📞

Tin tức ASEAN buổi sáng 29/6

Quang Đào 09:30 | 29/06/2020
TGVN. ASEAN lo sợ làn sóng Covid-19 thứ hai, Mỹ tập trận hàng không mẫu hạm trên Biển Đông... là những thông tin chính trong bản tin ASEAN ngày hôm nay.
Indonesia tiếp tục là quốc gia ASEAN nơi tình hình Covid-19 diễn ra vô cùng phức tạp. (Nguồn: Tân Hoa xã)

Cập nhật tình hình Covid-19 tại ASEAN

Tính đến rạng sáng ngày 29/6, ASEAN có thêm 2.086 ca nhiễm Covid-19 so với ngày hôm trước, ghi nhận tổng cộng 145.696 ca nhiễm. Trong khi đó, tổng số ca tử vong tăng lên 4.212 người, tăng 42 trường hợp. Trái với tình hình ở Indonesia hay Philippines, các nước khác trong khu vực đang kiểm soát tốt dịch bệnh và đời sống kinh tế-xã hội bắt đầu trở lại nhịp. Nhiều nước ASEAN tiến tục xúc tiến quá trình mở cửa trở lại và khôi phục hoạt động kinh tế-xã hội.

Trong 24 giờ qua, Indonesia tiếp tục là tâm dịch của khu vực Đông Nam Á khi nước này ghi nhận tới 1.198 ca dương tính mới với virus SARS-CoV-2 và 34 trường hợp tử vong. Như vậy, tới hết ngày 28/6, Indonesia đã có tổng cộng 54.010 ca mắc Covid-19 và 2.754 ca bệnh không qua khỏi. Số ca tử vong vì đại dịch của Indonesia thậm chí nhiều hơn của tất cả các nước thành viên ASEAN khác cộng lại.

Dù dịch bệnh diễn biến theo chiều hướng xấu, song các hoạt động kinh tế của Indonesia đã trở lại sôi động hơn và nền kinh tế đã chuyển động tăng dần đều sau khi Chính phủ đẩy mạnh nhiều sáng kiến kích cầu trong nước, như các phong trào kích thích chi tiêu, mua sắm trong giai đoạn bình thường mới.

Số ca mắc Covid-19 tại Philippines đã tăng lên tới hơn 35.000 ca. Trong thông báo mới nhất, Bộ Y tế Philippines cho biết đã ghi nhận thêm 653 ca mắc, nâng tổng số ca mắc tại nước này lên 35.455 ca, trong đó có 1.244 ca tử vong.

Singapore tiếp tục chuỗi ngày có số ca nhiễm Covid-19 mới vượt qua con số hàng trăm. Ngày 28/6, đảo quốc sư tử ghi nhận thêm 213 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca lên 43.459.

Trong khi đó, Campuchia sau nhiều ngày bình yên, ngày 28/6, đã ghi nhận thêm 2 ca mắc Covid-19 mới. Đó là hai công dân Campuchia trong chuyến bay thẳng từ Malaysia về nước. Bộ Y tế Malaysia xác nhận 18 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc tại nước này lên 8.634 ca trong khi số ca tử vong hiện vẫn là 121 ca.

Các quốc gia còn lại trong khu vực như Thái Lan, Việt Nam, Lào, Brunei đều không ghi nhận ca nhiễm mới nào. Dù vậy, tâm lý lo sợ một làn sóng dịch thứ hai đang ngày càng gia tăng tại nhiều khu vực của thế giới, và Đông Nam Á không phải là ngoại lệ.

(TGVN/TTXVN)

Nhật Bản thành lập cơ quan quốc phòng về ASEAN

Theo thông cáo ngày 28/6, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã thành lập một cơ quan mới thuộc Tổng cục Chính sách Quốc phòng, chuyên phụ trách vấn đề ASEAN và đảo trên Thái Bình Dương.

Cơ quan mới này được lập ra nhằm tăng cường hợp tác an ninh, phù hợp với khái niệm về một “Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và cởi mở” của chính phủ Nhật Bản. Đây cũng là một chiến lược ngoại giao quan trọng của Nhật Bản, nhằm xây dựng một trật tự hàng hải mở dựa trên các quy tắc của pháp luật.

Trong những năm gần đây, các cuộc tập trận chung cũng như hợp tác công nghệ và thiết bị quốc phòng giữa Nhật Bản và các quốc gia ASEAN đang ngày một tăng mạnh, khiến Bộ Quốc phòng phải khẩn trương xây dựng một cơ cấu tổ chức để chuẩn bị tốt hơn cho những thay đổi này.

Các quan chức Nhật Bản cho biết, bằng cách tăng cường quan hệ với các khu vực liên quan trong lĩnh vực quốc phòng, Chính phủ của Thủ tướng Abe Shinzo hy vọng sẽ tăng cường sự hiện diện, cũng như giảm sự ảnh hưởng của Trung Quốc trên Biển Hoa Đông, Biển Đông và Thái Bình Dương.

(Japan Times)

Tàu sân bay USS Ronald Reagan trên biển Philippines vào tháng 8/2019. (Nguồn: US Navy)

Mỹ tập trận hàng không mẫu hạm trên Biển Đông

Ngày 28/6, hai nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ gồm USS Nimitz và USS Ronald Reagan đã bắt đầu cuộc tập trận ở biển Đông, một ngày sau khi các nhà lãnh đạo Đông Nam Á ra tuyên bố chung về vùng biển này.

Theo Hải quân Mỹ, cuộc tập trận nhằm "củng cố cam kết phản ứng, sự linh hoạt và bền bỉ của Mỹ đối với các thỏa thuận phòng thủ chung với đồng minh và đối tác ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương".

Cuộc tập trận tàu sân bay kép cũng diễn ra đúng một tuần sau khi tàu USS Nimitz và tàu USS Theodore Roosevelt tiến hành các hoạt động của riêng họ trong khu vực này. Theo tờ Japan Times, đây là điều hiếm thấy khi 3 tàu sân bay của Mỹ hoạt động cùng một lúc ở Tây Thái Bình Dương và thậm chí còn bất thường hơn khi có các cuộc tập trận tàu sân bay kép riêng biệt diễn ra trong khung thời gian nhanh như vậy.

Chuẩn Đô đốc George Wikoff, chỉ huy nhóm tác chiến tàu sân bay số 5, cho biết: "Chúng tôi tích cực tìm kiếm mọi cơ hội để phát huy và tăng cường khả năng chiến đấu trên tất cả lĩnh vực. Hải quân Mỹ vẫn sẵn sàng triển khai trên toàn cầu. Hoạt động của tàu sân bay kép thể hiện cam kết của chúng tôi với các đồng minh khu vực, khả năng chiến đấu nhanh chóng ở Ấn Độ-Thái Bình Dương và sẵn sàng đối đầu với tất cả những ai thách thức các chuẩn mực quốc tế - vốn giúp ổn định khu vực".

(Japan Times)

Các nước Đông Nam Á tiếp tục nhập khẩu than

Mặc dù đang thúc đẩy việc sử dụng năng lượng tái tạo, các nước Đông Nam Á dự kiến sẽ tiếp tục tăng nhập khẩu than trong bối cảnh các nguồn đầu tư nhà máy điện than trong khu vực cũng đang tăng lên, thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư lớn.

Theo S&P Global Platts, khu vực ASEAN đã nhập khẩu 115 triệu tấn than vào năm 2019 và dự kiến trong năm 2020 sẽ tăng lên 128 triệu tấn.

(Phil Star)

Việt Nam đang hấp dẫn vốn FDI nhất Đông Nam Á

Theo bộ tiêu chí EPIC xếp hạng các nước sẵn sàng tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu mới được Công ty IHS Markit (Anh) và Đại học Tennessee (Mỹ) công bố đã xếp Việt Nam đứng thứ 25 trên 60 quốc gia hấp dẫn nhất thế giới thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Bộ tiêu chí EPIC đưa ra bộ khung gồm kinh tế, chính trị, cơ sở hạ tầng và năng lực cạnh tranh để đánh giá một nước có khả năng hấp dẫn các FDI ra sao.

Với thứ hạng 25, Việt Nam đã vượt trên các nước trong khu vực Đông Nam Á rất mạnh về thu hút FDI như Indonesia, Philippines và Thái Lan. Việt Nam vượt qua các nền kinh tế này còn nhờ vào cách tiếp cận giảm tổng chi phí cho các FDI, đồng thời sở hữu quy mô thị trường nội địa lớn và có sức chi tiêu tốt đầy hấp dẫn.

(PLO)