Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm Covid-19 tại Manila, Philippines. (Nguồn: AFP) |
Covid-19: Indonesia vẫn là ổ dịch lớn nhất, Myanmar dịch diễn biến phức tạp
Tính tới hết ngày 7/10, khu vực ASEAN ghi nhận thêm 9.278 ca mắc bệnh Covid-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong vượt mốc 18.170 người.
Indonesia là ổ dịch Covid-19 nghiêm trọng nhất trong số các nước ASEAN, khi nước này trong ngày ghi nhận số ca bệnh mới và số ca tử vong mới cao nhất khu vực. Indonesia cũng đứng đầu khu vực về tổng số bệnh nhân tử vong do đại dịch.
Bộ Y tế Indonesia cho biết trong 24 giờ qua, số ca mắc Covid-19 tại Indonesia đã tăng thêm 4.538 ca lên 315.714 ca. Số ca tử vong cũng tăng thêm 98 ca lên 11.472 ca. Dịch bệnh đã lan ra toàn bộ 34 tỉnh trên cả nước. Jakarta là khu vực có số ca nhiễm mới cao nhất với 1.211 ca.
Singapore trong ngày ghi nhận một số ca bệnh mới, nhiều tháng nay không phát sinh ca tử vong mới nào vì Covid-19.
Trong khi đó, Malaysia đáng quan ngại hơn, nguy cơ làn sóng dịch mới đang hiện hữu khi ghi nhận trên 400 ca bệnh phát sinh. Ngày 7/10, Bộ Y tế Malaysia cho biết nước này đã ghi nhận thêm 489 ca mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 13.993 ca.
Ở Myanmar, tình hình đang xấu đi nhanh chóng do nhiều ngày liền ghi nhận số ca mắc mới và tử vong đều tăng nhanh. Nước này ghi nhận 1.400 ca bệnh mới và 39 người tử vong vì virus SARS-CoV-2.
Trong 24 giờ qua, Philippines đã ghi nhận thêm 2.825 ca mắc Covid-19 và 60 trường hợp tử vong. Hiện tổng số ca mắc và tử vong do Covid-19 lần lượt là 329.637 và 5.925.
Thủ đô Manila là khu vực có số ca mắc mới cao nhất. Bộ Y tế Philippines cho biết thêm tính đến nay trên 3,71 triệu người trong khoảng 109 triệu dân tại Philippines đã được xét nghiệm sàng lọc virus SARS-CoV-2.
Đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ông Abeyasinghe ghi nhận Philippines đã rất chủ động thực thi các quy định, cũng như triển khai các biện pháp hạn chế di chuyển cần thiết nhằm ngăn chặn đà lây lan dịch bệnh.
Cùng ngày, Brunei, Campuchia và Lào là những nước ASEAN không có thêm ca bệnh Covid-19 nào trong ngày 7/10. (TTXVN/TGVN)
GPD của Thái Lan có thể giảm 7-9% trong năm 2020
Ủy ban hỗn hợp thường trực về thương mại, công nghiệp và ngân hàng Thái Lan (JSCCIB) ngày 7/10 cho biết, nền kinh tế Thái Lan vẫn sẽ giảm 7-9% trong năm nay, mặc dù xuất khẩu có thể cải thiện phần nào so với dự báo trước đó, do rủi ro từ đại dịch Covid-19.
JSCCIB tuyên bố vẫn giữ dự báo về kinh tế Thái Lan trong năm nay là giảm 7-9%, với lạm phát giảm 1-1,5%. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu dự kiến sẽ giảm 8-10%, thay vì mức giảm 10-12% như dự báo trước đó do có những cải thiện gần đây.
Nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á này ghi nhận mức giảm sâu nhất trong hơn hai thập kỷ trong quý II/2020 do dịch bệnh Covid-19 bùng phát ảnh hưởng đến các ngành du lịch và xuất khẩu vốn chiếm tổng cộng khoảng 60% GDP vào năm ngoái.
Trong khi đó, Hội đồng quốc gia các công ty giao nhận Thái Lan (TNSC) dự báo xuất khẩu của nước này sẽ giảm 8% trong năm nay, cải thiện hơn so với mức giảm 10% được dự đoán từ tháng 7/2020, do nhu cầu toàn cầu đang dần hồi phục.
Trong 8 tháng kể từ đầu năm 2020, xuất khẩu của Thái Lan giảm 7,8%, xuống 153 tỷ USD, trong khi nhập khẩu giảm 15,3%, xuống 135 tỷ USD. Bà Ghanyapad cho biết, các nhà xuất khẩu vẫn đang lo lắng về chi phí vận tải cao hơn và tình trạng thiếu container, đồng Baht mạnh và thiếu hụt lao động nước ngoài. (Bangkok Post/TTXVN)
Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng chủ trì Hội nghị SOM ASEAN ngày 7/10. (Ảnh: Tuấn Anh) |
ASEAN tiếp tục nhấn mạnh quan điểm về Biển Đông
Hội nghị trực tuyến Quan chức Cao cấp (SOM) ASEAN ngày 7/10 đã tái khẳng định tầm quan trọng của an toàn và tự do hàng hải trên biển và trên không ở Biển Đông.
Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng đoàn Quan chức Cao cấp ASEAN-Việt Nam đã chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị có Trưởng SOM các nước thành viên ASEAN và Phó Tổng Thư ký ASEAN.
Trao đổi tại hội nghị, các nước bày tỏ hài lòng về những kết quả đạt được trong hợp tác ASEAN từ đầu năm đến nay. Dưới sự dẫn dắt của Chủ tịch Việt Nam, tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN được triển khai tích cực, trong đó các ưu tiên sáng kiến của ASEAN trong năm 2020 được thực hiện đúng tiến độ. Kiểm điểm giữa kỳ triển khai các Kế hoạch tổng thể Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 của cả 3 trụ cột đang hoàn tất.
ASEAN cũng thống nhất xây dựng Tuyên bố Hà Nội về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025, báo cáo việc kiểm điểm triển khai Hiến chương ASEAN, khuyến khích tăng cường treo cờ ASEAN trong dịp Cấp cao sắp tới. Các nước cũng cho rằng, phát triển tiểu vùng có vai trò quan trọng trong xây dựng Cộng đồng.
Về Biển Đông, Hội nghị tái khẳng định quan điểm của ASEAN tại các Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 và Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 53, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn và tự do hàng hải trên biển và trên không ở Biển Đông.
Các nước cam kết thực thi đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), phối hợp cùng Trung Quốc sớm hoàn tất đàm phán một Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất và hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982. (TGVN)
Vai trò của ASEAN với vấn đề Triều Tiên
Chuyên gia về quan hệ quốc tế Kavi Chongkittavorn nhận định rằng các nước trong khu vực ASEAN cần tăng cường nỗ lực thuyết phục Triều Tiên rằng tương lai của họ gắn liền với sự hội nhập rộng rãi hơn ở khu vực.
Tại Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) mới đây, các vấn đề liên quan đến hòa bình và ổn định trên Bán đảo Triều Tiên đã được các đại biểu tham gia diễn đàn an ninh duy nhất của khu vực này thảo luận rộng rãi.
Lần đầu tiên, diễn đàn an ninh do ASEAN điều phối đã nhắc lại "sự sẵn sàng đóng vai trò mang tính xây dựng, bao gồm cả việc sử dụng những nền tảng do ASEAN làm trung tâm như ARF để thúc đẩy bầu không khí có lợi cho đối thoại hòa bình giữa các bên liên quan".
Trong những năm qua, Triều Tiên cũng đã phát triển quan hệ chặt chẽ hơn với ASEAN. Các chuyến thăm của Chủ tịch Kim Jong-un đến Việt Nam và Singapore - hai nền kinh tế khu vực năng động nhất trong khối ASEAN - đã rút ra những bài học quý giá, đặc biệt là những tiến bộ do cải cách kinh tế mang lại. (Bangkok Post)