Biểu đồ so sánh ca mắc và ca tử vong tại ASEAN hết ngày 29/7. (Nguồn: TTXVN) |
Covid-19 tại ASEAN: Indonesia, Philippines có hàng nghìn ca mới; dịch diễn biến phức tạp trong cộng đồng ở Việt Nam
Tính tới hết ngày 29/7, số người mắc Covid-19 tại ASEAN là 254.922, trong đó 7.155 người tử vong.
Trong ngày 29/7, ASEAN ghi nhận 4.615 ca mắc và 90 ca tử vong. Nước có số ca mắc nhiều nhất trong 24 giờ qua là Indonesia với 2.381 ca, tiếp đó là Philippines với 1.874 ca. Số ca mắc ở Singapore duy trì ở ba con số: 334 ca.
Các nước còn lại có số ca mắc trong ngày 29/7 là Malaysia (13 ca), Campuchia (7 ca), Việt Nam (12 ca), Thái Lan (1 ca) và Myanmar (1 ca). Hai quốc gia có ca tử vong là Indonesia (74 ca) và Philippines (16 ca).
Tại Thái Lan, ngày 29/7, chính phủ nước này đã quyết định gia hạn tình trạng khẩn cấp đến cuối tháng 8 tới để ngăn chặn dịch Covid-19 lây lan, mặc dù hơn 2 tháng qua quốc gia này không có ca lây nhiễm nào trong cộng đồng.
Sắc lệnh tình trạng khẩn cấp được ban bố tại Thái Lan từ cuối tháng 3 và liên tục được gia hạn, lần gần đây nhất dự kiến kết thúc vào cuối tháng 7 này. Chính phủ Thái Lan tiếp tục gia hạn sắc lệnh này sau khi Trung tâm ứng phó dịch Covid-19 quốc gia khẳng định vẫn cần duy trì tình trạng khẩn cấp, trong bối cảnh nước này chuẩn bị mở cửa biên giới đối với người nước ngoài. Hiện Thái Lan ghi nhận tổng cộng 3.298 ca mắc Covid-19, trong đó có 58 ca tử vong.
Tại Campuchia, Bộ trưởng Nội vụ Campuchia Sar Kheng đã chỉ đạo các tỉnh thành trên cả nước chuẩn bị các biện pháp đề phòng lây lan dịch Covid-19 trước thời điểm nghỉ bù cho lễ đón năm mới Khmer từ ngày 17-21/8 tới.
Cập nhật tình hình dịch bệnh, Bộ Y tế Campuchia ngày 29/7 thông báo nước này ghi nhận 7 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc bệnh tại Campuchia lên 233 người. Trong các ca nhiễm mới, có 4 quân nhân Campuchia tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc (LHQ) vừa hoàn thành nhiệm vụ từ Mali về nước ngày 10/7 và 3 công dân trở về từ Indonesia ngày 23/7.
Indonesia ngày 29/7 thông báo có 2.381 ca mắc mới Covid-19, nâng tổng số ca mắc bệnh tại quốc gia này lên 104.432 ca. Thủ đô Jakarta ghi nhận số ca mắc mới cao nhất cả nước trong một ngày qua với 577 ca.
Số ca tử vong vì dịch bệnh tại Indonesia cũng tăng 74 ca lên tổng cộng 4.975 ca. 62.138 bệnh nhân Covid-19 ở nước này đã được chữa khỏi, trong khi tổng số ca nghi nhiễm hiện là 57.393 ca. Tới nay, toàn bộ 34 tỉnh ở Indonesia đã ghi nhận có các ca nhiễm.
Số ca mắc bệnh tại Philippines cũng tăng lên 85.486 ca sau khi ghi nhận thêm 1.874 ca mắc trong ngày 29/7. Số ca tử vong cũng tăng 16 ca lên tổng cộng 1.962 ca. Philippines có 26.996 bệnh nhân Covid-19 đã được điều trị khỏi.
Tại Malaysia, Thứ trưởng Bộ Nguồn nhân lực Awang Solahudin thông báo chính phủ nước này chỉ cho phép lao động nước ngoài làm việc trong ngành xây dựng, nông nghiệp và trồng cọ. (TTXVN/TGVN)
Ủy ban ASEAN tại Dhaka trao tặng vật tư y tế cho Bangladesh
Nhân dịp kỷ niệm 53 năm ngày thành lập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN, 8/8/1967 - 8/8/2020), ngày 29/7, Ủy ban ASEAN tại Dhaka (ADC), gồm 8 cơ quan đại diện của Brunei, Indonesia, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam đã quyên góp vật tư y tế như máy thở và đồ bảo hộ cá nhân (PPE) ủng hộ Bangladesh phòng chống dịch Covid-19.
Đại sứ Phạm Việt Chiến - Chủ tịch ADC, cùng Đại sứ Thái Lan và Cao ủy Brunei, đã thay mặt các cơ quan đại diện ASEAN tại Dhaka trao tặng các vật tư y tế cho chính phủ Bangladesh.
Thứ trưởng Ngoại giao Bangladesh Masud bin Momen đã đại diện Chính phủ Bangladesh nhận số vật tư y tế trên và chuyển cho Bệnh viện Cảnh sát Trung ương Bangladesh tại thủ đô Dhaka. Ông bin Momen đã phát biểu cảm ơn và đánh giá cao hành động ý nghĩa, thể hiện tình đoàn kết, sự ủng hộ của ADC với Bangladesh trong thời điểm khó khăn. Ông tin tưởng quan hệ hữu nghị giữa Bangladesh và các nước ASEAN sẽ ngày càng được thắt chặt hơn nữa, đồng thời bày tỏ mong muốn tham khảo kinh nghiệm kiểm soát thành công dịch Covid-19 của một số nước ASEAN, trong đó có Việt Nam.
Đại sứ quán Việt Nam tại Bangladesh, cùng cộng đồng người Việt đang sinh sống và làm việc tại đây, cũng đã quyên góp được hơn 1.500 khẩu trang y tế N95 và KN95. Nhân dịp này, Đại sứ Phạm Việt Chiến đã trao tặng Chính phủ Bangladesh để hỗ trợ các y bác sĩ ở tuyến đầu tham gia chữa trị bệnh nhân Covid-19. (TTXVN/TGVN)
Chiều 29/7, tại Hà Nội, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đã chủ trì hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN - Nhật Bản theo hình thức trực tuyến. (Nguồn: Internet) |
Thông qua kế hoạch hành động phục hồi kinh tế ASEAN - Nhật Bản
Chiều 29/7, tại Hà Nội, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đã chủ trì hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN - Nhật Bản theo hình thức trực tuyến.
Hội nghị nhằm thảo luận, xây dựng các biện pháp cụ thể để triển khai cam kết tại “Tuyên bố chung của các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN - Nhật Bản về sáng kiến phục hồi kinh tế để ứng phó với đại dịch Covid-19” mà hai bên đã thông qua vào tháng 4 năm 2020 khi đại dịch bước vào giai đoạn quan trọng, có ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội trong khu vực châu Á và trên toàn thế giới.
Tại hội nghị, các Bộ trưởng đã thông qua kế hoạch hành động phục hồi kinh tế ASEAN - Nhật Bản với nỗ lực triển khai các biện pháp nhằm đạt được ba mục tiêu chính là duy trì các mối quan hệ kinh tế chặt chẽ giữa ASEAN và Nhật Bản; giảm thiểu tác động của dịch Covid-19 đối với nền kinh tế; tăng cường khả năng phục hồi kinh tế.
Kế hoạch hành động phục hồi Kinh tế ASEAN - Nhật Bản đã đưa ra một số nội dung hợp tác như: tăng cường hội nhập và hợp tác kinh tế nhằm duy trì mở cửa thị trường cho các luồng thương mại và đầu tư giữa hai bên. Cùng với đó, cam kết sẽ cố gắng ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) trong năm 2020.
Ngoài ra, hai bên sẽ hỗ trợ xây dựng năng lực lẫn nhau nhằm thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bao gồm ngành công nghiệp phụ trợ; hỗ trợ chuyển đổi thương mại kỹ thuật số khu vực trong ASEAN nhằm góp phần thúc đẩy các nền tảng thương mại hiện có.
Cùng với đó, hai bên sẽ cùng nhau thúc đẩy cơ chế một cửa ASEAN, hệ thống chứng nhận xuất xứ điện tử, khung tích hợp kỹ thuật số ASEAN (DIF) và khung ASEAN về quản trị dữ liệu số.
Việc các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN và Nhật Bản thông qua kế hoạch hành động phục hồi Kinh tế ASEAN - Nhật Bản là minh chứng rõ ràng về sự đồng thuận và hợp tác của các nước ASEAN với Nhật Bản - một đối tác kinh tế quan trọng và chiến lược của ASEAN trong khu vực châu Á.
Điều này cũng đúng với tinh thần của năm ASEAN 2020 với chủ đề “Gắn kết và Chủ động thích ứng” nhằm ứng phó với đại dịch Covid-19, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp hai bên sẵn sàng ứng phó với các hậu quả do đại dịch gây ra, củng cố chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu, hồi phục nền kinh tế của ASEAN và Nhật Bản. (TTXVN/TGVN)
ASEAN mất 1/3 rừng ngập mặn trong 40 năm qua
Trung tâm đa dạng sinh học ASEAN cho biết, ASEAN đã mất khoảng 33% diện tích rừng ngập mặn từ năm 1980 đến 2020, giảm hơn 63.000 km2. Hiện nay, các nước ASEAN chỉ còn lại khoảng 43.000 km2 rừng ngập mặn.
Tuyên bố của ACB được đưa ra vào Ngày Quốc tế Bảo tồn Hệ sinh thái Rừng ngập mặn với mục đích nhắc nhở công chúng về tầm quan trọng của rừng ngập mặn và giá trị của việc xử lý nạn phá rừng ngập mặn.
Asean chiếm 42% tổng số rừng ngập mặn trên toàn thế giới và là nơi cung cấp môi trường sinh sản quan trọng cho khoảng 75% các loài cá đánh bắt trong đại dương. Rừng ngập mặn còn bảo vệ hành tinh chúng ta trước những hậu quả thảm khốc của biến đổi khí hậu. Chúng có thể lưu trữ lượng carbon gấp 10 lần so với hệ sinh thái trên cạn và hệ thống rễ chuyên dụng của rừng ngập mặn là vùng đệm tự nhiên ở các khu vực ven biển. (Inquirer)