Ngày 2/7, Indonesia có số ca nhiễm cao nhất tại nước này kể từ khi dịch bệnh bùng phát đầu tháng 3. (Nguồn: Jakarta Global) |
Covid-19 tại ASEAN: Indonesia lại lập kỷ lục về ca mắc mới
Tính tới hết ngày 2/7, ASEAN ghi nhận 155.315 ca mắc Covid-19, trong đó 4.475 người thiệt mạng. Trong ngày 2/7, có 2.116 ca mắc Covid-19 ở 7 quốc gia và 57 ca tử vong ở hai quốc gia ASEAN.
Ngày 2/7, Bộ Y tế Indonesia thông báo nước này ghi nhận 1.624 ca mắc bệnh Covid-19. Đây là ngày có số ca nhiễm cao nhất tại nước này kể từ khi dịch bệnh bùng phát đầu tháng 3.
Tính đến nay, số ca nhiễm ở Indonesia là 59.394 ca, trong đó có 2.987 ca tử vong. Indonesia là nước đứng đầu ASEAN về tổng số ca tử vong và ca mắc bệnh.
Bất chấp dịch bệnh ngày càng nghiêm trọng, Indonesia vẫn mở cửa lại hàng chục khu bảo tồn cho du khách trong và ngoài nước sau nhiều tháng đóng cửa. Bộ trưởng Môi trường và Lâm nghiệp Indonesia cho biết đã liệt kê danh sách 29 công viên quốc gia và công viên tự nhiên có thể dần mở cửa trở lại từ nay tới giữa tháng 7.
Cùng ngày, Bộ Y tế Malaysia thông báo có thêm 3 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc Covid-19 tại nước này lên 8.643.
Theo thông báo, hiện số ca vẫn còn dương tính với virus SARS-CoV-2 đã giảm xuống mức 85 do số ca phục hồi mới tăng nhanh hơn số ca nhiễm mới.
Các quốc gia còn lại cũng ghi nhận ca mắc Covid-19 trong ngày 2/7 là Philippines (294 ca), Singapore (188 ca), Thái Lan (6 ca) và Myanmar (1 ca). Philippines ghi nhận thêm 4 ca tử vong trong ngày 2/7.
Để chuẩn bị cho việc nối lại các hoạt động hàng không, sân bay Changi của Singapore mới đây đã lắp đặt bộ cảm biến và nhiều thiết bị khác nhằm bảo đảm an toàn và hạn chế tiếp xúc cho du khách.
Tại các quầy làm thủ tục tự động, các cảm biến hồng ngoại mới được lắp đặt cho phép hành khách không phải chạm trực tiếp vào màn hình điện tử khi làm thủ tục lên máy bay hay gửi hành lý. Đây là lần đầu tiên trên thế giới, công nghệ này được áp dụng tại một sân bay.
Đối với những người cần làm thủ tục tại quầy dịch vụ, lực lượng chức năng sẽ dựng các tấm nhựa acrylic để duy trì khoảng cách giữa nhân viên sân bay với hành khách.
(TTXVN/TGVN)
Doanh nghiệp nhỏ ASEAN ưu tiên đầu tư công nghệ
Theo một cuộc khảo sát, đầu tư công nghệ là ưu tiên hàng đầu trong năm nay của doanh nghiệp nhỏ khu vực Đông Nam Á nhằm ứng phó với các tác động của đại dịch Covid-19.
Báo cáo được ngân hàng United Overseas Bank (UOB) và hãng đánh giá tín dụng Dun&Bradstreet công bố hôm 1/7 cho thấy đầu tư công nghệ thậm chí là ưu tiên của các doanh nghiệp nhỏ đang phải đối mặt với những lo ngại về dòng tiền.
Báo cáo trên trích dẫn kết quả một cuộc khảo sát do UOB, Accdvisor và D&B tiến hành trong quý III/2019 và tháng 5/2020 với sự tham gia của 1.000 doanh nghiệp có doanh thu hàng năm dưới 20 triệu USD tại 5 quốc gia, gồm có Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.
Theo khảo sát, 64% doanh nghiệp được hỏi cho biết công nghệ là ưu tiên đầu tư hàng đầu của họ trong năm 2020, tiếp theo là đầu tư phát triển kỹ năng của nhân viên (51%), máy móc hoặc trang thiết bị (40%). Trong 5 quốc gia nói trên, Thái Lan có tỷ lệ cao nhất (71%) số người được hỏi ưu tiên đầu tư công nghệ, tiếp theo là Indonesia (65%), Việt Nam (63%), Singapore (60%) và Malaysia (59%).
Ngoài ra, 50% doanh nghiệp nhỏ hoạt động trong lĩnh vực thực phẩm và đồ uống, công nghệ thông tin và truyền thông, chăm sóc sức khỏe mong muốn thúc đẩy đầu tư công nghệ, tiếp theo là các ngành xây dựng (48%) và thương mại bán lẻ (46%). Mặc dù 88% doanh nghiệp hạ kỳ vọng doanh thu trong năm nay, 44% cho biết vẫn có kế hoạch tăng ngân sách đầu tư cho công nghệ. Báo cáo nhấn mạnh rằng điều đó cho thấy các doanh nghiệp nhỏ ở các nước thành viên ASEAN đang nhìn xa hơn các thách thức hiện tại và chuẩn bị áp dụng công nghệ để nâng cao khả năng cạnh tranh và đảm bảo phát triển bền vững.
Về vấn đề dòng tiền, 3/4 doanh nghiệp được hỏi đang tìm cách hoãn trả nợ và đàm phán lại các điều khoản hợp đồng với các nhà cung cấp và người cho thuê nhà, trong khi 73% đang tìm kiếm các chương trình cứu trợ tài chính liên quan đến dịch Covid-19 nhằm tăng vốn lưu động. Ngoài ra, 80% công ty được hỏi cho biết việc sử dụng các giải pháp kỹ thuật số là phương pháp quản lý dòng tiền ưa thích nhất của họ.
Người đứng đầu bộ phận kinh doanh của UOB Lawrence Loh cho hay nhiều doanh nghiệp nhỏ hiện đang dùng công nghệ để chuyển đổi mô hình kinh doanh hoặc chuyển đổi hoạt động. Trong khi đó, theo Giám đốc điều hành D&B tại Singapore Audrey Chia, bất chấp quỹ đạo không chắc chắn của dịch Covid-19, tiềm năng tăng trưởng dài hạn của ASEAN vẫn còn nhờ điều kiện nhân khẩu học thuận lợi và nhu cầu tiêu dùng tăng.
(The Edge/Business Times)
Khách du lịch chen chân tại một điểm tham quan trong quần thể đền đài Angkor Wat ở Campuchia trước khi dịch xảy ra. (Nguồn: Tin tức) |
Covid-19 tàn phá ngành du lịch Campuchia
Sức tàn phá của đại dịch Covid-19 đã gây thiệt hại nặng nề cho ngành du lịch thế giới, trong đó có Campuchia. Thống kê của Chính phủ Campuchia cho thấy tính đến tháng 5, đại dịch Covid-19 đã khiến gần 3.000 cơ sở kinh doanh du lịch và liên quan đến du lịch tại Campuchia phải đóng cửa, đẩy hơn 45.045 lao động vào cảnh mất việc làm.
Theo quy định về y tế của Campuchia, tất cả khách nước ngoài vào Campuchia phải có bảo hiểm y tế có giá trị không dưới 50.000 USD, giấy chứng nhận không nhiễm Covid-19 có hiệu lực trong vòng 72 tiếng và phải đặt cọc 3.000 USD. Những biện pháp này đang cản trở khách du lịch vào Campuchia.
Trước tình trạng này, giới kinh doanh du lịch đã kêu gọi Chính phủ nới lỏng hạn chế đi đôi với các biện pháp phòng dịch chặt chẽ, nếu không ngành du lịch và nền kinh tế sẽ thiệt hại rất lớn. Chủ tịch Hiệp hội các hãng lữ hành Campuchia Chhay Sivlin đề nghị Chính phủ xem xét mở cửa trở lại các dịch vụ du lịch bằng cách nới lỏng hạn chế đi lại. Theo bà Sivlin, tất cả các hình thức kinh doanh dịch vụ như quán bar, cơ sở spa nên được hoạt động trở lại, nếu không ngành du lịch có thể phá sản trước cả khi dịch Covid-19 chấm dứt hoàn toàn.
Bộ trưởng Du lịch Campuchia Thong Khon mới đây cho biết ngành du lịch Campuchia có một số dấu hiệu tích cực kể từ tháng 5 vừa qua khi lượng khách du lịch trong nước và người nước ngoài sống ở Campuchia tăng cường đi du lịch. Trong tháng 6, hơn 450.000 lượt khách đã đến các điểm du lịch trên khắp Campuchia, cho thấy sự hồi phục của "ngành công nghiệp không khói" của Campuchia so với hồi tháng 4.
Tuy nhiên, Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành châu Á-Thái Bình Dương Thoun Sinan lại cho rằng ngành du lịch Campuchia vẫn phụ thuộc nặng nề vào khách du lịch quốc tế và chỉ khách nội địa không thể “giải cứu” ngành này. Theo ông Sinan, nếu đại dịch kết thúc vào cuối năm nay, ngành du lịch Campuchia sẽ hồi phục 20% và chỉ có thể hồi phục hoàn toàn vào năm 2025.
(Khmer Times)
1,2 triệu hộ gia đình Singapore nhận hỗ trợ 340 triệu USD
Khoảng 1,2 triệu hộ gia đình Singapore sẽ nhận được tổng cộng 340 triệu USD hỗ trợ. Khoản trợ cấp khoảng 100 USD/lần với tên gọi Tín dụng tiện ích đoàn kết sẽ được trao cho tất cả các hộ gia đình Singapore.
Khoản tín dụng sẽ được cấp trên các Phiếu mua hàng U-Save GST, cũng như các khoản thanh toán đặc biệt của U-Save. Khoảng 940.000 hộ gia đình Singapore sống trong các căn hộ HDB sẽ nhận được gấp đôi chứng từ U-Save thường xuyên trong năm 2020.
Vừa qua, gói hỗ trợ có tên “Ngân sách Kiên cường” trị giá 33 tỷ SGD (khoảng 23,5 tỷ USD) tập trung vào vấn đề việc làm. Gói kích thích kinh tế sẽ tiếp tục hỗ trợ người lao động và các doanh nghiệp đang chịu ảnh hưởng từ việc đóng cửa biên giới và các biện pháp cách ly xã hội, đồng thời hỗ trợ bổ sung cho các hộ gia đình và những người ở tuyến đầu chống dịch.
(The Edge)