📞

Tin tức ASEAN buổi sáng 9/4

09:30 | 09/04/2020
TGVN. Hơn 10 nghìn người mắc Covid-19 trong cộng đồng ASEAN, WHO kêu gọi ASEAN bảo vệ nhóm người yếu thế, Covid-19 tác động tới quá trình chuyển đổi năng lượng... là những thông tin chính trong bản tin ASEAN buổi sáng 9/4.
Số người nhiễm Covid-19 trong ASEAN đã tăng lên hơn 10 nghìn người. (Nguồn: AEC News Today)

Hơn 10 nghìn người nhiễm Covid-19 trên khắp ASEAN

Tính đến hết ngày 8/4 đã có 11.105 trường hợp mắc Covid-19 ở khắp 10 quốc gia thành viên ASEAN, tăng 379 trường hợp trong vòng 24 giờ, tương đương 3,53%, trong số đó có 195 ca trong tình trạng nghiêm trọng, chiếm 1,76%, nhưng cũng đã có thêm 267 người nhiễm bệnh được xuất viện.

Trong ngày 8/3, Philippines đã báo cáo có số người chết vì Covid-19 cao nhất là 14 người, đưa tổng số người chết vì dịch bệnh ở nước này lên 177 và số người nhiễm bệnh lên tới 3.503, với 104 trường hợp nhiễm mới. Cùng ngày có 11 người được xuất viện và 1 người bị phân loại vào tình trạng nghiêm trọng.

Indonesia - trong 24 giờ qua có thêm 12 trường hợp tử vong, đưa tổng số ca tử vong do Covid-19 lên 221 người. Với 247 trường hợp nhiễm mới và 12 ca xuất viện, số ca nhiễm bệnh ở Indonesia hiện nay là 2.313.

Có 1 trường hợp tử vong vì Covid-19 ở Thái Lan trong 24 giờ qua, 38 trường nhiễm mới, tổng số ca nhiễm là 1.343 với 61 người trong tình trạng nghiêm trọng.

170 trường hợp nhiễm mới ở Malaysia và 1 trường hợp tử vong đã đưa tổng số ca nhiễm tại nước này lên 2.579 và số người tử vong lên 63, 92 bệnh nhân trong tình trạng nghiêm trọng.

Tại Singapore ngày 8/4 có 106 trường hợp nhiễm mới đưa tổng số ca nhiễm lên 1.098, trong đó 29 trường hợp trong tình trạng nghiêm trọng.

Tròn 24 giờ qua, Việt Nam không có ca bệnh mắc Covid-19 mới. Số trường hợp nhiễm Covid-19 đến hiện tại là 251, chưa có ca nào tử vong.

Brunei và Myanmar báo cáo không có ca nhiễm Covid-19 mới trong ngày 8/4. Kể từ khi trường hợp nhiễm Covid-19 đầu tiên được xác định ở Thái Lan vào ngày 12/1, đến nay khu vực đã có 14.741 ca nhiễm với 3.140 người, tương đương khoảng 21,30% đã được điều trị và xuất viện.

(AEC News Today)

ASEAN+3 ra Tuyên bố chung đẩy mạnh hợp tác ứng phó Covid-19

Nhân Ngày Sức khỏe Thế giới, vào ngày 7/4 diễn ra các cuộc họp trực tuyến Bộ trưởng Y tế ASEAN và Bộ trưởng Y tế ASEAN+3 (gồm các nước ASEAN và Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc). Cả hai cuộc họp đã ra Tuyên bố chung đẩy mạnh hợp tác ứng phó dịch Covid-19.

Tại hai cuộc họp trực tuyến Bộ trưởng Y tế ASEAN và Hội nghị Bộ trưởng Y tế ASEAN+3, các nước ASEAN và Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đã chia sẻ kinh nghiệm trong phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Các Bộ trưởng Y tế ASEAN và ASEAN+3 bày tỏ tình đoàn kết, quyết tâm cao trong chống dịch Covid-19, tuân thủ nghiêm các hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhằm giảm thiểu thiệt hại do đại dịch Covid-19 gây ra.

Tuyên bố chung cuộc họp trực tuyến các Bộ trưởng Y tế ASEAN và Tuyên bố chung cuộc họp trực tuyến các Bộ trưởng Y tế ASEAN+3 được đưa ra trong bối cảnh tình trạng nguy cấp của đại dịch Covid-19 kể từ ngày 11/3, dựa trên Tuyên bố Chủ tịch về Ứng phó chung ASEAN trước dịch bệnh Covid-19. Chủ tịch luân phiên ASEAN nhấn mạnh về tầm quan trọng của tình đoàn kết ASEAN và tinh thần gắn kết, tương trợ lẫn nhau trong đối mặt với dịch bệnh và những thách thức tương tự, cũng như tái khẳng định cam kết Sức khỏe cho mọi người dân trong ASEAN, sẵn sàng ứng phó, phát hiện sớm và điều trị kịp thời, ngăn ngừa dịch bệnh lây lan.

Tuyên bố chung nêu rõ, đẩy mạnh chia sẻ thông tin, ngăn ngừa, phát hiện sớm dịch bệnh, biện pháp ứng phó, cập nhật giám sát dịch tễ học, nghiên cứu lâm sàng về virus, hướng dẫn kỹ thuật thông qua các cơ chế hợp tác lĩnh vực sức khỏe hiện hành của ASEAN như các cuộc họp SOM ASEAN, ASEAN+3, Mạng lưới Văn phòng đáp ứng khẩn cấp (EOC) ASEAN, Mạng lưới đào tạo dịch tễ học ASEAN+3 và Trung tâm BioDiaspora Virtual ASEAN.

(Đời sống & Sức khỏe)

Những người nghèo cần được quan tâm hơn trước đại dịch Covid-19. (Nguồn: Jakarta Post)

WHO kêu gọi ASEAN bảo vệ nhóm người yếu thế trước Covid-19

Hiện có thể nói số ca nhiễm Covid-19 trong khu vực ASEAN nhỏ hơn so với Mỹ, Italy hoặc Tây Ban Nha. Tuy vậy, không ai dám chắc chắn điều gì trong những tuần tới, nếu đại dịch tràn qua hàng triệu người nghèo - những người sống trong khu ổ chuột trên khắp các nước ASEAN.

WHO đã kêu gọi Chính phủ các nước ASEAN thực hiện các hành động quyết liệt hơn để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, bảo vệ nhóm người yếu thế trong xã hội. Một điều chắc chắn, cuộc khủng hoảng sẽ tàn phá kinh tế và xã hội khu vực trong thời gian tới, dịch Covid-19 cũng đã cho thấy một cộng đồng nghèo và dễ bị tổn thương, làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng đang gia tăng ở một số quốc gia.

Tại Thái Lan, hàng trăm công nhân xây dựng di cư bị mắc bệnh, hầu hết không có điều kiện, thậm chí không có khẩu trang, thuốc khử trùng tay hoặc không thể tiếp cận thông tin về dịch bệnh.

Singapore cũng có rất nhiều lao động nhập cư, họ sống trong những ký túc xá tồi tàn, mật độ đông đúc, thiếu vệ sinh và ít thông tin về dịch bệnh. Do vậy, nguy cơ lây nhiễm Covid-19 trong nhóm này là rất cao.

Hàng triệu cư dân khu ổ chuột ở Philippines hay Indonesia cũng đã lên tiếng về sự khan hiếm hàng cứu trợ, họ không thể tự bảo vệ mình trước dịch bệnh, không được hưởng các lợi ích y tế.

Mặc dù các chính phủ ASEAN đang tập trung vào việc làm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh, nhưng điều quan trọng không kém là cần phải tăng cường bảo vệ xã hội cho nhóm người yếu thế. Theo WHO, Covid-19 sẽ không phải là đại dịch cuối cùng mà chúng ta thấy, cũng không phải là tồi tệ nhất.

Covid-19 và các thảm họa liên quan đến biến đổi khí hậu đã bộc lộ những lỗ hổng mới. ASEAN cần nhanh chóng đầu tư vào việc củng cố và mở rộng các hệ thống bảo trợ xã hội và mở rộng khả năng tiếp cận với các dịch vụ thiết yếu như y tế, giáo dục, nước và vệ sinh.

Khi làm như vậy, ASEAN có thể có cơ hội giảm thiểu thiệt hại từ Covid-19, giảm thiểu tác động đối với các nhóm nghèo và dễ bị tổn thương ở thành thị.

(Bangkok Post)

Covid-19 tác động tới quá trình chuyển đổi năng lượng tái tạo

Các chuyên gia cho rằng, kế hoạch của khu vực Đông Nam Á về sự chuyển đổi nhanh chóng từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo có thể sẽ bị giảm tốc độ do cuộc khủng hoảng kinh tế và thị trường gây ra bởi đại dịch Covid-19.

Các quốc gia Đông Nam Á vốn đang vật lộn để đạt được các mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu sẽ càng khó khăn hơn sau đại dịch Covid-19. Việc thăm dò triển khai các dự án năng lượng hạt nhân, đang được một số quốc gia như Indonesia và Philippines xem xét trong thời gian gần đây, có thể sẽ bị trì hoãn vô thời hạn.

"Các Chính phủ trong khu vực có ít khả năng cung cấp hỗ trợ tài chính trực tiếp và chuỗi cung ứng năng lượng tái tạo đang bị gián đoạn. Do vậy, quá trình chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo có thể bị trì hoãn vài năm ở nhiều quốc gia”, Tiến sĩ Philip Andrew-Speed tại Đại học Quốc gia Singapore nhận định.

(Channel New Asia)