Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm Covid-19 tại Manila, Philippines |
Tình hình Covid-19 tại ASEAN
Tính tới rạng sáng ngày 3/8, ASEAN có thêm 6.210 ca mắc bệnh Covid-19, nâng tổng số lên 281.179 ca, trong khi tổng số ca tử vong tăng thêm 71 ca, lên 7.513 người.
Philippines là nơi dịch diễn biến căng thẳng nhất, với 5.032 ca mắc Covid-19, mức cao nhất kể từ khi bùng phát dịch, đưa tổng số ca bệnh ở nước này lên 103.185 ca. Đây cũng là ngày thứ tư liên tiếp số ca mắc Covid-19 mới tại Philippines lập kỷ lục theo ngày.
Số bệnh nhân tử vong ở nước này hiện là 2.059 người (tăng 20 ca trong 24 giờ qua). Ngày 2/8, Chính phủ Philippines tuyên bố sẽ tái áp đặt lệnh phong tỏa nghiêm ngặt hơn ở khu vực bên trong và xung quanh thủ đô Manila trong vòng 2 tuần, từ rạng sáng 4/8.
Trong các nước Đông Nam Á, Philippines chỉ đứng sau Indonesia về tổng số ca nhiễm và tử vong. Theo số liệu của Bộ Y tế Indonesia công bố ngày 2/8, trong 24 giờ qua, nước này có thêm 1.519 ca mắc Covid-19 và 43 ca tử vong. Như vậy, hiện Indonesia ghi nhận tổng cộng 111.455 ca mắc, trong đó có 5.236 ca tử vong. Tính đến thời điểm này, dịch Covid-19 đã lan ra 34 tỉnh của nước này. Số bệnh nhân bình phục là 68.975 người.
Tại Singapore, Bộ Y tế nước này xác nhận trong ngày 2/8 ghi nhận 313 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó chỉ có 1 ca lây nhiễm cộng đồng, 5 ca nhập cảnh, số còn lại là công nhân nhập cư. Như vậy tổng số ca bệnh tại Singapore hết ngày 2/8 là 52.825 trường hợp, trong đó 46.740 ca đã khỏi bệnh.
Ngày 2/8, Malaysia ghi nhận 14 ca Covid-19, trong đó có 13 ca từ ổ lây nhiễm tại Sandakan và một ca nhập cảnh. Theo hãng thông tấn Bernama, số ca hồi phục tại nước này đã tăng lên 8.664 ca, chiếm 96.3% tổng ca lây nhiễm. Số ca tử vong vẫn duy trì ở mức 125 trường hợp, chiếm 1,39% số ca bệnh.
Tại Việt Nam, Bản tin 6h sáng 3/8 của Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch Covid-19 cho biết đã ghi nhận thêm 1 trường hợp mắc mới Covid-19 tại Quảng Ngãi, nâng số ca mắc tại Việt Nam đến nay lên 621 ca.
(TGVN/TTXVN)
Covid-19: Cuộc chiến lâu dài của Đông Nam Á
Tại cuộc họp của Ủy ban khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) để đánh giá về đại dịch Covid-19 sau 6 tháng tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu ngày 1/8, WHO cảnh báo đại dịch Covid-19 sẽ kéo dài, đồng thời bày tỏ lo ngại về những thách thức mà các nước Đông Nam Á có hệ thống y tế yếu phải đối mặt.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng, Covid-19 là cuộc khủng hoảng y tế chỉ có một lần trong thế kỷ và những tác động của nó sẽ còn được cảm nhận thấy trong những thập niên tới. Ông cũng cảnh báo nguy cơ tái bùng phát các ca nhiễm mới, đồng thời kêu gọi các nước tiếp tục những nỗ lực kiểm soát dịch bệnh.
Ở Philippines, ngày càng nhiều nhân viên y tế bị bệnh hoặc bỏ việc, trong khi một số bệnh viện đã quá đông, đến mức đang phải từ chối nhận bệnh nhân mới. Nhằm xoa dịu lo ngại của người dân, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cho biết sẽ kéo dài lệnh giới hạn tại thủ đô đến giữa tháng 8 tới.
Trong báo cáo mới nhất về tác động đại dịch ở Đông Nam Á, LHQ cũng bày tỏ lo ngại đặc biệt về hệ thống y tế hạn chế của Myanmar trong nỗ lực đối phó với dịch bệnh. Sự gia tăng nhanh chóng các ca mắc và tử vong do Covid-19 cùng hệ thống y tế yếu kém và thiếu đồng bộ của Indonesia cũng khiến quốc gia này đang tiếp tục trở thành tâm dịch của khu vực Đông Nam Á.
(The Star)
Xe điện, xu hướng mới của các quốc gia ASEAN
Đông Nam Á là một trong những điểm du lịch nổi tiếng nhất trên thế giới, nhưng cũng nổi tiếng với những con đường tắc nghẽn chật cứng ô tô và xe máy. Doanh số bán xe ở Đông Nam Á dự kiến sẽ vượt qua tất cả các khu vực khác trên thế giới. Người ta ước tính rằng quyền sở hữu phương tiện trên toàn khu vực dự kiến sẽ tăng hơn 40% vào năm 2040.
Tuy nhiên, việc sở hữu một chiếc xe ô tô không phải là điều dễ dàng đối với nhiều quốc gia trong khu vực do nhiều yếu tố như: giá thành cao, cơ sở vật chất giao thông không đảm bảo và sự vượt trội của xe máy. Ví dụ, dự kiến đến năm 2025, Hà Nội sẽ có 11 triệu xe máy trên đường phố.
Bên cạnh các vấn đề kinh tế phát sinh do tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm không khí cũng là một mối lo ngại. Vì hầu hết các phương tiện đang chạy bằng xăng hoặc dầu diesel, góp phần đáng kể vào tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng tồi tệ tại các thành phố của Đông Nam Á.
Vì vậy, việc sử dụng xe điện, bao gồm cả ô tô hybrid (xe lai điện) và xe máy điện sẽ giúp giảm đáng kể vấn đề này. Một nghiên cứu năm 2018 do Nissan và công ty tư vấn kinh doanh Frost & Sullivan thực hiện, đã tiết lộ rằng 1/3 người tiêu dùng Đông Nam Á đang sẵn sàng mua một chiếc xe điện. Nghiên cứu cho thấy người tiêu dùng ở Philippines, Thái Lan và Indonesia là những người nhiệt tình nhất với việc mua xe điện. Xe điện có thể là giải pháp tức thời cho vấn nạn giao thông trong khu vực.
(ASEAN Post)
Tấn công mạng khiến doanh nghiệp ASEAN thiệt hại 2,7 triệu USD
Theo số liệu của IBM Security, trên toàn ASEAN, các cuộc tấn công an ninh mạng khiến mỗi doanh nghiệp ASEAN mất trung bình khoảng 2,71 triệu USD, và thời gian xác định và ngăn chặn một cuộc tấn công tăng lên 287 ngày, ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động kinh doanh tại khu vực. Trong đó, các doanh nghiệp dịch vụ tài chính bị ảnh hưởng nặng nề nhất tại Đông Nam Á.
Ngoài ra, nguyên nhân lớn nhất gây ra các cuộc tấn công mạng là do đánh cắp thông tin và sai sót trong cấu hình đám mây, chiếm 40% các sự cố.
Vào thời điểm mà các doanh nghiệp đang đẩy mạnh số hóa với tốc độ nhanh và ngành công nghiệp bảo mật thiếu hụt tài năng, các công ty bảo mật dễ bị choáng ngợp khi ngày càng phải đảm bảo sự an toàn cho nhiều thiết bị, hệ thống và dữ liệu hơn. Do đó, việc áp dụng bảo mật tự động hóa có thể giúp giải quyết gánh nặng này, vừa hiệu quả về mặt tốc độ và hiệu quả về mặt chi phí, bà Wendi Whitmore, phó chủ tịch của IBM X-Force Threat Intelligence cho biết.
(Channel Asia)