Tính tới hết ngày 29/4, ASEAN ghi nhận 43.239 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19, trong đó 1.517 ca tử vong. (Nguồn: the Edge Markets) |
Dịch Covid-19 ở Singapore, Philippines còn phức tạp
Theo trang thống kê Worldometers.info, tính tới hết ngày 29/4, ASEAN ghi nhận 43.239 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19, trong đó 1.517 ca tử vong.
Singapore vẫn là nước ghi nhận nhiều ca mắc Covid-19 nhất trong 24 giờ qua và là quốc gia có số ca mắc cao nhất Đông Nam Á, kế tiếp là Indonesia (9.771 ca) và Philippines (8.212 ca).
Lào và Timor-Leste có số ca mắc Covid-19 thấp nhất ở khu vực Đông Nam Ad, lần lượt là 19 và 24 ca.
Việt Nam, Campuchia và Brunei không ghi nhận ca bệnh nào trong 24 giờ qua. Các ca mắc ở ba nước này vẫn ở mức dưới 300.
Ngày 29/4, Indonesia thông báo ghi nhận 260 ca mắc Covid-19. Tính đến nay, tổng số người mắc bệnh tại Indonesia là 9.771, trong đó có 784 trường hợp tử vong. Trong số ca tử vong có Thị trưởng thành phố Tanjungpinang thuộc tỉnh Quần đảo Riau, ông Syahrul – người đã qua đời hôm 28/4 sau nhiều tuần điều trị tích cực tại bệnh viện.
Tại Philippines, Bộ Y tế ngày 29/4 thông báo số ca mắc Covid-19 tại nước này đã vượt mức 8.000. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 254 ca mắc Covid-19 và 28 trường hợp tử vong. Như vậy, tính đến nay, Philippines ghi nhận tổng cộng 8.212 ca mắc Covid-19, trong đó có 558 người tử vong.
Trong 24 giờ qua, Singapore cghi nhận 690 ca mắc Covid-19, đưa tổng số ca mắc bệnh tại nước này lên 15.641. Hầu hết các ca mắc Covid-19 mới là lao động nhập cư sống trong các khu tập thể.
Bộ Y tế Malaysia xác nhận trong 24 giờ qua, nước này có 94 trường hợp mắc Covid-19, đưa tổng số người mắc bệnh lên 5.945. Số ca tử vong hiện vẫn là 100.
Ngày 29/4, Thái Lan xác nhận 9 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, nhưng không có trường hợp tử vong nào. Đây là ngày thứ 3 liên tiếp Thái Lan ghi nhận số ca nhiễm mới trong ngày ở mức một con số.
Tính đến nay, Thái Lan đã ghi nhận tổng cộng 2.947 bệnh nhân mắc Covid-19, trong đó có 54 trường hợp tử vong. Thái Lan đã chữa khỏi bệnh cho 2.665 trường hợp mắc Covid-19, trong khi còn 228 bệnh nhân đang được điều trị tại các bệnh viện.
(TTXVN/TGVN)
ASEAN trong “màn dạo đầu” của đấu trường công nghệ 5G
Đối với nhiều nền kinh tế, công nghệ mạng 5G hứa hẹn đem lại cơ hội để thúc đẩy nấc thang kinh tế trên vũ đài công nghệ, theo đó sẽ giúp củng cố Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 dựa trên sự kết nối với nền tảng là dữ liệu lớn.
Tuy nhiên, đối với các cường quốc, công nghệ 5G lại đang nổi lên là một đấu trường để các nước khẳng định vị thế thống trị và áp đảo về công nghệ, kinh tế.
ASEAN hiện vẫn duy trì nguyên tắc trung lập về công nghệ giống Liên minh châu Âu (EU), tức tự do lựa chọn loại công nghệ nào phù hợp với nhu cầu của từng nước. ASEAN cũng đang nghiên cứu về những chiến lược khu vực khi Singapore đang đi tiên phong trong một số sáng kiến với tư cách là một nước thành viên ASEAN tiến bộ nhất về lĩnh vực công nghệ số. An ninh dữ liệu hiện cũng là một vấn đề trọng yếu trong khuôn khổ quản trị dữ liệu số ASEAN và các diễn đàn liên quan.
Công tác xây dựng thể chế an ninh mạng của ASEAN cũng được tăng cường theo chương trình Hỗ trợ công nghệ an ninh mạng Mỹ - Singapore và Trung tâm an ninh mạng ASEAN - Singapore.
Các nước ASEAN cũng cần cân nhắc rằng, trong bối cảnh một số nước ASEAN có nền kinh tế tụt hậu so với khu vực và thế giới, có thể nói, 5G sẽ là cú huých quan trọng để các nước ASEAN tăng tốc bứt phá trong tiến trình phát triển kinh tế xã hội.
Thái Lan đang có tham vọng dẫn đầu mạng 5G trong khu vực. Các quốc gia khác trong ASEAN cũng đã rục rịch có những chiến dịch riêng để đón làn sóng mạng thế hệ thứ 5 này.
(East Asia Forum)
Gạo là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Thái Lan. (Nguồn: AFP) |
Thái Lan phấn đấu trở thành trung tâm thực phẩm chế biến của ASEAN
Nội các Thái Lan vừa thông qua một chương trình hành động cho phát triển ngành công nghiệp thực phẩm chế biến trong giai đoạn 2019-2027 với ngân sách hỗ trợ lên tới 6,6 tỷ Baht (203 triệu USD) nhằm đưa quốc gia Đông Nam Á này trở thành trung tâm thực phẩm chế biến ở ASEAN.
Theo nữ phát ngôn viên Chính phủ Thái Lan Rachada Dhanadirek, mục tiêu của kế hoạch hành động là nâng cấp việc chế biến những thực phẩm được lựa chọn như gạo, sản phẩm ngư nghiệp, rau xanh và trái cây, vật nuôi và thực phẩm sinh học, đồng thời đẩy mạnh kỹ thuật đóng gói thực phẩm và công nghệ số nhằm hỗ trợ phát triển "thực phẩm sáng tạo". Kế hoạch cũng tập trung vào phát triển thực phẩm sáng tạo tới quy mô thương mại, cũng như phát triển kỹ thuật đóng gói thông minh.
Chính phủ Thái Lan còn cam kết hỗ trợ tất cả các cấp doanh nghiệp tiếp cận các thị trường địa phương và toàn cầu, bằng cách sử dụng những nền tảng số hiện tại, đồng thời phát triển kinh tế và cơ sở hạ tầng địa phương để hỗ trợ các doanh nghiệp và du lịch thực phẩm cũng như nâng cấp thực phẩm Thái Lan để đạt được tiêu chuẩn đẳng cấp thế giới.
Với kế hoạch hành động này, Thái Lan mong muốn trở thành một trung tâm thực phẩm chế biến của ASEAN và trở thành một trong 10 nước xuất khẩu thực phẩm hàng đầu thế giới vào năm 2027.
Truyền thông sở tại ngày 29/4 dẫn lời nữ phát ngôn Rachada cho biết Chính phủ Thái Lan dự định phân bổ 6,6 tỷ baht trong 9 năm để thực hiện kế hoạch hành động, trong đó khu vực tư nhân có thể đóng góp 2,22 tỷ baht. Chính phủ cũng sẽ thành lập một ủy ban quốc gia để giám sát việc phát triển thực phẩm chế biến nhằm đảm bảo phù hợp với kế hoạch hành động.
Chính phủ Thái Lan đặt mục tiêu ngành thực phẩm mang lại 1.420 tỷ baht (43,8 tỷ USD) doanh thu vào năm 2027, trong khi các ngành công nghiệp thực phẩm liên quan như đóng gói sẽ đóng góp 4.500 tỷ Baht (138,74 tỷ USD) và đầu tư trị giá 48 tỷ baht (1,47 tỷ USD) mỗi năm.
Thái Lan hiện là nước xuất khẩu thực phẩm lớn thứ 11 thế giới. Giá trị thực phẩm xuất khẩu của nước này hiện ở mức trung bình 1.000 tỷ baht/năm, trong khi thu về 2.000 tỷ Baht trong thị trường nội địa với 70 triệu dân và du khách nước ngoài.
Gạo chiếm phần lớn nhất trong cơ cấu xuất khẩu thực phẩm của Thái Lan, khoảng 17,5%, tiếp theo là gà, đường, cá ngừ chế biến, bột sắn và tôm. Thị trường xuất khẩu thực phẩm lớn nhất của Thái Lan là Nhật Bản, tiếp theo là Trung Quốc, Việt Nam, Indonesia, Myanmar, Campuchia, Malaysia và Philippines.
Giá trị xuất khẩu thực phẩm của Thái Lan năm 2019 đạt 33,1 tỷ USD, tăng 3% so với năm 2018. Thực phẩm xuất khẩu của Thái Lan chiếm 2,5% thương mại thực phẩm của thế giới.
(TTXVN)
Mong muốn sớm tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN+3
Các cố vấn tài chính khu vực cho rằng, rằng Bộ trưởng Tài chính ASEAN+ 3 nên được tổ chức để phối hợp các chương trình kích thích kinh tế của từng quốc gia, nhằm chống lại tác động kinh tế của đại dịch Covid-19.
Trong một bài đăng gần đây trên trang mạng của Viện Ngân hàng Phát triển châu Á (ADBI), các chuyên gia nhấn mạnh, các phản ứng tiền tệ và tài chính phối hợp ở cấp khu vực sẽ bổ sung và tăng tác động tích cực trên phạm vi quốc gia. Rõ ràng, khi các quốc gia có chính sách tiền tệ khác nhau sẽ gây nên biến động thị trường tài chính. Do đó, sự phối hợp khu vực sẽ hạn chế sự bất ổn của tỷ giá hối đoái. Một mạng lưới an toàn tài chính trong ASEAN+3 cũng có thể vô cùng hữu ích nếu một cuộc khủng hoảng tài chính nổ ra.
"Thành công của ASEAN với tư cách là một cộng đồng kinh tế đã được chứng minh bởi khả năng tận dụng chủ nghĩa khu vực để thúc đẩy toàn cầu hóa. ASEAN đã theo đuổi tự do hóa thương mại, đầu tư và cởi mở”, ADBI nhận định.
ADBI cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, ASEAN nên tái khẳng định cam kết của mình đối với thương mại tự do và cởi mở. "Covid-19 đang gây ra những tổn thất khủng khiếp, đã đến lúc phải hợp tác chống lại kẻ thù chung", ADBI nhấn mạnh.
Hội nghị các Bộ trưởng Tài chính ASEAN+3 dự kiến được tổ chức năm nay tại Incheon, Hàn Quốc. Chủ tịch ASEAN 2020 - Việt Nam và Nhật Bản sẽ là đồng chủ tịch của cuộc họp.
(the Edge Markets)