Cập nhật 7h ngày 6/8: Tình hình dịch bệnh tại Philippines và Indonesia vẫn diễn biến phức tạp. (Nguồn: Reuters) |
Covid-19 tại ASEAN: Toàn khối trên 7.800 ca tử vong, dịch bệnh trở lại Singapore
Tính tới hết ngày 5/8, ASEAN ghi nhận thêm 6.259 ca mắc bệnh Covid-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 7.800 người.
Trong 24 giờ qua, ASEAN chỉ có hai quốc gia Indonesia và Philippines ghi nhận các ca tử vong vì virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2).
Indonesia vẫn là quốc gia có số ca tử vong/ngày cao nhất khu vực, diễn biến dịch chưa thấy dấu hiệu hạ nhiệt, thậm chí ngày càng nghiêm trọng hơn. “Quốc gia vạn đảo” đang dẫn đầu khu vực về tổng số bệnh nhân cũng như nạn nhân tử vong do đại dịch.
Ngày 5/8, Indonesia ghi nhận 1.815 ca mắc Covid-19 và 64 ca tử vong, đưa tổng số ca mắc và tử vong lên lần lượt 116.871 và 5.452.
Trước diễn biến dịch Covid-19 còn phức tạp, Chính phủ Indonesia cũng vừa quyết định nâng chỉ tiêu thâm hụt ngân sách nhà nước năm 2021 lên 5,2% GDP. Đề xuất này sẽ sớm được trình lên Hạ viện vốn trước đó đã nhất trí với đề xuất của chính phủ nâng thâm hụt ngân sách năm 2021 từ 4,17% lên 4,7% GDP.
Trong khi đó, tại Philippines, dịch bệnh đang quay trở lại trong mấy ngày qua với nhiều diễn biến đáng ngại, khi số ca mắc mới tại nước này tăng vọt và vượt qua cả Indonesia về số ca mắc/ngày.
Hiện nay, tổng số ca mắc Covid-19 của Philippines đã gần đuổi kịp Indonesia. Trước diễn biến mới, nhà chức trách Philippines cho biết sẵn sàng tái áp đặt các biện pháp giãn cách phòng dịch nghiêm ngặt.
Trong 24 giờ qua, Philippines ghi nhận 3.462 ca mắc Covid-19 và 9 ca tử vong. Tính đến nay, quốc gia Đông Nam Á này ghi nhận 115.980 ca mắc Covid-19, cao thứ 2 tại khu vực Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia. Tổng số ca tử vong tại Philippines hiện lên tới 2.123 ca.
Tại Singapore, trong 24 giờ qua tăng vọt số ca nhiễm thêm 908 trường hợp, mức cao nhất kể từ ngày 1/5. Đến nay, Singapore ghi nhận 54.254 người mắc bệnh với 27 ca tử vong.
Bộ Y tế và Thể thao Myanmar công bố báo cáo chính thức cho biết, tính đến ngày 5/8, Myanmar ghi nhận 355 ca mắc và 6 ca tử vong do Covid-19.
Là nhóm đối tượng dễ chịu nhiều tổn thương do ảnh hưởng của đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19, trẻ em đường phố tại một số khu vực của Myanmar đã nhận được thực phẩm cứu trợ từ chính phủ nước này trong khuôn khổ dự án phòng chống dịch bệnh đang được triển khai trên khắp cả nước.
U Swan Yi Ya - một quan chức thuộc Bộ Phúc lợi xã hội, Cứu trợ và Tái định cư Myanmar, ngày 4/8 cho biết hiện dự án đã được triển khai thực hiện tại các vùng Mandalay và Yangon.
Một số nước khác trong khu vực đang kiểm soát tốt dịch bệnh và đời sống kinh tế-xã hội bắt đầu trở lại, trong số này có Thái Lan và Malaysia. Tuy nhiên, dịch bệnh nhìn chung vẫn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát trở lại. Trong ngày, Đông Nam Á có tới 8 quốc gia ghi nhận các ca bệnh mới. (TTXVN/TGVN)
Campuchia bắt đầu mở lại các trường tư thục giai đoạn 1
Nhật báo Khmer Times dẫn nguồn từ Bộ Giáo dục Thanh niên và Thể thao Campuchia công bố quy trình hoạt động tiêu chuẩn đối với 20 trường tư thục có tiêu chuẩn an toàn cao được phép mở cửa trở lại trong giai đoạn 1 tại thủ đô Phnom Penh và các tỉnh Siem Riep, Battambang trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn tiếp diễn.
Hướng dẫn của Bộ trên cho biết các quy chuẩn gồm các điều kiện lớp học, thư viện, phòng thí nghiệm, căng tin, nhà vệ sinh và thiết bị rửa tay phải được khử trùng trước khi trường mở cửa trở lại; giáo viên phải duy trì nhiệt độ trong lớp học tối thiểu 24 độ C, mở cửa sổ hoặc cửa ra vào để cung cấp đủ ánh sáng và không khí trong lớp học; bàn ghế lớp học phải cách nhau ít nhất 2m và sĩ số không quá 25 học sinh/lớp; tránh tụ tập đông người, học sinh phải đứng cách xa nhau 1,5m; tạm thời đóng cửa thư viện, sân chơi, khu thể thao; cấm buôn bán thực phẩm xung quanh các trường học.
Theo người phát ngôn Bộ Giáo dục Thanh niên và Thể thao Campuchia, giai đoạn 2 và giai đoạn 3 của việc mở cửa lại các trường học phụ thuộc vào việc đánh giá của các trường tư thục được mở trở lại trong giai đoạn 1. (TTXVN/Khmer Timses)
Nền tảng số hóa hiện đang được một hiệp hội gồm 18 công ty Nhật Bản phát triển, sử dụng công nghệ chuỗi khối (blockchain technology) để ngăn chặn nguy cơ tấn công mạng. (Nguồn: TTXVN) |
Nhật Bản dự định giới thiệu nền tảng số hóa với ASEAN
Ngày 5/8, Chính phủ Nhật Bản thông báo dự định giới thiệu một nền tảng số với ASEAN để số hóa mọi tài liệu liên quan tới trao đổi thương mại.
Các nguồn tin cho biết Nhật Bản hy vọng nền tảng này sẽ củng cố chuỗi cung ứng tại khu vực mà nhiều công ty của nước này đặt cơ sở sản xuất, đồng thời thúc đẩy hơn nữa quan hệ kinh tế với 10 quốc gia thành viên ASEAN.
Nền tảng số hóa hiện đang được một hiệp hội gồm 18 công ty Nhật Bản phát triển, sử dụng công nghệ chuỗi khối (blockchain technology) để ngăn chặn nguy cơ tấn công mạng đánh cắp dữ liệu. Tham gia hiệp hội có ba công ty hàng đầu Nhật Bản gồm NTT Data Corp., Mitsubishi Corp., và Nippon Express Co. Dự kiến, nền tảng này sẽ được đưa vào thử nghiệm trong năm nay tại một quốc gia thành viên ASEAN.
Với ưu điểm giúp giảm việc trao đổi giấy tờ giữa các bên tham gia hoạt động thương mại, nền tảng này được kỳ vọng sẽ giúp giảm đáng kể các chi phí và thời gian xử lý các tài liệu hải quan. Nền tảng cũng giúp số hóa các bước phát hành tín dụng thư của các ngân hàng và các hợp đồng bảo hiểm thương mại.
Các nguồn tin trên cho biết, hệ thống này tích lũy dữ liệu nên trong trường hợp xảy ra các gián đoạn trong chuỗi cung ứng, hệ thống có thể cung cấp chức năng tìm kiếm những nhà cung ứng thay thế dựa trên lịch sử trao đổi thương mại và tín dụng. Việc phát triển nền tảng được thực hiện trong bối cảnh Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản đang chủ trương cấp vốn cho việc kiến tạo những cơ hội kinh doanh thông qua các dự án kỹ thuật số tại các quốc gia châu Á. (Kyodo)
Xem xét những sáng kiến mới về hợp tác tài chính trong ASEAN+3
Ngày 5/8 tại Hà Nội diễn ra Hội nghị Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN+3 (AFCDM+3).
Đây là hội nghị quan trọng trong chuỗi các sự kiện hợp tác tài chính ASEAN và ASEAN+3 do Việt Nam chủ trì trong năm 2020, nhằm chuẩn bị nội dung cho Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN+3 dự kiến vào tháng 9 tới.
Tham dự hội nghị có đại diện Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Giám đốc Văn phòng Nghiên cứu kinh tế vĩ mô khu vực ASEAN+3 (AMRO), Phó Tổng Thư ký ASEAN, Thứ trưởng Tài chính, Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương các nước trong khu vực ASEAN+3. Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà và Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng đồng chủ trì hội nghị cùng với các đối tác Nhật Bản.
Tại hội nghị, các Thứ trưởng Tài chính, Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương các nước ASEAN cùng với các đối tác Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản đã thảo luận về các sáng kiến hợp tác tài chính của khu vực như: đa phương hóa Sáng kiến Chiềng Mai (CMIM), Phát triển thị trường trái phiếu châu Á (ABMI), xem xét những sáng kiến mới về Hợp tác tài chính trong ASEAN+3 và thông qua các chính sách, kế hoạch hoạt động trung hạn của AMRO.
Hội nghị hoan nghênh những tiến độ đạt được trong việc tiếp tục hoàn thiện Thoả thuận Sáng kiến Chiềng Mai CMIM nhằm đáp ứng các yêu cầu mới của thị trường tài chính và phù hợp với cơ chế phối hợp giữa CMIM và IMF, hướng tới mục tiêu đưa CMIM trở thành công cụ hữu hiệu nhằm bổ sung cho mạng lưới an ninh tài chính khu vực và toàn cầu.
Hội nghị đánh giá cao những nỗ lực của Văn phòng Nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) với tư cách là một tổ chức quốc tế trong thời gian qua đã triển khai tích cực các hoạt động giám sát kinh tế vĩ mô và hỗ trợ các nước tăng cường năng lực xây dựng chính sách, trong điều kiện còn khó khăn hạn chế về nhân sự và ngân sách. Hội nghị cũng đã thông qua Kế hoạch ngân sách và nhân sự của AMRO cho năm 2021 và Báo cáo đánh giá năng lực Giám đốc AMRO năm 2019. (TTXVN/TGVN)