Wiku Adisasmito cho biết, tỷ lệ xét nghiệm dương tính với virus hiện là 14%, tăng 0,7% so với hồi tháng 7. Ông Wiku cho hay, tỷ lệ nói trên vượt xa mức khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) là 5% để bước vào giai đoạn "mức bình thường mới". Ngày 26/8, Indonesia ghi nhận thêm 2.306 ca mới, nâng tổng số lên 160.165 ca, trong đó 6.944 ca tử vong.
Bộ Y tế Campuchia thông báo không phát hiện thêm ca mắc Covid-19 và vừa có thêm một trường hợp khỏi bệnh. Đây là ngày thứ 12 liên tiếp Campuchia không ghi nhận ca mắc mới. Trước tình hình dịch bệnh có chiều hướng cải thiện, Bộ Giáo dục, Thanh niên và Thể thao Campuchia mới đây đã “bật đèn xanh” cho các trường mẫu giáo và trường tiểu học ở nước này được mở cửa trở lại trong tháng 9 tới, sau hơn 3 tháng phải đóng cửa để ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19.
Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha đã đề xuất mở cửa đối với khách du lịch quốc tế đến từ những quốc gia có số lượng người mắc bệnh Covid-19 thấp. Thủ tướng Thái Lan đưa ra tuyên bố trên để đáp lại lời kêu gọi từ các khu vực nhà nước và tư nhân. Ông Prayut Chan-o-cha cho biết ông đồng ý rằng Thái Lan nên mở cửa một cách có giới hạn cho du khách nước ngoài để cải thiện tình hình kinh tế đồng thời khẳng định chính phủ sẽ nỗ lực hết sức để giảm bớt những khó khăn về kinh tế do dịch bệnh gây ra. Thái Lan đã trải qua 3 tháng không ghi nhận ca lây nhiễm trong cộng đồng nào. Tuy nhiên, nền kinh tế nước này đã sụt giảm do du lịch và xuất khẩu, hai nguồn thu chính, chịu tác động nặng nề bởi dịch bệnh.
Tổng Giám đốc Cơ quan Y tế trực thuộc Bộ Y tế Malaysia, ông Noor Hisham Abdullah, cho biết, trong tổng số 50 ca nhiễm Covid-19 mới tính từ ngày 20/8 đến 26/8, có đến 24 trường hợp là các ca "nhập khẩu". Số ca nhiễm từ nước ngoài sau đó nhập cảnh vào Malaysia đang có xu hướng tăng lên trong thời gian gần đây. Hiện Malaysia đang trong quá trình thực hiện Lệnh Kiểm soát di chuyển giai đoạn hồi phục (RMCO), dự kiến sẽ kết thúc vào ngày 31/8 tới. Trong tuần này, Thủ tướng Muhyiddin Yassin sẽ có tuyên bố chính thức về việc có tiếp tục áp dụng lệnh kiểm soát di chuyển hay không. Cùng ngày, Bộ Y tế Malaysia đệ trình lên Quốc hội nước này đề xuất về việc tăng mức phạt đối với các hành vi vi phạm Đạo luật Về phòng chống các bệnh truyền nhiễm năm 1988. Theo đó, mức phạt đang được áp dụng hiện nay là 1.000 ringgit (khoảng 240 USD) sẽ được tăng lên gấp 10 lần, thành 10.000 ringgit.
Bộ Y tế Singapore cho biết sẽ điều chỉnh chính sách cách ly đối với những người nhập cảnh từ Hàn Quốc kể từ ngày 29/8 tới. Theo đó, tất cả những người nhập cảnh vào Singapore có lịch sử 14 ngày ở Hàn Quốc hoặc quá cảnh tại Hàn Quốc sẽ phải cách ly tại các khu chỉ định thay vì được phép cách ly tại nhà như trước. Thay đổi trên được đưa ra trong bối cảnh xuất hiện một số ổ lây nhiễm lớn tại các nơi làm việc của Hàn Quốc. Lý giải cho sự thay đổi này, Bộ Y tế Singapore cho biết “các nhà chức trách Hàn Quốc đã cảnh báo về khả năng bùng phát dịch trở lại trên khắp cả nước”. Trước đây, những người từ các khu vực hoặc quốc gia “rủi ro thấp”, trong đó có Hàn Quốc, nhập cảnh vào Singapore sẽ được phép cách ly tại nhà kể từ 18/6.
* Trung Quốc điều chỉnh yêu cầu xét nghiệm Covid-19 với người nhập cảnh từ Singapore
Cụ thể, kể từ ngày 28/8, những người từ Singapore nhập cảnh vào Trung Quốc sẽ phải xét nghiệm trong vòng 5 ngày trước khi đáp chuyến bay. Ngoài xét nghiệm, các hành khách được yêu cầu cam kết rằng họ không bị sốt từ 37,3 độ trở lên, không có các triệu chứng về hô hấp, không giao tiếp với các bệnh nhân bị sốt hoặc có triệu chứng về hô hấp. Thông báo mới này được Đại sứ quán Trung Quốc tại Singapore công bố trên trang web ngày 21/8. Đầu tháng 6 vừa qua, Singapore và Trung Quốc đã công bố thoả thuận “làn xanh” đi lại thiết yếu phục vụ mục đích kinh doanh và công vụ, theo đó cho phép hành khách từ nước này nhập cảnh vào nước kia mà không phải cách ly 14 ngày. Thay vào đó, họ chỉ cần xét nghiệm nhanh (swab test) trong vòng 48 tiếng trước khi lên máy bay và sau khi nhập cảnh.
* Vụ đánh bom ở Philippines: Hai kẻ tấn công liều chết là góa phụ của các phần tử khủng bố
Hai đối tượng nữ thực hiện hai vụ đánh bom liều chết tại miền Nam Philippines ngày 24/8 khiến 15 người thiệt mạng và 75 người khác bị thường là các góa phụ của các tay súng thành viên lực lượng Abu Sayyaf có liên hệ với tổ chức khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng.
Trong thông báo ngày 26/8, Trung tướng Cirilito Sobejana xác định hai đối tượng nữ đánh bom liều chết là Nanah và Inda Nay, trong đó Nanah là vợ của Norman Lacusa - đối tượng tấn công liều chết, và Inda Nay là vợ của Talha Jumsah - nhân vật có nhiệm vụ liên lạc giữa Abu Sayyaf và IS. Talha Jumsah bị lực lượng an ninh tiêu diệt hồi tháng 11/2019 trong một cuộc đấu súng tại thành phố Jolo, thủ phủ tỉnh Sulu. Trong khi đó, tháng 6/2019, Lasuca và một đối tượng khác thực hiện vụ đánh bom liều chết bên ngoài một doanh trại quân đội tại Jolo, làm binh sĩ và dân thường thiệt mạng. Hiện chưa rõ Abu Sayyaf có đứng đằng sau hai vụ tấn công mới nhất nói trên hay không.
* Philippines và Indonesia thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại
Philippines và Indonesia vừa thảo luận về đề xuất tổ chức các cuộc đối thoại trong lĩnh vực chế biến đồng và dệt may nhằm tận dụng lợi thế bổ sung của nhau và thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại song phương trong thời gian tới.
Tại cuộc họp lần thứ 8 Nhóm Công tác chung (JWG) về thương mại, đầu tư, thủ công mỹ nghệ và vận tải được tổ chức hôm 11/8 vừa qua theo hình thức trực tuyến, Thứ trưởng Thương mại và công nghiệp Philippines, ông Ceferino S. Rodolfo, và Tổng vụ trưởng Đàm phán Thương mại quốc tế thuộc Bộ Thương mại Indonesia, ông Iman Pambagyo đã nhất trí hoàn tất một số biên bản ghi nhớ về xúc tiến đầu tư, sản phẩm Halal, đảm bảo chất lượng, và kinh tế sáng tạo trong năm nay.
Hai bên nhất trí tổ chức các cuộc đối thoại về hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ như chế biến đồng và dệt may trong năm nay nhằm trao đổi thông tin về các thực tiễn tốt nhất và các quy định hiện hành, cũng như thảo luận về các hoạt động hợp tác với sự tham gia của cả khu vực công và tư. Giới chức hai nước cũng nhất trí rằng về lâu dài, các cuộc đối thoại này là nền tảng để thúc đẩy năng lực sản xuất của các nhà máy ở hai nước thông qua đầu tư vốn và công nghệ. Phía Indonesia đề xuất hai bên tăng cường hợp tác trong lĩnh vực thủy sản và thương mại biên mậu.
* Thái Lan nỗ lực ngăn chặn các nội dung trực tuyến bất hợp pháp
Ngày 26/8, chính quyền Thái Lan thông báo nước này đang xúc tiến dỡ bỏ 1.000 bài đăng trực tuyến, video và những nội dung vi phạm pháp luật khác.
Phát biểu trước báo giới, Bộ Kinh tế và Xã hội số Thái Lan Buddhipongse Punnakanta cho biết bộ này muốn có lệnh của tòa án nhằm gỡ bỏ hơn 1.024 đường link trên Facebook, Twitter, Youtube cùng 5 trang mạng khác. Các trang này bị cáo buộc đã vi phạm Đạo luật An ninh mạng, khi truyền bá các thông tin không chính thống trên mạng. Mức phạt tối đa cho hành vi này là 5 năm tù.
Trước đó, một nhóm Facebook kín có tên gọi "Royalist Marketplace" với hơn 1 triệu thành viên chuyên đăng bài về hoàng gia Thái Lan đã bị chặn vào ngày 24/8 vừa qua. Mạng xã hội Facebook cho biết đã chặn nhóm này theo yêu cầu của Chính phủ Thái Lan. Ông Buddhipongse Punnakanta khẳng định việc nhóm "Royalist Marketplace" bị chặn là do bộ này phải bảo vệ chủ quyền không gian mạng của Thái Lan.
* Campuchia: Bệnh tụ huyết trùng ở gia súc xuất hiện tại nhiều xã biên giới giáp Việt Nam
Ngày 26/8, Cơ quan thú y huyện Chantrea, tỉnh Svay Rieng, cho biết khoảng 100 con gia súc ở 4 xã thuộc huyện này bị mắc tụ huyết trùng và chết trong 2 tuần qua. Tỉnh Svay Rieng là tỉnh có biên giới giáp tỉnh Long An và Tây Ninh của Việt Nam.
Ông Chab Phearum, cán bộ thú y huyện Chantrea, cho biết đến nay đã có tổng cộng 94 con gia súc bị mắc bệnh, 50 con hồi phục và 17 con chết. Tình trạng gia súc mắc bệnh và chết được ghi nhận ở 10 làng thuộc 4 xã Samrong, Tuol Sdei, Chantrea và Chres, của huyện Chantrea. Theo Trưởng phòng Chăn nuôi, Sở Nông lâm ngư nghiệp tỉnh Svay Rieng Sen Chanthy, cơ quan này đã phát thuốc điều trị và tiêm phòng cho đàn gia súc cách đây 2 tuần. Ông Sen Chanthy cho rằng nhận thức của người dân về công tác chăn nuôi gia súc còn hạn chế nên vẫn còn tình trạng thả rông gia súc bị bệnh ra đồng ruộng, từ đó bệnh lây lan sang các động vật nuôi khác trong khi hầu hết các đàn gia súc đều không tiêm phòng. Sau khi xuất hiện tình trạng gia súc chết hàng loạt, cán bộ thú y huyện Chantrea đã tiến hành điều trị và tiêm phòng cho đàn gia súc. Cho đến nay, huyện Chantrea đã kiểm soát được tình hình, tránh để dịch bệnh lây lan.
Bệnh tụ huyết trùng do một loại virus tiềm ẩn trong động vật sống gây ra và chủ yếu xuất hiện vào mùa mưa. Virus này không lây nhiễm sang người.