Nhỏ Bình thường Lớn

Tính “chắt bóp” của Nữ hoàng Elizabeth II

Hoàng gia Anh luôn là một trong những đề tài thu hút sự chú ý đặc biệt của báo chí nước này, bất chấp việc các cơ quan mật vụ luôn tìm đủ mọi cách để ngăn cản bất cứ một thông tin nhỏ nhất nào về cuộc sống thường nhật của gia đình quyền quý nhất nước Anh lọt ra ngoài.


Đầu năm 2009, tờ The Daily Mail công bố một thông tin cho biết, điện Burkingham vừa thay thế một loạt những tấm thảm mới, mỗi chiếc trị giá tới 60 nghìn bảng, chưa kể tiền công sửa chữa và đổi mới nội thất trong 3 ngày cũng lên tới 250 nghìn bảng.

Dù câu chuyện trên đi cùng với bình luận cho rằng,  hoàng gia đã có nhiều chi tiêu thái quá tiền đóng thuế của người dân, nhưng tờ báo trên không có một lời chỉ trích Nữ hoàng về chuyện này. Âu đó cũng là chuyện công bằng, vì Nữ hoàng 82 tuổi của nước Anh thực ra luôn là một tấm gương về đức tính tiết kiệm và giản dị cho những công dân của mình...

Sinh ra trong gia đình hoàng tộc, nhưng Nữ hoàng Elizabeth ngay từ trẻ đã thể hiện được phong cách của một con người xông xáo, không nề hà một việc gì. Chẳng hạn như khi mới là một công chúa, bà đã là người phụ nữ đầu tiên của hoàng gia vào phục vụ cho quân đội, thậm chí từng lái xe tải trong thời gian chiến tranh.

Cần phải kể một chi tiết đáng chú ý là, trong suốt nhiều thập kỷ cai trị của Nữ hoàng Elizabeth, đã có hàng chục cựu nhân viên của điện Burkingham cho công bố nhiều hồi ký khác nhau về cuộc sống trong dinh cơ của hoàng gia, nhưng họ đã không thể bới móc được một tật xấu đáng kể nào của bà.

Về thói quen ăn uống, bà hoàng lại thích dùng những món ăn đơn giản đồng thời cũng không ăn quá nhiều. Đây cũng là một lý do quan trọng được những người thân cận đưa ra để giải thích về tình trạng sức khỏe tuyệt vời của Nữ hoàng. 

Ngay khi còn trẻ, Nữ hoàng Elizabeth II cũng không chi phí những khoản tiền lớn cho quần áo, chỉ ưa thích phong cách bảo thủ. Khi có tuổi, bà cũng dần giảm bớt những chi phí cho quần áo.

Có lần bà còn bỏ qua nguyên tắc về nghi lễ khi hai lần công khai xuất hiện trước công chúng trong cùng một bộ đồ. Công chúng còn biết ít nhất một trường hợp nữ hoàng đã bảo thợ may phải may quần áo cho mình từ một tấm vải là quà của một vị nguyên thủ tại Trung Đông từ 20 năm trước.

Do hiểu được tính cách thực tế và tiết kiệm của nữ hoàng, những người thân cận thường cố gắng tặng cho bà những món quà thực sự có ích. Chẳng hạn như Hoàng tử Andrew từng tặng cho bà chiếc điện thoại di động đầu tiên. Còn vào dịp 8/3 năm ngoái, bà được tặng một chiếc xe ngựa mới dùng cho những dịp diễu hành.

Các thành viên trong chính phủ nhân ngày sinh nhật Nữ hoàng đã chung nhau tặng bà một bộ đồ sứ. Cần biết là sở thích uống trà cũng được coi là một trong những "điểm yếu" ít ỏi của Nữ hoàng.  

Bên ngoài điện Burkingham.

Nữ hoàng Elizabeth II cũng không có thói quen tốn tiền cho những chuyện giải trí. Lúc rảnh rỗi, bà thường thích chơi trò đoán ô chữ được.. cắt ra từ báo. Theo cựu phát ngôn viên Dick Arbiter của điện Burkingham, Nữ hoàng luôn cố gắng hạn chế đến mức cao nhất có thể những lần tới rạp hát hay hòa nhạc vì không muốn cơ quan an ninh phải vất vả.

Mặt khác, Nữ hoàng cũng có thể yêu cầu một nhóm nhạc hay nghệ sĩ yêu thích vào cung biểu diễn bất cứ lúc nào, nhưng bà không bao giờ lạm dụng chuyện này. Những ngoại lệ kiểu trên thường chỉ dành cho các trường hợp Nữ hoàng tiếp đón một nguyên thủ quốc gia nào đó. 

Số lượng ví đầm của Nữ hoàng từng là một trong những đề tài được báo chí quan tâm đến nhiều. Chẳng hạn như trong một phóng sự có nhan đề "Cái gì trong ví đầm của Nữ hoàng và những bí mật khác của hoàng gia", hai tác giả Phil Dampien và Ashley Walton đã tiết lộ với các độc giả tò mò rằng, trong cung điện có tới hơn 200 chiếc ví đầm của Nữ hoàng.

Con số này thoạt nghe có vẻ nhiều, nhưng nếu chia đều cho tổng cộng 57 năm cầm quyền vừa qua của Nữ hoàng thì thấy, bà thay đổi không quá 4 chiếc ví đầm mỗi năm. Chỉ số này không hề cao hơn một nữ công dân trung bình tại châu Âu, khi theo các con số thống kê thường thay ví đầm 4 tháng một lần. 

Tuy nhiên đến năm 2008, người dân Anh đã công khai chất vấn với câu hỏi: Tiền đóng thuế của họ phải trích ra bao nhiêu để phục vụ riêng cho hoàng gia? Theo tuyên bố chính thức của cơ quan đại diện điện Burkingham, con số này không phải là quá lớn - khoảng 40 triệu bảng mỗi năm (nếu chia đều cho toàn bộ số dân Anh, mỗi người chỉ đóng góp có... 66 xu).

Những khoản chi phí chủ yếu trong hoàng gia tập trung vào việc duy trì hoạt động của điện Burkingham và chi phí cho những chuyến đi nước ngoài của nữ hoàng. Những người có quan điểm chống đối chế độ quân chủ tại Anh đã tận dụng chuyện này để chỉ trích những chuyến đi của Nữ hoàng và chồng bà là quá tốn kém.

Gần đây, bản thân Chính phủ và Quốc hội Anh trước những ý kiến của công luận bắt đầu có những xu hướng giảm bớt chi phí từ ngân sách dành cho hoàng gia. Ngay trong tháng 1/2009, Quốc hội đã thẳng thừng từ chối đề nghị của các quan chức điều hành của điện Burkingham, yêu cầu bổ sung cho họ thêm 4 triệu bảng mỗi năm.

Nhiều chính trị gia còn khuyên Nữ hoàng nên mở rộng cửa viện bảo tàng cùng những căn phòng kín đáo khác trong cung điện của mình cho nhiều du khách viếng thăm hơn để có thể tự trang trải cho việc bảo dưỡng, tu sửa phòng ốc tại Burkingham.