ASEAN và bầu cử Mỹ
Đông Nam Á đang là trung tâm của cạnh tranh quyền lực giữa các nước lớn. Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020 cũng trở thành một trong những diễn biến được theo dõi chặt chẽ nhất trong khu vực.
Không phải ngẫu nhiên khi 2 nước Đông Nam Á (Indonesia và Việt Nam) là chặng dừng chân cuối cùng trong chuyến công du 5 quốc gia của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo - nỗ lực cuối cùng nhằm thúc đẩy chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trước khi Mỹ tiến hành bầu cử.
Kết quả của cuộc bầu cử Mỹ có thể tác động đến Đông Nam Á trên các khía cạnh quan trọng như thương mại và an ninh. Các thỏa thuận thương mại mới có thể khởi động quá trình phục hồi trong khu vực vốn đang phải đối mặt với tình trạng suy thoái tồi tệ kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997.
Ngoài ra, các quốc gia Đông Nam Á cũng rất muốn biết liệu Washington sẽ đóng vai trò như thế nào trong việc đáp ứng nhu cầu cơ sở hạ tầng ngày càng tăng của khu vực.
(Eurasia Review)
Tính tới hết ngày 3/11, ASEAN ghi nhận thêm 7.025 ca mắc Covid-19. (Nguồn: AP) |
Covid-19 tại ASEAN: Trên 7.000 ca nhiễm mới, Myanmar trên 1.300 ca tử vong
Tính tới hết ngày 3/11, ASEAN ghi nhận thêm 7.025 ca mắc Covid-19, tổng số ca tử vong vì dịch tại khu vực đã lên tới 23.159 người.
Indonesia tiếp tục dẫn đầu khu vực về số ca nhiễm mới, với gần 3.000 ca/ngày. Tổng thống Indonesia Joko Widodo cho biết kinh tế nước này tiếp tục giảm 3% trong quý III/2020 song thấp hơn mức giảm 5,32% trong quý trước đó.
Myanmar vẫn ghi nhận ca nhiễm mới ở mức 4 con số với 1.197 trường hợp trong ngày 3/11, nâng tổng số ca nhiễm lên 55.804 người, trong đó có 1.307 ca tử vong, 39.063 ca đã bình phục. Số ca bệnh tại Myanmar đang trên đà vượt qua điểm nóng dịch của khu vực trong thời kỳ đầu là Singapore.
Tại Malaysia, tình hình tiếp tục căng thẳng với số ca nhiễm mới tăng lên trên 1.000 và thêm 12 ca tử vong. Quốc hội nước này sẽ tạm ngừng hoạt động từ 13h ngày 3-5/11 sau khi có tin một số nhân viên và trợ lý của một nghị sĩ dương tính với Covid-19. Hiện nay, tổng số ca bệnh tại Malaysia đã lên tới 34.393 người.
Trong khi đó, diễn biến dịch tại Philippines tiếp tục xu hướng dịu đi, nhưng số ca nhiễm mới trong ngày 3/11 vẫn là 1.772 ca và 49 ca tử vong, nâng tổng số ca bệnh lên 387.161. Philippines đã chứng kiến số ca nhiễm mới trung bình/ngày giảm 25% trong tháng qua, một phần nhờ xu hướng giảm lây nhiễm tại vùng thủ đô Manila, tâm dịch lớn nhất đất nước.
Số liệu của Bộ Y tế Philippines cho thấy, 3-4 tuần trước, số ca nhiễm mới trung bình trong ngày là 2.517, nhưng đã giảm xuống 1.887 trong 2 tuần qua. Tại vùng thủ đô Manila, số ca nhiễm mới trung bình trong cùng thời gian giảm từ 842 xuống 522.
(TTXVN/TGVN)
Singapore chi hơn 10 triệu USD phát triển công cụ truy dấu Covid-19
Để đối phó với đại dịch Covid-19, Singapore đã chi tổng cộng 13,8 triệu Dollar Singapore (SGD), tương đương 10,12 triệu USD để phát triển hệ thống đăng ký ra vào kỹ thuật số SafeEntry cũng như ứng dụng và thiết bị TraceTogether.
Trong thư phúc đáp gửi tới Quốc hội Singapore trả lời câu hỏi chất vấn của các nghị sỹ ngày 2/11, Bộ trưởng Y tế Gan Kim Yong cho biết, chi phí phát triển ứng dụng TraceTogether là 2,4 triệu SGD, hệ thống SafeEntry là 5,2 triệu SGD và 6,2 triệu SGD dành cho việc phát triển và phấn phối thiết bị đeo tay TraceTogether.
Theo ông Gan Kim Yong, số tiền thực tế chi cho các công cụ truy dấu phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có số lượng cư dân tại Singapore thực sự cần thiết bị truy dấu đeo tay TraceTogether. Ông cũng cho biết, đến nay, ứng dụng TraceTogether đã giúp xác định khoảng 25.000 trường hợp tiếp xúc gần gũi với ca mắc Covid-19, trong đó 160 trường hợp sau đó có kết quả dương tính với SARS-CoV-2.
Trả lời câu hỏi tại sao ứng dụng và thiết bị TraceTogether sẽ chỉ thực hiện bắt buộc đối với một số tình huống nhất định, trong đó có việc bắt buộc sử dụng tại các rạp chiếu phim từ 6/11 tới, Bộ trưởng Y tế Gan Kim Yong cho rằng cần phải đảm bảo phạm vi phủ sóng toàn diện của các công cụ kỹ thuật số để tránh sự bùng phát trở lại của đại dịch Covid-19, giống như ở một số nơi trên thế giới không có hệ thống truy dấu mạnh mẽ. (TTXVN/CNA)
Thái Lan: Các ngân hàng thương mại lớn cam kết hỗ trợ tài chính cho SME
Hiệp hội Ngân hàng Thái Lan ngày 2/11 cho biết các ngân hàng thương mại lớn đã cam kết hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) trong bối cảnh Covid-19 tác động tiêu cực đến nền kinh tế.
Các ngân hàng thương mại Thái Lan sẽ giúp SME tập trung tái cơ cấu nợ cũng như giúp các “con nợ” tăng khả năng trả nợ.
Manop Sangiambut, Phó Chủ tịch điều hành thứ nhất của ngân hàng thương mại Thai Siam (SCB) cho biết, các khoản nợ xấu dự kiến sẽ tăng khi nền kinh tế vẫn chưa tăng trưởng trở lại. Thêm vào đó, ngành du lịch Thái Lan vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề do suy thoái kinh tế trầm trọng hơn dưới tác động của đại dịch Covid-19.
Pipatpong Poshyanonda, Chủ tịch ngân hàng Thai Kasikornbank nhận định, xu hướng kinh tế vẫn khá tiêu cực, trong khi lĩnh vực khách sạn và bất động sản đang đối mặt với tình trạng dư cung. Theo vị doanh nhân này, Thai Kasikornbank sẽ không tăng cường thúc đẩy hoạt động cho vay, thay vào đó sẽ tập trung vào việc giúp các "con nợ" tăng cường khả năng trả nợ.Payong Srivanich, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Thai Krungthai Bank cho biết, các SME vẫn “dễ tổn thương” trong khi tình trạng nợ xấu sẽ không thay đổi nhiều, đồng thời khẳng định ngân hàng này sẽ tập trung vào tái cơ cấu nợ hơn là tăng trưởng cho vay.
TTXVN/Bangkok Post
| 6 tháng đầu năm, ASEAN đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc TGVN. Trao đổi thương mại giữa ASEAN-Trung Quốc trong 3 quý đầu năm đạt 481,8 tỷ USD, chiếm 1/7 tổng kim ngạch ngoại thương của ... |
| Hội thảo ASEAN-Trung Quốc về thúc đẩy hợp tác nhằm bảo đảm đối xử công bằng và nhân đạo với ngư dân TGVN. Ngày 3/11, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã tổ chức “Hội thảo ASEAN-Trung Quốc về Thúc đẩy hợp tác đối xử ... |
| Tin tức ASEAN buổi sáng 3/11: Việt Nam dẫn dắt ASEAN vượt thách thức, start-up Ấn Độ 'tấn công' Đông Nam Á TGVN. Việt Nam dẫn dắt ASEAN vượt qua những thách thức năm 2020, làn sóng start-up Ấn Độ ở Đông Nam Á... là những thông ... |