📞

Tin tức ASEAN buổi sáng 29/7: ASEAN ghi nhận thêm 3.900 ca Covid-19, khu vực có thể vượt ra khỏi căng thẳng Mỹ-Trung

09:32 | 29/07/2020
TGVN. Cập nhật tình hình Covid-19 tại ASEAN, Nga mở rộng hợp tác nông nghiệp với Việt Nam và ASEAN... là những thông tin chính trong bản tin ASEAN ngày hôm nay.
Người dân đeo khẩu trang và thực hiện giãn cách xã hội phòng lây nhiễm Covid-19 tại Jakarta, Indonesia. (Nguồn: Tân Hoa xã)

Tình hình Covid-19 tại ASEAN

Tính tới rạng sáng ngày 28/7, ASEAN có thêm 3.834 ca mắc Covid-19, nâng tổng số lên 250.360 ca, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên 7.066 người. Số bệnh nhân được điều trị thành công là 143.004 trường hợp.

Bộ Y tế Singapore ngày 28/7 thông báo nước này xác nhận thêm 359 ca mắc Covid-19 trong ngày, nâng tổng số ca bệnh lên 51.197 trường hợp. Đại đa số các ca mới là công nhân nhập cư sống trong các khu ký túc xá.

Trong khi đó, tình hình dịch bệnh Covid-19 chưa có dấu hiệu lắng dịu ở Indonesia khi Tổng thống Joko Widodo ngày 28/7 cảnh báo nguy cơ bùng phát làn sóng lây nhiễm thứ hai ở nước này. Phát biểu tại cuộc họp nội các, Tổng thống Widodo nhấn mạnh: "Chúng ta cần nâng cao cảnh giác về nguy cơ xảy ra làn sóng lây nhiễm thứ hai và cần lường trước mọi tình huống".

Số liệu của Bộ Y tế Indonesia cho thấy, trong ngày 28/7, nước này phát hiện thêm 1.748 ca mắc Covid-19, nâng tổng số ca bệnh lên thành 102.051 người, trong khi số ca tử vong tăng 63 ca lên 4.901. Số ca mắc Covid-19 trong ngày ở Indonesia hiện đã ở mức trên 1.500 ca. Trong khi đó, các khu vực có rủi ro lây nhiễm cao ngày càng gia tăng, tăng 53 khu vực tuần này so với 35 khu vực trong tuần trước đó.

Tại Philippines, Bộ Y tế cho biết trong ngày 28/7 có thêm 1.678 ca mắc Covid-19, nâng tổng số ca lên 83.673. Thủ đô Manila chiếm số lượng ca nhiễm mới lớn nhất với 698 ca, tương đương 41% cả nước. Hiện tại Philippines có 55.109 bệnh nhân đã bình phục, chỉ chiếm 32% số ca bệnh.

Trong bản Thông điệp quốc gia ngày 27/7, Tổng thống Philippines Duterte thừa nhận phản ứng của Chính phủ đối với cuộc khủng hoảng Covid-19 "còn xa mới hoàn hảo" khi nước này có số ca nhiễm cao thứ hai ở Đông Nam Á. Ông kêu gọi người dân cùng nhau nỗ lực hơn nữa để giành chiến thắng trong cuộc chiến chống đại dịch.

Tại Việt Nam, theo Bản tin 6h ngày 29/7 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, tính đến nay, Việt Nam ghi nhận thêm 8 ca mắc mới ở Đà Nẵng, nâng tổng số bệnh nhân Covid-19 lên 446 ca.

(TGVN/TTXVN)

Nga mở rộng hợp tác nông nghiệp với Việt Nam và ASEAN

Bộ Phát triển kinh tế Nga ra thông cáo báo chí cho biết cơ quan này sẵn sàng mở rộng hợp tác với Việt Nam và các nước thành viên ASEAN trong lĩnh vực nông nghiệp và triển khai các dự án phát triển công nghệ đổi mới trong lĩnh vực nông nghiệp.

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến tham vấn cấp cao về kinh tế giữa Nga-ASEAN, Vụ trưởng Vụ Hợp tác kinh tế đa phương và các dự án đặc biệt thuộc Bộ Phát triển kinh tế Nga Natalya Stapran thông báo, trong 5 tháng đầu năm 2020, Nga đã gia tăng xuất khẩu hàng nông sản sang Việt Nam nhiều hơn 4 lần so với cùng kỳ năm trước.

Về hợp tác đa phương với các nước ASEAN, quan chức Nga khẳng định sẽ triển khai các dự án triển vọng trong lĩnh vực làm sạch nước và ứng dụng công nghệ đổi mới để nâng cao tính bền vững trong sử dụng đất nông nghiệp.

(TTXVN)

ASEAN có thể vượt ra khỏi căng thẳng Mỹ-Trung

Căng thẳng Mỹ-Trung hiện đang gây ra một sự ảnh hưởng lớn tới khu vực Đông Nam Á, kéo theo đó là hàng loạt câu hỏi như: Ai sẽ chiếm ưu thế? Mỹ có thể tập hợp một liên minh Ấn Độ-Thái Bình Dương để cân bằng với Trung Quốc không?

Tuy nhiên, chính những tác động to lớn của cạnh tranh Mỹ-Trung tới khu vực khiến nhiều quốc gia không chỉ ở Đông Nam Á, mà toàn bộ châu Á, đang cảm thấy mất kiên nhẫn. Có những ý kiến cho rằng, việc tái tạo lại chủ nghĩa đa phương, đồng thời đẩy mạnh vai trò trung tâm của ASEAN là khả năng tốt nhất giúp cho khu vực thoát ra khỏi những nhùng nhằng này.

GS. Tsutomu Kikuchi thuộc Học viện quan hệ quốc tế Nhật Bản nhắc nhở chúng ta rằng, châu Á không chỉ có mỗi Mỹ và Trung Quốc, nhiều quốc gia và tổ chức ở "phần còn lại của châu Á" có "sức mạnh chính trị, kinh tế, quân sự và văn hóa xã hội" đáng kể.

Mục tiêu của họ nên là "duy trì và tăng cường hơn nữa trật tự dựa trên quy tắc" bởi vì các quốc gia nhỏ có xu hướng được bảo vệ bởi "các quy tắc ràng buộc mạnh mẽ".

Nhìn xa hơn Mỹ-Trung, ai có thể lãnh đạo một nỗ lực đa phương mới ở khu vực? Đối với GS. Kikuchi, đó chính là ASEAN với những nỗ lực không ngừng nghỉ để thúc đẩy kết nối đa phương trong suốt thời gian qua, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

ASEAN có thể thúc đẩy một cấu trúc đa phương mới dựa trên các quy tắc, không phải để đối nghịch với Trung Quốc, nhưng có thể giúp kiềm chế Trung Quốc hoặc bất kỳ cường quốc nào khác có khả năng phá vỡ trật tự khu vực.

(New Strait Times)

Cúp C1 châu Á sẽ được tổ chức tại Đông Nam Á

Trang chủ Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) đã công bố Malaysia sẽ trở thành nước chủ nhà tổ chức các trận đấu còn lại của bảng G và H của AFC Champions League (C1) khu vực Đông Á. Các trận đấu sẽ diễn ra từ ngày 17/10-1/11.

Ngoài ra, Malaysia cũng sẽ tổ chức các trận đấu ở vòng 1/8, tứ kết và bán kết. Các trận đấu knock-out sẽ chỉ đá một lượt, diễn ra từ ngày 3-28/11. Trận chung kết dự kiến tổ chức tại Tây Á.

Ngoài hai bảng G và H, khu vực Đông Á còn bảng E và F. Hai bảng đấu này cũng chưa xác định được quốc gia tổ chức. Trong khi AFC xác nhận Qatar sẽ là địa điểm thi đấu tập trung của các bảng đấu thuộc khu vực Tây Á.

Cách đây không lâu, AFC cũng gửi công văn đề nghị Việt Nam tổ chức hai bảng đấu của AFC Cup là F và G, nơi có sự hiện diện của các đại diện Việt Nam là CLB TP. Hồ Chí Minh và Than Quảng Ninh. Ban lãnh đạo hai đội bóng này đã đồng ý sẽ tổ chức nốt 3 lượt trận còn lại của bảng đấu.

(Inquirer)