📞

Tin tức ASEAN buổi sáng 7/4

09:30 | 07/04/2020
TGVN. Cập nhật tình hình Covid-19 tại ASEAN, Covid-19 gây ảnh hưởng đến tiến trình xóa nghèo đói của ASEAN... là những thông tin được đề cập trong bản tin ASEAN hôm nay
Indonesia trải qua một ngày có số ca nhiễm mới tăng kỷ lục, kèm theo tình trạng đáng lo ngại khi có tới 24 bác sĩ đã tử vong. (Nguồn: Anadolu)

Cập nhật tình hình Covid-19 tại ASEAN

Tính tới rạng sáng 7/4, ASEAN ghi nhận tổng cộng 14.000 ca mắc bệnh Covid-19, trong đó có 457 người tử vong. Indonesia trải qua một ngày có số ca nhiễm mới tăng kỷ lục, kèm theo tình trạng đáng lo ngại khi có tới 24 bác sĩ tử vong.

Bộ Y tế Indonesia ngày 6/4 xác nhận có thêm 218 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc Covid-19 lên 2.491. Đây là mức tăng cao nhất trong ngày tại Indonesia kể từ khi quốc gia này phát hiện ca bệnh đầu tiên cách đây một tháng. Số ca tử vong tại quốc gia này lên 209, con số cao nhất tại châu Á, ngoại trừ Trung Quốc.

Cùng ngày hãng tin Reuters dẫn nguồn Hiệp hội Y khoa Indonesia cho biết có 24 bác sĩ nước này đã tử vong vì nhiễm SARS-CoV-2. Con số tử vong trong đội ngũ nhân viên y tế đã tăng gấp đôi kể từ tuần trước, sau những chỉ trích về tình trạng thiếu thiết bị bảo hộ tại Indonesia.

Malaysia hiện là quốc gia có số người mắc Covid-19 nhiều nhất Đông Nam Á, với 3.793 ca và 62 ca tử vong. Thủ tướng Muhyiddin Yassin ngày 6/4 đã công bố gói kích thích kinh tế trị giá 10 tỷ ringgit (khoảng 2,3 tỷ USD) nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở nước này.

Tại Philippines, có thêm 414 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 tính đến cuối ngày 6/4, nâng tổng số ca mắc bệnh lên 3.660. Số ca tử vong do Covid-19 cũng tăng thêm 11 ca lên 163. Trong khi đó, tổng cộng 73 trường hợp đã hồi phục.

Hiện tổng số bệnh nhân Covid-19 ở Thái Lan là 2.220 ca và 26 ca tử vong. Ngày 6/4 là ngày Thái Lan ghi nhận số ca nhiễm mới thấp nhất trong ngày kể từ ngày 20/3. Thái Lan vẫn duy trì lệnh tình trạng khẩn cấp quốc gia cho đến hết tháng 4 này. Cảnh sát Thái Lan đã bắt giữ gần 1.200 người vi phạm lệnh giới nghiêm được áp đặt từ ngày 3/4.

Bộ Y tế Singapore xác nhận hết ngày 6/4, quốc gia này có thêm 66 ca mắc Covid-19 mới, cùng với 2 chùm lây nhiễm mới, nâng tổng số ca lây nhiễm lên 1.375 trường hợp, trong đó 344 bệnh nhân đã hồi phục hoàn toàn; 571 ca vẫn đang điều trị nhưng chỉ có 25 bệnh nhân cần chăm sóc đặc biệt.

Trong số các quốc gia còn lại trong khối, Brunei, Campuchia và Myanmar không ghi nhận thêm ca nhiễm mới hay tử vong nào trong ngày 6/4, lần lượt dừng ở 135, 114 và 21 ca. Lào có thêm một ca mắc Covid-19 mới, lên 12 ca.

(TGVN/TTXVN)

ASEAN-Mỹ ra Tuyên bố chung Hội nghị trực tuyến liên ngành giữa các quan chức cao cấp

Ngày 6/4, ASEAN và Mỹ đã công bố Tuyên bố chung Hội nghị trực tuyến liên ngành giữa các quan chức cao cấp trong ứng phó với dịch bệnh Covid-19 và các thách thức y tế công cộng.

Trước đó, Hội nghị đã diễn ra ngày 1/4 vừa qua, do Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng SOM ASEAN-Việt Nam, Chủ tịch Nhóm công tác của Hội đồng Điều phối ASEAN và Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương David Stilwell đồng chủ trì.

(TGVN)

Điều kiện để đẩy mạnh các dự án bền vững ở ASEAN

Theo một báo cáo về tài trợ cơ sở hạ tầng bền vững trong ASEAN được Viện Quan hệ Quốc tế Singapore (SIIA) công bố, Đông Nam Á cần sự hợp tác, kỹ năng và sự minh bạch mạnh mẽ hơn trong việc đẩy mạnh các dự án bền vững cho các nhà đầu tư.

Báo cáo cũng đưa ra một số khuyến nghị cho ASEAN như triệu tập một Hội nghị thượng đỉnh về cơ sở hạ tâng để nhấn mạnh Kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN 2025 như một kế hoạch chi tiết cho các dự án cơ sở hạ tầng ở ASEAN, phát triển các sáng kiến của mỗi quốc gia thành viên và theo dõi dòng tài chính bền vững cho các dự án điện và giao thông.

Ngoài ra, Ban thư ký ASEAN có thể đi đầu trong việc phát triển một danh mục các quỹ xanh và bền vững cho các dự án cơ sở hạ tầng trong khu vực.

Chen Chen Lee, thành viên cao cấp tại SIIA, một trong những đồng tác giả của báo cáo, cho biết: Singapore và ASEAN cần phải biến cơ sở hạ tầng bền vững thành nền tảng cho sự phát triển và khả năng phục hồi lâu dài của khu vực. Những thách thức như thiên tai và tắc nghẽn giao thông đang gây ảnh hưởng khá nhiều đến chất lượng cuộc sống của người dân.

Thu hẹp khoảng cách cơ sở hạ tầng đòi hỏi tài chính xanh và tài chính bền vững, giúp đẩy dòng vốn hiệu quả vào các hoạt động bền vững và đáp ứng các mối quan tâm về khí hậu trong khi khu vực vẫn tiếp tục đạt được tăng trưởng.

(Business Times)

Covid-19 ảnh hưởng đến tiến trình xóa nghèo đói của ASEAN. (Nguồn: Jakarta Post)

Covid-19 ảnh hưởng đến tiến trình xóa nghèo đói của ASEAN

Không ai có thể thoát khỏi tác động của đại dịch Covid-19, tuy nhiên có những lo ngại rằng người nghèo ở ASEAN có thể là một trong những đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ dịch bệnh.

Trong một báo cáo được công bố vào cuối tháng 3, Ngân hàng Thế giới (WB) đã đưa ra một số dự đoán khá ảm đạm về nghèo đói ở khu khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, bao gồm tất cả các nước ASEAN, trừ Brunei và Singapore.

Trong trường hợp xấu nhất, khu vực có thể giúp 24 triệu người thoát nghèo nhưng 11 triệu người sẽ lại rơi vào tình trạng đói nghèo trong năm 2020. Theo đó, những người nghèo được định nghĩa là sống ở mức 5,5 USD trở xuống mỗi ngày.

Theo WB, tăng trưởng kinh tế trong khu vực sẽ bị đình trệ và Indonesia, Malaysia, Philippines và Thái Lan đều sẽ thấy tăng trưởng âm và khu vực ASEAN sẽ có thể thấy tỷ lệ người nghèo tăng lên. WB lưu ý rằng, ở Indonesia, những người không có sự bảo trợ xã hội đầy đủ có nguy cơ rơi vào tình trạng nghèo đói cao hơn.

Mặc cho những triển vọng bi quan này, WB tin rằng các chính phủ có thể làm gì đó để giảm thiểu tác động của đại dịch đối với người nghèo trong khu vực. Đó có thể là đầu tư mạnh mẽ vào chăm sóc sức khỏe và trợ cấp cho lực lượng lao động, đầu tư nhiều hơn vào giáo dục, một trong những động lực chính giúp người dân thoát nghèo...

(ASEAN Today)

Ở nhà và hát karaoke với JOOX

Ứng dụng âm nhạc JOOX của gã khổng lồ công nghệ Tencent (Trung Quốc) đang ngày một thu hút lượng lớn người dùng tại khu vực Đông Nam Á. Việc cách ly xã hội và hạn chế đi lại tại nhiều nơi trên thế giới do dịch Covid-19 đã khiến lưu lượng truy cập đến dịch vụ karaoke của JOOX tăng từ 30-50%, tùy theo khu vực.

Ngoài Đông Nam Á, JOOX ngày càng phổ biến ở Hong Kong (Trung Quốc) và Nam Phi, hiện đang cạnh tranh vị trí số 1 trong những dịch vụ phát nhạc với Youtube Music và Spotify. Khác với các ứng dụng âm nhạc đó, JOOX còn cho phép người dùng hát karaoke trực tiếp với bạn bè và được nhận quà trực tuyến từ tiền ảo trong ứng dụng.

(Reuters)