📞

Tin tức ASEAN buổi sáng 6/11: Hội nghị Cấp cao ASEAN 37, Indonesia bước vào suy thoái

Quang Đào 10:09 | 06/11/2020
TGVN. Thông tin về Hội nghị Cấp cao ASEAN 37, Trung Quốc thúc đẩy ký sớm RCEP... là những thông tin chính trong bản tin ASEAN ngày hôm nay.

Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37

Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các hội nghị liên quan sẽ diễn ra từ ngày 12-15/11 tại Hà Nội theo hình thức trực tuyến dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Cũng nằm trong những hoạt động trọng nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN của Việt Nam còn có Hội nghị Cấp cao ASEAN+1 với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Hoa Kỳ, Australia, và Liên hợp quốc.

Ngoài ra, một số hội nghị khác bao gồm Hội nghị Cấp cao của các nhà lãnh đạo ASEAN-New Zealand, Hội nghị Cấp cao ASEAN+3 lần thứ 23, Hội nghị Cấp cao Đông Á lần thứ 15, Hội nghị Cấp cao các nước tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hội nghị Cấp cao Mekong-Nhật Bản, Mekong-Hàn Quốc, Hội nghị Cấp cao hợp tác Campuchia-Lào-Myanmar-Việt Nam lần thứ 10 và Hội nghị Cấp cao Khu vực tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam.

Hoạt động bên lề gồm có hội nghị thượng đỉnh lần đầu tiên của các nhà lãnh đạo nữ ASEAN, Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh và đầu tư ASEAN, Hội nghị kinh doanh Đông Á. Trước đó, từ ngày 9-11/11, các Bộ trưởng phụ trách các trụ cột cộng đồng ASEAN và các quan chức cấp cao sẽ họp trù bị.

Phó Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Dương Hoài Nam thông tin thêm, trong Hội nghị lần này, Thủ tướng Chính phủ cùng lãnh đạo ASEAN và các đối tác ASEAN sẽ thảo luận về quá trình xây dựng cộng đồng ASEAN, hoàn tất ưu tiên sáng kiến ASEAN2020, thúc đẩy quan hệ đối tác ASEAN. Ngoài ra, theo thông lệ các nhà lãnh đạo sẽ trao đổi các vấn đề trong khu vực và thế giới cùng quan quan tâm, định vị và phát huy vai trò trung tâm của ASEAN, đặc biệt trong thế giới thời kỳ hậu đại dịch Covid-19.

(TGVN)

Các Hội nghị ASEAN diễn ra trong ngày 5/11

Hội nghị Hội đồng Chánh án các nước ASEAN (CACJ) lần thứ 8 do Tòa án nhân dân tối cao Việt Nam đăng cai tổ chức đã bế mạc chiều 5/11.

Hội nghị đã đạt được sự đồng thuận rất cao trong các vấn đề, trong đó đáng chú ý là việc thông qua kế hoạch hoạt động cho 6 nhóm công tác của CACJ gồm: xây dựng Cổng thông tin điện tử tòa án các nước ASEAN (AJP); tạo điều kiện cho hoạt động tống đạt giấy tờ tư pháp trong lĩnh vực dân sự giữa các nước ASEAN; quản lý án và ứng dụng công nghệ tại tòa án; về tranh chấp xuyên quốc gia liên quan đến trẻ em; về đào tạo tư pháp; về Hội nghị ASEAN+ của CACJ.

Kết thúc hội nghị, Hội đồng Chánh án các nước ASEAN đã cùng ký tuyên bố Hà Nội.Theo đó, CACJ đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong việc đăng cai và chuẩn bị cho Hội nghị, ghi nhận tác động của đại dịch Covid-19 và những giải pháp đối phó với ảnh hưởng của đại dịch.

Cùng ngày, Diễn đàn nhân dân ASEAN 2020 (APF 2020) diễn ra theo hình thức trực tuyến đã khai mạc với chủ đề "Đoàn kết nhân dân Đông Nam Á vì một cộng đồng bao trùm, gắn kết và chủ động thích ứng". Diễn đàn dự kiến kéo dài trong 3 ngày, từ 5 đến 7-11.

Tham dự APF 2020 có hơn 250 đại biểu đại diện các tổ chức nhân dân, phi chính phủ Việt Nam, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài hoạt động tại Việt Nam và khoảng 500 đại biểu đại diện các tổ chức nhân dân, phi chính phủ ở 10 nước Đông Nam Á tham gia bằng hình thức trực tuyến.

11 chủ đề thảo luận của APF 2020 là những thách thức ASEAN đang đối mặt. Đó là: Hòa bình-an ninh; nhân quyền và tiếp cận công lý; sinh thái bền vững; lao động và nhập cư; chủ nghĩa khu vực thay thế; kinh tế chuyển đổi và đoàn kết, thương mại, đầu tư và quyền lực doanh nghiệp; cuộc sống và phẩm giá; văn hóa và nghệ thuật; đổi mới, công nghệ mới và quyền kỹ thuật số; phân biệt chủng tộc và chủ nghĩa cực đoan tôn giáo.

(TTXVN/TGVN)

RCEP là động lực phục hồi kinh tế toàn cầu hậu Covid-19

Trung Quốc thúc đẩy ký sớm RCEP

Đó là khẳng định của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, nhằm đóng một vai trò lớn hơn trong thương mại toàn cầu.

"Chúng tôi sẽ làm việc để Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) sớm được ký kết, đồng thời thúc đẩy đàm phán hiệp định đầu tư Trung Quốc-Liên minh châu Âu (EU) và thỏa thuận tự do thương mại Trung Quốc-Nhật Bản-Hàn Quốc", ông Tập phát biểu qua video tại lễ khai mạc Hội chợ nhập khẩu quốc tế Trung Quốc (CIIE). Bài phát biểu không nhắc đến Mỹ, quốc gia đã ở trong cuộc thương chiến với Trung Quốc suốt hơn 2 năm qua.

RCEP sẽ trở thành thỏa thuận tự do thương mại (FTA) lớn nhất thế giới sau khi được 15 quốc gia trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương ký kết trong năm nay như dự kiến. 15 thành viên RCEP bao gồm 10 nước Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), trong đó có Việt Nam, cùng Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, và New Zealand.

(Tân Hoa xã)

Indonesia chính thức bước vào suy thoái kể từ năm 1998

Từ tháng 7 đến tháng 9, tổng sản phẩm nội địa (GDP) của Indonesia giảm 3,49%. Nền kinh tế quốc gia đông dân nhất Đông Nam Á trong quý 2 cũng giảm 5,32% so với cùng kỳ năm trước.

Giới chức Indonesia ước tính trong năm 2020 có 3,5 triệu người mất việc làm. Chính phủ Indonesia và ngân hàng trung ương nước này đều đã hành động để giảm tác động đối với kinh tế từ dịch Covid-19.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã đề nghị chính phủ tăng sử dụng ngân sách từ nay đến cuối năm.

Nhà kinh tế học Gareth Leather tại công ty nghiên cứu Capital Economics nhận định: “Mặc dù Indonesia chưa kiểm soát được dịch Covid-19 nhưng số ca mắc mới có chiều hướng chững lại. Điều này sẽ tạo điều kiện để nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội”.

Chính phủ Indonesia đã điều chỉnh giảm dự báo về kinh tế vài lần và ước tính GDP của nước này trong năm nay sẽ giảm trong khoảng 0,6-1,7%.

Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, đến 20 giờ ngày 5/11 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm Covid-19 tại Indonesia là 425.796 trường hợp, trong đó có 14.348 người tử vong.

(TTXVN)