📞

Tin tức ASEAN buổi sáng 31/12: Indonesia mua 100 triệu liều vaccine Covid-19, Thủ lĩnh đối lập Campuchia Sam Rainsy bị kết án

Minh Nhật 09:33 | 31/12/2020
TGVN. Indonesia mua 100 triệu liều vaccine Covid-19, Thủ lĩnh đối lập Campuchia Sam Rainsy bị kết án... sẽ có trong bản tin ASEAN buổi sáng 31/12.
Chính phủ Indonesia hy vọng các thỏa thuận về các hoạt động mua sắm vaccine Covid-19 có thể hoàn thành trong vòng hai tuần. (Nguồn: Reuters)

Indonesia mua 100 triệu liều vaccine Covid-19 của Novavax và AstraZeneca

Ngày 30/12, Bộ trưởng Bộ Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin cho biết, nước này đã ký các thỏa thuận mua 100 triệu liều vaccine Covid-19 với công ty Công nghệ Sinh học Novavax của Mỹ và công ty Dược phẩm Đa quốc gia AstraZeneca của Anh-Thụy Điển.

Theo ông Gunadi Sadikin, các thỏa thuận được thực hiện bởi công ty dược Indonesia Indofarma với Novavax để mua 50 triệu liều vaccine và tập đoàn sản xuất vaccine Bio Farma với AstraZeneca để mua thêm 50 triệu liều khác. Trả lời họp báo trực tuyến, ông nói: "Việc mua vaccine từ hai công ty lớn cung cấp đủ vaccine cho người dân Indonesia và chúng tôi có thể sử dụng chúng sau này". Ông Sadikin hy vọng, theo các thỏa thuận, vaccine sẽ đến Indonesia vào quý 2/2021.

Cũng liên quan tới việc cung cấp vaccine tại Indonesia, Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi cho biết dự kiến nước này sẽ có thêm 1,8 triệu liều vaccine bổ sung từ công ty dược sinh học Trung Quốc Sinovac Biotech, đồng thời nhấn mạnh: "với sự bổ sung này, số lượng vaccine Sinovac được chuyển đến Indonesia sẽ là 3 triệu liều".

Chính phủ Indonesia hy vọng các thỏa thuận về các hoạt động mua sắm vaccine có thể hoàn thành trong vòng hai tuần. Sau đó, Chính phủ sẽ xây dựng phương thức phân phối vaccine trên khắp đất nước. Thời gian tiêm vaccine đầu tiên từ tháng 1-4/2021, tiêm chủng cho 1,3 triệu cán bộ y tế; 17,4 triệu công nhân viên chức và 21,5 triệu người cao tuổi. Giai đoạn thứ hai sẽ kéo dài từ tháng 4/2021-3/2022.

Campuchia: Thủ lĩnh đối lập Sam Rainsy bị kết án vắng mặt 4 năm tù giam

Ngày 30/12, thủ lĩnh đối lập lưu vong Sam Rainsy đã bị tuyên án 4 năm tù giam sau khi bị kết tội phỉ báng Bộ trưởng Nội vụ Sar Kheng trong vụ vu cáo Chính phủ Campuchia sát hại cựu Giám đốc Cảnh sát quốc gia Hok Lundy năm 2008.

Tòa án Campuchia cũng tuyên phạt ông Sam Rainsy 1.000 USD. Thẩm phán Ros Piseth cho biết, ông Sam Rainsy bị cáo buộc 2 tội danh gồm “công khai phỉ báng và kích động phạm trọng tội” theo Điều 306, 494 và 495 Luật Hình sự Campuchia.

Bộ trưởng Sar Kheng đã đệ đơn kiện thủ lĩnh đối lập Sam Rainsy ra tòa hồi tháng 7/2020 liên quan tới một thông tin đăng tải trên Facebook cá nhân.

Thủ lĩnh đối lập Sam Rainsy, hiện sống lưu vong ở Pháp, từng bị kết án 2 năm tù về tội xúi bẩy người dân vay tín dụng vi mô ngừng trả nợ trong cuộc khủng hoảng kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra. Hồi tháng 5/2020, ông Sam Rainsy đã đệ đơn kháng cáo bản án này.

(Khmer Times)

Myanmar gia hạn quy định hạn chế nhập cảnh tạm thời

Ngày 30/12, Bộ Ngoại giao Myanmar đã quyết định gia hạn các quy định hạn chế nhập cảnh tạm thời đối với mọi du khách đến cuối tháng 1/2021.

Bộ Ngoại giao Myanmar đã đưa ra thông báo về quyết định gia hạn các biện pháp hạn chế phục vụ mục đích phòng ngừa để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh Covid-19, vốn sẽ hết hạn vào ngày 31/12/2020. Quyết định này cũng sẽ được áp dụng đối với việc tạm ngừng hoạt động của mọi hình thức dịch vụ thị thực và miễn thị thực.

(THX)

Thái Lan: Người đã tiêm ngừa vaccine Covid-19 vẫn phải cách ly 14 ngày khi nhập cảnh

Bộ Y tế Thái Lan vừa thông báo rằng, tất cả những người đến quốc gia Đông Nam Á này sẽ phải trải qua 14 ngày cách ly bắt buộc ngay cả khi họ đã được tiêm chủng ngừa Covid-19.

Cục trưởng Cục Kiểm soát Dịch bệnh (DCD) Opas Karnkawinpong cho biết, vaccine ngừa Covid-19 vẫn còn mới và hiệu quả của vaccine vẫn chưa được xác định. Ông Opas nói thêm rằng, vẫn còn quá sớm để biết liệu một người được tiêm chủng có thể được coi là đủ an toàn để đi lại hay không. Do đó, trước khi có câu trả lời rõ ràng về vaccine, những người từ nước ngoài đến vẫn cần tuân thủ các biện pháp cách ly.

(Bangkok Post)

Phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của Covid-19 tại một khu chợ ở tỉnh Samut Sakhon, Thái Lan, ngày 21/12. (Nguồn: THX)

Cập nhật tình hình Covid-19

Theo thống kê của trang Worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 30/12, ASEAN ghi nhận thêm 11.757 ca mắc bệnh Covid-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 34.420 người.

Indonesia vẫn là ổ dịch Covid-19 nghiêm trọng nhất trong số các nước ASEAN, khi nước này trong ngày ghi nhận số ca bệnh cũng như tử vong mới cao nhất khu vực.

Tình hình dịch bệnh tại “quốc gia vạn đảo” tiếp tục nghiêm trọng sau nhiều tháng dịch bùng phát tại đây và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Trong 24 giờ qua, Indonesia hiện là quốc gia có số ca mắc mới Covid-19 và tử vong vì dịch bệnh cao nhất châu Á. Indonesia ghi nhận 8.002 ca Covid-19 và 241 ca tử vong, qua đó nâng tổng số ca mắc bệnh và tử vong tại nước này lên lần lượt 735.124 ca và 21.944 ca.

Philippines dù dịch vẫn diễn biến xấu với số ca mắc mới trong ngày nhiều thứ 3 trong số các nước Đông Nam Á và số ca tử vong nhiều thứ 2 khu vực với 15 người thiệt mạng.

Tình hình Malaysia cũng ngày càng đáng quan ngại hơn, làn sóng dịch mới đang quay lại tấn công khi nước này ghi nhận tới 1.870 ca bệnh mới, 6 ca tử vong vì Covid-19 trong 1 ngày qua. Malaysia là nước có số ca mắc Covid-19 trong ngày nhiều thứ 2 Đông Nam Á trong vòng 24 giờ.

Dịch bệnh tại Myanmar cũng diễn biến rất phức tạp với việc nhiều ngày liền ghi nhận số ca mắc và tử vong đều tăng nhanh. Tình hình tại quốc gia thành viên ASEAN này hiện rất đáng lo ngại với 587 ca bệnh mới và 27 người tử vong vì virus SARS-CoV-2 trong 1 ngày qua.

Thái Lan sau khi chứng kiến số ca lây nhiễm cộng đồng tăng vọt trong mấy ngày gần đây đã phải quyết định lập vùng kiểm soát đặc biệt để ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh lan diện rộng.

(TTXVN)