Philippines đã trở thành tâm dịch Covid-19 của ASEAN. |
Tình hình Covid-19 tại ASEAN
Tính tới rạng sáng ngày 7/8, ASEAN có tổng số nhiễm Covid-19 là trên 300.000 ca, trong khi tổng số ca tử vong là 7.900 người. Trong ngày 6/8, ASEAN ghi nhận 5.791 ca mắc và 99 ca tử vong. Philippines đã vượt Indonesia và trở thành ổ dịch lớn nhất Đông Nam Á.
Ngày 6/8, Philippines đã ghi nhận 3.561 ca mắc, nâng tổng số người mắc bệnh lên 119.460 trường hợp. Số ca tử vong cũng tăng lên 2.150 người sau khi có thêm 28 người chết.
Trong cuộc họp báo trực tuyến ngày 6/8, Cơ quan Thống kê Philippines (PSA) cho biết trong quý II năm nay, kinh tế quốc gia Đông Nam Á này đã giảm tới 16,5% so với cùng kỳ năm 2019. Mức suy giảm GDP này cao hơn nhiều so với mức giảm 0,7% trong quý I và là mức giảm lớn nhất tính theo quý của Philippines kể từ năm 1981.
Bộ Y tế Indonesia ngày 6/8 thông báo có thêm 1.882 ca mắc, đưa tổng số người mắc bệnh tại nước này lên 118.753 trường hợp. Trong khi đó, số ca tử vong cũng tăng 69 người, theo đó tổng số người chết vì Covid-19 tăng lên 5.521 trường hợp.
Nhằm hỗ trợ người dân, Chính phủ Indonesia sẽ chuyển tiền mặt vào tài khoản ngân hàng của 13,8 triệu lao động trong vòng 4 tháng tới nhằm thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng và phục hồi nền kinh tế sau dịch Covid-19.
Bộ Du lịch Campuchia dự kiến trong tình huống xấu nhất, ngành du lịch nước này sẽ phải mất 7 năm mới có thể trở lại mức như trước khi xảy ra đại dịch Covid-19. Trong tình huống xấu nhất, Campuchia sẽ thiệt hại khoảng 3 tỷ USD doanh thu từ du khách nước ngoài, khiến đóng góp của ngành du lịch vào Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) giảm từ 12% xuống dưới 10%. Còn trong tình huống khả quan nhất, ngành du lịch Campuchia sẽ cần 5 năm để có thể hồi phục như trước khi xảy ra đại dịch.
Bộ Nhân lực Singapore cho biết, khoảng 265.000 lao động nước ngoài, chủ yếu làm trong lĩnh vực xây dựng, sửa chữa tàu biển và lĩnh vực chế biến…, đủ điều kiện được chấp thuận quay trở lại làm việc. Trong số này, khoảng 180.000 người là công nhân sống trong các khu ký túc xá.
Bộ Y tế Singapore cũng khẳng định các cơ quan chức năng đang tích cực tiến hành các biện pháp khử trùng để đảm bảo tất cả khu ký túc xá công nhân nước ngoài không còn virus SARS-CoV-2 trước ngày 7/8. Tuy nhiên, còn 17 khu nhà ở cách biệt tại 8 khu ký túc xá phức hợp sẽ tiếp tục được sử dụng làm các cơ sở cách ly. Các khu nhà này đang tiếp nhận 9.700 công nhân.
Tại Việt Nam, Bản tin 6h sáng ngày 7/8 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 cho biết đã có thêm 3 ca mắc mới liên quan đến Đà Nẵng, trong đó Quảng Trị 2 ca, Thanh Hoá 1 ca. Việt Nam có 750 ca bệnh.
(TGVN/TTXVN)
Lễ thượng cờ ASEAN tại Trụ sở Bộ Ngoại giao Việt Nam, sáng ngày 7/8. |
ASEAN: Chặng đường 53 năm phát triển
Được thành lập vào năm 1967, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sẽ tròn 53 tuổi vào ngày 8/8/2020, đánh dấu 53 năm đóng vai trò nòng cốt nhằm thúc đẩy hòa bình và an ninh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tiến bộ xã hội và phát triển văn hóa ở Đông Nam Á.
Cộng đồng ASEAN được thành lập vào ngày 31/12/2015, với ba trụ cột chính là Cộng đồng Chính trị - An ninh, Cộng đồng Kinh tế và Cộng đồng Văn hóa - Xã hội, ASEAN có tầm nhìn trở thành bản hòa ca của các quốc gia Đông Nam Á - hướng ngoại, chung sống hòa bình, ổn định và thịnh vượng, gắn kết với nhau trong quan hệ đối tác phát triển trong một môi trường phát triển năng động và một cộng đồng xã hội quan tâm lẫn nhau.
ASEAN ngày nay được coi là hình mẫu hợp tác khu vực thành công trên thế giới. 10 quốc gia Đông Nam Á đã trở thành một cộng đồng thống nhất, với uy tín ngày càng được nâng cao trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới.
Đáng chú ý, ASEAN đã thể hiện rõ lập trường kiên định về duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn và tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông thông qua việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử các bên ở Biển Đông năm 2002 (DOC) và mong muốn sớm hoàn thành Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) hiệu quả và thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm cả UNCLOS 1982.
Về phát triển kinh tế, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đã thành lập một thị trường duy nhất và rộng mở với nhiều cơ hội đầu tư từ năm 2015. Trong hơn nửa thế kỷ, ASEAN đã trở thành nền kinh tế lớn thứ năm trên thế giới với tổng GDP hơn 3,2 nghìn tỷ USD vào năm 2019 và dự kiến sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ tư vào năm 2050. Tổng giá trị thương mại quốc tế vượt 2,8 nghìn tỷ USD vào năm ngoái. Khu vực này cũng trở thành tâm điểm của đầu tư trực tiếp nước ngoài, thu hút trên 150 tỷ USD mỗi năm.
Đại dịch Covid-19 đã gây áp lực không nhỏ tới tính liên kết và khả năng phản ứng của tổ chức. Tuy nhiên, ASEAN đã thể hiện mức độ phản ứng cao trong thời điểm khó khăn này bằng cách thúc đẩy ngoại giao kỹ thuật số, dưới sự dẫn dắt của Chủ tịch ASEAN 2020 là Việt Nam. Hầu hết các quan chức ASEAN đã nhanh chóng thích ứng với các phương tiện giao tiếp kỹ thuật số phức tạp hơn. Các cuộc họp trực tuyến cho thấy ASEAN có khả năng điều chỉnh lịch trình và nhanh chóng ứng phó với tình hình mới.
Bên cạnh hợp tác nội khối, ASEAN còn mở rộng quan hệ với nhiều đối tác bên ngoài quan trọng như ASEAN + 3, ASEAN + 6, ... Trên cơ sở quan hệ đối ngoại rộng mở, bao gồm 10 đối tác đối thoại, trong đó có tất cả các cường quốc trên thế giới, vị thế, tiếng nói và vai trò trung tâm của ASEAN ngày càng được củng cố. Sự phát triển và hợp tác vững chắc của ASEAN đã góp phần quan trọng vào thành tựu chung của thế giới, trở thành đối tác quan trọng của các nước lớn trong và ngoài khu vực.
(The Daily Star)
Triển khai hợp tác giữa FIFA và ASEAN
Ngày 5/8, FIFA tổ chức hội nghị trực tuyến với đại diện các Liên đoàn bóng đá và cơ quan quản lý thể thao các quốc gia ASEAN, nhằm thống nhất kế hoạch triển khai thực hiện Bản ghi nhớ về sự phát triển bóng đá giai đoạn 2021-2025, được ký kết vào ngày 2/11/2019 tại Thái Lan.
Hội nghị cũng thảo luận về các vấn đề liên quan đến mục tiêu phát triển bền vững của thể thao Đông Nam Á, trong đó tập trung vào 4 chủ đề chính: thể thao trong sạch, thể thao cho phát triển, chương trình bóng đá học đường và xây dựng năng lực chuyên môn trong quản lý thể thao nói chung và bóng đá nói riêng.
Với mục tiêu đưa bóng đá đến gần hơn với trẻ em trên toàn thế giới, FIFA hi vọng có thể thông qua các chương trình bóng đá học đường tại ASEAN để thu hút trẻ em các quốc gia trong khu vực ngày càng tích cực tham gia tập luyện và thi đấu bóng đá, đồng thời, đan xen các hoạt động giáo dục thể chất và kỹ năng sống để đem lại sự phát triển toàn diện cho trẻ.
Đối với mục tiêu xây dựng năng lực chuyên môn, hội nghị xác định đây là một mục tiêu quan trọng, hướng đến việc thúc đẩy quá trình quốc tế hóa của bóng đá khu vực ASEAN. Trong đó, các hoạt động được tập trung thảo luận tại hội nghị bao gồm: nâng cao tiêu chuẩn bóng đá quốc tế và đảm bảo an ninh, an toàn tại các trận đấu bóng đá.
(FIFA)
| Quỹ Ứng phó dịch Covid-19 của ASEAN sẵn sàng trợ giúp quốc gia gặp khó TGVN. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cũng thông tin thêm về tiến trình chuẩn bị cho Hội nghị ... |
| Vấn đề Biển Đông: Kêu gọi ASEAN đoàn kết, Ngoại trưởng Malaysia nói sẽ 'có lời' với Mỹ, Trung Quốc TGVN. Ngày 5/8, Ngoại trưởng Malaysia Hishamuddin nói rằng, nước này cần đảm bảo không bị lôi kéo và kêu gọi sự đoàn kết của ... |
| Mỹ sẽ tiếp tục trợ giúp các nước ASEAN ứng phó dịch bệnh Covid-19 TGVN. Ngày 5/8, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng SOM ASEAN của Việt Nam đã tham dự Đối thoại ASEAN-Mỹ lần thứ 33 ... |