Dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại ba nước Indonesia, Singapore và Philippines. (Nguồn: AEC News Today) |
Covid-19: Số ca mắc mới tăng cao ở Thái Lan, Campuchia sắp mở cửa cho du khách quốc tế
Tính đến hết ngày 4/6, ASEAN có thêm 2.033 ca mắc bệnh Covid-19, trong khi tổng số ca tử vong tăng trên 2.900 người.
Trong 24 giờ qua, có hai nước thành viên ASEAN là Indonesia, Philippines ghi nhận các ca tử vong vì Covid-19. Trong ngày, khu vực có 6 nước ghi nhận các ca mắc mới, trong đó Indonesia là nơi dịch bệnh diễn biến nghiêm trọng nhất khu vực. Singapore dù số ca dương tính mới hơn 500 người, song số ca tử vong vẫn duy trì ở mức thấp.
Về tổng thể, dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại ba nước Indonesia, Singapore và Philippines. Trong khi đó, 6 nước khác trong khu vực đang kiểm soát tốt địch bệnh và đã bắt đầu nới lỏng các qui định giãn cách xã hội và khôi phục kinh tế.
Trong 24 giờ qua, Indonesia vẫn là quốc gia Đông Nam Á chứng kiến bệnh dịch diễn biến đáng ngại nhất khi nước này ghi nhận 23 ca tử vong và 585 ca dương tính mới.
Tính tới hết ngày 4/6, quốc gia vạn đảo có tổng cộng 28.818 ca mắc Covid-19 và 1.721 ca tử vong.
Ngoài Indonesia, trong 24 giờ qua khu vực Đông Nam Á chỉ còn Philippines ghi nhận ca tử vong mới vì Covid-19. Hết ngày 4/6, Philippines có tổng cộng 20.382 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và 984 ca tử vong.
Từ đầu tuần này, hàng triệu người dân thủ đô Manila đã đi làm trở lại, trong bối cảnh nhà chức trách Philippines quyết định nới lỏng một trong những lệnh phong tỏa dài nhất thế giới do dịch Covid-19 để phục hồi kinh tế.
Thái Lan ngày 4/6 xác nhận 17 ca mắc Covid-19 từ những người trở về từ nước ngoài, nhưng không ghi nhận thêm trường hợp tử vong nào vì dịch bệnh này.
Trong số 17 ca mới nói trên, có 13 người trở về từ Kuwait. Như vậy, tính đến ngày 4/6, Thái Lan đã ghi nhận tổng cộng 3.101 ca mắc Covid-19, trong đó có 58 trường hợp tử vong. Quốc gia Đông Nam Á này cũng đã chữa khỏi cho 2.968 bệnh nhân Covid-19 và hiện còn 75 người đang được điều trị tại các bệnh viện.
Ngày 4/6, Malaysia ghi nhận 277 ca mắc bệnh Covid-19, đây là mức tăng lớn nhất trong ngày được ghi nhận kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát trở lại ở Malaysia vào cuối tháng 2 vừa qua.
Trong số các ca mắc mới, có 271 ca là người nước ngoài, bao gồm 270 ca phát hiện ở Trung tâm Giam giữ Nhập cư Bukit Jalil và 1 ca phát hiện tại một công trường xây dựng ở Pudu, đều thuộc Kuala Lumpur. Đối với 6 ca nhiễm Covid-19 mới là người Malaysia có 4 ca lây nhiễm trong cộng đồng và 2 ca từ nước ngoài về.
Ngày 4/6, Bộ Y tế Campuchia thông báo đã chọn trường Trung học Hun Sen Champuvorn làm điểm kiểm tra sức khỏe cho du khách đến Campuchia. Trung tâm này được trang bị 200 giường, ở gần sân bay quốc tế Phnom Penh. Ngoài việc chuẩn bị đón du khách nước ngoài, Campuchia cũng đang thúc đẩy du lịch nội địa đi đôi với đảm bảo an toàn phòng dịch Covid-19.
Trong ngày 4/6, các nước khác ở Đông Nam Á như Brunei, Việt Nam, Lào hay Timor Leste không ghi nhận ca Covid-19 nào.
(TTXVN/TGVN)
Thông qua Tuyên bố chung Bộ trưởng Kinh tế ASEAN+3
Chiều 4/6, các Bộ trưởng kinh tế ASEAN và 3 nước đối tác gồm Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đã họp theo hình thức trực tuyến nhằm triển khai chỉ đạo mà các nhà lãnh đạo đã đưa ra tại Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN+3 về ứng phó với dịch Covid-19 vào ngày 14/4. Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh chủ trì hội nghị.
Kết quả nổi bật của Hội nghị là các Bộ trưởng đã thông qua Tuyên bố chung về giảm thiểu tác động kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.
Tuyên bố chung đưa ra các biện pháp nhằm kiềm chế áp dụng các biện pháp không cần thiết có thể ảnh hưởng tới dòng lưu chuyển của hàng hóa thiết yếu, thuốc và vật tư y tế trong khu vực.
Cùng với đó, tiếp tục dỡ bỏ các hàng rào phi thuế quan cho dòng lưu chuyển hàng hóa và dịch vụ trong chuỗi cung ứng nhưng vẫn đảm bảo các biện pháp hạn chế nhằm mục đích phòng chống dịch Covid-19.
Đặc biệt, các Bộ trưởng cũng khuyến khích việc xây dựng các hướng dẫn cho phép di chuyển của thương nhân qua biên giới mà không làm ảnh hưởng đến các nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2.
Ngoài ra, nỗ lực tận dụng hiệu quả Quỹ Dự trữ gạo ASEAN+3 và tìm kiếm khả năng phát triển kho dự trữ vật tư thiết bị y tế thiết yếu. Mặt khác, hỗ trợ và cho phép các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs) tận dụng công nghệ và thương mại số; thúc đẩy hợp tác hải quan để tạo thuận lợi cho việc thông qua hàng hóa ở cửa khẩu.
Để cụ thể hóa Tuyên bố chung Bộ trưởng Kinh tế ASEAN+3, các nước thống nhất sẽ tiếp tục xây dựng Kế hoạch hành động ASEAN+3 với những biện pháp cụ thể hơn.
Việc các nước ASEAN+3 thông qua tuyên bố chung và chuẩn bị Kế hoạch hành động cụ thể cho thấy rõ hơn sự đồng thuận và hợp tác của ASEAN với 3 nước đối tác lớn trong khu vực với tinh thần “Gắn kết và chủ động thích ứng” nhằm ứng phó với dịch Covid-19 cũng như sẵn sàng đối mặt với các thách thức khác trong tương lai.
(TTXVN/TGVN)
Bali đã đóng cửa các điểm du lịch kể từ ngày 20/3. (Nguồn: AFP) |
Các nước ASEAN đẩy mạnh kích cầu du lịch nội địa
Khi du lịch đang bị ảnh hưởng mạnh bởi Covid-19, các khách sạn ở Thái Lan đang đua nhau tạo ra những chương trình khuyến mại để thúc đẩy du lịch nội địa. Hướng đi này đang được các nước khác trong khu vực tích cực thúc đẩy để kích cầu du lịch nội địa.
Angkana Tanetvisetkul, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Kata Karon, đại diện cho hơn 40 khách sạn thuộc sở hữu tại Phuket, cho biết, nếu doanh thu không được cải trong ba tháng tới, nhiều cơ sở sẽ không có đủ tiền trả cho nhân viên.
Trong khi du lịch quốc tế vẫn còn là một chặng đường dài ở phía trước vì không chỉ thế giới mà chính ngay trong ASEAN sự lây lan của Covid-19 cũng còn phức tạp. Mặc dù vậy, các chính phủ vẫn hy vọng từng bước mở lại các điểm du lịch nổi tiếng như Bali với các khách du lịch quốc tế chọn lọc. Bali sẽ mở cửa lại cho người dân địa phương vào tháng tới, với khách du lịch nước ngoài có khả năng quay trở lại từ tháng 9.
Ở Đông Nam Á, du lịch đóng góp khoảng 12,1% GDP của khu vực và tạo ra 13,3% việc làm. Ngành công nghiệp du lịch tăng trưởng 4,6% ở Đông Nam Á năm ngoái đã vượt xa mức trung bình toàn cầu 3,5%.
Tại Việt Nam, ngành du lịch cũng đang có gói kích cầu du lịch nội địa ấn tượng, có sự kết hợp của các hãng du lịch, các hãng bay, khách sạn… Hy vọng du lịch nội địa sẽ góp phần cải thiện ngành du lịch trong bối cảnh Covid-19.
(Japan Times)
Công ty Singapore xây dựng nhà máy điện than trị giá 1,7 tỷ USD tại Lào
Chính phủ Lào đã phê duyệt một kế hoạch của công ty năng lượng Singapore để phát triển một nhà máy nhiệt điện mới trị giá 1,7 tỷ USD ở phía nam Lào. Tập đoàn năng lượng Evolution Power Corporation Corporation (EPIC) đã ký một thỏa thuận với công ty xây dựng và sửa chữa cầu đường Khounmixay (KMX) của Lào để tiến hành nghiên cứu khả thi cho dự án.
Nhà máy này sẽ sản xuất khoảng 1.000 megawatt (MW) năng lượng. Nhà máy này sẽ được vận hành bằng các nguồn nhiên liệu được khai thác trong nước. Lào có trữ lượng khoảng 600-700 triệu tấn than, chủ yếu là than non.
Lào hiện chỉ vận hành một nhà máy nhiệt điện lớn, nhà máy đốt than non Hongsa với công suất 1.878 MW nằm gần tỉnh Nan của Thái Lan. Nhà máy Hongsa cung cấp 1/3 tổng sản lượng năng lượng của Lào, nhưng đa phần được xuất khẩu sang Thái Lan.
Hiện nay, cũng tồn tại nhiều vấn đề liên quan tới môi trường và nguồn nước liên quan tới nhà máy nhiệt Hongsa. Nhiều người cũng đang lo lắng về những tác động tới môi trường sống của người dân từ dự án khổng lồ sắp tới của Singapore.
(ASEAN Today)