Lượng kiều hối ở khu vực ASEAN giảm
Báo cáo mới được công bố của Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế Vĩ mô ASEAN + 3 (Amro) cho biết, lượng kiều hối của người lao động nhập cư trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) quý II/2020 đã giảm so với cùng kỳ năm ngoái, đảo ngược mức tăng trưởng của năm 2019.
Theo báo cáo, hóa đơn chuyển tiền trong quý II/2020 giảm 8,7% ở Campuchia, 22% ở Indonesia, 1,3% ở Thái Lan và 9,3% ở Philippines.
Nguyên nhân là do sự bùng phát dịch bệnh viêm đường hô hấp Covid-19 đã dẫn đến tình trạng mất việc làm hàng loạt trên toàn khu vực, bao gồm cả những người lao động nhập cư. Đây là một dấu hiệu đáng lo ngại đối với thu nhập hộ gia đình và nền kinh tế địa phương.
Lượng kiều hồi tại khu vực ASEAN giảm trong Quý II/2020 - Ảnh minh họa. (Nguồn: Business Times) |
Báo cáo cảnh báo rằng, những hậu quả của dịch bệnh tác động đến kinh tế, tình trạng hạn chế đi lại kéo dài và sự thay đổi cơ cấu trong thị trường lao động có thể khiến nhiều cơ hội việc làm bị mất và không thực hiện được việc tái triển khai lao động nhập cư.
Do đó, các quốc gia xuất khẩu lao động ra nước ngoài cần mở rộng mạng lưới an sinh xã hội, hỗ trợ các chương trình đào tạo và củng cố thị trường lao động trong nước nhằm đáp ứng tốt hơn cho người lao động khi trở về nước trong trung hạn, đặc biệt là khi lượng kiều hối thấp cũng ảnh hưởng đến cán cân thương mại và thu thuế.
Bên cạnh đó, báo cáo cũng lưu ý xu hướng thế giới cho thấy có sự cải thiện trong dòng tiền gửi về các nước sau tháng 4 và tháng 5, khi các hoạt động kinh tế được nối lại sau làn sóng dịch đầu tiên. Tuy nhiên, sự phục hồi này có thể không thực chất vì đang che giấu những điểm yếu, chẳng hạn như sự phụ thuộc ngày càng nhiều vào các kênh chuyển tiền chính thức có thể làm tăng các số liệu về dòng tiền, mặc dù giá trị chuyển tiền không thay đổi hoặc thậm chí giảm.
(The Business Times)
Ngành du lịch Thái Lan sẽ mất 4 năm để phục hồi hoàn toàn
Ngày 7/12, Bộ trưởng Tài chính Thái Lan Arkhom Termpittayapaisit dự báo nước này sẽ đón 8 triệu du khách nước ngoài vào năm tới và phải sau 4 năm nữa mới đạt đến mức 40 triệu du khách như trước khi bùng phát đại dịch Covid-19.
Kinh tế Thái Lan giảm 12,1% quý II và 6,4% quý III năm nay, trong đó ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng nề. Nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á này được cho là sẽ mất 2 năm để phục hồi, nhưng lĩnh vực du lịch, ngành kinh tế chính, sẽ phải đợi đến ít nhất là năm 2024.
Chi tiêu của gần 40 triệu khách du lịch nước ngoài trong năm 2019 chiếm 12% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Thái Lan, đạt 2.000 tỷ Baht (66 tỷ USD), trong đó chi tiêu của khách du lịch Trung Quốc chiếm khoảng 1/3.
Ngành du lịch của Thái Lan sẽ mất tới 4 năm để phục hồi hoàn toàn. (Nguồn: Thaiger) |
Cho đến nay, Thái Lan vẫn chưa dỡ bỏ lệnh cấm du lịch được áp dụng từ tháng 4 dù tình hình Covid-19 đã được cải thiện đáng kể và hầu hết những hạn chế nhằm kiểm soát dịch bệnh đã được dỡ bỏ. Gần đây, nước này bắt đầu tiếp nhận một số lượng hạn chế khách du lịch nước ngoài đến bằng thị thực đặc biệt, có thời hạn lưu trú lên tới 90 ngày và có thể gia hạn 2 lần, với những yêu cầu phòng dịch và cách ly nghiêm ngặt.
Dự kiến, số lượng khách du lịch nước ngoài tới Thái Lan trong năm 2020 sẽ đạt khoảng 6,7 triệu lượt, nhưng phần lớn trong số đó đã đến Thái Lan từ quý I, trước khi có lệnh cấm. Số lượng du khách nước ngoài dự báo cho năm 2021 là 8 triệu lượt, năm 2022 là 16 triệu lượt, năm 2023 là 32 triệu lượt và năm 2024 là 40 triệu lượt.
Trong năm nay, tốc độ tăng trưởng GDP của Thái Lan có thể tốt hơn dự báo. Nền kinh tế đã xuất hiện các dấu hiệu cải thiện trong quý III/2020 sau khi các điều kiện kinh tế chạm đáy trong quý trước đó. Ngân hàng Trung ương Thái Lan ước tính GDP của nước này sẽ giảm 7,8% trong năm 2020 và phục hồi tăng trưởng 3,6% trong năm 2021.
(The Bangkok Post)
Tình hình Covid-19 tại Đông Nam Á diễn biến phức tạp, Indonesia đón lô vaccine đầu tiên
Tối 7/12, theo thông báo của Bộ Y tế Campuchia, số ca lây nhiễm Covid-19 cộng đồng tại Campuchia đã tăng lên 33 người. Bệnh nhân mới nhất là một sinh viên 22 tuổi, người đã mua sắm tại cửa hàng Zando hôm 27/11, sau đó có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2.
Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen thông báo ông đã yêu cầu Bộ Y tế và Bộ Kinh tế-Tài chính chuẩn bị ngân sách để mua 1 triệu liều vaccine phòng Covid-19 nhằm cung cấp miễn phí cho nhân dân.
Cùng ngày, Indonesia tiếp nhận lô vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên của Trung Quốc, trong bối cảnh nước này đang chuẩn bị triển khai một chương trình tiêm chủng đại trà. Tổng thống Joko Widodo thông báo đã nhận được 1,2 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 từ công ty Sinovac Biotech của Trung Quốc và dự kiến tiếp nhận thêm 1,8 triệu liều vào đầu tháng 1/2021.
Indonesia cũng hy vọng nhận được các lô hàng nguyên liệu để sản xuất 15 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 trong tháng này và 30 triệu liều trong tháng tới.
Liên quan đến vaccine, Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati cho biết trong năm nay, chính phủ nước này chi gần 45 triệu USD để mua vaccine phòng bệnh Covid-19.
Động thái này là tín hiệu đáng mừng, trong bối cảnh tình hình Covid-19 tại Indonesia tiếp tục diễn biến phức tạp, buộc chính quyền thành phố Jakarta phải kéo dài giai đoạn chuyển tiếp của các hạn chế xã hội quy mô lớn (PSBB) thêm 2 tuần, từ ngày 7-21/12.
Thủ đô Jakarta sẽ áp dụng lệnh hạn chế xã hội quy mô lớn trong hai tuần tới. (Ảnh: Liputan6) |
Số ca nhiễm mới tại Jakarta đã tăng 13,4% trong tháng vừa qua, đạt 145.427 ca tính đến ngày 7/12. Cả Thống đốc Jakarta Anies Baswedan và Phó Thống đốc Ahmad Riza Patria đều xét nghiệm cho kết quả dương tính với Covid-19 vào tuần trước. Theo thống kê, tỷ lệ lấp đầy giường tại 98 bệnh viện được chỉ định chữa trị bệnh nhân Covid-19 trên toàn địa bàn thủ đô đã tăng lên 79% vào ngày 5/12 từ mức 56% vào ngày 7/11.
Bất chấp các ca nhiễm mới gia tăng, ông Anies khẳng định rằng đại dịch Covid-19 vẫn đang được kiểm soát tại Jakarta dựa trên số liệu dịch tễ học được thu thập trong 2 tuần qua. Ngoài ra, tỷ lệ xét nghiệm dương tính tại thủ đô tiếp tục giảm, từ mức 9,1% trong tháng 11 xuống 8,2% hiện nay.
Cuối cùng, Thống đốc Anies tuyên bố rằng chính quyền Jakarta sẽ không ngần ngại thực hiện “chính sách phanh khẩn cấp” - đề cập việc siết chặt PSBB - nếu các chỉ số dịch tễ học cho thấy đại dịch Covid-19 vượt tầm kiểm soát.
(Phnom Penh Post, Jakarta Post)
| Việt Nam chủ trì họp tổng kết Ủy ban ASEAN tại New York TGVN. Cuộc họp Ủy ban ASEAN tại New York do Đại sứ Đặng Đình Quý chủ trì, với sự tham dự của các Đại sứ, ... |
| Straits Times: ASEAN-EU nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược là quyết định 'đúng thời điểm' TGVN. Với tư cách là đối tác chiến lược vào thời điểm diễn ra cuộc cạnh tranh nước lớn, cả Hiệp hội các quốc gia ... |
| Tin tức ASEAN buổi sáng 7/12: RCEP mang động lực mới cho hợp tác ASEAN-Trung Quốc; Lào phong tỏa đặc khu kinh tế vì Covid-19 TGVN. RCEP mang lại động lực mới cho hợp tác ASEAN-Trung Quốc; Toàn khối có 9.213 ca mắc mới; Lào phong tỏa đặc khu kinh ... |