Tính tới rạng sáng 31/3, các nước ASEAN có tổng cộng 8.429 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 590 ca mới. (Nguồn: Nikkei) |
Tình hình Covid-19 tại ASEAN
Tính tới rạng sáng 31/3, các nước ASEAN có tổng cộng 8.429 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 590 ca mới. Số người thiệt mạng vì dịch bệnh nguy hiểm đã tăng lên 250 người, nhiều hơn 20 ca so với một ngày trước đó. Các nước trong khu vực cũng thông báo 1.131 người đã được điều trị thành công và xuất viện.
Trong ngày 30/3, Thái Lan ghi nhận thêm 136 ca nhiễm SARS-CoV-2 và 2 trường hợp tử vong, nâng tổng số ca nhiễm bệnh và tử vong lên lần lượt là 1.524 và 9 ca. Trong 1.524 ca mắc Covid-19 nói trên có 1.297 là người Thái Lan và 227 trường hợp người nước ngoài. Thủ đô Bangkok là nơi có số lượng bệnh nhân Covid-19 lớn nhất cả nước với 715 người. Thống kê cho thấy độ tuổi trung bình của tất cả các bệnh nhân là 40.
Malaysia đã ghi nhận 2.626 ca nhiễm bệnh, tăng 156 ca so với một ngày trước, trong đó có 37 trường hợp đã tử vong, tăng 2 ca. Quốc gia này sẽ áp dụng các biện pháp cứng rắn hơn trong giai đoạn hai thực hiện lệnh hạn chế đi lại. Từ ngày 1/4, tất cả các siêu thị, chợ, cửa hàng thực phẩm và cây xăng sẽ chỉ được hoạt động từ 8-20h.
Tới hết ngày 30/3, Campuchia ghi nhận tổng cộng 107 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây COVID-19, trong đó 23 ca đã điều trị thành công. Thủ tướng Hun Sen cho biết đã chỉ thị cho giới chức các cấp thu giữ mọi thiết bị xét nghiệm và thuốc chữa Covid-19 chưa được cấp phép, bày bán trôi nổi trên thị trường và bắt giữ, truy tố người có hành vi buôn bán những sản phẩm này. Chính phủ Campuchia kêu gọi người dân, mới trở về từ nước ngoài, đặc biệt là từ Thái Lan, tự cách ly tại nhà trong 14 ngày và liên hệ với cơ quan y tế nếu có triệu chứng nghi mắc Covid-19.
Singapore là một trong những nền kinh tế cởi mở nhất thế giới song thường chịu tác động nặng nề nhất và sớm nhất khi xảy ra bất kỳ "cú sốc" toàn cầu nào. Bộ Thương mại Singapore dự báo tăng trưởng GDP của nước này sẽ giảm tới 4% trong năm nay. Singapore hiện đã ghi nhận 879 ca nhiễm Covid-19 và 3 ca tử vong.
Tại Indonesia, ngày 30/3, Tổng thống Joko Widodo thông báo Chính phủ sẽ công bố các biện pháp hạn chế đi lại giữa các địa phương trong nước và áp dụng chính sách giãn cách xã hội nhằm kiềm chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2. Indonesia hiện có 1.411 ca nhiễm bệnh và 122 ca tử vong.
Cũng trong ngày 30/3, các nước Brunei, Myanmar ghi nhận số ca nhiễm mới thấp, lần lượt 1, 4 ca. Hai nước còn lại là Lào và Timor Leste không có ca nhiễm mới nào.
(TG&VN)
Sự khan hiếm nước sẽ làm cuộc khủng hoảng Covid-19 ở ASEAN trầm trọng hơn?
Theo nghiên cứu gần đây, hơn 100 triệu người ở Đông Nam Á không được tiếp cận với nguồn nước an toàn. Con số này sẽ tăng đáng kể trong tương lai, do dân số khu vực đang tăng nhanh đang gây áp lực lớn hơn đối với các nguồn nước có sẵn. Biến đổi khí hậu là một yếu tố khiến tình hình trầm trọng thêm, làm tăng tần suất hạn hán và lũ lụt.
Và giờ khi dịch Covid-19 đang tấn công toàn bộ khu vực và virus corona lan truyền qua các giọt nước nhỏ li ti hoặc lây nhiễm bằng cách chạm vào người bệnh, việc rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sạch được coi là biện pháp phòng ngừa hiệu quả nhất. Tuy nhiên, nhưng nếu không có nước sạch để duy trì thói quen rửa tay thì sao?
Đặc biệt đáng lo ngại trong bối cảnh này là những phát hiện của một nghiên cứu gần đây của Trung Quốc, cho thấy Covid-19 có thể truyền qua phân. Nếu đường lây truyền này được xác nhận là thật, việc chống lại virus sẽ trở nên khó khăn hơn rất nhiều so với trước đây. Rốt cuộc, những người sống trong khu vực có hệ thống nước thải kém và thiếu nước sinh hoạt sạch sẽ có nguy cơ bị phơi nhiễm gấp đôi. SARS đã được phát hiện lây lan qua nước thải trong đợt bùng phát năm 2003 tại Hong Kong.
Rõ ràng từ kịch bản này, các quốc gia thành viên ASEAN cần tìm ra giải pháp chung cho cuộc khủng hoảng nước, đặc biệt là việc cải thiện hiệu quả và quản trị nước, bên cạnh tìm kiếm các nguồn nước mới.
Giải pháp tức thời nhất, nhưng cũng mang tính tạm thời, đó là sử dụng nước uống đóng chai được lọc sạch sẽ. Nhưng điều này đòi hỏi các quốc gia phải đảm bảo nguồn cung đầy đủ nếu tình huống khủng hoảng xảy ra.
Tuy nhiên, ASEAN cần hợp tác và đưa ra một chiến lược dài hạn hơn để giải quyết các cuộc khủng hoảng nước và vệ sinh. Một chiến lược như vậy đòi hỏi sự tham gia của tất cả các bên liên quan từ chính quyền đến tư nhân, các NGO, doanh nhân, nhà đầu tư, học giả và xã hội để có thể đưa ra được phương pháp giải quyết.
Để sử dụng nước hiệu quả và hiệu quả hơn, các nước ASEAN đã tìm cách giảm lượng nước dùng trong nông nghiệp, cũng như ký kết các thỏa thuận khu vực nhằm quản lý việc khai thác nước ở các con sông giữa các quốc gia ở thượng nguồn và hạ nguồn.
(ASEAN Economist)
Covid-19 đã làm gián đoạn hoạt động tín ngưỡng ở nhiều quốc gia ASEAN. (Nguồn: Nikkei) |
Hoạt động tín ngưỡng ở ASEAN thời Covid-19
Hàng triệu người ở Đông Nam Á với những tôn giáo khác nhau như Kitô giáo, đạo Phật, Hindu... đã bị dịch Covid-19 ảnh hưởng đến cuộc sống tinh thần và tôn giáo vì không thể đến những buổi tập trung tôn giáo và cầu nguyện do nguy cơ lây nhiễm chéo cao.
Vào cuối tháng Hai, sau buổi tụ họp của 16.000 người Hồi giáo tại khu phức hợp nhà thờ Hồi giáo rộng lớn ở ngoại ô thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia đã khiến hàng trăm người đã bị nhiễm bệnh, dẫn đến tình trạng các ca bệnh tăng đột biến. Hiện Malaysia là quốc gia có nhiều ca nhiễm nhất Đông Nam Á.
Ngày 16/3, Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin khuyên người Hồi giáo trên toàn quốc ở nhà và thực hiện những lời cầu nguyện và nghe các bài giảng được truyền trực tiếp qua Internet từ các nhà thờ Hồi giáo. Các đền thờ Hindu cũng đã được hướng dẫn hoãn các buổi cầu nguyện hàng năm và ngừng thờ cúng nhóm.
Tại Thái Lan, Thủ tướng Prayuth Chan-ocha đã ban hành tình trạng khẩn cấp vào ngày 26/3, đồng thời đưa ra các lệnh cấm các buổi hòa nhạc, triển lãm và các sự kiện thể thao, cũng như các cuộc tụ họp tôn giáo.
Tại Singapore, các nhà chức trách đã phát hiện hai nhà thờ Kitô giáo có liên quan đến việc lây nhiễm chéo Covid-19. Các nơi thờ cúng trong nhà nước thành phố có thể vẫn chỉ mở cho những lời cầu nguyện riêng tư và các nghi thức thiết yếu, với điều kiện là các nhóm hơn 10 người không tụ tập.
Tại Philippines, nơi 80% dân số theo Công giáo, Tổng thống Rodrigo Duterte đã phong tỏa toàn bộ hòn đảo Luzon, nơi có thủ đô Manila và có dân số 57 triệu. Lệnh cấm này buộc các nhà thờ phải hủy các buổi tụ tập tôn giáo, và nhiều nhà thờ đã quyết định truyền giảng qua Facebook.
(Nikkei)