📞

Tin tức ASEAN sáng 21/10: Trung Quốc tìm cách đẩy mạnh quan hệ với ASEAN, chung tay hỗ trợ người dân vùng lũ miền Trung

Quang Đào 09:24 | 21/10/2020
TGVN. Lý do Trung Quốc tăng cường quan hệ với ASEAN, Trung tâm điều phối ASEAN giúp người dân vùng lũ miền Trung... là những thông tin chính trong bản tin ASEAN ngày 21/10.

Lý do Trung Quốc tăng cường quan hệ với ASEAN

Hải quan Trung Quốc cho biết, ASEAN đã vượt qua thị trường Liên minh châu Âu (EU) để trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 9 năm nay. Trong đó, các giao dịch với ASEAN chiếm 14,6% tổng kim ngạch thương mại của Trung Quốc trong khoảng thời gian này.

Trung Quốc đang tìm cách để đẩy mạnh quan hệ hơn nữa với ASEAN.

Trong số các nước thành viên ASEAN, thương mại của Trung Quốc với Việt Nam tăng 18,5%, Thái Lan 10,9% và Malaysia 5,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Sự tăng trưởng này được cho là hệ quả của việc ngày càng nhiều công ty Trung Quốc hoạt động tại các nước ASEAN như một phần của sáng kiến Vành đai và Con đường. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng khẩu trang và thiết bị y tế nhằm giúp các nước ASEAN đối đầu với đại dịch Covid-19.

Đầu tháng này, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã đến thăm các quốc gia ASEAN bao gồm Thái Lan, Malaysia, Lào và Campuchia. Đặc biệt, Trung Quốc đã ký một FTA với Campuchia.

Sau khi về nước, ông Vương nói rằng mối quan hệ bền chặt hơn giữa Trung Quốc và ASEAN sẽ dẫn đến lợi ích chung lớn hơn và phục hồi kinh tế. Ông nhấn mạnh việc Trung Quốc sẵn sàng đóng góp vào các biện pháp chống dịch của khu vực, chẳng hạn như cung cấp vaccine.

Các nhà quan sát nhận định, Trung Quốc dường như đang cố gắng giành lấy ảnh hưởng với các quốc gia thành viên ASEAN và tăng cường sự hiện diện tại khu vực, trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Trung vẫn chưa hạ nhiệt.

(NHK)

Ngành sữa Australia chuyển trọng tâm từ Trung Quốc sang Đông Nam Á

Khi căng thẳng thương mại với Trung Quốc gia tăng, các ngành công nghiệp đa dạng của Australia như bông, lúa mạch, than và thịt đang buộc phải đánh giá lại các chiến lược xuất khẩu của họ. Giờ đây, đến lượt ngành sữa lên kế hoạch không phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc và tập trung hơn vào thị trường ASEAN-6, bao gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.

Theo báo cáo của Rabobank, tuy ngành sữa Australia không bị ảnh hưởng nặng nề, nhưng các nhà sản xuất sữa và các sản phẩm từ sữa cũng bắt đầu nhạy cảm hơn với căng thẳng thương mại Australia-Trung Quốc.

Ngoài ra, nhu cầu sữa của Trung Quốc dự kiến sẽ giảm bớt trong thập kỷ tới khi tốc độ tăng nhu cầu bình quân đầu người có dấu hiệu chậm lại. Điều đó buộc các nhà xuất khẩu sữa phải đánh giá lại chiến lược tăng trưởng xuất khẩu của họ để xem xét tăng đầu tư vào khu vực ASEAN-6.

Báo cáo xác định thâm hụt nhập khẩu sữa tại ASEAN-6 lớn nhất thế giới và sẽ còn gia tăng. Rabobank dự báo thâm hụt sữa hàng năm sẽ đạt gần 19 tỷ lít vào năm 2030, tăng từ mức ước tính 12,9 tỷ lít vào năm 2020. Trong đó, Indonesia và Việt Nam vẫn là những thị trường nổi bật về tăng trưởng trong khu vực, với nền kinh tế có sự kết hợp mạnh mẽ nhất giữa các yếu tố kinh tế vĩ mô và nhân khẩu học tích cực.

(Dynamic Business)

Trung tâm điều phối ASEAN giúp người dân vùng lũ miền Trung

Chiều 20/10, thông tin từ Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai cho biết, vào 9 giờ sáng ngày 21/10, số hàng viện trợ của Trung tâm điều phối ASEAN về điều phối nhân đạo trong thiên tai (Trung tâm AHA) sẽ được bàn giao tại nhà ga hàng hóa - Sân bay Đà Nẵng.

Số hàng viện trợ này gồm 500 bộ sửa chữa nhà cửa và 650 bộ nhà bếp, được chuyển từ kho của ASEAN tại Malaysia.

Đại diện Trung tâm AHA cho biết, họ hy vọng số hàng này sẽ giúp người dân trong vùng bị ảnh hưởng bão lũ có thể khắc phục hậu quả, sớm ổn định cuộc sống.

(PLO)

Cập nhật tình hình Covid-19 tại Đông Nam Á

Tính đến rạng sáng ngày 21/10, các nước ASEAN ghi nhận thêm 7.419 ca nhiễm mới, nâng tổng ca mắc Covid-19 lên 853.590 ca. Ngoài ra, khu vực ghi nhận thêm 167 ca tử vong, nâng tổng số lên 20.687 ca.

Indonesia tiếp tục dẫn đầu khu vực về số ca nhiễm mới, với trên 3.600 ca/ngày. Trong khi đó, hai "điểm nóng" mới tại khu vực là Myanmar và Malaysia đều ghi nhận số ca nhiễm mới ở mức cao. Myanmar hiện đã vượt 37.000 ca nhiễm và trên 900 ca tử vong.

Các quốc gia còn lại trong khối như Singapore, Thái Lan, Campuchia chỉ ghi nhận số ca nhiễm mới ở mức 1 con số, trong khi Việt Nam, Brunei và Lào không có ca nhiễm mới nào trong ngày 20/10.

Tình hình Covid-19 tại Đông Nam Á ngày 20/10.

(TGVN/TTXVN)