TIN LIÊN QUAN | |
Tin tức ASEAN buổi sáng 1/5 | |
Tin tức ASEAN buổi sáng 30/4 |
Các nhân viên y tế Malaysia lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 của người dân. (Ảnh: Reuters) |
Tình hình Covid-19 tại ASEAN
Tính tới rạng sáng 4/5, các nước ASEAN ghi nhận tổng cộng 48.616 trường hợp mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19, tăng 1.431 ca so với 1 ngày trước. 1.636 người dân ở khu vực đã tử vong vì virus corona chủng mới (SARS-CoV-2), tăng 21 trường hợp so với một ngày trước đó. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công tăng lên 12.185 trường hợp.
Với 18.205 ca dương tính tính tới hết ngày 3/5, Singapore hiện là quốc gia ASEAN có nhiều người mắc Covid-19 nhất. Phần lớn các ca nhiễm mới là những người lao động nhập cư sống tại các khu nhà ở tập thể.
Trong ngày 3/5, đảo quốc sư tử ghi nhận 1 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong tại nước này lên 18.
Trong khi đó, Indonesia là quốc gia Đông Nam Á có tổng số ca tử vong cao nhất với 845 trường hợp, tăng 14 ca so với một ngày trước đó. Cùng ngày, Indonesia ghi nhận tổng cộng 11.192 ca sau khi phát hiện thêm 349 ca mới. Hiện đất nước vạn đảo đã tiến hành xét nghiệm virus cho hơn 83.000 người.
Tại Thái Lan, số lượng các ca mắc mới đang có xu hướng giảm mạnh. Ngày 3/5 quốc gia này ghi nhận 3 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, mức thấp nhất kể từ ngày 10/3. Đây là ngày thứ 7 liên tiếp Thái Lan ghi nhận các ca mới theo ngày ở mức 1 con số, đồng thời là ngày thứ 3 liên tiếp không ghi nhận thêm ca tử vong. Tính tới ngày 3/5, Thái Lan có tổng cộng 2.969 ca nhiễm, trong đó có 54 ca tử vong, 2.739 bệnh nhân đã phục hồi.
Cùng ngày, Bộ Y tế Philippines thông báo 295 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 mới, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 9.223 ca. Trong ngày, Philippines cũng ghi nhận 4 ca tử vong, nâng tổng số ca lên 607 ca, trong khi tổng số ca hồi phục tại nước này hiện là 1.214 người.
Ngày 3/5, Lào cho biết không có thêm ca dương tính mới nào. Như vậy, đã 21 ngày liên tiếp, quốc gia Đông Nam Á này không có thêm ca nhiễm và tổng số ca vẫn dừng lại ở con số 19 ca, trong đó 9 ca đã bình phục.
Trong khi đó, Malaysia thông báo trong vòng 24 giờ qua nước này ghi nhận 122 ca nhiễm mới và 2 ca tử vong, đưa tổng số ca nhiễm và tử vong vì đại dịch Covid-19 lên lần lượt là 6.298 và 105.
Ngày 3/5, các nước thành viên ASEAN khác như Campuchia, Brunei và Timor Leste không ghi nhận bất kỳ ca bệnh mới hay tử vong nào liên quan tới dịch Covid-19.
Nhìn chung, ở Đông Nam Á, đại dịch Covid-19 đang có xu thế hạ nhiệt, nhưng trở nên đáng lo ngại hơn tại nhóm 4 quốc gia gồm Singapore, Philippines, Indonesia và Malaysia. Thái Lan đã kiểm soát tốt hơn tình hình và số ca bệnh mới đang giảm dần đều. Trong khi các nước thành viên ASEAN còn lại đang khống chế và ngăn chặn hiệu quả dịch bệnh.
Việt Nam được đánh giá là một điểm sáng về phòng chống đại dịch Covid-19 khi chặn đứng số ca mắc bệnh ở mức 271 trong hai tuần liên tiếp và số ca khỏi bệnh hiện là 219. Ngoài Việt Nam, Campuchia cũng thành công trong cuộc chiến chống Covid-19 khi nước này chỉ có 122 ca mắc bệnh, không ca tử vong và nhiều ngày qua không ghi nhận ca dương tính mới.
(TGVN/TTXVN)
Các chuyên gia kêu gọi chú tâm hơn về an ninh lương thực
Các chuyên gia trong ngành an ninh lương thực kêu gọi các quốc gia ASEAN nhấn mạnh hơn đến lĩnh vực nông nghiệp để đảm bảo nguồn lương thực, thực phẩm luôn sẵn sàng và đầy đủ.
Đại dịch Covid-19 là một ví dụ rõ ràng khi thế giới bắt đầu lo ngại về an ninh lương thực do việc đóng cửa biên giới, đóng cửa các nhà hàng và các quốc gia cấm xuất khẩu ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng thực phẩm.
Giám đốc nghiên cứu của Viện nghiên cứu chính sách nông nghiệp và thực phẩm Malaysia, Tiến sĩ Paul Teng nói rằng, đã đến lúc Chính phủ các quốc gia ASEAN đầu tư vào nghiên cứu và phát triển nông nghiệp để đẩy mạnh quyền lợi cho nông dân. Nếu ASEAN không quan tâm đến an ninh lương thực sẽ không chỉ gây ra sự thiếu hụt mà còn ảnh hưởng đến toàn bộ chuỗi cung ứng thực phẩm và sản xuất, có thể làm tê liệt cả một quốc gia.
Covid-19 đã và đang là phép thử cho ASEAN, tuy nhiên cũng sẽ giúp khối có kinh nghiệm để đối phó với tình trạng khủng hoảng có thể diễn ra trong tương lai. Do đó, các quốc gia và chính phủ phải được chuẩn bị để đảm bảo tính liên tục của chuỗi cung ứng và thực phẩm mặc cho bất kỳ cản trở nào trong hệ thống.
(New Straits Times)
Du lịch sẽ trở lại khi có cam kết về khai báo sức khỏe chặt chẽ hơn
Theo Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Singapore Chan Chun Sing, các quốc gia trong ASEAN sẽ cần một bộ tuyên bố và kiểm tra sức khỏe chung trước khi du lịch trong khu vực có thể tiếp tục. Ngoài ra, nếu ngành du lịch ở ASEAN muốn hồi sinh, đòi hỏi một sự hợp tác rộng lớn hơn của khu vực trong một số vấn đề.
Một số quốc gia ASEAN bao gồm Singapore, Malaysia và Thái Lan đã cấm hầu hết người nước ngoài nhập cảnh để giảm thiểu rủi ro của các ca nhiễm Covid-19 từ nước ngoài.
Theo ông Chan, do các quốc gia ASEAN đang ở các giai đoạn khác nhau trong công tác phòng chống dịch bệnh, chúng tôi cần đảm bảo rằng, những biện pháp y tế nói trên phải được áp dụng chặt chẽ khi các ca nhiễm ở các nước ASEAN giảm bớt. Khi đó du lịch nội khối mới được nối lại.
Trong khi các thành viên ASEAN đồng ý rằng, việc nối lại du lịch nội địa và nội khối sẽ là giai đoạn đầu tiên trong sự hồi sinh của ngành du lịch ASEAN, ông Chan cho biết, trọng tâm của Singapore bây giờ là nối lại tuyến đường đi lại cho các công việc thiết yếu.
(Channel News Asia)
Nhật Bản khuyến khích doanh nghiệp dịch chuyển sang ASEAN
Nhật Bản sẽ triển khai chương trình trợ cấp trị giá 23,5 tỷ Yen (220 triệu USD), được tích hợp vào gói kích thích kinh tế khẩn cấp của Chính phủ Nhật Bản, nhằm giảm bớt đà đi xuống của nền kinh tế do Covid-19, sẽ giúp các công ty đa dạng hóa chuỗi cung ứng bằng việc hỗ trợ tài chính để xây dựng các cơ sở sản xuất, cũng như những nghiên cứu khả thi tại các nước ASEAN.
Sáng kiến này được đưa ra sau khi nhiều hãng sản xuất ô tô và các nhà chế tạo khác của Nhật Bản bị thiếu hụt phụ tùng sản xuất ở Trung Quốc, sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát vào cuối năm 2019 ở thành phố Vũ Hán, thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc, miền Trung Trung Quốc.
Trong một nỗ lực khác nhằm củng cố chuỗi cung ứng, Chính phủ Nhật Bản sẽ chi 220 tỷ Yen để thúc đẩy sản xuất trong nước các mặt hàng hiện phải nhập khẩu nhiều từ những khu vực nhất định.
Cũng nằm trong gói kích thích kinh tế nói trên, những khoản trợ cấp này sẽ hỗ trợ tài chính cho các công ty nhật Bản chuyển địa điểm sản xuất ở nước ngoài về trong nước.
Chương trình này cũng nhằm vào những nhà sản xuất các mặt hàng thiết yếu cho người dân Nhật Bản, hướng tới "một cuộc sống lành mạnh" trong bối cảnh đại dịch, trong đó có khẩu trang và dung dịch sát khuẩn. Các công ty này cũng có thể nhận được trợ cấp khi mở thêm nhà máy hoặc thúc đẩy công suất hiện có của mình ở Nhật Bản.
(Bangkok Post)
Bộ trưởng Thương mại Singapore: Hiệp định RCEP dự kiến vẫn được ký kết trong năm nay TGVN. Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Singapore Chan Chun Sing khẳng định Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) ... |
Pháp hỗ trợ tài chính cho Việt Nam và 4 nước ASEAN khác chống dịch Covid-19 TGVN. Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) đã cung cấp một gói hỗ trợ công tác phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trị ... |
ASEAN tìm cách hồi sinh ngành du lịch hậu dịch Covid-19 TGVN. Bộ trưởng Du lịch của 10 nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã tham dự một hội nghị đặc ... |