Trong 24 giờ qua, ASEAN ghi nhận 1.892 ca mắc bệnh Covid-19 và 71 ca tử vong. (Nguồn: Tân Hoa xã) |
Covid-19 tại ASEAN: Thái Lan sắp thử vaccine ở người, Campuchia có thêm 15 ca mắc
Trong 24 giờ qua, ASEAN ghi nhận 1.892 ca mắc bệnh Covid-19 và 71 ca tử vong. Như vậy, tới hết ngày 12/7, Covid-19 đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 5.193 người dân ở khu vực Đông Nam Á, trong khi số ca mắc tăng lên 188.850 ca. Bên cạnh đó, các nước ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 104.105 trường hợp.
Ngày 12/7, Bộ Y tế Indonesia ghi nhận thêm 1.681 ca mắc Covid-19, nâng tổng số ca mắc bệnh lên 75.699 người. Trong khi đó, số ca tử vong vì dịch bệnh cũng tăng thêm 71 ca lên 3.606.
Hiện Indonesia là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất khu vực Đông Nam Á. Đáng chú ý, quốc gia này mới phát hiện một ổ dịch liên quan tới một học viện quân sự, với gần 1.300 người có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2.
Sáng 12/7, Bộ Y tế Campuchia xác nhận thêm 15 trường hợp mắc Covid-19, là những công dân Campuchia trở về nước từ Saudi Arabia hôm 10/7 trên chuyến bay có tổng cộng 94 hành khách và quá cảnh Malaysia.
Tính đến thời điểm hiện tại, Campuchia ghi nhận 156 trường hợp mắc Covid-19, trong đó 133 người đã khỏi bệnh.
Bộ Y tế Singapore cho biết, ngày 12/7 ghi nhận 178 ca Covid-19 mới, nâng tổng số ca bệnh lên 45.961. Trong các ca nhiễm mới chỉ có một trường hợp là công dân Singapore bị lây nhiễm trong cộng đồng, một trường hợp lây nhiễm "nhập khẩu" và số còn lại là công nhân nhập cư sống trong các khu nhà tập thể.
Theo Bộ Giáo dục Singapore, ca lây nhiễm cộng đồng vừa phát hiện là một nữ sinh trung học, có liên quan đến một ca lây nhiễm trước đó học cùng trường.
Ngày 12/7, một quan chức Thái Lan cho biết các nhà nghiên cứu nước này đang chuẩn bị cho các thử nghiệm vaccine phòng bệnh Covid-19 trên người vào tháng 11 tới, với mục tiêu có một loại vaccine sẵn sàng được đưa vào sử dụng trước cuối năm sau. Tính đến ngày 12/7, Thái Lan ghi nhận tổng cộng 3.217 ca mắc bệnh, trong đó có 58 ca tử vong, không ghi nhận ca lây nhiễm trong cộng đồng trong hơn một tháng qua.
(TTXVN/TGVN)
Khoảng 1/3 doanh nghiệp du lịch Thái Lan có nguy cơ đóng cửa vĩnh viễn
Chủ tịch Hội đồng Du lịch Thái Lan (TCT) Chairat Trirattanajarasporn vừa khuyến cáo khoảng 1/3 doanh nghiệp du lịch ở quốc gia Đông Nam Á này sẽ không còn thanh khoản để duy trì kinh doanh trong nửa cuối năm 2020.
Theo ông Chairat, tác động của đại dịch Covid-19 sẽ trở nên nghiêm trọng nhất vào quý III/2020 sau khi rất nhiều doanh nghiệp đã tìm cách cắt giảm chi phí thông qua việc sa thải nhân viên. Tình hình vẫn chưa được cải thiện sau khi hơn 1 triệu vị trí bị cắt giảm do vẫn chưa có khách du lịch nước ngoài nào được phép vào Thái Lan.
Ông Chairat cho biết, TCT ước tính trong vòng 3 tháng tới sẽ có 30% doanh nghiệp liên quan đến du lịch ở Thái Lan có nguy cơ đóng cửa vĩnh viễn. Chủ tịch TCT nói thêm, một số doanh nghiệp đang bắt đầu bán tài sản như khách sạn, khu nghỉ dưỡng, nhà hàng và cửa hàng bán đồ lưu niệm cho các nhà đầu tư muốn biến những nơi đó thành công việc kinh doanh khác. Tuy nhiên, do kinh doanh bất động sản cũng bị tác động bởi khủng hoảng kinh tế, nên tính thanh khoản của những tài sản này vẫn ảm đạm.
Trước đó, hôm 10/7, TCT đã có một cuộc họp với Thủ tướng Prayut Chan-o-cha và đề xuất 5 biện pháp để giúp đỡ các doanh nghiệp kinh doanh du lịch. Theo ông Chairat, những biện pháp đó bao gồm cung cấp các khoản vay lãi suất thấp cho các doanh nghiệp du lịch; cân nhắc lịch trình mở cửa đất nước cho du khách nước ngoài; giảm giá điện; mở rộng chi trả bồi thường của Văn phòng Bảo hiểm Xã hội cho những nhân viên tạm thời bị thất nghiệp từ tháng 6-12; và giảm đóng góp của chủ sử dụng lao động cho Quỹ Bảo hiểm Xã hội từ 4% xuống 1%.
(TTXVN/TGVN)
Năng lượng hạt nhân, cùng với năng lượng thủy điện quy mô lớn là hai công nghệ quan trọng nhất có thể cung cấp một lượng lớn năng lượng ổn định cho ASEAN. (Nguồn: Nikkei) |
Indonesia và Philippines có nhu cầu xây dựng nhà máy điện hạt nhân
Mặc dù nhiều chuyên gia cho rằng xây dựng các nhà máy điện hạt nhân là một chiến lược không thân thiện với môi trường và tốn kém nhưng cả Indonesia và Philippines gần đây đã đề xuất các kế hoạch phục hồi năng lượng điện hạt nhân.
Từ nay đến năm 2040, ASEAN sẽ gặp phải những thách thức lớn về năng lượng và khí hậu. Trong khi khu vực sẽ tăng tổng nguồn cung năng lượng sơ cấp khoảng 140% từ năm 2015 đến năm 2040, nhu cầu điện cũng sẽ tăng gần gấp 3 trong giai đoạn này, do tăng trưởng về kinh tế và dân số.
Để đáp ứng đủ nguồn cung, tỷ lệ nhiên liệu hóa thạch sẽ tăng từ 83-88%, bao gồm cả việc sử dụng nhiều than hơn. Lượng khí thải carbon dioxide sẽ tăng gần gấp 4 lần, cùng với đó là các tác động có hại tới môi trường.
Năng lượng hạt nhân, cùng với năng lượng thủy điện quy mô lớn là hai công nghệ quan trọng nhất có thể cung cấp một lượng lớn năng lượng ổn định và không thải carbon dioxide. Các nước ASEAN cũng đang nỗ lực bảo đảm một tương lai năng lượng bền vững bằng cách cải thiện hiệu quả năng lượng và mở rộng tỷ lệ năng lượng phi hóa thạch.
Với các kế hoạch hiện tại, năng lượng dựa vào nhiên liệu hóa thạch, chắc chắn ASEAN sẽ tăng sự phụ thuộc vào than, dầu và khí nhập khẩu. Điều này cũng sẽ khiến khu vực dễ bị tổn thương nếu các nguồn cung từ bên ngoài bị ảnh. Ngoài ra, việc tăng lượng khí thải carbon dioxide đi ngược lại với Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu được ký kết năm 2016.
(Nikkei)
ACB hoan nghênh ưu tiên của ASEAN ngăn chặn buôn bán động vật hoang dã
Trung tâm đa dạng sinh học ASEAN (ACB) hoan nghênh lời kêu gọi của Tổng thống Philippines Duterte trong Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36 nhằm tăng cường ứng phó khu vực chống lại đại dịch Covid-19 và cho phép ACB giúp ngăn chặn nạn buôn bán động vật hoang dã trong khu vực.
Tổng thống Duterte nhấn mạnh khu vực phải tăng cường năng lực để giải quyết các dịch bệnh truyền nhiễm trong tương lai.
“Chúng ta có thể làm điều này bằng cách thúc đẩy nghiên cứu và xây dựng năng lực phát triển công nghệ y tế. Chúng ta cần cho phép ACB đóng góp vào việc chống lại nạn buôn bán động vật hoang dã để ngăn chặn sự lây lan của các bệnh từ động vật”, ông Duterte nói trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN 36.
Tại Hội nghị, Việt Nam, trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020 đã khẳng định tầm quan trọng của việc thúc đẩy hợp tác bảo vệ và bảo tồn môi trường với những nỗ lực lớn nhằm giải quyết các vấn đề xuyên suốt cho phát triển bền vững, như biến đổi khí hậu, rác thải biển, bảo tồn đa dạng sinh học, và ô nhiễm khói mù xuyên biên giới.
(BM)